Trang chủHuyệt vịHuyệt Thần khuyết - vị trí, tác dụng, nằm ở đâu

Huyệt Thần khuyết – vị trí, tác dụng, nằm ở đâu

Thần khuyết

Tên Huyệt:

Huyệt ở ngay lỗ rốn (khuyết), được người xưa coi là nơi chứa thần khí của con người, vì vậy gọi là Thần Khuyết.

Tên Khác:

Khí Hợp, Khí Xá, Tề Trung.

Xuất Xứ:

Giáp Ất Kinh.

Đặc Tính:

+ Huyệt thứ 8 của mạch Nhâm.

+ Huyệt tập trung của Khí.

Vị Trí:

Chính giữa lỗ rốn.

Giải Phẫu:

Huyệt ở trên đường trắng ở chỗ có thừng tĩnh mạch rốn và dây chằng treo gan (dây chằng liềm) dính ở trên. Thừng động mạch rốn và ống niệu rốn dính ở dưới. Giữa là túi Meckel. Vào sâu là phúc mạc, ruột non hoặc tử cung khi có thai 7-8 tháng.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D10.

Tác Dụng:

Ôn dương, cố thoát, kiện vận Tỳ Vị ôn thông nguyên dương, vận khí cơ của trường vị, hóa hàn thấp tích trệ.

Chủ Trị:

Trị bụng và quanh rốn đau, bệnh hệ sinh dục ngoài, bệnh về kinh nguyệt, ruột viêm cấp và mạn, kích ngất vì ruột dính, trực trường sa, l mạn tính, trúng phong thể thoát, tay chân lạnh toát, bất tỉnh, bệnh thuộc hư hàn, chân dương hư (cứu có tác dụng hồi dương).

Phối Huyệt:

1. Phối Bá Hội (Đốc.20) + Bàng Quang Du (Bàng quang.28) trị thoát giang (Châm Cứu Tập Thành).

2. Phối Khí Hải (Nh.6) + Thuỷ Phân (Nh.9) trị quanh rốn đau quặn (Châm Cứu Đại Thành).

3. Phối Tam Gian (Đại trường.3) + Thuỷ Phân (Nh.9) trị ruột sôi mà tiêu chảy (Châm Cứu Đại Thành).

4. Phối Mệnh Môn (Đốc.4) + Trung Cực (Nh.3) mỗi huyệt 7 tráng trị xích bạch đới, tiểu buốt, tiểu gắt (Loại Kinh Đồ Dực).

5. Phối Đại Trường Du (Bàng quang.25) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị người già tiêu chảy do hư nhược (Thần Cứu Kinh Luân).

6. Phối Khí Hải (Nh.6) + Thủy Phân (Nh.9) trị quanh rốn đau (Thần Cứu Kinh Luân).

7. Phối cứu Bá Hội (Đốc.20) + Khí Hải (Nh.6) + Thiên Xu (Vi.25) trị cửu lỵ, dương hư, tiêu chảy không cầm (Cảnh Nhạc Toàn Thư).

8. Cứu Thần Khuyết (Nh.8) 5-7 tráng + Quan Nguyên (Nh.4) 30 tráng trị tiêu chảy không cầm (Thế Y Đắc Hiệu Phương).

9. Phối Nội Quan (Tâm bào.6) + Thiên Xu (Vi.25) + Thượng Quản (Nh.13) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị trường vị viêm cấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).

10. Phối cứu Đại Trường Du (Bàng quang.25) + Thiên Xu (Vi.25) trị ruột viêm mạn tính (Châm Cứu Học Thượng Hải).

11. Phối cứu Bá Hội (Đốc.20) + Quan Nguyên (Nh.4) trị hư thoát (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Châm Cứu:

Cấm châm.

Thường cứu cách muối, cách gừng hoặc thuốc tán (đã chế sẵn) 20 – 200 phút. Trường hợp cần cấp cứu hồi dương thì cứu cho đến khi nào thấy chân tay ấm mới thôi.(đã chế sẵn) 20 – 200 phút. Trường hợp cần cấp cứu hồi dương thì cứu cho đến khi nào thấy chân tay ấm mới thôi.

Ghi Chú:

Theo sách Giáp Ất: không được châm, châm sẽ dễ sinh lở nguy hiểm. Nếu ngộ châm làm cho dịch hoàn đau dữ dội, cứu huyệt Mệnh Môn (Đốc 4) để giải, cứu đến khi thấy hết đau thì thôi.

Theo sách ‘Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa’ thì huyệt Thần Khuyết + Khí Hải và Thiên Xu (gồm 5 huyệt) được gọi là ‘Mai Hoa Huyệt’. Mai Hoa Huyệt này khác với Mai Hoa Huyệt (Trung Quản và 4 huyệt quanh Trung Quản ) của sách ‘Châm Cứu Hồng Kông’.

Tham Khảo:

“Chọn huyệt Thần Khuyết rồi dùng phép ‘Ngải Huân Tề Pháp’ để phòng bệnh. Hễ trong 1 năm có 4 mùa, mỗi mùa hun đốt 1 lần, nguyên khí được kiên cố, các thứ bệnh sẽ không phát sinh được” (Y Học Nhập Môn).

“Trúng phong đột ngột, tay chân quyết lãnh: cứu giữa rốn (Thần Khuyết) 100 tráng (Vạn Bệnh Hồi Xuân).

“Phàm hoắc loạn sắp chết, dùng muối đắp giữa rốn, cứu 7 tráng là khỏi ngay” (Thần Cứu Kinh Luân).

“Cát Tiên Ông Từ-Tự-Bá trị chứng bào chuyển, tiểu không thông, phiền muộn, thở gấp muốn chết: dùng muối đắp vào lỗ rốn, cứu bằng mồi ngải lớn 21 tráng. Tiểu chưa thông thì lại cứu nữa, khi thông được thì thôi” (Bị Cấp Cứu Pháp).

“Xưa có Từ-Trọng-Bình bỗng nhiên bất tỉnh, được Đào-Nguyên cứu giữa rốn (Thần Khuyết) 100 tráng mới tỉnh, mấy tháng sau không thấy tái phát. Trịnh-Đẩu kể rằng: Có 1 người nhà bỗng nhiên trúng phong, thầy thuốc cứu 500 tráng mới tỉnh, sau đó sống hơn 80 tuổi. Nếu như Từ-Trọng-Bình cứu 300-500 tráng thì không chỉ khỏi bệnh mà còn sống thọ. Nếu cứu ít thì ngay lúc đó, bệnh tạm khỏi nhưng sợ rằng sẽ tái phát thì sau này có cứu nữa cũng khó điều trị”(Kinh Mạch Đồ Khảo).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây