Huyệt Y Hy

Y Hy

Tên Huyệt:

Khi đặt ngón tay lên vùng huyệt và bảo người bịnh kêu ‘Y Hy’ thì thấy ngón tay động, vì vậy gọi là Y Hy.

Xuất Xứ:

Thiên ‘Cốt Không Luận’ (Tố vấn.60).

Đặc Tính:

Huyệt thứ 45 của kinh Bàng Quang.

Vị Trí huyệt:

Dưới gai sống lưng 6, đo ngang 3 thốn, cách Đốc Du 1, 5 thốn.

Giải Phẫu:

Dưới da là cơ thang, cơ lưng to, cơ trám, cơ chậu-sườn-ngực, cơ gian sườn 6, vào trong là phổi.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh đám rối cánh tay, nhánh dây sườn 6 và nhánh dây sống lưng 6.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D6.

Chủ Trị:

Trị màng tim viêm, suyễn, thần kinh liên sườn đau, nấc cụt, nôn mửa, chóng mặt.

Phối Huyệt:

1. Phối Phong Trì (Đ.20) + Thiên Dũ (Tam tiêu.16) + Thượng Tinh (Đc.23) trị mặt và mắt sưng phù (Giáp Ất Kinh).

2. Phối Khí Xá (Vị 11) + Phách Hộ (Bàng quang.42) trị ho khí nghịch (Giáp Ất Kinh).

3. Phối Chi Chính (Tiểu trường.7) + Tiểu Hải (Tiểu trường.8) trị phong ngược (Thiên Kim Phương).

4. Phối Bạch Hoàn Du (Bàng quang.30) + Trung Quản (Nh.12) trị ôn ngược (Tư Sinh Kinh)

5. Phối Thần Môn (Tm.7) trị suyễn (Tư Sinh Kinh).

6. Phối Túc Tam Lý (Vị 36) trị bụng đầy trướng (Tư Sinh Kinh).

7. Phối Phế Du (Bàng quang.13) + Phục Lưu (Th.7) trị mồ hôi trộm (Thần Cứu Kinh Luân).

8. Phối Đàn Trung (Nh.17) + Nội Quan (Tâm bào.6) + Phế Du (Bàng quang.13) + Trung Phủ (Phế 1) trị ngực đau lan tới lưng (Châm Cứu Học Giản Biên).

Cách châm Cứu:

Châm xiên 0, 5-0, 8 thốn – Cứu 3-5 tráng – Ôn cứu 5-15 phút.

Tham Khảo:

“Thiên ‘Cốt Không Luận’ ghi: “Đại phong phạm vào cơ thể, ra mồ hôi, pHải cứu huyệt Y Hy, lấy tay áp mạnh vào huyệt đó và bảo bệnh nhân kêu to 2 tiếng ‘Y – Hy’, thấy nơi huyệt sẽ bật lên dưới ngón tay” (Tố vấn 60, 4).

“Thiên ‘Cốt Không Luận’ ghi: “Nếu vùng hông sườn đau lan tới bụng dưới, bụng trướng, châm huyệt Y Hy”(Tố vấn 60, 8).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây