Konakion

Thuốc Tân dược
Thuốc Konakion
Thuốc Konakion

KONAKION

thuốc tiêm 10 mg/ml: ống 1 ml, hộp 5 ống. thuốc tiêm 2 mg/0,2 ml: ống 0,2 ml, hộp 5 ống.

THÀNH PHẦN

cho 1 ml Konakion MM
Phytomenadione 10 mg
Tá dược: acide glycocholique, lecithine, sodium hydroxyde, nước pha tiêm.
cho 0,2 ml Konakion MM paediatric
Phytomenadione 2 mg
Tá dược: acide glycocholique, lecithine, sodium hydroxyde, acide chlorhydrique, nước pha tiêm.

DƯỢC LỰC

Vitamine K1 (phytomenadione), hoạt chất của Konakion, là một yếu tố gây đông máu. Do là một thành phần của hệ thống men carboxylase ở gan, vitamine K1 can thiệp vào phản ứng carboxyl hóa các yếu tố đông máu số II (prothrombine), VII, IX và X và của các chất ức chế đông máu protein C và S. Coumarine ức chế phản ứng khử oxy của phenomenadione (dạng quinone) thành phenomenadione hydroquinone và cũng đề phòng phytomenadione epoxide phát sinh sau phản ứng carboxyl hóa do bị khử oxy thành dạng quinone.

Vitamine K1 là chất đối kháng với các chất chống đông máu kiểu coumarine như phenprocoumone. Ngược lại, vitamine K1 trung hòa tác động của heparine giống như tác động của protamine đối kháng với heparine.

Vitamine K1 không hiệu nghiệm trong trường hợp giảm prothrombine máu do di truyền hoặc do suy gan nặng.

Konakion được bào chế dưới dạng hỗn dịch trong đó vitamine K1 được hòa tan trong hệ keo sinh lý của hỗn hợp acide mật và lecithine, một chất chuyển vận cũng được tìm thấy trong cơ thể. Hệ hỗn dịch MM này được dung nạp tốt hơn dạng tiêm kinh điển trước kia.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Hấp thu:

Khi dùng bằng đường uống, phytometadione được hấp thu sơ khởi ở đoạn giữa của ruột non. Sự hấp thu chỉ đạt được tối đa khi có sự hiện diện của mật và dịch tụy. Sau khi dùng bằng đường uống, độ sinh khả dụng của thuốc vào khoảng 50% và thay đổi rất lớn giữa người này và người khác. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm tĩnh mạch khoảng 1-3 giờ và sau khi uống hay tiêm bắp khoảng 4-6 giờ.

Phân phối:

Khoang phân phối ban đầu tương ứng với thể tích huyết tương. Trong huyết tương, phytometadione có tỉ lệ gắn kết với lipoproteine là 90% và chỉ được dự trữ trong cơ thể trong một thời gian ngắn. Nồng độ bình thường của vitamine K1 trong huyết tương vào khoảng 0,4 đến 1,2 mg/lít. Một giờ sau khi tiêm tĩnh mạch 10 mg phytomenadione, nồng độ trong huyết tương khoảng 500 ng/lít và sau 12 giờ, nồng độ này khoảng 50 ng/ml. Phytomenadione chỉ qua hàng rào nhau thai với tỉ lệ rất thấp và được bài tiết rất ít qua sữa mẹ.

Chuyển hóa:

Phytomenadione được chuyển hóa nhanh chóng thành các chất chuyển hóa phân cực hơn, như là 2,3-epoxyde phytomenadione, chất này sau đó lại chuyển hóa trở lại thành phytomenadione. Đào thải:

Sau khi biến chất do chuyển hóa, phytomenadione liên hợp với acide glucuronique và acide sulfurique, sau đó được đào thải qua mật và thận. Có dưới 10% liều thuốc sử dụng được bài tiết dưới dạng không đổi trong nước tiểu. Thời gian bán hủy trong huyết tương của phytomenadione vào khoảng 1,5 đến 3 giờ.

Dược động của thuốc trong những trường hợp đặc biệt:

Sự hấp thu vitamine K1 ở ruột bị giảm trong một số tình huống, bao gồm các hội chứng kém hấp thu, hội chứng ngắn ruột, hẹp đường mật và suy tụy. Ở bệnh nhân cao tuổi được điều trị bằng thuốc chống đông thì đáp ứng đối với phytomenadione đường tiêm sẽ nhạy hơn so với ở người trẻ tuổi.

CHỈ ĐỊNH

Konakion:

Chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu do giảm prothrombine máu trầm trọng (ví dụ như suy giảm các yếu tố đông máu số II, VII, IX và X) do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm dùng quá liều thuốc chống đông máu kiểu coumarine, dùng kết hợp với phenylbutazone hoặc giảm vitamine K1 do những nguyên nhân khác (ví dụ như chứng vàng da do tắc đường mật, rối loạn gan và ruột, sau khi điều trị lâu dài bằng kháng sinh, sulfamide hay salicylate.

Konakion paediatric:

Đề phòng và chữa trị các bệnh chảy máu ở trẻ sơ sinh.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Quá mẫn cảm với phytomenadione hay với các tá dược của thuốc.

THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

Dạng Konakion MM (10 mg/ml) không được dùng cho trẻ sơ sinh và nhũ nhi dưới 1 tuổi. Dạng Konakion MM paediatric (2 mg/0,2 ml) thích hợp cho độ tuổi này.

Khi sử dụng cần kiểm tra hỗn dịch thuốc phải trong suốt. Nếu bảo quản không đúng cách, thuốc có thể bị vẩn đục hoặc tách làm hai lớp. Không sử dụng trong trường hợp này.

Khi bệnh nhân bị suy chức năng gan trầm trọng mà được điều trị bằng Konakion, sự hình thành prothrombine bị nguy hại. Cho nên, sau khi sử dụng Konakion, điều cần thiết là phải cẩn thận theo dõi những thông số về đông máu.

Khi bệnh nhân có mang van tim nhân tạo được truyền máu để chữa chứng chảy máu trầm trọng hoặc nguy cơ tử vong, nên sử dụng huyết tương tươi.

Nên tránh sử dụng Konakion liều cao nếu vẫn có ý định tiếp tục điều trị bằng thuốc chống đông máu sau đó.

Trẻ sơ sinh thiếu tháng có trọng lượng dưới 2,5 kg dễ có nguy cơ bị vàng da khi dùng bằng đường tiêm.

LÚC CÓ THAI và LÚC NUÔI CON BÚ

Không có công trình nghiên cứu đối chứng nào về Konakion được thực hiện ở động vật hoặc ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên trên cơ sở nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng, khi sử dụng Konakion ở liều khuyến cáo, thuốc chắc chắn an toàn vì không có thành phần nào của thuốc (cả vitamine K1 lẫn các tá dược trong công thức bào chế) gây ra hiệu quả độc. Dù vậy, cũng giống như tất cả các thuốc chữa bệnh, Konakion chỉ nên sử dụng ở phụ nữ mang thai nếu xét thấy lợi ích điều trị cho bà mẹ cao hơn những nguy cơ có thể xảy ra cho bào thai.

Vì vitamine K1 chỉ qua hàng rào nhau thai với tỉ lệ rất thấp, nên không nhất thiết phải khuyến cáo dùng Konakion cho bà mẹ để đề phòng các bệnh chảy máu cho trẻ sơ sinh.

Chỉ một phần nhỏ vitamine K1 sử dụng được bài tiết qua sữa mẹ. Ở liều điều trị, sử dụng Konakion cho bà mẹ cho con bú không gây ra một nguy cơ nào cho trẻ. Tuy nhiên, Konakion không được khuyến cáo cho bà mẹ cho con bú như là một biện pháp đề phòng bệnh chảy máu ở trẻ sơ sinh.

TƯƠNG TÁC THUỐC

Vitamine K1 đối kháng với hiệu quả của các thuốc chống đông máu kiểu coumarine. Sử dụng chung với với các thuốc chống co giật sẽ làm hư tác dụng của vitamine K1.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Có một vài báo cáo riêng lẻ nhưng không được kiểm chứng cho rằng có thể xảy ra những phản ứng giống phản vệ sau khi tiêm tĩnh mạch Konakion MM.

Hiếm khi xảy ra những trường hợp như tĩnh mạch bị kích thích hoặc viêm tĩnh mạch khi tiêm tĩnh mạch hỗn dịch Konakion.

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Konakion MM và Konakion MM paediatric tiêm dùng để tiêm tĩnh mạch. Dung dịch trong ống thuốc không nên pha loãng hoặc pha trộn với các loại thuốc tiêm khác, nhưng có thể tiêm vào phần dưới của bộ dây đang truyền liên tục dịch truyền NaCl 0,9% hoặc dextrose 5%.

Konakion MM (10 mg/ml):

Liều chuẩn:

Phải ngưng thuốc chống đông máu và tiêm tĩnh mạch chậm (ít nhất 30 giây) Konakion MM với liều 10-20 mg (1-2 ống). Nồng độ prothrombine được xác định trong 3 giờ sau và nếu chưa thấy đáp ứng thích hợp, liều này có thể được lặp lại nhưng không được quá 50 mg Konakion MM tiêm tĩnh mạch trong 24 giờ.

Trường hợp chảy máu trầm trọng và đe dọa tính mạng: điều trị bằng Konakion MM nên được phối hợp với biện pháp điều trị cho hiệu quả tức thì như là truyền máu (toàn phần hoặc truyền các yếu tố đông máu).

Trường hợp chảy máu ít trầm trọng hơn: có thể sử dụng dạng uống.

Những chỉ định khác (ví dụ nuôi ăn qua đường tiêm truyền): nếu cần có thể dùng các liều 10-20 mg.

Hướng dẫn liều đặc biệt:

  • Người cao tuổi: bệnh nhân cao tuổi có xu hướng nhạy cảm hơn nên cần chọn liều ở mức thấp hơn trong giới hạn liều khuyến cáo.
  • Trẻ em trên 1 tuổi: theo khuyến cáo của bác sĩ, nếu trẻ em phải sử dụng đến Konakion, nên chọn liều 5-10 mg
  • Trẻ em dưới 1 tuổi: đối với nhóm bệnh nhi này, nên sử dụng Konakion MM dành cho trẻ em.

Konakion MM paediatric (2 mg/0,2 ml):

Liều dự phòng:

  • Dành cho tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh: 2 mg lúc sanh xong hoặc một thời gian ngắn sau khi sanh, sau đó 1 liều 2 mg nữa được cho uống trong thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau
  • Dành cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn: nên thêm vào cho tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh một liều 2 mg uống sau tuần thứ 4 đến tuần thứ 6
  • Dành cho trẻ sơ sinh có các yếu tố nguy cơ đặc biệt (như sinh thiếu tháng, lúc sanh bị ngộp, vàng da do tắc đường mật, không có khả năng bú, mẹ sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống động kinh):
  • 1 mg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch lúc sanh xong hoặc một thời gian ngắn sau sanh, nếu đường uống không phù hợp
  • Những liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch không được vượt quá 0,4 mg/kg (tương đương 0,04 ml/kg) ở trẻ sinh thiếu tháng có thể trọng nhẹ hơn 2,5 kg (xem phần Thận trọng lúc dùng).
  • Liều lượng và số lần sử dụng các liều thuốc về sau tùy thuộc vào tình trạng chảy máu. Liều điều trị:

Liều khởi đầu: 1 mg tiêm tĩnh mạch. Những liều về sau, nếu cần, phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng và tình trạng chảy máu.

Trong vài tình huống, điều trị bằng Konakion MM paediatric có thể nên được phối hợp với biện pháp điều trị cho hiệu quả tức thì như là truyền máu toàn phần hoặc truyền các yếu tố đông máu để bù lại số lượng máu mất và kéo dài thời gian đáp ứng đối với vitamine K1.

QUÁ LIỀU

Hiện cho đến nay chưa có trường hợp tăng phytomenadione máu nào được báo cáo.

BẢO QUẢN

Bảo quản thuốc tránh ánh sáng và nhiệt độ nóng. Nếu bảo quản không đúng cách, thuốc có thể bị vẩn đục hoặc tách làm hai lớp. Không sử dụng trong trường hợp này.

Không dùng thuốc quá hạn in trên bao bì.

Thuốc Tân dược
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận