Trang chủTriệu chứng Đông yChứng Bào cung hư hàn trong Y học cổ truyền

Chứng Bào cung hư hàn trong Y học cổ truyền

Chứng Bào cung hư hàn là tên gọi chung cho một loạt chứng trạng do nguyên nhân phú bẩm bất túc, hoặc phòng lao, sinh đẻ nhiều dẫn đến dương khí bất túc, bào cung mất sự nuôi dưỡng ấm áp, sự sinh hoá của khí huyết bất cập gây nên bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là bụng dưới không ấm, ưa nóng, ưa xoa bóp, đau liên miên, chu kỳ ra muộn hoặc lượng kinh nguyệt ít hoặc kinh bế không thông, lượng đái hạ nhiều sắc trắng loãng, lưng gối đau mỏi, sợ lạnh tay chân lạnh, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt rêu mỏng, mạch Trầm Tế vô lực hoặc Trầm Trì.

Bào cung hư hàn thường gặp trong các bệnh “chu kỳ muộn”, “kinh nguyệt ra lượng ít”, “thống kinh”, “bế kinh”, “đái hạ”, “bất dựng” (vô sinh); cũng có thể gặp trong các bệnh “thai lậu”, “có thai đau bụng”, “động thai”, “thai chậm phát triển”, “đoạ thai”, “máu hôi không ra” v.v…

Cần chẩn đoán phân biệt với “chứng hàn tà ngưng đọng ở bào cung” và “chứng đàm thấp ngăn trở ở bào cung”.

Phân tích

Bào cung hư hàn là chứng hậu đặc biệt chỉ phụ khoa mới có. Vì công năng sinh lý của phụ nữ đặc biệt có hoạt động về chu kỳ, mang thai và sinh đẻ đều lấy Bào cung làm chủ yếu, cho nên chứng Bào cung hư hàn có thể xuất hiện các tật bệnh trong tạp bệnh của phụ nữ như kinh – đới – thai – sản. Nhưng trong các loại tật bệnh khác nhau. Biểu hiện lâm sàng đều có đặc điểm riêng, cho nên cần phải phân tích rõ ràng.

– Chứng này xuất hiện ở loại kinh muộn hoặc hành kinh ra lượng quá ít, biểu hiện lâm sàng thường lấy kinh nguyệt ra kéo dài hoặc ra muộn tới 7 – 8 ngày, hoặc hai, ba tháng mới hành kinh một lần; hoặc là đúng ngày hành kinh nhưng số lượng lại quá ít rõ rệt; hoặc là thời gian hành kinh quá ngắn, thậm chí chỉ một, hai ngày là đã sạch; hoặc chỉ ra giỏ giọt rồi hết ngay, sắc kinh quá nhạt, chất loãng, lưng gối đau mỏi, đau bụng liên miên, ưa ấm, ưa xoa bóp v.v… Đây là do dương khí vốn hư, bào cung thiếu sự ấm áp, khí ít huyết lạnh, sinh hoá bất cập gây nên bệnh, như mục Phụ nhân quy sách cc toàn thư có nói: “Phàm là huyết lạnh, ắt chu kỳ ra muộn; Nhưng tại sao mà huyết lạnh? cũng là bởi dương khí bất túc thì lạnh từ trong sinh ra, mà sự sinh hoá không đúng kỳ hạn, cũng là do lạnh gây nên”. Điều trị nên phù Dương làm ấm Bào cung, ôn kinh dưỡng huyết, cho uống bài Đại doanh tiễn(Cảnh Nhạc toàn thư).

– Kinh muộn hoặc lượng kinh ra quá ít dần dần, thường tiến tới Bế kinh, cho nên chứng Bào cung hư hàn cũng thường gặp trong bệnh Bế kinh, nhưng biểu hiện lâm sàng thường có đặc điểm xuất hiện ở trường hợp kinh muộn hoặc lượng kinh quá ít; về phép chữa như đã nói ở trên, dùng thuốc cũng đã nói ở trên.

– Khi chứng Bào cung hư hàn gặp trong bệnh Thống kinh, biểu hiện lâm sàng thường là lượng kinh ra ít và đau bụng liên miên, gặp nóng thì đỡ đau, ưa xoa bóp, lượng kinh ra ít sắc nhạt và loãng, chân tay lạnh đại tiện nhão v.v… đó là những đặc điểm do dương hư huyết lạnh, huyết lương thông trì trệ. Bởi vì do dương khí bất túc, dương hư thì hàn sinh ra từ bên trong, huyết gặp lạnh thì ngưng đọng, lại thêm dương khí hư suy không có sức để vận chuyển huyết. Môn điều kinh sách Phụ khoa bổ giải của Trần Tố Yêm có nói: “Kinh đã ra thì huyết hải rỗng không. Huyết ra nhiều thì vong âm, dương khí do đó không có gì giúp đỡ. Hư thì sinh lạnh, cho nên đau bụng”. Nên Ôn kinh dưỡng huyết, dùng bài Ôn kinh thang (Kim Quỹ yếu lược).

– Khi chứng Bào cung hư hàn xuất hiện trong bệnh Đái hạ, biểu hiện lâm sàng phần nhiều thấy đái hạ ra sắc trắng loãng, dầm dề không dứt, bụng dưới không ấm, bộ phận sinh dục lạnh v.v… đó là vì bào cung không ấm áp, âm tinh không khả năng hoá sinh ra huyết, bị thấp trọc dồn xuống Xung Nhâm gây nên bệnh. Phép chữa: ôn dương chỉ đới, dùng bài Nội bổ hoàn (Nữ khoa thiết yếu).

– Chứng Bào cung hư hàn xuất hiện trong bệnh “Bất dựng” (vô sinh) biểu hiện lâm sàng là vợ chồng xây dựng lâu năm không có thai nghén, thời kỳ thấy kinh n ói chung khá muộn, thường là kinh muộn hoặc lượng kinh quá ít, có khi Bế kinh, có khi phải dùng thuốc kinh nguyệt mới ra, mầu sắc tối sạm hoặc như muội khói dầu, lưng đùi mỏi, tình dục thờ ơ v.v…thăm khám có thể thấy bào cung nhỏ hơn người bình thường khá nhiều, đó cũng là đặc điểm của bệnh. Mục Cầu tự sách Diệp thị nữ khoa chứng trị nói: “Nguyên nhân bệnh của phụ nữ không thụ thai… có khi do tử cung bị lạnh mà không sinh hoá được dương khí”. Điều trị nên trợ Dương làm ấm tử cung, thường dùng bài Ngải phụ noãn cung hoàn (Nhân trai trực chỉ phương).

– Nếu chứng Bào cung hư hàn thấy ở bệnh Thai lậu, biểu hiện lâm sàng là huyết ra nhỏ giọt khi đang có thai, sắc đỏ nhạt, lượng ít, hoặc bài tiết ra như nước đậu tương, lưng bụng không ấm, cơ thể lạnh chân tay lạnh, sắc mặt trắng xanh, môi lưỡi thâm nhạt. Đây là do Dương hư bào cung bị lạnh, tinh huyết bất túc, thai không được nuôi dưỡng gây nên; điều trị nên ôn kinh làm ấm bào cung, dưỡng huyết an thai, cho uống bài Đương quy Ký sinh thang (Tế Âm cương mục).

– Chứng Bào cung hư hàn xuất hiện trong bệnh có thai đau bụng, đa số biểu hiện thời gian đang có thai, bụng dưới lạnh đau từng lúc, và trường bụng; đó là đặc điểm do dương hư, âm hàn thịnh ở trong, bào cung không có dương khí sưởi ấm, khí âm hàn nghẽn tắc ở trong, thai không được nuôi dưỡng gây nên. Điều trị nên tán hàn làm ấm tử cung, phù dương ức âm, dùng bài Giao ngải thang (Kim Quỹ yếu lược).

– Nếu Thai lậu cùng xuất hiện với chứng đau bụng khi đang có thai thì sẽ là bệnh Động thai, Động thai tiếp tục phát triển, lượng huyết ra nhiều, lưng và bụng đau dữ dội, thường dẫn đến Đọa thai. Cho bên chứng Bào cung hư hàn cũng thường xuất hiện trong các bệnh Động thai và Đọa thai.

– Thai chậm phát triển cũng có thể xuất hiện chứng hậu Bào cung hư hàn. Biểu hiện lâm sàng là khi có thai đã 5 – 6 tháng mà độ lớn của tử cung so với người bình thường có thai cùng kỳ nhỏ hơn. Mục Phụ nhân nhâm thần chư bệnh hậu sách Chư bệnh nguyên hậu luận có nói: “Nếu huyết khí hư tổn, Bào cung bị lạnh, thai sẽ héo quắt không phát triển, có hiện tượng thai nhi không chuyển động, tuy số ngày tháng đã đủ cũng không sinh được. Thai ở trong đã héo quắt, phần nhiều các thai ấy đã chết”; điều trị nên nuôi thai làm ấm Bào cung, dùng bài Trường thai Bạch truật tán (Diệp thị nữ khoa chứng trị).

– Chứng Bào cung hư hàn xuất hiện trong bệnh ác lộ không ra, biểu hiện lâm sàng là ác lộ không ra, hoặc tuy có ra nhưng lượng rất ít, sắc tía tối, bụng dưới lạnh đau trướng đầy, cơ thể lạnh tay chân lạnh, mạch Tế Sác, đó là hiện tượng bại trọc ứ trệ; Sản hậu chương sách Vạn thị phụ nhân khoa nói: “VI tử cung vốn lạnh, đình trệ không thông… Loại này phải có chứng bụng dưới trướng đầy đau nhói bất cứ lúc nào”; điều trị nên tán hàn làm ấm Bào cung, trị huyết hành ứ, dùng bài Sinh hoá thang gia giảm (Phó thanh chủ nữ khoa).

Chứng Bào cung hư hàn gặp ở tuổi thanh xuân cho đến tuổi tiền mãn kinh, nguyên nhân phần nhiều do phú bẩm bạc nhược, khi có thai lại phòng lao tổn thương hạ nguyên, Bào cung dương hư âm thịnh đến nỗi phát sinh các bệnh về Kinh – Đới – Thai – Sản, hiếm thấy chứng này ở tuổi con gái và phụ nữ cao tuổi. Chứng hậu thường gặp là đau bụng, nói chung là khá nhẹ trong mùa ấm áp, còn mùa lạnh thì bệnh biểu hiện rõ rệt.

Chứng Bào cung hư hàn là do dương khí bất túc, bào cung mất sự ấm áp gây nên; nguồn gốc của ác lộ (máu hôi) gặp lạnh thì huyết đi rít trệ. Cho nên thường diễn biến là chứng hư hàn kiêm ứ, dễ dẫn đến bệnh Trưng Hà. Chứng Bào cung hư hàn do dương hư khí hoá không lợi, dễ làm thấp trọc nghẽn trở ở trong, lại có thể hình thành chứng Hàn thấp ứ kết, dẫn đến các bệnh Trưng Hà và Đái hạ.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng hàn tà ngưng đọng ở Bào cung với chứng Bào cung hư hàn, cả hai Bào cung đều bị lạnh. Nhưng lạnh có tiêu, bản, hư, thực khác nhau; Hàn tà ngưng đọng ở Bào cung là chứng Tiêu thực, Bản hư. Sách kinh điển nói: “Tà sở dĩ xâm phạm, chính khí ắt hư từ trước”. Phong hàn vào thẳng Bào cung ẩn náu, thừa cơ hội đang hành kinh hoặc mới sinh đẻ, cái Tiêu là Bào cung rỗng không mà ập vào, cho nên thường lấy cái hư của khi hành kinh, khi mới đẻ làm dụ nhân. Chứng Bào cung hư hàn là chứng cả Tiêu và Bản đều bị hư, cái hàn là nhân dương hư sinh ra, chứ không phải tà khí phong hàn ở ngoài lọt vào ẩn náu, đa số do tiên thiên bất túc, hoặc phòng lao, đẻ nhiều mà gây bệnh.

Loại trên là do hàn tà ẩn nấp, dương khí bị chèn ép, huyết bị lạnh làm ngưng tụ đến nỗi đường đi của huyết bị rít huyết đi không lợi. Loại sau là do dương hư sự sinh hoá bất túc, huyết thất thiếu thốn đến nỗi huyết hải không dồi dào theo đúng định kỳ. Vì vậy nguyên nhân bệnh và bệnh cơ của hai loại có chỗ khác nhau. Trong nhiều loại tật bệnh, tuy cả hai đều có các chứng bụng dưới không ấm và đau, hành kinh muộn không đúng kỳ, lượng kinh ít hoặc bế tắc không thông là những chứng chỉ chủ yếu, nhưng loại trên, đa số có đặc trưng đau như thắt, sắc huyết tía tối thành cục; Còn loại sau có đặc trưng là đau âm ỉ, sắc huyết nhạt và loãng; cho nên hai chứng có thể căn cứ vào hư, thực mà phân biệt.

– Chứng Đàm thấp ngăn trở ở Bào cung với chứng Bào cung hư hàn: Bào cung là nơi xuất phát của sự hành kinh, là nơi bao bọc thai nhi, là cái nguồn của ác lộ. Chứng Đàm thấp ngăn trở ở Bào cung với chứng Bào cung hư hàn, bộ vị bệnh như một, đều có biểu hiện chủ yếu là hành kinh không đúng kỳ, lượng huyết ra ít hoặc kinh huyết không ra, hơn nữa cùng gặp trong các bệnh kinh nguyệt không đều và không thụ thai. Nhưng loại trên là do Tỳ hư không vận chuyển chất tinh vi của thuỷ cốc không đưa lên Tâm Phế hoá ra màu đỏ mà thành huyết, trái lại tụ ở bên trong mà sinh ra thấp, ra đàm; lại do đàm và thấp úng trệ làm nghẽn tắc bào cung và bào mạch mà gây nên bệnh. Loại sau là do Thận dương không mạnh, âm hàn thịnh ở trong, bào cung mất sự nuôi dưỡng ấm áp. Sự sinh hoá của khí huyết bất túc, 2 mạch Xung Nhâm suy yếu gây nên bệnh. Đây là chỗ khác nhau của 2 loại.

Căn cứ đặc điểm lâm sàng mà nói loại trên là do đàm và thấp tràn lan thường làm cho người ta béo bệu; loại sau là do dương hư hàn sinh ra từ bên trong, thường khiến cho người ta lạnh và đau ở bụng dưới; Nếu tham khảo cả rêu lưỡi và mạch thì 2 loại chứng bệnh này phân biệt không khó khăn gì.

Trích dẫn y văn

– Phụ nữ mang thai 6-7 tháng, mạch Huyền phát sốt, thai càng to, đau bụng sợ lạnh, bụng dưới phập phồng…Cho uống Phụ tử thang để ấm tạng (Phụ nhân nhâm thần mạch chứng tính trị – Kim Quỹ yếu lược).

– Bệnh của phụ nữ do hư, tích lạnh, quyết khí, và các loại chấm dứt kinh thuỷ cho đến nhiều năm bị huyết lạnh tích kết ở bào môn… Khiến cho bụng dưới đau và lạnh lan tỏa tới xương sống và vùng Khí nhai cộng thêm tình trạng buồn thương vô cớ và đới hạ, bệnh kéo dài thì gầy còm mạch Hư hay lạnh nói chung là 36 loại bệnh thiên biến vạn hoá…(Phụ nhân tạp bệnh mạch chứng tính trị – Kim Quỹ yếu lược).

– Bào lạc bị tổn thương tử cung bị hư lạnh, khí dồn xuống gây nên chứng âm đĩnh, đó là chứng hạ thoát. Xét thấy mạch ở Thiếu ấm phù mà động, phù là hư, động là hồi hộp, cho nên hạ thoát (Phụ nhân tạp bệnh chư hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây