Bệnh đái tháo đường đã, đang và sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế, xã hội của cả thế giới và mỗi quốc gia vào thế kỷ 21.
Gánh nặng bệnh tật và tử vong
Đái tháo đường gắn liền với các biến chứng, nhất là biến chứng tim mạch. Các biến chứng này cùng với các stress về tâm lý không chỉ làm chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm đi, mà còn làm hao tổn cả tuổi thọ. Tại Hội nghị lần thứ 6 của Hiệp hội Đái tháo đường quốc tế khu vực Tây Thái Bình Dương, tháng 10 năm 2005, bệnh đái tháo đường được xem là ” kẻ giết người thầm lặng- the silent killer”. Người ta thấy một người ở lứa tuổi 40 – 49 được chẩn đoán đái tháo đường typ 2 sẽ mất đi trung bình là 10 năm sống. Người đái tháo đường typ 2 có bệnh lý mạch vành cao gấp 2-3 lần so với người không bị đái tháo đường.
Tại thời điểm chẩn đoán lâm sàng người bệnh đái tháo đường typ 2 phần lớn đã có biến chứng, trong đó bệnh võng mạc có tới 35%, bệnh thần kinh ngoại vi 12%; protein niệu 2,0%.
Một nghiên cứu ở Đức về bệnh đái tháo đường và biến chứng của bệnh, với 2.701 người mắc bệnh, tuổi trung bình là 67 tuổi. Kết quả cho thấy, số người có 2 biến chứng chiếm 23%; số người có từ 3 biến chứng trở lên chiếm 3%. Biến chứng tim mạch có ở 43% người bệnh, biến chứng mạch máu não 12%; tổn thương bàn chân hoặc thần kinh chi dưới là 23%, bệnh võng mạc là 11%, thận là 6,0%.
Gánh nặng chi phí xã hội của bệnh đái tháo đường
- Chi phí cho bệnh đái tháo đường:
Theo quan niệm hiện nay chi phí cho điều trị bệnh đái tháo đường là một chi phí phức tạp, tổng hợp của nhiều yếu tố. Đái tháo đường do vậy, không chỉ chiếm được mối quan tâm của các chuyên gia y tế, mà còn thu hút sự chú ý của các nhà quản lý xã hội. Đặc biệt với đái tháo đường typ 2 vì sự phát triển của bệnh luôn gắn với sự gia tăng tỷ lệ các biến chứng mạn tính gây hao tổn không nhỏ đến sức người, sức của, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia.
Nhìn nhận một cách tổng hợp thì chi phí cho quản lý sức khoẻ của người mắc bệnh đái tháo đường gấp 2-4 lần người không bị đái tháo đường. Chi phí này bao gồm cả thuốc, trang thiết bị, xét nghiệm cận lâm sàng, chi phí thường xuyên đi khám bệnh v.v.
Mức độ chi phí này còn phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh, vào tình trạng biến chứng của bệnh.
Đa số chi phí cho điều trị của người đái tháo đường gắn liền với giải quyết biến chứng của bệnh, đặc biệt là những người phải nằm viện, thường các biến chứng chiếm tới 2/3 tổng chi phí điều trị (bảng 1.4).
Bảng 1.4. Ví dụ về giá điều trị (bảng Anh) trung bình cho người bệnh đái tháo đường (theo UKPDS).
Bệnh nhân gầy | Bệnh nhân thừa cân | |||
Chế độ ăn | Thuốc
(ln/Sulfo) * |
Chế độ ăn | Metformin | |
* Thông thường | 3.655 | 4.350 | 2.157 | 3.242 |
* Có biến chứng | ||||
– Ở bệnh viện | 4.266 | 3.494 | 4.632 | 3.317 |
– Ngoại trú | 1.666 | 1.631 | 1.324 | 1.258 |
– Mắt và/hoặc thận | 283 | 133 | 51 | 36 |
Tổng số cho ĐT biến chứng | 6.215 | 5.258 | 6.007 | 4.642 |
Tổng số cho ĐT lâm sàng | 9.869 | 9.608 | 6.007 | 4.642 |
Tỷ lệ % có biến chứng | 63 | 55 | 74 | 59 |
* Insulin, sulfonylurea. ĐT: Điều trị.
Những nghiên cứu ở một số nước phát triển cho thấy 5 – 10% tổng ngân sách giành cho y tế buộc phải chi cho việc chăm sóc đái tháo đường và biến chứng của bệnh.
Năm 1997, thế giới chi phí cho điều trị đái tháo đường là 1.030 tỷ đô la Mỹ, riêng nước Mỹ với 15 triệu người đái tháo đường chi phí 98,2 tỷ (chi phí trực tiếp 44,1 tỷ USD, gián tiếp 54,1 tỷ USD). Australia, đã phải chi ít nhất là 720 triệu USD cho việc chăm sóc đái tháo đường trong năm 1995 so với 550 triệu USD năm 1990. Dự kiến đến năm 2010, chi phí này sẽ tăng khoảng 50%.
New Zealand, 5% ngân sách y tê được chi cho việc trực tiếp chăm sóc đái tháo đường và thêm 5% nữa cho các khoản trợ cấp mất sức vì đái tháo đường, tổng cộng là 10%. Tại Nhật Bản, chi phí trực tiếp về đái tháo đường cho các cơ sở y tế vào khoảng 16,94 tỷ USD và chiếm 6% tổng ngân sách y tế năm 1998.
Hiện chưa có các thông tin đầy đủ, chi tiết về chi phí trực tiếp và gián tiếp cho bệnh đái tháo đường của khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, số liệu thông kê của một số quốc gia cho thấy chi phí chung cho người đái tháo đường cao hơn một cách đáng kể so với người không bị đái tháo đường. Ví dụ:
4% số người được chẩn đoán là đái tháo đường, chiếm 12% tổng chi phí chăm sóc sức khoẻ.
1,4% số người được phát hiện có bệnh đái tháo đường, chiếm 5,5% số lượt nhập viện và 6,4% số lượt khám ngoại trú.
Tình trạng kiểm soát đường huyết kém làm tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ, ví dụ chi phí cho các hội viên đái tháo đường của một tổ chức bảo vệ sức khoẻ tăng dần trong khoảng thời gian 3 năm, theo thứ tự là 5%, 11%, 21% và 36% đối với mỗi mức tăng 1% trong trị số hemoglobin glycat-hoá (HbA1c) từ 6-10%. Nghiên cứu này cũng thấy rằng nếu quản lý tốt mức glucose máu, biểu hiện bằng giảm HbA1c, sẽ làm giảm chi phí chăm sóc.
Nếu tính theo giới và tuổi thì tỷ lệ mất sức lao động ở nam giới bị đái tháo đường trên 40 tuổi tăng gấp 3 lần, ở bệnh nhân nữ trên 50 tuổi tăng gấp 2 lần so với các đối tượng nam nữ cùng độ tuổi không bị đái tháo đường.
Những nghiên cứu về kinh tế y tế còn cho thấy ngay cả trong thời kỳ tiền lâm sàng của đái tháo đường typ 2, chi phí chăm sóc sức khoẻ cũng tăng, ví dụ người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường thường hay tìm đến các dịch vụ y tế hơn và phải mất chi phí chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn so với người không có nguy cơ phát triển thành đái tháo đường.
Người ta cũng dự báo rằng sự gia tăng cao nhất về số người đái tháo đường tại các nước đang phát triển sẽ xảy ra ở độ tuổi có khả năng lao động, từ 26 – 64 tuổi. Điều này chắc chắn sẽ có ý nghĩa đối với khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi có nhiều quốc gia đang phát triển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cũng đang đạt tới mức “kỷ lục”. Đặc điểm này cũng đồng nghĩa với sự thật là khu vực này đang chịu một gánh nặng không nhỏ về mặt chi phí gián tiếp của bệnh đái tháo đường cũng như tăng nhu cầu dịch vụ y tế.
- Tác động xã hội của đái tháo đường:
Tác động của tử vong và biến chứng sớm do đái tháo đường lên sức sản xuất, chi phí tài chính và xã hội rất lớn. Vai trò và vị trí của người đàn ông với tư cách là người lao động chính trong gia đình và của người phụ nữ với tư cách là người quản lý, chăm sóc gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bệnh đái tháo đường và các biến chứng của bệnh. Tại nhiều nước đang phát triển hiện không có công quỹ dự phòng càng gây thêm sự căng thẳng về tài chính, thể chất và tâm lý trong gia đình, nhất là đối với phụ nữ.
- Tác động cá nhân của đái tháo đường:
Đối với cá nhân, khi được chẩn đoán đái tháo đường người bệnh thường có chấn thương lớn về tâm lý. Họ sẽ buộc phải có những thay đổi về quan niệm và lối sống, bao gồm việc hoạch định và sắp xếp thời gian ăn uống, thường xuyên tự kiểm tra đường máu, tiêm insulin hoặc uống thuốc, điều chỉnh và thận trọng đối với hoạt động thể lực, để phòng chống các biến chứng trước mắt và lâu dài. Người đái tháo đường luôn bị đe doạ bởi các biến chứng cấp và mạn tính, người ta lo ngại nhất vẫn là nguy cơ hạ đường huyết. Một triệu chứng bệnh hoặc nhiễm khuẩn gian phát thông thường cũng có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng đối với tính mạng của họ.
Chất lượng cuộc sống và sự tin tưởng cá nhân bị suy giảm thường là do những lý do sau:
Lo lắng về việc thường xuyên phải có đủ thuốc điều trị thiết yếu.
Thiếu thông tin đầy đủ để biết cách tự chăm sóc.
Khó khăn trong việc đánh giá các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thích hợp.
Phải mất thêm chi phí chăm sóc y tế.
Cần có thời gian nghỉ việc để đi khám bệnh.
Sự hiểu nhầm của công chúng về nguyên nhân gây bệnh và khó khăn do việc phải thực hiện chế độ điều trị khác với mọi người.
Quyết định “phải nói với ai?” về việc mình bị mắc bệnh đái tháo đường, ví dụ: bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên?
Cảm thấy mất khả năng kiểm soát chính bản thân mình và bối rối đi kèm với những cái “thiếu”.
Những phức tạp xã hội và những bất lợi tiềm tàng luôn xảy ra ở nơi, mọi lúc như ở nơi làm việc, trong triển vọng hôn nhân, các sinh hoạt thể thao, vui chơi giải trí. Thậm chí có khi họ còn phải chịu cả sự hiểu nhầm rằng đái tháo đường là bệnh “lây”, làm cho mọi người xa lánh v.v.
Các yêu cầu tự chăm sóc cứng nhắc cũng gây phiền phức cho người bệnh, ví dụ tự tiêm thuốc hoặc dùng bữa cách những khoảng thời gian đều đặn.
Các loại chi phí cho người mắc bệnh đái tháo đường
Chi phí trực tiếp
Là gánh nặng kinh tế mà người bệnh và gia đình họ phải chi trả cho việc khám chữa bệnh, cho các chi phí khác ngoài thuốc (như phí giao thông, tiền trọ, tiền phục vụ v.v.) bằng tiền thu nhập của chính bản thân họ (bao gồm cả tiền đóng cho bảo hiểm). Đây là vấn đề rất lớn; người bệnh dù ở xã hội giàu hay nghèo, thì đây cũng là những chi phí bắt buộc, với mức độ không nhỏ so với thu nhập. Những chi phí này gây ảnh hưởng lớn cho bản thân người bệnh và cả gia đình họ.
Chi phí trực tiếp còn là khoản tiền mà bảo hiểm y tế phải chi trả cho người bệnh; ví dụ, các chi phí cho các bệnh nhân nội trú hoặc ngoại trú mắc bệnh đái tháo đường và các biến chứng do bệnh gây ra.
Bảng 1.5 thống kê đánh giá về chi phí trực tiếp cho người đái tháo đường với tổng chi phí giành cho người đái tháo đường so sánh với chi phí ngân sách giành cho chăm sóc sức khoẻ.
Đa số những chi phí trực tiếp là cho những biến chứng của bệnh.
Quốc gia | Chi trực tiếp cho Đái tháo đường (USD) | Tổng ngân sách (USD) | Trực tiếp (tiền địa phương) | Tổng ngân sách (tiền địa phương) |
Đan Mạch | 0,54 | 9,12 | 3,8 | 64 |
Ha Lan | 0,46 | 7,84 | 2,6 | 44 |
Pháp | 7,3 | 121,66 | 45,2 | 753 |
Đức | 10,67 | 179,36 | 19,7 | 331 |
Italia | 4,50 | 74,95 | 8.220,0 | 137.000 |
Nhật | 16,94 | 282,42 | 2.070,0 | 34.500 |
Tây Ban Nha | 2,04 | 33,93 | 320,0 | 5.330,0 |
Thuỵ Điển | 0,88 | 14,72 | 7,5 | 125,0 |
Anh | 4,65 | 76,94 | 2,9 | 48,0 |
Mỹ | 60,0 | 1.007,0 | 60,0 | 1.007,0 |
* Theo thống kê này chi phí cho một người bệnh đái tháo đường cao gấp 2,5 lần so với người không bị đái tháo đường. (Đơn vị tính là tỷ USD và tiền tệ đia phương đã được chuyển đổi ra đô la Mỹ theo tỷ giá tại ngày 26 – 5 1999).
Một nghiên cứu về gánh nặng chi trả của người bệnh đái tháo đường điều trị tại Bệnh viện Nội tiết, Việt Nam, cho thấy chi phí cho điều trị ở nước ta có những đặc điểm sau:
Người bệnh thường vào viện vì những biến chứng; biến chứng càng nhiều chi phí cho thuốc chữa bệnh, cho số ngày buộc phải nằm điều trị càng cao.
Các chi phí trực tiếp không cho điều trị cao.
Đa số người bệnh không đủ khả năng tự chi trả, dù đã có hỗ trợ của bảo hiểm y tế, người có đủ khả năng chi trả chỉ có 27,3%; phải bán đồ dùng có giá trị trong nhà để chi trả là 21,2%; vay mượn để chi trả là 51,5%.
Những chi phí trên đây phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của công tác quản lý bệnh, vào trình độ hiểu biết và tự quản lý bệnh của người mắc bệnh đái tháo đường, vào tổ chức mạng lưới y tế.
Có thể chia ra các nguyên nhân tham gia vào “tăng chi trả” như sau:
+ Phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh; bệnh càng nặng chi trả càng cao; thậm chí nhiều người có khả năng bị tử vong do các biến chứng như hôn mê, nhiễm khuẩn hoặc các tai biến tim mạch, thần kinh
+ Chi trả cho các “kỹ thuật cao” trong chẩn đoán bệnh và đây là một thực tế; các biến chứng về tim mạch là hay gặp nhất; để đánh giá mức độ các biến chứng, tìm ra phương pháp can thiệp có hiệu quả buộc phải tiến hành các biện pháp kỹ thuật cao và tốn kém.
+ Chi trả cho người đi theo phục vụ. Hình thức này chỉ có thể hạn chế được nếu tổ chức tốt mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tổ chức ra các đội công tác đặc biệt phục vụ theo yêu cầu của người bệnh.
Chi phí gián tiếp
Là những chi phí mà xã hội phải gánh vác cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Đó là những sản phẩm lao động bị giảm sút do nghỉ ốm, do tàn phế, do nghỉ hưu sớm hoặc chết non vì bệnh tật. Chi phí này bao gồm cả những sản phẩm lao động do người phục vụ người bệnh phải nghỉ việc. Như vậy chi phí gián tiếp không thấp hơn chi phí trực tiếp mà luôn cao hơn (bảng 1.6).
Ở nước ta chưa có công trình nghiên cứu nào về chi phí gián tiếp cho người bệnh đái tháo đường.
Bảng 1.6. So sánh chi phí trực tiếp và gián tiếp
ở một số quốc gia trên thế giới (Đơn vị tính: USD).
Quốc gia (năm) | Chi phí trực tiếp | Chi phí gián tiếp |
Mỹ (1997) | 44,1 tỷ | 54,1 tỷ |
Australia (1995) | 371 triệu | 280 triệu |
Mexico (1991) | 100 triệu | 300 triệu |
Chi phí vô hình
Còn được gọi là gánh nặng tâm lý của xã hội đối với bệnh đái tháo đường, bao gồm các stress, sự lo lắng của bản thân người bệnh, thân nhân họ và cả cộng đồng về tất cả các khía cạnh có liên quan đến bệnh như tình trạng bệnh, diễn biến của bệnh, ảnh hưởng của bệnh đến công việc, đến tương lai v.v. Người ta đã dùng khái niệm chất lượng cuộc sống QOL (quality of life), để đánh giá hy vọng sống và chất lượng cuộc sống của người đái tháo đường.
Ngày nay vấn đề người ta quan tâm là làm thế nào để giảm bớt chi phí cho bệnh đái tháo đường? Nhiều chuyên gia đã cảnh báo gánh nặng chi phí này với các quốc gia đang phát triển, nơi mà tỷ lệ đái tháo đường typ 2 đang tăng lên nhanh chóng, nhưng kinh nghiệm về quản lý, dự phòng bệnh lại hầu như không có gì. Đặc biệt nhất là lứa tuổi mắc bệnh ở các quốc gia này lại thường ở vào lớp tuổi từ 30 – 64, lứa tuổi lao động chính tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho cả cộng đồng và cho mỗi gia đình – tế bào của xã hội.