Bị chuột rút.
Chuột rút rất hay xảy ra vào giữa thời kỳ mang thai. Khi gặp tình huống này, nên dùng tay xoa bóp cơ bắp chân hoặc từ từ duỗi thẳng chân ra để dần dần giải toả chuột rút.
Để tránh chuột rút vào lúc nửa đêm, người phụ nữ khi mang thai cần rửa chân bằng nước nóng trước khi đi ngủ. Không nên đi lại quá nhiều, nên ăn các loại thực phẩm có nhiều chất. Hãy uống viên canxi một thời gian. Vì chuột rút là do cơ thể người mẹ thiếu một lượng canxi. Do đó, khi cơ thể không còn thiếu canxi thì chứng chuột rút bắp chân sẽ không xảy ra.
Đề phòng bệnh trĩ.
Trong thời gian mang thai, do có sự thay đổi về sinh lý, tử cung lớn dần lên đè nén vào trực tràng ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở trực tràng làm tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng phình to ra, tụ máu. Nếu ăn uống không hợp lý sẽ sinh ra táo bón nên rất dễ sinh ra trĩ.
Không nên quá lo lắng. Để phòng tránh bệnh trĩ có thể xảy ra, người phụ nữ trong thời kỳ mang thai không nên ăn ớt, hồ tiêu và các chất cay nóng khác. Nên ăn nhiều rau xanh và nhất là các loại rau xanh có nhiều xơ. Nếu bí đại tiện thì có thể dùng loại thuốc sau:
– Dùng nước sôi ngâm vị thuốc nhục thung dung mỗi lần 5g uống trước khi đi ngủ.
Ngoài ra nên ăn mật ong, các loại hoa quả nhất là chuối vì chuối có tác dụng nhuận tràng thông đại tiện rất tốt.
Nếu bị táo bón nhiều, phụ nữ có thai không được tự ý dùng các loại thuốc tẩy như đại hoàng, phan tả diệp, tránh gây tử cung co bóp dễ dẫn tới đẻ non.
Chứng đau lưng.
Người phụ nữ trong thời kỳ mang thai rất hay bị đau lưng. Nguyên nhân là do sự phát triển ngày càng lớn dần của thai nhi, nhất là thời kỳ giữa và thời kỳ cuối. Cơ thể của người mẹ phải giữ thăng bằng trong tình huống trọng tâm lệch về phía trước, nghĩa là phải ngửa đầu và nghiêng vai về phía sau còn lưng ưỡn về phía trước nên làm cho cơ bắp lưng luôn ở trong trạng thái căng cơ không tự nhiên; Cơ thắt lưng phải chịu phụ tải thường xuyên. Nếu người phụ nữ không thường xuyên luyện tập thì sẽ cảm thấy bị đau lưng và mỏi sườn.
Cách làm giảm đau lưng:
Tắm nước nóng (ấm vừa phải) có tác dụng tăng tuần hoàn máu vùng thắt lưng sẽ có tác dụng giảm bớt mỏi đau. Có thể dùng tay xoa bóp nhẹ hai bên sườn để làm giảm đau lưng. Nếu có chế độ tập hợp lý. Không nên hoạt động ở một tư thế lâu, đi lại không quá nhiều sẽ giúp ích cho việc giảm đau lưng, mỏi sườn.
Phù chân.
Phù nước là phản ứng sinh lý do thai nghén sinh ra, người mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ cần chú ý nghỉ ngơi. Tốt nhất khi ngồi hoặc nằm kê cao hai chân lên, tránh ăn thức ăn quá mặn. Trường hợp phù quá lớn, đã sử dụng các biện pháp trên mà không giảm lại kèm theo các triệu chứng như váng đầu, buồn nôn, nôn… thì cần phải đến cơ sở y tế để khám.
Khi mang thai, do phải đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của thai nhi nên lượng huyết tương trong máu cũng như dịch thể trong tổ chức trên cơ thể người mẹ tăng lên. Nếu làm việc vất vả. đi lại hoặc ngồi quá lâu thì chân rất dễ bị phù. Vì tử cung ngày càng lớn nên sức ép vào tĩnh mạch về chân nên sinh ra phù nề. Nếu nghỉ ngơi hợp lý thì phù nề sẽ hết.
Nếu đã nằm nghỉ ngơi mà vẫn bị phù thì gọi là phù nước do thai nghén. Có hai loại phù nước do thai nghén: phù ấn lõm và không ấn lõm (cứng). Chẳng hạn: Trên bề mặt da ở chân rất láng bóng, kém đàn hồi, lấy ngón tay ấn vào thì để lại vết lõm – gọi là phù lõm (phù mềm). Nhưng nếu không nhận ra bị phù nề mà trọng lượng có thể tăng nhanh đáng kể (1 tuần tăng 1/2kg) thì gọi là phù không ấn lõm (phù cứng) không thể hiện rõ.
Chảy máu cam.
Phụ nữ mang thai rất dễ bị chảy máu cam vì lượng estrogen tiết ra nhiều hơn làm cho niêm mạc mũi giãn nở, mạch máu ứ đầy.
Nếu thấy hay chảy máu cam thì cũng không nên quá lo lắng và hoảng hốt. Trong những trường hợp như thế, nên ngồi yên tại chỗ, đầu ngửa ra sau, dùng cánh tay ấn cánh mũi bên chảy máu cam. Nếu cả hai mũi đều chảy máu cam thì dùng tay bóp chặt hai cánh mũi lại hoặc dùng bông sạch nút chặt hai lỗ mũi thì càng tốt. Đồng thời đắp khăn bông ướt lên trán làm cho mạch máu co lại một phần, giảm lượng máu chảy giúp cho cầm máu nhanh chóng.
Khi ngửa đầu ra sau, nếu máu chảy xuống họng thì nên nhổ đi chứ đừng nuốt.
Nếu máu chảy quá nhiều thì nên đến bác sĩ để khám.
Núm vú thụt vào trong hoặc bằng.
Núm vú tẹt bằng hoặt thụt vào trong đều là biểu hiện không bình thường của vú. Vì nó sẽ gây ra những khó khăn khi cho con bú. Cho nên cần phải xử lý ngay.
Núm vú tẹt hoặc thụt vào trong là do:
- Lớp cơ trơn của núm vú phát triển không đầy đủ hoặc do phần dưới của núm vú bị hoá sừng.
- Do ống tuyến hoặc u xơ.
Phần lớn phụ nữ chưa sinh mà núm vú tẹt hoặc lõm đều do lớp cơ trơn của núm vú phát triển không đầy đủ.
Xử lý bằng cách:
Cách 1: Dùng tay rửa; một tay nắm bầu vú để cho bầu vú nhô lên, tay kia dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa kéo núm vú từ trong ra ngoài theo hai hướng dọc và ngang. Mỗi lần kéo khoảng vài phút vào lúc tắm hoặc trước khi đi ngủ hay lúc ngủ dậy.
Cách 2: Dùng vỏ ngoài của bơm tiêm thuỷ tinh chụp vào núm vú, dùng ống cao su nối từ đuôi bơm tiêm này đến một bơm tiêm khác rồi hút kéo núm vú ra. Không nên làm cách này quá lâu vì sẽ làm sưng và đau đầu núm vú.
Nếu dùng hai cách trên đều không có hiệu quả thì phải đến bệnh viện để điều chỉnh.
Đối với phụ nữ có tiền sử về sẩy thai, đẻ non thì không nên dùng biện pháp kéo bằng tay trong thời gian mang thai mà chỉ được tiến hành trước khi mang thai và sau khi đẻ. Vì khi dùng tay để lôi núm vú có thể kích thích ở đại não làm cho thuỳ sau tuyến yên tiết ra oxytocin gây co bóp tử cung, nên khi mang thai tháng thứ 5 cần chú ý để tránh gây ra sẩy thai và đẻ non.
Nhiễm độc thai nghén.
Nhiễm độc thai nghén là người phụ nữ khi mang thai bị phù, huyết áp cao, trong nước tiểu có nhiều albumin… Các chứng bệnh này rất hay gặp và thường xảy ra vào tuần thứ 24, hay xuất hiện ở những người chửa lần đầu tiên, đa thai, đa ối…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thai nghén mà đến nay người ta vẫn chưa xác định rõ. Có thể là do cơ thể người phụ nữ mang thai không chịu đựng nổi gánh nặng của thai nghén nên gây ra cản trở các hoạt động chức năng dẫn đến biến chứng.
Nhiễm độc thai nghén xuất hiện đầu tiên là phù nề chân, cơ thể tăng cân quá nhanh sau đó xuất hiện cao huyết áp, albumin niệu. Nếu không kịp thời xử lý thì càng nặng thêm. Lúc đó sẽ xuất hiện thêm một số triệu chứng như: nhức đầu, hoa mắt, tức ngực, nôn oẹ, ù tai… Trường hợp nặng dẫn đến co giật, ngất, ngã, cơ thể cứng đờ, sùi bọt mép. Người ta gọi là sản giật.
Nếu các cơn sản giật diễn ra liên tục sẽ dẫn đến mê man bất tỉnh, thậm chí bị tử vong.
Ngoài ra, nhiễm độc thai nghén còn gây co thắt mạch máu toàn thân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp oxy và dinh dưỡng để thai nhi phát triển, dẫn đến tình trạng thai nhi chậm phát triển hoặc thai yếu, có khi chết trong tử cung.
Ở mức độ nhẹ thì nhiễm độc thai nghén không gây nguy hiểm đối với người mẹ và thai nhi nhưng ở mức độ nặng (sản giật) thì rất nguy hiểm. Cho nên cần phải phát hiện kịp thời và có cách xử lý đúng mức.
* Cách phòng chống và chữa trị:
- Thường xuyên đến cơ sở y tế để kiểm tra nhằm phát hiện bệnh tật kịp thời để có hướng chữa trị.
- Chú ý nghỉ ngơi, không lao động chân tay quá nặng nhọc trong thời gian mang thai.
- Chú ý bổ sung chất dinh dưỡng nhất là protein và vitamin giảm lượng muối hấp thụ.
- Phải nhanh chóng đến khám bác sĩ khi thấy có biểu hiện phù nước, lên nhanh hoặc thấy có các dấu hiệu khó chịu khác.
- Khi biết đã bị nhiễm độc thai nghén cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, để chữa trị đồng thời nghỉ ngơi hợp lý, giảm ăn muối. Nếu bệnh nặng hơn cần đến bệnh viện điều trị.
Cao huyết áp.
Biểu hiện: huyết áp tăng cao, phù, nước giải nhiều albumin.
Triệu chứng giống như nhiễm độc thai nghén. Tuy nhiên, còn kèm theo một số triệu chứng như: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, lợm giọng, nôn oẹ, tim đập nhanh, tức ngực, khó chịu ở phần bụng trên…
Bệnh đi từ nặng đến nhẹ. Khi nhẹ thì phù và tăng thuyết áp nhưng khi nặng thì huyết áp tăng vọt gây ra suy tim cấp tính, bệnh lý ở não, co giật và suy thận cấp tính, thậm chí dẫn đến tử vong. Cho nên khi thấy nhức đầu hoa mắt thì phải khám ngay.
Nguyên nhân gây ra bệnh là do thiếu máu ở thận và nhau thai. Ngoài ra, còn do yếu tố tinh thần, chức năng tử cung, gan không tốt dẫn đến mất cân đối. Thận thiếu máu dễ dẫn đến tăng tiết ra chất co mạnh gây tăng huyết áp và gián tiếp gây phù.
Phụ nũ mang thai bị cao huyết áp trong thời gian dài rất dễ dẫn đến mẹ bị bệnh cao huyết áp suốt đời. Huyết áp càng cao đe doạ tới sức khoẻ, có thể dẫn đến phù phổi, suy thận, tai biến máu não, đông máu rải rác hoặc có thể dẫn đến tử vong ở người mẹ. Nếu có albumin nặng thì sau khi sinh, người mẹ có thể bị viêm thận mãn tính.
Đối với thai nhi, người mẹ cao huyết áp làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp máu. Các chức năng của bào thai bị suy giảm, làm chậm quá trình sinh trưởng trong tử cung của thai nhi, thậm chí gây thai chết lưu, đẻ thai chết hoặc sinh ra đứa bé chết ngay.
* Cách phòng tránh và chữa trị cao huyết áp.
+ Nằm nghỉ ngơi trên giường, trong phòng cần giữ yên tĩnh, tránh bị âm thanh ánh sáng kích thích, tốt nhất là nằm nghiêng bên trái và kê chân hơi cao sẽ thúc đẩy máu và bạch huyết trở về, làm giảm bớt phù thũng hai chân. Vì vậy mà máu về tim tăng lên làm tăng thể tích máu cung cấp cho thai và rau thai nhiều hơn làm renin bài tiết ít hơn. Prostagladin tăng lên hỗ trợ cho quá trình hạ huyết áp, hạn chế được hiện tượng thai bị ngạt do tử cung thiếu máu, thiếu oxy cũng như thai chậm phát triển.
Việc nằm nghỉ ở tư thế nghiêng bên trái sẽ thuận lợi hơn vì đại tràng sigma nằm ở bên trái, có tác dụng đệm, tránh cho tử cung đè lên tĩnh mạch chủ dưới.
+ Ăn uống hợp lý sẽ hạn chế được bệnh huyết áp cao. Phụ nữ có thai cần cung cấp nhiều magie hơn bình thường nên phụ nữ có thai bị huyết áp cao phải thận trọng khi sử dụng thuốc lợi tiểu dihydrochlorothiazid. các thuốc furosemid và gentamicin. Chúng có thể gây bài tiết nhiều magiê qua đường tiểu.
Cần chú ý ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều magiê như: đậu nành, lạc, hạnh nhân… Nên giảm các loại mỡ và thịt mỡ. Tuy nhiên, cũng không cần quá kén chọn kỹ càng.
+ Cần uống viên canxi sẽ giúp ngăn chặn bệnh cao huyết áp có hiệu quả. Thời kỳ này, cơ thể có nhu cầu về canxi cao nên người mẹ cần ăn nhiều loại thực phẩm giàu canxi nhằm bổ sung đủ lượng canxi cần thiết.