Thính Cung
Tên Huyệt Thính Cung:
Huyệt là chỗ (cung) có ảnh hưởng đến thính lực (việc nghe – thính), vì vậy gọi là Thính Cung
Tên Khác:
Đa Sở Văn.
Xuất Xứ:
Thiên ‘Thích Tiết Chân Tà’ (Linh khu.75).
Đặc Tính Huyệt Thính Cung:
Huyệt thứ 19 của kinh Tiểu Trường.
Có những mạch phụ đi tới chính kính Thiếu Dương (Tam Tiêu và Đởm), Thủ Thái Dương.
Vị Trí Huyệt Thính Cung:
Khi há miệng, huyệt ở chỗ lõm phía trước bình tai, sau lồi cầu xương hàm dưới.
Giải Phẫu:
Dưới da là bờ sau tuyến mang tai, bờ sau lồi cầu xương hàm dưới.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh sọ não số V.
Tác Dụng Huyệt Thính Cung:
Tuyên nhĩ khiếu, định thần chí.
Chủ Trị Huyệt Thính Cung:
Trị tai ù, điếc, tai giữa viêm, tai ngoài viêm.
Phối Huyệt:
1. Phối Ế Phong (Tam tiêu.17) trị tai ù (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Giáp Xa (Vị 6) + Hợp Cốc (Đại trường.4) trị mắt lệch, miệng méo (Châm Cứu Tụ Anh).
3. Phối Ế Phong (Tam tiêu.17) + Thính Hội (Đ.2) trị tai điếc do khí bế (Châm Cứu Đại Thành).
4. Phối Địa Thương (Vị 4) + Giáp Xa (Vị 6) trị mắt lệch, miệng méo (Châm Cứu Đại Thành).
5. Phối Tỳ Du (Bàng quang.20) trị đau vùng Tâm hạ (Bách Chứng Phú).
6. Phối Dương Trì (Tam tiêu.4) trị tai điếc (Tiêu U Phú).
7. Phối Ế Phong (Tam tiêu.17) + Thái Khê (Th.3) + Thận Du (Bàng quang.23) trị tai ù do hư (Châm Cứu Toàn Thư).
8. Phối Ế Phong (Tam tiêu.17) + Hợp Cốc (Đại trường.4) trị tai giữa viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
9. Phối Ế Phong (Tam tiêu.17) + Kim Môn (Bàng quang.63) + Nghênh Hương (Đại trường.20) trị tai lãng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
10. Phối Thính Mẫn + Trì Tiền trị tai điếc (Châm Cứu Học Thượng Hải).
11. Phối Địa Thương (Vị 4) + Giáp Xa (Vị 6) trị liệt mặt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
12. Phối Phong Long (Vị 40) + Thận Du (Bàng quang.23) + Trung Quản (Nh.12) trị tai ù, tai kêu do đờm hỏa (Trung Hoa Châm Cứu Học).
Cách châm Cứu Huyệt Thính Cung:
Hơi há miệng, châm thẳng, sâu 0, 8 – 1, 5 thốn. Cứu 1- 3 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.