Trang chủBệnh chứng Đông yCan hỏa Đông y và pháp, phương thuốc điều trị

Can hỏa Đông y và pháp, phương thuốc điều trị

Can hỏa là chứng thường thấy của tạng can khi có bệnh. Nguyên nhân thường thấy là: tình chí không thoải mái khí uất lại, uất lâu hóa hỏa, hỏa chưng đốt làm tổn thương can (thực hỏa, hỏa uất), hoặc thận âm không đủ để nuôi dưỡng can mộc, can âm hư dẫn đến can hỏa vượng (hư hỏa).

Biểu hiện của thực hỏa, hỏa uất không giống với hư hỏa.

Cơn tăng huyết áp, bệnh cao huyết áp của y học hiện đại nằm trong phạm vi can hỏa.

Thực hỏa:

Triệu chứng: gò má đỏ, thao cuồng kinh quyết, đái khó, mụn nhọt, háu đói hay khát, nôn, không ngủ, nôn máu ỉa máu, họng đau, sườn đau, mạch huyền hữu lực, sác.

Tùy triệu chứng chính, có thể chia ra như sau:

Can hỏa.

Triệu chứng: sườn đau, nôn, bụng trên đầy tắc, ợ hơi, miệng đắng, mạch huyền sác.

Phép điều trị:

  • Thanh can hỏa.

Phương thuốc: Tả kim hoàn (Đan khê tâm pháp).

Hoàng liên 6 lạng                           Ngô thù 1-1,5 lạng

Tán mịn làm hoàn nước, uống 2-3 g 1 lần. Có thể làm thuốc thang.

Ỳ nghĩa: Hoàng liên (khổ hàn) để thanh can hỏa, Ngô thù du (tân nhiệt) để chế khổ hàn của Hoàng liên, có thể vào can để giáng nghịch, hòa vị. Thêm Bạch thược, Đương quy để liễm can nhu can. Đan bì, Sơn chi để góp phần thanh can.

Hoàng liên
Hoàng liên
  • Thanh kim chế mộc.

Phương thuốc: Nhất quán tiễn (Liễu châu y thoại) gia VỊ.

Sa sâm 3 đồng cân    Mạch môn  5 đồng cân

Đương quy thân 3 đồng cân

Sinh địa 6 đồng cân-1 lạng

Xuyên luyện tử 1,5 đồng cân

Kỷ tử 3-6 đồng cân

Thêm Thạch hộc Ngọc trúc Thạch quyết minh. Thiên môn Tỳ bà diệp.

Phương này cấu tạo theo hướng tăng kim (phế) để chế mộc (can) tức dùng kim khắc mộc.

Can hỏa bốc lên trên nhiễu thanh không.

Triệu chứng: Đầu đau, mắt đỏ, có cơn bốc hỏa, sườn đau, miệng đắng tai ù, nước tiểu ít đỏ nóng, hoặc phân táo, mạch huyền sác thực.

Phép điều trị: Tả can hỏa.

Phương thuốc: Long đởm tả can thang (Y phương tập giải)

Long đởm thảo 2 đồng cân Hoàng cầm 3 đồng cân
Chi tử 3 đồng cân Trạch tả 4 đồng cân
Mộc thông 3 đồng cân Xa tiền tử 3 đồng cân
Đương quy 1 đồng cân Sinh địa 3 đồng cân
Sài hồ 2 đồng cân Sinh cam thảo 2 đồng cân.

Ý nghĩa: Long đởm thảo (đại khổ hàn) để tả thực hỏa của can đởm. Hoàng cầm, Chi tử (khổ hàn) để tả hỏa. Trạch tả, Mộc thông, Xa tiền tử để thanh nhiệt lợi tiểu đưa ra bằng tiểu tiện. Sinh địa, Đương quy để tư dưỡng tâm huyết. Sài hồ dẫn thuốc vào can đởm. Cam thảo để điều hòa các vị thuốc.

Phương thuốc: Đương quy long hội hoàn (Đan khê tâm pháp)

Đương quy 1 lạng

Long đởm thảo 5 đồng cân

Xạ hương 0.5 đồng cân

Hoàng bá 1 lạng

Hoàng cầm 1 lạng

Lô hội 5 đồng cân

Đại hoàng 5 đồng cân

Mộc hương 1.5 đồng cân

Chi tử 1 lạng

Hoàng liên 1 lạng

Tán mịn, luyện mật làm hoàn thư hạt như đậu nhỏ hoặc hạt vừng, mỗi lần uống 20 viên (tương đương 2  đồng cân).

Ý nghĩa: Đương quy để tư dưỡng âm huyết. Long đởm thảo, Chi tử, Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm để tả thực hỏa ở can đởm. Lô hội, Đại hoàng để thông tiện. Mộc hương để lý khí, Xạ hương để khai khiếu. Như vậy phương thuốc này dùng trong tả hỏa và trọng tâm là đưa ra bằng đại tiện (khi có táo bón nhiều hoặc có ý thức lơ mơ).

Uất hỏa.

Triệu chứng:

Hàn nhiệt vãng lai, nôn chất chua đắng, hoặc vú kết hòn, hoặc có hạch cổ, hoặc sườn đau, mạch uất kết.

Phép điều trị: sơ can giải uất kiện tỳ hòa dinh.

Phương thuốc: Tiêu dao tán (Cục phương)

Sài hồ 1 lạng Đương quy sao nhẹ 1 lạng
Bạch thược 1 lạng Bạch truật 1 lạng
Phục linh 1 lạng Cam thảo 5 đồng cân.

Tán mịn, uống 2 đồng cân với nước sắc 1 lát to gừng, 1 ít Bạc hà (có thể làm thang, làm hoàn).

Ý nghĩa: Sài hồ để sơ can giải uất. Đương quy, Bạch thược để dưỡng huyết nhu can, Bạch truật, Phục linh để kiện tỳ trừ thấp. Cam thảo để ích khí hòa trung, hoãn cấp của can. Gừng để ôn vị hòa trung, Bạc hà giảm nhiệt của can uất.

  • Nếu có thêm phiền nhiệt, sườn đau, trướng đầy, thổ huyết do can uất hóa hỏa gây khí nghịch động huyết.

Phép điều trị: hóa can.

Phương thuốc: Tả thanh hoàn (Tiểu nhi được chứng trực quyết)

Đương quy                         Long đởm thảo

Xuyên khung                     Chi tử

Đại hoàng                           Khương hoạt

Phòng phong

Lượng đều nhau, tán mịn, hoàn mật bằng đầu gà, mỗi lần uống 1/2 đến 1 hoàn với thang bằng Trúc diệp (nay có thể làm hoàn nước, mỗi lần uống 6 g bằng nước ấm, hoặc nước sắc Trúc diệp). Trẻ em dùng 1/2 liều.

Ý nghĩa: Đương quỹ để tư dưỡng âm huyết. Long đởm thảo, Chi tử để tả can hỏa. Đại hoàng để thông tiện – Khung, Hoạt, Phong để thông kinh lạc.

Nếu có đờm, thêm: Thanh đại, Qua lâu để thanh hỏa hóa đờm.

Nếu có ứ huyết, thêm: Tuyền phúc hoa, Uất kim để khứ ứ thông lạc.

Hư hỏa.

Triệu chứng: Gò má đỏ, cốt chưng, không ngủ, phiền táo, bụng cồn cào dễ đói, đầu mặt nóng đỏ, mạch huyền tế sác, ấn mạnh vô lực, hoặc thốn quan huyền sác, xích tế tiểu. Đó là do mộc không đựợc thủy nuôi, mộc vượng sinh hỏa.

Phép điều trị: Tráng thủy chế hỏa (Bổ mẹ)

Phương thuốc: Lục vị hoàn (Tiểu nhi được chứng trực quyết)

Thục địa 24g
Sơn thù 12g
Hoài sơn 12g
Trạch tả 9g
Bạch linh 9g
Đan bì 9g

Phương thuốc: Đại bổ âm hoàn (Đan khê tâm pháp) (để tư âm giáng hỏa).

Hoàng bá 120g
Tri mẫu 120g
Thục địa 180g
Quy bản 180g

Tán mịn, tủy lợn 1 cái làm thành 70 viên hoàn mật ong, uống với nước muối nhạt (Nay mỗi hoàn ước 15g ngày uống 2 lần sáng, tối).

Ý nghĩa: Thục địa, Quy bản bổ chân âm, tiềm dương chế hỏa, Tủy lợn, Mật ong bổ âm tinh, sinh tân dịch. Hoàng bá, Tri mẫu tả tướng hỏa, thanh nhuận phế nhiệt để tư nhuận thận âm.

  • Nếu ngoài hư còn tâm hỏa lúc đó có thêm đau vùng tâm, tâm phiền.

Phép điều trị: Tả tâm bổ thận (tả nam bổ bắc)

Phương thuốc: Hoàng liên a giao thang (Thương hàn luận)

Hoàng liên 4 lạng                          A giao    3 lạng

Hoàng cầm 2 lạng                           Kê tử hoàng 2 quả

Bạch thược 2 lạng.

Ý nghĩa: cầm Liên để tả tâm hỏa. A giao để bổ thận âm. Kê tử hoàng để giúp Hoàng liên tả tâm hỏa bổ tâm huyết. Bạch thược giúp A giao bổ âm liễm dương để giao tâm thận.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây