Đầy ách (bĩ mãn) Đông y và pháp, phương thuốc điều trị

Bệnh chứng Đông y

Chứng đầy ách (bì mãn) là bụng trên, ngực thấy đầy và như ách tắc lại, buồn bực không khoan khoái. Đó là vì “âm phục xuống, dương đọng lại, khí trệ huyết ngưng không lưu thông được” (Nam dược thần hiệu – đầy ách). Nói khác đi đó là vì phế khí không giáng (ở ngực), tỳ khí không thăng (ở bụng trên), làm mất sự thăng giáng bình thường.

Đầy ách là một chứng chủ quan. Nó khác với đầy trướng (trướng mãn) ở chỗ: Hai chứng đều có cảm giác đầy, song đầy ách không thể hiện ra bằng ngoại hình, còn đầy trướng thì nhìn rõ bụng căng lên, nếu vỗ vào thì tiếng vang hơn.

Nguyên nhân gây đầy ách có nhiều như thấp nhiệt hiệp đờm, ẩm thực trở trệ, tì vị suy yếu không vận hóa được, giận dữ u uất, đờm khí kết với nhau.

Nội kinh viết “Chứng bĩ (ách) là thực ở trong hư, tà lọt vào được là chính khí ở trong đã hư, tà lưu lại mà không bị loại đi là bệnh thuộc thực”, về điều trị, vừa phải bổ trung khí, vừa phải loại tà khí.

Triệu chứng cơ bản của đầy ách là: tâm hạ (trên dưới cơ hoành) ách tắc đầy có cảm giác không thông, ấn vào vẫn mểm, nhìn không thấy căng phồng, không muôn ăn không thấy đói, mạch hoãn nhược hoặc huyền hư.

Tùy thuộc bệnh tình cụ thể, ta chọn dùng các phương dược khác nhau.

Đầy ách do thấp nhiệt hiệp đàm:

Triệu chứng: Đầu trướng nặng, rêu lưỡi trắng trơn, bụng trên ách tắc, không thấy đói, lợm giọng muôn nôn, chân tay yếu sức, nước tiểu vàng đái khó, hoặc khạc đờm vàng đặc.

Phép điều trị: Hóa thấp thanh nhiệt trừ đờm đặc.

Phương thuốc: Nhị trần thang (Cục phương) gia vị.

Bán hạ 5 đồng cân Trần bì 3 đồng cân
Bạch linh 3 đồng cân Cam thảo , 1.5 đồng cân
Gừng 3 lát Ô mai 1 quả
Thêm Trúc nhự 2 đồng cân

Nếu nhiệt nặng thêm Hoàng liên 1-2 đồng cân.

Ý nghĩa: Bán hạ để táo thấp hóa đờm giáng nghịch hòa vị chỉ nôn. Trần bì để lý khí táo thấp, Phục linh để kiện tỳ thảm thấp, Khương để giáng nghịch hóa ẩm hoà vị tiêu ách, ô mai để liêm phế khí, Trúc nhự để thanh nhiệt hóa đờm chỉ nôn trừ phiền, Hoàng liên để tả nhiệt ở trong ngực.

Bán hạ (Bán hạ chế)
Bán hạ (Bán hạ chế)

Phương thuốc: Tiểu hãm hung thang hợp Tứ linh tán (Thương hàn luận).

Hoàng liên 1 đồng cân Bán hạ 2 đồng cân
Qua lâu 5 đồng cân Trư linh 3 đồng cân
Trạch tả 2 đồng cân Bạch truật 2 đồng cân
Phục linh 2 đồng cân.

Ý nghĩa: Qua lâu để thanh nhiệt hóa đờm, thông ách tắc ở ngực, Hoàng liên để tả nhiệt ở tâm hạ, Bán hạ để giáng nghịch tiêu ách. Trạch tả để lợi thủy thảm thấp, Phục linh Trư linh để tăng tác dụng lợi thủy hóa ẩm. Bạch truật để kiện tì tháo thấp.

Đầy ách do thức ăn làm trở ngại.

Triệu chứng: ngực bụng trên đầy ách, nuốt chua ợ thôi, hoặc lợm giọng đau bụng, rêu lưỡi vàng dày.

Phép điều trị: Tiêu thực hòa trung.

Phương thuốc: Nhị trần thang gia vị.

Nhị trần thang để lý khí hóa đờm, thêm Chỉ thực Hậu phác để hành khí tán kết tiêu trừ đầy ách ở bụng, Sơn tra

La bặc tử để tiêu thực, Mộc hương để lý khí tỉnh tì hòa trung.

Nếu ỉa không thông thêm Đại hoàng để thông phủ khí, làm sạch trường vị.

Đầy ách do tì vị hư nhược (hư bĩ).

  • Triệu chứng: Ngực bụng trên đầy ách, lúc căng lúc giảm, trong bụng rỗng, thích xoa ấn, đắp nóng thì dễ chịu.

Phép điều trị: Ôn bổ tì vị.

Phương thuốc: Bổ trung ích khí thang (Tì vị luận).

Hoàng kỳ 5-15g Nhân sâm 10g
Cam thảo 5g Đương quy 10g
Sài hồ 3g Thăng ma 3g
Bạch truật 10g Trần bì 6g

Ý nghĩa: Kỳ Sâm Truật Thảo để kiện tỳ ích khí Quy để bổ huyết. Trần bì để lý khí hóa trệ, Thăng Sài để đưa dương bị hãm ở dưới về chỗ cũ.

Phương thuốc: Hương sa lục quân (Y phương tập giải) bỏ Cam thảo

Nhân sâm 10g Bạch truật 9g
Mộc hương 6g Sa nhấn 6g
Trần bì 9g Bán hạ 9g
Bạch linh 9g

Ý nghĩa: Sâm để bổ nguyên khí kiện tỳ dưỡng vị. Truật để kiện tì táo thấp. Linh để kiện tỳ thảm thấp. Mộc hương Sa nhân để lý khí tỉnh táo chỉ đau bụng. Bỏ Cam thảo vì nó làm tăng trạng thái nê trệ.

  • Triệu chứng: đầy ách song sổm dễ chịu, chiều nặng căng lên không chịu nổi, đó là do dương hư gây nên.

Phép điều trị: Ôn lý.

Phương thuốc: Phụ tử lý trung thang (Tiểu nhi phương luận) bỏ Cam thảo

Nhân sâm                       9g           Can khương               9g

Bạch truật                      9g           Phụ tử                    6-9g.

Ý nghĩa: Phụ tử để ôn dương ở tỳ thận, Can khương để ôn dương ở tỳ, Bạch truật để kiện tỳ táo thấp, Nhân sâm để bổ khí kiện tì dưỡng vị.

Phương thuốc (Trích từ Nam dược thần hiệu, đầy ách).

Can khương      1 đồng cân           Cao lương khương 1 đồng cân

Trần bì              1 đồng cân           Thanh bì       1 đồng cân

Nga truật (nghệ xanh đen)                                             1 đồng cân

Khương hoàng (Nghệ vàng)                                          1 đồng cân

Tán mịn mỗi lần uống 2 đồng cân với nừớc nóng lúc đói.

Ý nghĩa: Can khương, Lương khương để ôn tỳ, thông tầc khai uất, Nga truật để tiêu thực (phá hòn cục), Khương hoàng để hạ khí thông huyết (phá hòn cục). Trần bì Thanh bi để lý khí hành khí làm thông ách tắc. (Phương này vừa bổ, vừa công, chữa chứng bụng tích khí lạnh đầy hơi, ăn uống không tiêu, đờm kết trong ngực).

Đẩy ách do giận dữ, u uất làm khí cơ rối loạn.

Triệu chứng: Sườn ngực đầy ách tắc, hay thở dài, mạch huyền.

Phép điều trị: Lợi khí khai uất.

Phương thuốc (Trích từ Nam dược thần hiệu – Đầy ách).

Hương phụ                 2 đồng cân  Ô dược        2 đồng cân

Gừng tươi              0.5 đồng cân.

Ý nghĩa: Hương phụ để khai uất, lợi tam tiêu, ô dược để chỉ thông tiêu trướng. Gừng để ôn trung tiêu thực giáng khí chỉ nôn.

Phương thuốc: Việt cục hoàn (Đan khê tâm pháp).

Hương phụ sao cám, Thương truật, Xuyên khung, Trần khúc, Chi tử, lượng bằng nhau, làm hoàn.

Ý nghĩa: Hương phụ để giải uất hành khí lợi tam tiêu trị khí uất. Xuyên khung để hoạt huyết khứ ứ trị huyết uất, Chi tử để thanh nhiệt ở tam tiêu trị hoả uất, Thần khúc để tiêu thực đạo trệ, trị thực uất, Thương truật để táo thấp Kiện tì, trị thấp uất.

Đẩy ách do đờm khí kết với nhau.

Vì dương ở ngực lại thượng lên nên uất trệ lại, làm cản trở đờm, gây nên đờm và khí kết.

Triệu chứng: khó thở ngực đầy hơi, hoành ngực không thông lợi, rêu lưỡi trắng, mạch hoạt.

Phép điều trị: Giáng khí hóa đờm.

Phương thuốc (Trích từ Nam dược thần hiệu).

Tử tô, Cao lương khương, Trần bì lượng đều nhau, tán mịn luyện mật hoàn, mỗi lần uống 2-3 đồng cân.

Y nghĩa: Cao lương khương để ôn dương thông tắc khai uất, Tử tô, Trần bì để giáng khí thuận khí hóa đờm.

Phương thuốc: Nhị trần thang (Cục phương).

Nếu có nhiều đờm thêm Qua lâu để thanh nhiệt nhuận táo lý khí sạch đờm thông ách tắc ở ngực hoành.

Phương thuốc: Chỉ thực giới bạch quế chi thang (Kim quỹ yếu lược).

Chỉ thực 12g Hậu phác 12g
Giới bạch 9g Quế chi 6g
Qua lầu 12g

Ý nghĩa: Chỉ thực Hậu phác để hành khí tán kết tiêu trừ đầy ách ở bụng, Quế chi, Giới bạch để thông tắc ở ngực hoành, thêm Đào nhân, Hồng hoa Hương phụ để hành huyết hoạt huyết chỉ đau. Phương này dùng trong trường hợp đờm nhiều đau thắt ngực cần phải khai uất trừ đờm.

Mấy điều cần chú ý trong dùng thuốc ở chứng này.

Để sơ tiết khí uất dùng Hương phụ. Tử tô; để sơ thông phế khí dùng Hạnh nhân Khấu nhân Chỉ xác Cát cánh; để hóa đờm giáng khí dùng Tiền hồ, Trần bì, Tô tử, Uất kim; để tiêu thực hòa trung dùng Thần khúc, Trần bì Sa nhân, Hậu phác, Chỉ thực, Thanh bì.

Bệnh chứng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận