Trang chủBệnh da liễuThương tổn căn bản trong chuyên khoa da liễu học

Thương tổn căn bản trong chuyên khoa da liễu học

ĐỊNH NGHĨA CÁC LOẠI THƯƠNG TỔN TRONG CHUYÊN KHOA DA LIỄU

Thương tổn căn bản là gì

Thương tổn căn bản là thương tổn mới xuất hiện hay xuất hiện đã lâu nhưng chưa thay đổi dưới phương pháp điều trị.

Theo định nghĩa trên, thương tổn căn bản chính là chìa khóa giúp chúng ta có thể có được một chẩn đoán sơ bộ nào đó trước khi thu thập đầy đủ các chứng cứ cận lâm sàng để đi đến chẩn đoán sau cùng.

Bên cạnh nhóm thương tổn căn bản, một số loại thương tổn khác cũng được đề cập tới thành hai nhóm:

Thương tổn thứ phát

Thương tổn thứ phát là những thương tổn xuâ^t hiện khi bệnh đang diễn tiến hoặc do cào gãi hay do nhiễm trùng. Thương tổn thứ phát có thể xuất phát từ thương tổn duy nhất của bệnh trong quá trình diễn tiến bệnh lý.

Thương tổn đặc biệt

Một vài loại thương tổn có cấu trúc giống nhau và thay đổi được gọi là thương tổn đặc biệt.

CÁC LOẠI THƯƠNG TỔN CĂN BẢN

Dát (Macule-Tache)

Dát là dạng thương tổn có giới hạn rõ hay không rõ, bề mặt thương tổn có màu sắc thay đổi nhưng cấu trúc của da không thay đổi.

Kích thước dát thay đổi từ 0,5cm hay nhỏ hơn. Khi kích thước lớn hơn 0,5cm, ta gọi là mảng.

Dát (hay mảng) có thể có màu nâu, màu xanh, màu đỏ hay giảm sắc tố.

Ví dụ:

  • Màu nâu: Dát cà phê sữa, Sạm da.
  • Màu xanh: vết xăm ở da, vết cắn của chí rận.
  • Màu đỏ: Phát ban do thuốc, Giang mai thời kỳ 2.
  • Giảm sắc tố: Lang ben, Bạch biến

Sẩn (Papule-Papule)

Sẩn là thương tổn có thể khám bằng sờ nắn, thể đặc, kích thước dưới hay bằng 0,5cm đường kính. Màu sắc của sẩn rất thay đổi. Nhiều sẩn có thể họp lại và tạo thành những mảng (patch, plaque).

Ví dụ:

  • Màu da thường, vàng hay trắng: u của bệnh u xơ thần kinh, Lichen nitidus, Mụn cóc phẳng, u hạt vòng, U mềm lây, sẩn hạt trai quanh đầu dương vật.
  • Màu nâu: u hắc tố, Nốt ruồi, Tăng sừng tiết bã, Mụn cóc.
  • Màu đỏ: Mụn trứng cá, Chàm, Viêm nang lông.
  • Màu xanh/tím: Lichen phẳng, u hắc tố, Nốt ruồi xanh (Blue nevus).

Mảng (Patch – Plaque)

Thương tổn giới hạn rõ, sờ nắn được, thể đặc, kích thước hơn 0,5cm đường kính, thường do nhiều sẩn nhỏ họp lại.

Ví dụ: Chàm, Lupus đỏ mạn tính, vảy phấn hồng, Vảy nến.

Cục (Nodule-Nodule)

Thương tổn giới hạn rõ, thường hình tròn, thể đặc, kích thước lớn hơn 0,5cm đường kính. Đôi với cục lớn, ta gọi là u.

Ví dụ: u máu, u mỡ, u hắc tố, Nấm sâu (Sporotrichosis-Sporotrichose)).

Vết trợt (Erosion-Erosion)

Vết trợt do lớp thượng bì bị tróc ở một vùng da khu trú. vết trợt không xuyên thấu xuống dưới ranh giới bì thượng bì và do đó sẽ lành không để lại sẹo.

Ví dụ: Nhiễm nấm men, Mụn giộp, Săng Giang mai thời kỳ 1.

Vết loét (Ulcer-Ulcère)

Thương tổn sâu từ thượng bì xuống tới bì nên khi lành sẽ để lại sẹo.

Ví dụ: Áp-tơ, Hạ cam mềm, Loét da do ứ đọng tuần hoàn.

Mụn mủ (Pustule-Pustule)

Thương tổn giới hạn rõ, trong chứa dịch và bạch cầu, kích thước thay đổi từ mụn mủ đến bóng mủ.

Ví dụ: Mụn trứng cá, Chốc, Tổ đỉa bội nhiễm, Viêm nang lông.

Mụn nước (Vesicule-Vésicule)

Thương tổn giới hạn rõ, chứa dịch trong, kích thưổc dưới hay bằng 0,5cm đường kính.

Ví dụ: Viêm da dạng Herpes, Chàm cấp, Mụn giộp, Giời leo (Zona).

Bóng nước (Bulla-Bulle)

Khi kích thước lớn hơn 0,5cm đường kính, mụn nước sẽ trở thành bóng nưổc, chứa dịch trong.

Ví dụ: Pemphigus, Ly thượng bì bóng nước, Bullous pemphigoid.

Sẩn phù (Wheal, Hive-Papule oedémateuse)

Là sẩn hay mảng cứng, phù nề do thâm nhiễm dịch ở lớp bì. sẩn phù thường xuất hiện thoáng qua và chỉ kéo dài trong vài giờ.

Ví dụ: Da vẽ nổi (Dermographism-Dermographisme), Mày đay sắc tố, Phù mạch (An- gioedema-Angio-oedème).

U sùi (Vegetation – Vegetation)

Sự tăng sinh của mô bệnh thành 1 khối gồm nhú bì. Ví dụ: sùi mào gà

Bướu gai (Papillome – Papiloma)

Tăng sinh của da thành những u nhú nhô lên trên bề mặt da. Ví dụ: bướu gai

CÁC LOẠI THƯƠNG TỔN THỨ PHÁT

Vảy (Scale-Squame)

Vảy là những tế bào thượng bì chết phát sinh từ sự tăng sản bất thường của lớp sừng. Các tế bào sừng này sẽ lột ra và tạo thành vảy.

Ví dụ: Bệnh vảy nến, Vảy phấn hồng Gibert, Lang ben.

Mài (Crust-Croûte)

Dịch chảy ra từ các mụn nước, bóng nước có thể kết hợp với xác tế bào chết, khi khô đi sẽ tạo thành mài.

Ví dụ: Chàm cấp, Chốc (mài mật ong), Pemphigus lá.

Vết nứt (Fissure-Fissure)

Tổn thương do mất lớp thượng bì và bì theo đường thẳng đứng từ trên xuống dưới.

Ví dụ: Chàm nứt nẻ, Lở mép, Viêm kẽ.

Teo da (Atrophy-Atrophie)

Da bị teo lõm xuống do lớp thượng bì hoặc lớp bì bị mỏng đi.

Ví dụ: Lão hóa da, Xơ cứng bì khu trú, Rạn da (do tác dụng phụ của corticoid).

Sẹo (Scar-Cicatrice)

Sự tạo thành bất thường của lớp mô liên kết dưới da theo sau một tổn thương da. Sau khi bị thương tích hay phẫu thuật, lúc đầu sẹo dày và có màu hồng nhưng sau đó sẽ trở nên trắng và teo.

Ví dụ: Phỏng, Mụn trứng cá, Giời leo (Zona), Thủy đậu.

CÁC LOẠI THƯƠNG TỔN ĐẶC BIỆT

Vết cào sướt (Scratch-Grattage)

Da bị trợt do cào gãi. Thường vết cào gãi có đường thẳng.

Ví dụ: Ghẻ, Chàm, Da khô.

Cồi (Comedo-Comédon)

Nút sừng bao gồm lớp sừng và chất bã nhờn xuất hiện tại nang lông. Nang lông có thể dãn ra hoặc đóng kín tùy loại cồi kín hay cồi hở.

Ví dụ: Mụn trứng cá, Nang (kén) thượng bì (Epidermal cyst-Kyste épidermique).

Nút sừng (Milia-Miliaire)

Nang nhỏ, kín (không có miệng ống dẫn), chứa chất sừng, ở phần trên của lớp thượng bì. Ví dụ: Rôm sảy, Tổn thương da do ánh nắng (mạn tính).

Nang, kén (Cyst-Kyste)

Thương tổn khu trú có bao ngoài, trong lòng rỗng, có thể chứa dịch hoặc chất đặc.

Ví dụ: Nang thượng bì, Nang chân lông.

Đường hầm (Burrow-Tunnel)

Đường hầm hẹp, hơi nhô cao hơn mặt da, quanh co do ký sinh trùng tạo ra.

Ví dụ: Ghẻ ngứa, Bệnh da do ký sinh trùng (Creeping eruption).

Dãn mao mạch ở xa (Telangiectasia-Télangiectasie)

Các mao mạch ở phần trên của lớp thượng bì bị dãn.

Ví dụ: Trứng cá đỏ, Da dị dạng (Poikiloderma-Poikilodermie), Xơ gan.

Điểm xuất huyết (Petechia-Pétéchie)

vết máu ở da có hình tròn đường kính dưới 0,5cm.

Ví dụ: Viêm mạch, Nhiễm não mô cầu, Nhiễm lậu cầu/máu (Gonococcemia)

Ban xuất huyết (Purpura-Purpura)

Vết máu ở da có đường kính trên 0,5cm.

Ví dụ: Bệnh Scorbut (thiếu Vitamin C), u mạch hình nhện, Ban xuất huyết ở người cao tuổi.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây