Trang chủTriệu chứng Đông yChứng Tâm Thận dương hư

Chứng Tâm Thận dương hư

Chứng Tâm Thận dương hư là chỉ phần dương của Tâm Thận bất túc, Mệnh môn hoả suy mất sự sưởi ấm đến nỗi hình thành các chứng hậu âm hàn thịnh ở trong, huyết đi bị ứ trệ, thủy thấp ứ đọng; Bệnh phần nhiều do ốm lâu không khỏi hoặc nhọc mệt nội thương gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là cơ thể ớn lạnh, tay chân lạnh, thích ngủ, móng tay chân tím tái, chất lưỡi tối nhạt hoặc tím tái, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Vi.

Chứng Tâm Thận dương hư thường gặp trong các bệnh Thủy thũng, Kính quí, Chính xung và Hung Tý.

Cần Chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận dương hư, Chứng Tâm dương hư, chứng Tỳ Thận dương hư.

Phân tích

Chứng Tâm Thận dương biểu hiện là Âm thủy trong bệnh Thủy thũng, tình thế thũng khá nặng, thủy tà tràn lan ra khắp người, ấn vào lõm sâu không nổi, đồng thời có các chứng trạng chân tay lạnh sợ lạnh, hồi hộp đoản hơi, ngực khó chịu, đau vùng tim. Bởi vì Tâm là quân hoả, Thận chứa tướng hoả, Tâm dương bất túc có thể dẫn đến Thận dương hư suy, Tâm Thận dương hư, Mệnh môn hoả suy thì thủy thấp ứ đọng lại; Điều trị nên ôn bổ Tâm Thận, lợi thủy tiêu thũng, chọn dùng bài Bảo nguyên thang (Cảnh Nhạc toàn thư) hợp với Chân vũ thang (Thương hàn luận) gia giảm.

Trong bệnh Kính quí chính xung xuất hiện chứng Tâm Thận dương hư, đặc điểm biểu hiện là hồi hộp đoản hơi thở gấp; chân tay lạnh phù thũng, tình trạng hồi hộp như trong tâm rỗng không, sợ sệt dễ kinh hãi, nơm nớp không yên, hễ động làm thì bệnh tăng, phần nhiều do dương khí bất túc, thủy ẩm nghịch lên gây nên; sách Thương hàn minh lý luận viết: “nếu là đình ẩm là do nước ứ đọng ở dưới Tâm; Tâm chủ hoả mà sợ Thủy; nước đã ứ đọng ở trong Tâm tự thấy không yên mà thành sợ sệt”; Điều trị nên ôn dương lợi thủy, trấn nghịch trừ hồi hộp, chọn dùng bài Linh quế truật cam thang (Thương hàn luận) hợp với Tứ nghịch thang (Thương hàn luận) hoặc Quế chi cam thảo long cốt mẫu lệ thang (Thương hàn luận) gia giảm.

Chứng Tâm Thận xuất hiện trong bệnh Hung Tý, phần nhiều do Tâm Dương bất túc mất khả năng thúc đẩy, huyết rít không lưu thông, có các chứng trạng ngực khó chịu không thoải mái hoặc kèm theo đau ngực, chất lưỡi tía tối hoặc có nốt ứ huyết, mạch sắc Kết Đại, Điều trị nên ôn dương tuyên tý, thông lạc hoá ứ, chọn dùng bài Chỉ thực giới bạch quế chi thang (Kim Quỹ yếu lược) bỏ Hậu phác gia Can khương, Tế tân.

Chứng này phần nhiều gặp ở người thể chất vốn dương hư hoặc người cao tuổi, ốm lâu, Tâm dương hư suy, Thận dương bất túc. Vì dương hư thì ngoại hàn, cho nên chân tay lạnh mà ưa ấm; Âm thịnh dương vi cho nên thích tĩnh mà ít hoạt động. Âm ở trong để giữ gìn cho Dương; Dương hư không bền, ngoại tà thường dễ xâm phạm cho nên rất dễ cảm mạo- mà cảm mạo chữa không kịp thời, chữa sai lầm hoặc phát hãn không thoả đáng làm hao thương Tâm dương dẫn đến tật bệnh nặng thêm.

Tâm là chúa tể của năm tạng sáu phủ, chủ minh mẫn thì dưới mới yên, chủ mà không minh mẫn thì mười hai chức quan bị nguy. Thận là gốc của tiên thiên, là cội rễ của mười hai kinh mạch, nơi dàng buộc nguyên âm và nguyên dương. Vì vậy Tâm Thận dương hư phát triển thêm một bước tới dương vi âm thịnh, có thể xuất hiện mồ hôi ra đầm đìa, mồ hôi loãng mà lạnh, sợ lạnh nằm co, chân tay quyết lạnh, tinh thần lơ mơ, mạch Vi muốn tuyệt; Điều trị phải dùng phép hồi dương cứu nghịch ngay.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Thận dương hư với chứng Tâm Thận dương hư: Chứng nguyên dương bất túc, khí hoá mất quyền, không có khả năng sưởi ấm, âm hàn thịnh ở trong, cho nên biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sợ lạnh, sắc mặt trắng bệch, hơi thở suyễn gấp, lưng gối lạnh mỏi, tiểu tiện trong dài, hoặc đái dầm hoặc long bế, phù thũng từ lưng trở xuống nặng hơn, nam giới Dương nuy hoạt tinh, không sinh dục, phụ nữ thì đái hạ trong lạnh, tử cung bị lạnh không thụ thai; hoặc là ngũ canh tiết tả, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch ở xích bộ Trầm Tế hoặc Trầm Trì.

Còn chứng Tâm Thận dương hư, ngoài những biểu hiện Thận dương hư, còn có đặc trưng cả chứng Tâm dương hư, như các chứng trạng hồi hộp sợ sệt, ngực khó chịu và đau, đau vùng Tim đột ngột, nặng hơn thì môi miệng tím tái, chất lưỡi tía tối, mạch Sắc hoặc Kết Đại, cần phải phân biệt.

Chứng Tâm Dương hư với chứng Tâm Thận dương hư; Chứng Tâm dương hư là do chứng Tâm khí hư phát triển thành, phần nhiều do tuổi cao ốm lâu hoặc phú bẩm bất túc, hoặc ra mồ hôi quá mức thương tổn dương khí gây nên; Lâm sàng phải có các chứng Tâm khí bất túc mà có kiêm cả dương hư sợ lạnh, huyết vận hành vô lực như vùng ngực bĩ đầy, đau vùng Tim xiên suốt ngang lưng, lưỡi nhạt hoặc tía tối hoặc có nốt ứ huyết, ứ ban, mạch Tế nhược hoặc Kết Đại. Chỉ có điều “hiện tượng Hàn” không biểu hiện đột xuất như chứng Tâm Thận dương hư, vả lại không có biểu hiện Thận dương hư như thuỷ thấp ứ đọng, phù thũng nặng từ lưng trở xuống, có thể phân biệt.

Chứng Tỳ Thận dương hư với chứng Tâm Thận dương hư: Biểu hiện lâm sàng của chứng Tỳ Thận dương hư có đặc điểm là cơ thể ớn lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng nhợt, lưng gối ê mỏi, bụng dưới lạnh đau, đại tiện ra nguyên đồ ăn hoặc ngũ canh tiết tả, hoặc mặt và chân phù thũng, tiểu tiện không lợi, thậm chí hình thành cổ trướng, lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Tế Nhược. Phần nhiều do Thận dương hư yếu, Mệnh môn hoả suy không làm ấm áp Tỳ dương; Hoặc là Tỳ dương bị hư lâu ngày liên lụy đến Thận, cuối cùng đến nỗi Tỳ Thận dương khí đều hư, có chứng trạng chân tay lạnh sợ lạnh, mặt phù mình thũng, tiểu tiện không lợi v.v… gần giống với chứng Tâm Thận dương hư; Nhưng chứng Tỳ Thận dương hư là do Tỳ mất sự vận chuyển ấm áp, thủy trái lại thành thấp, cốc khí trái lại thành trệ cho nên dễ dẫn đến chứng trạng đại tiện lỏng ra nguyên đồ ăn hoặc ngũ canh tiết tả, thậm chí cổ trướng nghẽn đầy. Còn chứng Tâm Thận dương hư thì do Tâm dương không mạnh cho nên thường thấy hiện tượng ngực khó chịu và đau, hồi hộp sợ sệt đó là chỗ khác nhau của hai chứng ấy.

Trích dẫn y văn

Có trường hợp đình ẩm thủy khí lấn Tâm thì trong ngực có tiếng nước sèo sèo, hư khí lưu động; Thủy đã lấn lên trên, Tâm hoả sẽ phản ứng, cho nên khuấy động sùng sục, khiến người ta có trạng thái hổn hển, mạch ngả về Huyền (Chứng trị vậng bổ).

Bài trước
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây