Trang chủBệnh tự miễnBệnh huyết thanh - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Bệnh huyết thanh – Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Tên khác: bệnh của huyết thanh.

Định nghĩa

Bệnh dị ứng xảy ra một hoặc hai tuần sau khi tiêm huyết thanh có nguồn gốc động vật (huyết thanh khác loài) hoặc sau khi dùng một số thuốc; có nổi ban, sốt, đau khớp và đôi khi bị sưng hạch bạch huyết.

Căn nguyên

Có những thể sau:

  1. Huyết thanh có nguồn gốc dộng vật (huyết thanh khác loài): huyết thanh kháng bạch hầu, huyết thanh kháng nọc độc (rắn, bọ cạp, nhện), huyết thanh kháng lympho thường là huyết thanh động vật (phần nhiều là ngựa). Việc sản xuất ra các globulin miễn dịch đặc hiệu của người đã làm giảm rõ rệt nguy cơ xuất hiện tai biến huyết thanh.
  2. Thuốc: các penicillin, cephalosporin có thể gây ra các phản ứng kiểu bệnh huyết thanh. Hiếm gặp hơn là do sulfamid, streptomycin, một số hormon polypeptid, các sulfonyl urê, các dẫn xuất thiazid.

Bệnh sinh

Bệnh huyết thanh là điển hình của bệnh do phức hợp miễn dịch lưu hành gây ra. Các kháng thể kháng huyết thanh xuất hiện sau khi tiêm huyết thanh từ 5 đến 6 ngày. Các kháng thể này kết hợp với kháng nguyên, đồng thời lượng bổ thể giảm. Sự tạo thành các phức hợp miễn dịch thường có kèm theo các tổn thương viêm (hồng ban, viêm khớp, viêm mạch, viêm thận) do các phức hợp miễn dịch gắn vào thành mạch máu. Nguy cơ mắc bệnh huyết thanh tỷ lệ với liều huyết thanh tiêm vào. 1/3 số trường hợp dùng liều 30 ml huyết thanh (ba ống 10 ml) bị mắc bệnh huyết thanh.

Triệu chứng

  1. Sốt: xuất hiện 1-2 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Thường sốt không cao, trong khoảng 38°c.
  2. Da: nổi mày đay, hồng ban đơn thuần, hồng ban dạng tinh hồng nhiệt, dạng sỏi, phù mạch, phù Quincke.
  3. Khớp: đau khớp thoáng qua, thường ở các khớp nhỏ ở bàn tay, . khớp thái dương-hàm hoặc đoạn sống cổ.
  4. Thần kinh: viêm thần kinh hoặc viêm đa thần kinh ở đám rối cánh tay, tối các đốt tuỷ C5 và C6, có khi tiến triển thành teo cơ. Rất hiếm khi viêm dây thần kinh thị giác.
  5. Triệu chứng khác: sưng nhiều hạch, lách to. Viêm mũi, viêm phế quản, hen. Thiểu niệu, albumin niệu, đái ra máu vi thể và trụ niệu. Rất hiếm khi tiến tới suy thận. Viêm cơ tim. Rối loạn kiểu viêm đại tràng, đau bụng, tiêu chảy.

Tiên lượng

Bệnh huyết thanh tự khỏi sau vài ngày. Hiếm gặp các thể kéo dài hoặc tái phát. Chỉ có viêm dây thần kinh cánh tay là có thể để lại di chứng.

Điều trị

  1. Thuốc kháng histamin Hl. Acid acetyl salicylic nếu có đau khớp.
  2. Corticoid liều thường dùng trong 7 -10 ngày tuỳ theo bệnh nặng hay nhẹ, có biến chứng hay không có (viêm đa thần kinh, viêm cơ tim).

Phòng bệnh

Người có tiền sử bị dị ứng có nguy cơ cao bị bệnh huyết thanh khi được tiêm huyết thanh ngựa hoặc của động vật khác. Các phản ứng bì thường cho phép tiên đoán trước bệnh nhân có quá mẫn typ I (sớm, kiểu phản vệ) nhưng không tiên đoán được phản ứng typ III là kiểu gây ra bệnh huyết thanh.

Trước khi tiêm huyết thanh khác loài cẩn phải làm như sau:

  • Test bì bằng cách rạch da: dùng huyết thanh pha loãng 1/10. Nếu âm tính sau 10 phút thì làm test nội bì.
  • Test bì: tiêm 0,02 – 0,05 ml huyết thanh pha loãng 1/10 trong dunh dịch sinh lý (pha loãng 1/100 đến 1/1000 nếu chắc chắn đã từng bị dị ứng). Tiêm mũi đối chứng chỉ có dung dịch sinh lý. Nếu test là âm tính thì có thể tiêm huyết thanh theo các chỉ dẫn của nhà sản xuất. Nếu quanh chỗ tiêm làm test có nổi đỏ kiểu mày đay rộng trên 5 mm thì bệnh nhân có dị ứng kiểu phản vệ. Cần phải giải mẫn cảm ngay.
  • Giải mẫn cảm nhanh: phương pháp Besredka: cứ 15 phút lại tiêm 1/10 ml huyết thanh. Nếu không có phản ứng nào xuất hiện sau 15 phút thì lại tăng liều lên gấp đôi (1/4 ml), rối tiêm nốt liều còn lại. Trong trường hợp truyền tĩnh mạch, pha loãng 10 ml huyết thanh trong 500 ml dung dịch glucose hoặc dung dịch muối. Điều chỉnh tốc độ truyền theo phản ứng của bệnh nhân, cần phải có trong tay phương tiện và thuốc men cần thiết, nhất là adrenalin, để phòng trường hợp bị sốc phản vệ.
  • Cách dùng huyết thanh: đường dưới da là đường kinh điển nhưng nên pha loãng huyết thanh (một ống huyết thanh pha trong 500 ml dung dịch glucose hoặc muối) và truyền theo đường tĩnh mạch vì có thể kiểm soát được liều một cách nhanh chóng trong trường hợp bị tai biến dị ứng.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây