Dương Lăng Tuyền
Tên Huyệt Dương Lăng Tuyền:
Huyệt ở chỗ lõm (giống con suối = tuyền) phía dưới đầu xương mác (giống hình gò mả = lăng), lại ở mặt ngoài chân (mặt ngoài = dương), vì vậy gọi là Dương Lăng Tuyền.
Tên Khác:
Dương Chi Lăng Tuyền.
Xuất Xứ:
Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ (Linh khu.4).
Đặc Tính Huyệt Dương Lăng Tuyền:
Huyệt thứ 34 của kinh Đởm.
Huyệt Hợp, thuộc hành Thổ.
Huyệt Hội của Cân.
Theo thiên ‘Khí Huyệt Luận’ (Tố vấn.58): Dương Lăng Tuyền là một huyệt quan trọng, Chủ hàn nhiệt. Tất cả các khí đều quan trọng, nhưng khí Thiếu Dương mới quyết định, vì Thiếu Dương Chủ về khí mới phát.
Vị Trí Huyệt Dương Lăng Tuyền:
Ở chỗ lõm phía trước và dưới đầu nhỏ của xương mác, nơi thân nối với đầu trên xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân.
Giải Phẫu:
Dưới da là khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân, phía trước và trong đầu trên xương mác.
Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh cơ-da và dây thần kinh chầy trước.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác Dụng Huyệt Dương Lăng Tuyền:
Thư cân mạch, thanh thấp nhiệt, khu phong tà.
Chủ Trị Huyệt Dương Lăng Tuyền:
Trị khớp gối viêm, lưng đùi đau, thần kinh gian sườn đau, túi mật viêm, chóng mặt, hoa mắt, nôn chua, ợ chua, liệt nuẳ người.
Phối Huyệt:
1. Phối Âm Lăng Tuyền (Tỳ 9) trị tiểu nhiều (Bị Cấp Thiên Kim Phương).
2. Phối Hoàn Khiêu (Đ.30) + Khúc Trì (Đại trường.11) trị liệt nuẳ người (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Chiên Trung (Nh.17) + Thiên Trì (Tâm bào.1) trị họng khò khè (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Thượng Liêm (Đại trường.9) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị bụng và sườn đầy (Châm Cứu Đại Thành).
5. Phối Khúc Trì (Đại trường.11) + Ngoại Quan (Tam tiêu.6) + Phong Thị (Đ.31) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thủ Tam Lý (Đại trường.10) trị tay chân đau do phong (Châm Cứu Đại Thành).
6. Phối Chi Câu (Tam tiêu.6) + Chương Môn (C.13) + Ủy Trung (Bàng quang.40) [cho ra máu] trị thương hàn mà hông sườn đau (Châm Cứu Đại Thành).
7. Phối Chi Câu (Tam tiêu.6) + Côn Lôn (Bàng quang.60) + Nhân Trung (Đc.26) + Thúc Cốt (Bàng quang.65) + Ủy Trung (Bàng quang.40) + Xích Trạch (Phế 5) trị lưng đau do chấn thương (Châm Cứu Đại Thành).
8. Phối Âm Lăng Tuyền (Tỳ 9) [cứu] trị tiểu không tự Chủ (Châm Cứu Đại Thành).
9. Phối Âm Lăng Tuyền (Tỳ 9) trị đầu gối sưng (Ngọc Long Ca).
10. Phối Khúc Trì (Đại trường.11) trị bán thân bất toại (Bách Chứng Phú).
11. Phối Hoàn Khiêu (Đ.30) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) trị trước gối đau, nách và sườn đau (Thiên Kim Thập Nhất Huyệt).
12. Phối Côn Lôn (Bàng quang.60) + Hoàn Khiêu (Đ.30) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Kiên Ngung (Đại trường.15) + Phong Thị (Đ.31) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Tuyệt Cốt (Đ.39) trị trúng phong không nói được, đờm nhớt ủng trệ (Châm Cứu Toàn Thư).
13. Phối Chi Câu (Tam tiêu.6) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị thương hàn mà hông sườn đau (Châm Cứu Toàn Thư).
14. Phối Dương Phụ (Đ.38) + Hiệp Khê (Đ.43) + Túc Khiếu Âm (Đ.44) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị mụn nhọt mọc ở 1 bên đầu (Ngoại Khoa Lý Lệ).
15. Phối Âm Lăng Tuyền (Tỳ 9) trị sốt rét (Châm Cứu Học Thượng Hải ).
16. Phối Đởm Nang + Nội Quan (Tâm bào.6) + Giáp Tích 8-9 trị túi mật viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải ).
17. Phối Hoàn Khiêu (Đ.30) + Phong Thị (Đ.31) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thận Du (Bàng quang.23) + Uỷ Trung (Bàng quang.40) trị lưng và đùi đau, nuẳ người bị liệt (Châm Cứu Học Giản Biên).
18. Phối Chi Câu (Tam tiêu.6) + Kỳ Môn (C.14) trị hông sườn đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
19. Phối Tam Âm Giao (Tỳ 6) +Túc Tam Lý (Vị 36) + Tuyệt Cốt (Đ.39) trị cước khí (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
Cách châm Cứu Huyệt Dương Lăng Tuyền:
Châm thẳng 1 – 1, 5 thốn. Cứu 3-5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Tham Khảo:
“ Khi bệnh ở phần trên, xuất ra ngoài pHải châm Dương Lăng Tuyền” (Linh khu.1, 129))
“Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ (Linh khu.4) ghi: Bệnh của Đởm làm cho dễ bị thở mạnh, miệng đắng, nôn ra chất nhờn, dưới vùng tim đập mạnh, hay lo sợ như có người sắp bắt mình, trong cổ họng thường có vật gì chận ngang và thường hay khạc nhổ… Khi nào bị hàn nhiệt thì châm Dương Lăng Tuyền” (Linh khu.4, 116-117).
“Mạch kinh túc Thiếu Dương gây ra lưng đau, có cảm giác đau như bị kim châm, không cúi ngửa được, không quay đi quay lại được… châm vào đầu thành cốt thuộc kinh Thiếu Dương (tức huyệt Dương Lăng Tuyền) cho ra máu. Mùa Hạ không được cho ra huyết.”(Tố vấn.41, 2).
“Dương Lăng Tuyền chủ ngực sườn đầy tức, trong Tâm xót xa, sợ hãi” (Loại Kinh Đồ Dực).
“Dương Lăng ở dưới đầu gối, ở giữa Ngoại Liêm 1 thốn; Đầu gối sưng và tê, lạnh tê cho đến chứng liệt 1/2 người, những không nhấc lên được, nằm ngồi giống như ông già, châm kim vào 0, 6 thốn thôi, thần công kỳ diệu khác thường” (Mã-Đơn-Dương Thập Nhị Huyệt Ca).