Trang chủHuyệt vịHuyệt Ngọc Chẩm

Huyệt Ngọc Chẩm

Ngọc Chẩm

Tên Huyệt:

Xương chẩm có tên là Ngọc Chẩm. Huyệt ở ngang với xương chẩm vì vậy gọi là Ngọc Chẩm (Trung Y Cương Mục).

Xuất Xứ:

Giáp Ất Kinh.

Đặc Tính:

Huyệt thứ 9 của kinh Bàng Quang.

1 trong nhóm huyệt ‘Đầu Thượng Ngũ Hàng’.

Vị Trí huyệt:

Ngay sau huyệt Lạc Khước 1, 5 thốn, ngang huyệt Não Hộ (Đc.17) cách 1, 3 thốn, ngang với ụ chẩm 1, 5 thốn.

Giải Phẫu:

Dưới huyệt là cơ chẩm, nơi bám của cơ thang vào đường cong chẩm trên của xương chẩm.

Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chẩm lớn, nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của đám rối cổ.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.

Tác Dụng:

Trấn thống, khu phong.

Chủ Trị:

Trị đầu đau, chóng mặt, mắt đau.

Phối Huyệt:

1. Phối Cách Du (Bàng quang.17) + Can Du (Bàng quang.18) + Đại Trữ (Bàng quang.11) + Đào Đạo (Đc.13) + Tâm Du (Bàng quang.15) trị mồ hôi không ra, chân tay lạnh, sợ quá (Thiên Kim Phương).

2. Phối Hoàn Cốt (Đ.12) trị cổ gáy đau (Tư Sinh Kinh).

3. Phối Ấn Đường + Bá Hội (Đc.20) + Đương Dương + Lâm Khấp (Đ.15) trị mũi nghẹt (Tư Sinh Kinh).

4. Phối Bá Hội (Đc.20) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Phong Trì (Đ.20) trị đầu đau (Châm Cứu Học Giản Biên).

Cách châm Cứu:

Châm xiên 0, 3 – 0, 5 thốn – Cứu 1-3 tráng – Ôn cứu 5 – 10 phút.

Ghi Chú: Ngộ châm, chỗ châm bị lở loét, chảy nước vàng, châm Thiên Trì (Tâm bào.1) + Uỷ Trung (Bàng quang.40) để giải. Khi châm 2 huyệt giải, cần vê kim qua bên phải, đồng thời đề tháp lên xuống chừng 5 phút rồi rút kim (Danh Từ Huyệt Vị Châm Cứu).

Tham Khảo:

Theo thiên ‘Tạp Bệnh’ (Linh khu.26), Ngọc Chẩm là một trong nhóm 5 huyệt ở trên đầu (Đầu Thượng Ngũ Hàng) trị thiên đầu thống do rối loạn vận hành khí (các huyệt khác là Ngũ Xứ (Bàng quang.5) + Thừa Quang (Bàng quang.6) + Lạc Khước (Bàng quang.7) + Thông Thiên – Bàng quang.8).

Thiên ‘Hàn Nhiệt Bệnh’ ghi: “Kinh Túc Thái Dương có đường thông với cổ gáy nhập vào não, đây chính là gốc của mắt (mục Bản ), gọi là nhãn hệ. Khi đầu hay mắt bị đau, thủ huyệt nằm ở giữa 2 đường gân giữa cổ nhập vào não (huyệt Ngọc Chẩm), là nơi tương biệt với mạch Âm Kiều và Dương Kiều…”(Linh khu 21, 26).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây