Rau ngò om (rau ngổ) được biết đến như một rau gia vị quen thuộc tạo nên mùi đặc trưng của món canh chua và nhiều món đặc sản khác, cũng là một dược liệu quý đối với sức khỏe.
Người miền Nam gọi rau ngổ là rau ngò om (Limnophila aromatica), người miền Trung thì gọi là rau ngổ diếc. Ngò om thuộc loại Hoa mõm sói Scrophulariaceae, là cây cỏ, mọc bò, thân rỗng giòn, dài 20-30cm, có nhiều lông, mùi rất thơm, lá nhẵn, mọc đối, không cuống, hơi ôm thân, phần lá gần thân nhỏ lại, mép hơi có răng cưa thưa, hoa mọc đơn độc ở nách lá. Rau ngổ thường được dùng như các loại rau gia vị, ăn sống hoặc chế biến thành những món ăn như rau om xào thịt bò, rau om um lươn.
Từ lâu người ta đã chiết xuất và thương mại hóa tinh dầu rau ngổ, nó có tác dụng giảm đau hiệu quả trong các bài thuốc trị liệu tự nhiên.
Thành phần và công dụng của rau ngổ
- Nước: 93%
- Protid: 2,1%
- Glucid: 1,2%
- Cellulose: 2,1%
- Vitamin B: 0,29% và một ít vitamin c…
- Có ít tinh dầu
Để làm thuốc, người ta thường thu hái về rửa sạch, thái ngắn để dùng tươi hoặc phơi khô để dành. Rau ngổ có vị chua cay hơi se, tính mát, mùi thơm, trong cây có chứa nhiều tinh dầu (0,1%), chủ yếu là limonene, aldehyd perilla, monoterpenoid cetone, và cis-4-caranone, ngoài ra còn có các nhóm hợp chất coumarine và flavonoid có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn.
Trị viêm tấy đau nhức: lấy 1 nắm rau ngổ tươi rửa sạch, giã nát, đắp vào nơi thương tổn rất công hiệu.
Trị ho, sổ mũi: lấy 15 – 30 gr rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống hằng ngày.
Trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu: lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1.000 ml nước còn 250 ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
Trị rắn cắn: lấy 15 – 20 gr rau ngổ tươi, 25 gr kiến cò, giã nát 2 vị trên, thêm 20 – 30 ml rượu trắng, chắt lấy nước uống, còn bã đắp vào vết cắn. Hoặc lấy 20 – 40 gr rau ngổ khô, sao vàng, sắc lấy nước uống 4 – 5 lần liều.
Ngoài ra, để chữa sổ mũi, ho, ho gà, 15-30 gr rau ngổ sắc nước uống. Chữa sạn thận, 20-30 gr tươi giã nhỏ, thêm nước vào vắt lấy nước uống.
Theo đông y, rau ngổ có tính mát, vị chua cay, hơi se, thơm. Rau ngổ có tác dụng kháng viêm, lợi tiểu, giải độc do ngộ độc thức ăn, làm giãn cơ ruột, giãn mạch, tăng lọc ở cầu thận nên thường được sử dụng để trị sỏi thận, tiểu ra máu, chữa băng huyết, trị bệnh ngoài da như herpes mảng tròn, lở ngứa sần da do phát ban. Dân gian còn sử dụng thân và lá rau ngổ tươi sắc uống hoặc nhai nhuyễn nuốt nước còn xác thì đắp lên vết rắn cắn. Ngoài ra, tinh dầu menthol rau sử dụng ở liều 250-500 mg/trên kg trọng lượng có thể có tác dụng giảm đau là phát hiện mới nhất của các viện bào chế.
Bài thuốc trị sỏi thận từ rau ngổ:
– Dùng rau ngổ giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (uống liền trong 7 ngày).
– Lấy từ 50 – 100 g rau ngổ tươi xay làm sinh tố uống mỗi ngày (uống trong 15 – 30 ngày) hoặc nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút để uống.
LƯU Ý: Khi dùng rau ngổ để ăn sống nên rửa thật kỹ, ngâm nước muối hoặc thuốc tím để tránh ngộ độc vì đặc điểm của rau ngổ rất dễ bám dính các vi khuẩn.
Rau ngổ dễ bị lẫn với rau ngổ trâu (Enhydra fluctuans Lour.) thuộc họ Cúc (Compositae), là loại cây sống nổi trên mặt nước hay ngập nước. Vì vậy khi dùng làm thuốc phải chú ý để không nhầm lẫn.
Phụ nữ có thai không nên ăn nhiều rau ngổ vì tác dụng giãn cơ phủ tạng có thể gây sẩy thai. Thân rau ngổ có nhiều lông và hay mọc ở nơi ẩm ướt đầm lầy dễ bị nhiễm khuẩn nên cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc nếu rửa không kỹ.