Thuốc bôi ngoài da và cách sử dụng trong chuyên khoa da liễu

Bệnh da liễu

Da là một hàng rào quan trọng để duy trì nhiều chức năng của cơ thể. Bất kỳ tác nhân nào mang đi nước, chất béo hoặc chất đạm của lớp thượng bì đều làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của hàng rào này. Có một qui luật đã cũ nhưng thường được nhiều tác giả lặp lại “Nếu da khô, hãy làm ẩm và nếu da ẩm hãy làm khô nó”.

Từ đó cho thấy điều trị tại chỗ rất quan trọng trong chuyên khoa Da. Các thuốc bôi ngoài da rất phong phú, có cơ chế tác dụng rất khác nhau, do đó cần phải hiểu rõ để sử dụng cho hợp lý.

NHẮC LẠI CẤU TRÚC, NHIỆM VỤ CỦA DA

Lớp biểu bì (thượng bì)

Màng chất béo bảo vệ: là sản phẩm của tuyến bã, lớp này không ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc, dễ bị rửa sạch bởi xà phòng và các dung môi hữu cơ.

Lớp sừng: Có thể giữ lại một phần dược chất vì vậy người ta lợi dụng điều này để chế các chế phẩm bảo vệ da, tác dụng tại chỗ. Nếu loại bỏ lớp sừng thì lượng thuốc hấp thu qua da sẽ tăng lên.

Lớp bì

Có hệ thống mạch máu tốt, làm cho hoạt chất đi vào các lớp trong da.

Lớp hạ bì

Nang lông: Ở người có 40-70 nang lông/cm2 (chiếm 1-2% diện tích bề mặt da) vì vậy sự hấp thu thuốc qua đường này không đáng kể.

Nói chung, tổng số phần phụ chiếm 0,1 % tổng diện tích của da, do đó sự hấp thu thuốc qua các bộ phận phụ của da chỉ là thứ yếu.

CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA CÁC THUỐC BÔI

Các loại thuốc bôi trên da sẽ tác dụng bằng ba cách:

Làm tăng cường hoặc hạn chế thậm chí cản trở hiện tượng bốc hơi nước qua da

Tùy loại thuốc mà khi bôi sẽ làm mát, dịu da, chống ngưng tụ máu, giúp bốc hơi nước qua da dễ dàng hơn.

Làm tăng tuần hoàn da: Gây dãn mạch hoặc co mạch ở da.

Tùy theo dạng thuốc và dung môi sử dụng, thuốc sẽ ngâm vào da nhiều hay ít, nông hay sâu.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HẤP THU THUỐC QUA DA

Các yếu tố sinh lý

Các thí nghiệm cho thấy các loại da có ảnh hưởng lớn đến tính thấm và khả năng hấp thu thuốc qua da. Loại da khô thích hợp với dạng thuốc mỡ còn loại da nhờn thường khó hấp thu dược chất hơn.

Người có lứa tuổi khác nhau cũng hấp thu dược chất qua da khác nhau, trước tiên là do khác nhau về bề dày của lớp sừng. Da người trẻ hấp thu tốt hơn da người già. Đặc biệt ở trẻ em, da tiếp nhận rất tốt các loại hóa chất do tỷ lệ diện tích bề mặt của da trên tổng trọng lượng cơ thể rất lớn. Mặt khác, lớp sừng ở trẻ em rất mỏng vì vậy có một số dược chat khi bôi có thể gây tác dụng phụ và thậm chí dẫn đến tử vong.

Những người tiếp xúc và làm việc thường xuyên với các hóa chất, các acid, các chất kiềm… da đã gần như không còn lớp sừng vì vậy thuốc dễ thâm qua. Do đó, khi da bị tổn thương, mât lớp sừng, tính thấm qua da của nhiều dược chất sẽ tăng lên. Ngược lại, ở những vùng da bị sừng hóa, dày lên, sự hấp thu thuốc sẽ giảm. Ví dụ lượng halomethasone monohydrate trong kem Sicorten sẽ hấp thu tăng lên 3 lần khi da bị loại bỏ lớp sừng.

Khi tăng nhiệt độ da (chà xát, băng bó…) sự hấp thu thuốc sẽ tăng lên, lý do là khi nhiệt độ tăng (cả nhiệt độ da và nhiệt độ thuốc) sẽ làm dãn mạch, tăng hoạt động tuần hoàn làm cho sự chêch lệch nồng độ hoạt chất trên dưới da sẽ cao nên tăng tốc độ khuếch tán qua da. Cần lưu ý, một số tác nhân gây co mạch có thể làm tăng hấp thu qua da.

Mức độ hydrate hóa lớp sừng là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự hấp thu thuốc. Da ẩm (mức độ hydrate hóa cao) làm tăng khả năng hấp thu. Ví dụ băng ép sau khi bôi thuốc làm tăng lượng hấp thu tới 4-5 lần. Hiện nay, trong qui trình bào chế các loại thuốc bôi da người ta thường cho thêm vào các chất làm ẩm tự nhiên như urea, muối natri, kali… Urea rất hay được sử dụng vì ngoài khả năng làm ẩm da, urea còn có tác dụng làm tiêu sừng. Cả hai ưu điểm này làm tăng tính thấm qua da của các thuốc.

Các yếu tố công thức kỹ thuật

Tính chất lý hóa của dược chất là yếu tố có ý nghĩa căn bản đối với sự giải phóng thuốc ra khỏi tá dược. Chúng bao gồm: độ tan, độ pH, hệ số khuếch tán, nồng độ…

Tá dược cũng có ý nghĩa rất lớn đối với tốc độ giải phóng thuốc cũng như hấp thu thuốc qua da. Tá dược ảnh hưởng đến quá trình hydrate hóa lớp sừng, nhiệt độ bề mặt da, độ bám dính của thuốc lên da.

CÁC DẠNG THUỐC BÔI NGOÀI DA

Dung dịch

Tính chất: Hoạt chất chính pha với nước hoặc alcool và các chất dễ bốc hơi như ether, ace­tone, chloroforme. Các dung dịch trong cồn dễ thâm hơn dung dịch trong nước nhưng nếu sử dụng cồn mạnh sẽ làm kích thích da và khô da.

Tác dụng: Làm dịu da, sát khuẩn, sát trùng, diệt nấm. Thuốc được sử dụng trong giai đoạn cấp hoặc bán cấp khi thương tổn còn rỉ dịch.

Ví dụ: Dung dịch lưu huỳnh 5%, dung dịch Milian, dung dịch Eosin, dung dịch BSI.

Thuốc bột

Tính chất: Gồm bột thảo mộc hay bột khoáng chất trộn với hoạt chất. Bột thảo mộc như bột gạo, bột mì… Bột khoáng chất như bột Talc, bột Kaolin.

Tác dụng: Làm dịu da, chống sung huyết, hút nước, sát khuẩn. Thuốc bột có thể dùng khi thương tổn ở giai đoạn cấp, rỉ dịch hoặc dùng ở nếp gấp. Thuốc bột thích hợp cho loại da nhờn hơn là loại da khô.

Ví dụ: bột Mycoster dùng để trị nấm kẽ.

Thuốc mỡ

Tính chất: Gồm hoạt chất pha với vaselin hoặc lanolin, tỷ lệ hoạt chất tối đa là 10%.

Tác dụng: Làm bong vảy, mềm da, chống viêm, giảm ngứa. Thuốc mỡ chỉ nên dùng trong bệnh da mạn tính, dày, khô, không được dùng trong thương tổn cấp và chảy nước.

Ví dụ: Mỡ salicylic 5%, 10%.

Thuốc hồ

Tính chất: Pha đặc hơn thuốc mỡ, tỷ lệ bột nhiều hơn tỷ lệ vaselin.

Tác dụng: Làm da đỡ xung huyết, hút nước, hút dịch tiết, da sẽ dễ bốc hơi. Thường dùng trong giai đoạn cấp.

Ví dụ: Hồ nước

Thuốc kem

Tính chất: Hoạt chất và vaselin, lanolin, dầu béo, glycerin. Công thức gần giống mỡ nhưng có thêm nước. Đôi khi người ta cho thêm chất làm thơm để dạng thuốc kem có tính thẩm mỹ.

Tác dụng: Làm dịu da, mềm da, chống viêm, diệt khuẩn, diệt nấm…

Ví dụ các loại kem chứa corticosteroid, kem trị mụn…

PHƯƠNG PHÁP BÔI

Tùy theo bệnh và loại thuốc có thể có cách bôi khác nhau, tuy nhiên có thể dùng:

Cách bôi đơn giản

Bôi một lớp mỏng và chà nhẹ nhàng vào vùng thương tổn.

Các bề mặt da khác nhau sẽ có khả năng hấp thu thuốc khác nhau

Vùng da mỏng dễ kích thích nên dùng thuốc với nồng độ thấp, vùng da dày có thể dùng nồng độ cao. Da các nếp gấp, nếp kẽ chỉ nên dùng thuốc bột, thuốc nước hoặc kem, tránh dùng thuốc mỡ và cần giảm nồng độ.

Da của trẻ em và thiếu niên

Nhạy cảm với thuốc bôi tại chỗ và đáp ứng nhanh. Tã lót ở trẻ em có tác dụng giống như băng bằng plastic do đó sự thấm của thuốc sẽ dễ hơn.

Băng ép

Băng ép với gạc bằng plastic là phương pháp hiệu quả để làm tăng hấp thu thuốc đặc biệt là các corticosteroid, tuy nhiên cẩn thận trong khi băng ép.

Tóm lại, điều trị tại chỗ là điều trị không thể thiếu trong chuyên khoa Da. Khi kê đơn, thầy thuốc cần kê rõ tên thuốc, nồng độ thuốc và thời gian sử dụng, đồng thời cũng nên nhớ thuốc nào cũng có thể có tác dụng phụ. Chúng ta sẽ tránh được tai biến nếu hiểu đầy đủ các đặc tính dược lý của thuốc, khi điều trị phải tôn trọng các nguyên tắc điều trị kết hợp theo dõi cẩn thận.

 

 

Bệnh da liễu
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận