Trang chủBệnh da liễuUng thư tế bào đáy (Carcinome tế bào đáy)

Ung thư tế bào đáy (Carcinome tế bào đáy)

Tên thường gọi: Carcinome tế bào đáy, Carcinome basocellulaire, Basal cell carcinoma.

Trong các ung thư da thì Ung thư tế bào đáy thường gặp nhất, kế đến là Ung thư tế bào gai và sau cùng là u hắc tố ác tính.

NGUYÊN NHÂN

Tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời có vai trò rất quan trọng. Tia cực tím gây ra đột biến DNA các tế bào thượng bì, làm giảm hệ thống miễn dịch và khả năng của cơ thể để nhận biết và đào thải các tế bào bị chuyển dạng.

Tần suất Carcinome tế bào đáy có liên quan đến vĩ độ và sự phơi nắng thường xuyên. Các di dân da trắng ở các quốc gia có nhiều ánh sáng như Australia thì tỷ lệ bị nhiều hơn.

Carcinome tế bào đáy thường xảy ra trong các bệnh da di truyền mà tia uv đóng vai trò chủ yếu như: Khô da sắc tố (Xeroderma pigmentosum), Bạch tạng (Albinism).

Carcinome tế bào đáy xảy ra chủ yếu ở vùng phơi bày ra ánh nắng, đặc biệt là ở mặt.

Ngoài tia cực tím, các yếu tố sinh ung khác cũng đã được xác định như là tia X sau khi được xạ trị hoặc sau khi được chụp nhiều lần, đặc biệt là ở vùng ngực, và thời gian tiềm ẩn có thể từ nhiều tuần cho đến 50 năm. Hiếm hơn, Ung thư tế bào đáy có thể xảy ra trên nền sẹo cũ của người bị phỏng hay trên vết loét mạn tính.

HÌNH ẢNH LÂM SÀNG

Carcinome tế bào đáy có thể có nhiều hình ảnh lâm sàng khác nhau. Vị trí chủ yếu là ở mặt, ngoại trừ dạng này thì thường gặp ở thân. 70-85% Carcinome tế bào đáy có vị trí ở mặt và cổ, 25-30% ở mũi. Các vị trí chọn lọc khác là: má, trán, vùng quanh hốc mắt và đặc biệt là góc trong của mắt. Trong nhiều vị trí có thể xảy ra bất kỳ ở da và hiếm ở âm hộ và bìu, rất hiếm xảy ra ở vùng lòng bàn tay và bàn chân. Nó có thể có ở giường móng và cho hình ảnh dày móng. Ớ niêm mạc thì chưa ghi nhận trường hợp nào.

Hình ảnh lâm sàng điển hình là một mảng kích thước thay đổi từ hình tròn đến bầu dục và kích thước sẽ tăng dần theo thời gian. Ớ trung tâm được phủ vảy màu xám nâu, dính. Và ở ngoại vi của mảng có các hạt ngọc rất đặc trưng. Các hạt ngọc là đám tế bào u có kích thước từ 1 đến vài mm đường kính. Hạt ngọc có độ chắc, sáng đục, vùi trong thượng bì. Các hạt ngọc có thể thấy ở xung quanh thương tổn hay chỉ thây một phần quanh bờ. Các hạt ngọc có thê nhô cao tạo thành mép tròn, mô bì thường là có thâm nhiễm.

Ở trung tâm mảng có sẹo to lõm xuống màu trắng. Vùng sẹo teo có khi đồng nhất có khi xen kẽ dãn mạch hay dát sắc tố.

Dạng lâm sàng

Carcinome tế bào đáy dạng nốt loét (Nodulo-ulcerative basal cell carcinoma)

Khởi đầu là một nốt nhỏ giống như sáp, mà phần nhiều có dãn mạch trên bề mặt. Nốt này gia tăng kích thước dần dần theo thời gian và có loét ở trung tâm. Thương tổn điển hình là vết loét từ từ lan rộng ra, bờ cuộn lại có chứa các hạt ngọc. Thương tổn này được gọi là loét gậm nhấm (rodent ulcer).

Hầu hết vết loét gậm nhấm có khả năng giới hạn sự phát triển kích thước của u. Tuy nhiên đôi khi u có thể bị thâm nhiễm sâu xuống và có kích thước lớn đáng kể. ớ mặt, vết loét có thể phá hủy mặt và mũi hay có thể thâm nhiễm vào xương sọ, xâm lấm đến màng cứng và tử vong là chắc chắn.

Dạng tăng sắc tố (pigmented basal cell carcinoma)

Dạng này khác với dạng loét là có hiện diện sắc tố màu nâu trên thương tổn.

Dạng xơ cứng (morphealike or fibrosing basal cell carcinoma)

Thường chỉ có một thương tổn, đó là mảng màu vàng, cứng, hơi lõm, bề mặt trơn và bóng, bờ giới hạn không rõ, lớp da phủ ở bề mặt tồn tại rất lâu trước khi bị loét.

Dạng bề mặt (superficial basal cell carcinoma)

Thương tổn là một đốm hồng ban thâm nhiễm có vảy, thâm nhiễm nhẹ. Đốm này sẽ gia tăng kích thước từ từ, có hạt ngọc ở rìa thương tổn. Ngoài ra có một vài chỗ trên đốm bị loét và đóng mài. Thêm vào đó ở vùng trung tâm có bề mặt trơn, có sẹo teo chủ yếu xuất hiện ở thân mình.

Dạng sợi (fibro carcinoma)

Thông thường chỉ có một thương tổn, hiếm khi nhiều thương tổn. Hình ảnh là cục xơ cứng, mật độ chắc như là mặt da, vùng da che phủ hơi đỏ và láng. Hình ảnh lâm sàng giống nhưu sợi, vị trí thường gặp nhất là ở lưng.

Dạng sùi

Bề mặt thương tổn chồi sùi giống như u hạt, trên bề mặt hơi ri dịch và có các hạt ngọc.

Hình ảnh mô học

Carcinome tế bào đáy có hình ảnh mô học khá đặc trưng. Các tế bào u có hình ảnh đơn dạng với nhân có kích thước khá lớn bắt màu kiềm đậm, tế bào chất giảm và bắt màu ái toan. Giới hạn tế bào đôi khi rõ, các khoảng gian bào thì rộng ra. Tiến triển lâm sàng không làm thay đổi hình ảnh mô học.

Khôi tế bào u liên kết với thượng bì và dẫn đến loét thượng bì. Mô bì bao quanh u thường có sự tăng sinh các tế bào sợi kèm theo thoái hóa của mô liên kết.

Tiến triển và tiên lượng

Carcinome tế bào đáy có tiến triển chậm kéo dài nhiều năm có khuynh hướng ăn lan vào các mô lân cận: bì, màng cân, màng xương quanh sụn, bao thần kinh. Sự xâm lấn vào mô bì là hằng định có thể thấy được trên lâm sàng và điều này thường dẫn đến tái phát sau khi u được lấy khỏi, Sau khi qua được lớp bì thì tế bào u sẽ xâm lấn dọc theo màng cân và có thể bao quanh khớp. Nếu gần xương thì tế bào u có thể lan dọc theo màng xương, thường thây à u gò má, thái dương, ống tai ngoài, phần trên mũi và góc mắt trong.

Carcinome tế bào đáy cũng có khuynh hướng ăn lan dọc theo vỏ bao thần kinh dẫn đến đau dây thần kinh mặt, liệt mặt.

Theo nguyên tắc thì Carcinome tế bào đáy không di căn. Tuy nhiên cũng có một tỷ lệ rất thấp trường hợp di căn. Đường di căn chủ yếu là theo đường bạch huyết và máu. Khoảng 50% các trường hợp vị trí di căn đầu tiên là hạch. Phổi và xương cũng là vị trí di căn khác thường gặp, kế đó là gan và nội tạng khác cũng có thể gặp. Thời gian sống trung bình sau khi di căn đến phổi, xương và nội tạng trung bình là khoảng 10 tháng.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây