Meladinine

Thuốc Meladinine
Thuốc Meladinine

MÉLADININE

viên nén 10 mg: tube 30 viên.

Dung dịch dùng để bôi ngoài da 0,1% (tác động nhẹ) và 0,75% (tác động mạnh): lọ 24 ml.

THÀNH PHẦN

cho 1 viên
Méthoxsalène 10 mg
(lactose, saccharose)
cho 100 ml dung dịch 0,1% (tác động nhẹ)
Méthoxsalène 100 mg
(Alcool)
cho 100 ml dung dịch 0,75% (tác động mạnh)
Méthoxsalène 0,75 g
(Alcool)

DƯỢC LỰC

Thuốc gây cảm quang.

Méthoxsalène (hoặc 8-m thoxypsoralène) làm tăng sự nhạy cảm của da đối với tác động của tia cực tím của ánh nắng mặt trời hoặc nhân tạo. Phổ tác động của tia cực tím là từ 320 đến 380 nm, hiệu lực tối đa thu được với 365 nm.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Dạng viên:

Dùng methoxsalène đường uống sẽ gây cảm quang ở da tối đa trong thời gian giữa 2 đến 4 giờ và hết tác dụng sau 6 đến 8 giờ.

90% sản phẩm được đào thải trong 12 giờ, qua nước tiểu, dưới dạng dẫn xuất hydroxyl hóa hoặc liên hợp glucuronic.

Động học của thuốc thay đổi nhiều tùy theo cá nhân.

CHỈ ĐỊNH

Trong khuôn khổ quang hóa trị liệu: vẩy nến, bạch biến, nấm da dạng sùi, u lympho bào T ở ngoài da, liken phẳng, trụi tóc, bệnh da do ánh sáng, bệnh tế bào bón ở da (mastocytose cutanée), viêm da do tạng dị ứng.

Dung dịch 0,75% (tác dụng mạnh) chỉ được kê toa sau khi đã sử dụng trước đó dung dịch 0,1% (tác dụng yếu).

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Dùng Méladinine: Viên nén:

  • Cao huyết áp, suy tim
  • Suy gan và suy thận

Viên nén và dung dịch dùng ngoài da:

  • Sử dụng như mỹ phẩm để làm da rám nắng
  • Các bệnh da bị nặng hơn khi ra nắng (lupus đỏ, rối loạn chuyển hóa porphyrine). Dùng liệu pháp PUVA (phối hợp điều trị bằng psoralène và tia cực tím sóng A):
  • Đục thủy tinh thể.
  • Tiền sử bị ung thư da.
  • Trước đó đã điều trị bằng các tác nhân có chứa arsen và các tia bức xạ gây ion hóa.
  • Trẻ em.

CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG

Không bao giờ được sử dụng Meladinine như là mỹ phẩm, đặc biệt là để làm cho màu da trở nên rám nắng, vì có nguy cơ gây phỏng.

THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

  • Phơi nắng sau khi uống hoặc bôi Méladinine ngoài da sẽ có nguy cơ cao gây phỏng
  • Nên nghiêm túc tôn trọng việc tăng từ từ thời gian chiếu tia cực tím (mặt trời hoặc dùng đèn) và sau mỗi đợt chiếu, tránh phơi nắng thêm bằng cách che kín da và bôi kem chống nắng lên phần da hở, nhằm mục đích tránh nguy cơ gây phỏng (điểm lưu ý nầy cần phải càng nghiêm ngặt hơn trong trường hợp dùng đường bôi ngoài da).
  • Khuyên đeo kính đen sậm có tác dụng hữu hiệu chống tia cực tím trong thời gian chiếu tia cực tím sóng A (UVA), kéo dài 8 đến 10 giờ sau đó, đôi khi đến 24 giờ.
  • Ở phụ nữ trẻ, nên chọn các biện pháp ngừa thai khác hơn là viên uống trong thời gian điều trị.
  • Nên lưu ý các nguy cơ tiềm tàng về lâu về dài của quang hóa liệu pháp và do đó cần phải theo dõi bệnh nhân thật sát: lão hóa da, biến đổi sắc tố, có thể gây ung thư biểu mô tế bào gai, đục thủy tinh thể.

LÚC CÓ THAI

Ở động vật, méthoxsalène không gây quái thai. Ở người, các số liệu lâm sàng trên các dân số nhỏ không cho thấy có tác dụng gây dị dạng nào đặc biệt. Tuy nhiên, các số liệu này không đầy đủ và do đó nên tránh điều trị trong thời kỳ mang thai.

TƯƠNG TÁC THUỐC

Tránh dùng đồng thời với các thuốc có thể có đặc tính gây cảm quang (sulfamide, phenothiazine, tetracyclines).

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Viên nén và dung dịch bôi ngoài da:

  • Các trường hợp hợp phỏng nặng đã được ghi nhận
  • Tác dụng có liên quan đến quá liều của tia cực tím sóng A: ngứa, ban đỏ xảy ra sau khi dùng liệu pháp PUVA, các phản ứng dị ứng với ánh sáng, hiện tượng Koebner, bệnh ngoài da dạng pemphigus có bọng nước, lupus ban đỏ.

Viên nén:

Tác dụng đặc trưng của m thoxsalène: đau dạ dày, khó chịu ở bụng, buồn nôn (có thể tránh bằng cách uống thuốc với thức ăn, hoặc tốt nhất là uống thuốc với sữa).

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Viên nén: Bệnh nhân:

  • cho đến 30 kg: 1 viên/buổi điều trị ;
  • 31 đến 50 kg: 2 viên/buổi điều trị ;
  • 51 đến 65 kg: 3 viên/buổi điều trị ;
  • 66 đến 80 kg: 4 viên/buổi điều trị ;
  • 81 đến 90 kg: 5 viên/buổi điều trị ;
  • trên 90 kg: 6 viên/buổi điều trị ;

2 đến 3 giờ sau khi uống thuốc, cho bệnh nhân phơi nắng hoặc chiếu xạ UVA.

  • Phơi nắng (thường được khuyến cáo trong điều trị bệnh bạch biến): phải tăng từ từ, đầu tiên là từ 10 đến 15 phút.

Chú ý: các phản ứng phát ban thường được quan sát sau khi phơi nắng khoảng 48 giờ. Do đó nếu cần tăng thời gian phơi nắng thì nên tăng mỗi 2 ngày để có thể ghi nhận các phản ứng phụ này nếu có xảy ra.

  • Chiếu xạ UVA (quang hóa liệu pháp, liệu pháp PUVA): cần có những trang thiết bị đặc biệt với các đèn phát tia cực tím sóng A (UVA) từ 320 đến 380 nm, với đỉnh là 365 nm, và trong thực tế không phát ra tia cực tím sóng B (UVB).

Thể thức điều trị (thời gian, khoảng cách giữa các buổi điều trị) tùy thuộc vào cường độ của đèn và đặc tính của da (màu da, mức độ nhạy cảm của da đối với ánh nắng mặt trời).

 

 

Đặc tính của da

Liều UVA (joule/cm2)
điều trị ban đầu tăng từ từ
I. Luôn luôn bị phỏng, không rám nắng bao giờ 0,5 0,5
II. Luôn luôn bị phỏng, hơi rám nắng nhẹ 1 0,5
III. Đôi khi bị phỏng, luôn rám nắng 1,5 0,5/1
IV. Không phỏng bao giờ, luôn rám nắng 2 1
V. Người có nhiều sắc tố (châu Á, bắc Phi) 2,5 1
VI. Người da đen 3 1/1,5

Thời gian chiếu xạ cũng có thể được xác định bằng liều tối thiểu gây độc tính (DPM). Khoảng cách giữa các buổi chiếu là từ 2 đến 4 tuần, tùy theo từng chỉ định.

Thời gian chiếu xạ được xác định tùy theo đặc tính của da và kết quả DPM và tăng lên trong từng buổi tùy theo mức độ dung nạp của bệnh nhân và tiến triển của bệnh.

Không được quá liều tối đa UVA cho mỗi buổi chiếu xạ, liều này thay đổi từ 10 joule/cm2 đối với

nhóm da loại I cho đến 20 joule/cm2 đối với nhóm da loại VI.

Thông thường, để điều trị bệnh vẩy nến phải cần đến khoảng 15 đến 25 buổi chiếu xạ. Đối với bệnh nấm da dạng sùi cần phải có số buổi chiếu xạ nhiều hơn.

Điều trị duy trì (từ 1 lần/tuần đến 1 lần/tháng) với liều bằng với liều của buổi điều trị cuối cùng. Thể thức điều trị có thể khác đối với các bệnh nhân có đáp ứng yếu với phương pháp điều trị cổ điển.

Thể thức điều trị này có thể được điều chỉnh tùy theo mức độ chuyển hóa thuốc của từng bệnh nhân.

Dung dịch bôi ngoài da:

Lưu ý: Chỉ dùng đến dung dịch Meladinine có tác động mạnh 0,75% sau khi đã sử dụng trước đó dung dịch có tác động yếu 0,1%.

Điều trị bằng cách bôi tại chỗ dung dịch Meladinine đối với các sang thương tại chỗ và có giới hạn, và phải được dễ dàng bảo vệ khi cần ra nắng. Luôn luôn bắt đầu bằng dung dịch có tác động yếu 0,1% (nếu cần có thể pha loãng hơn nữa thành 1/2 hoặc 1/4 bằng dung dịch cồn 60deg). Cần thật thận trọng khi điều trị để tránh mọi nguy cơ gây phỏng có thể xảy ra. Chấm thuốc bằng một que gòn và thoa bên trong của mảng sang thương, không thoa thuốc đến sát bờ của mảng để tránh tăng sắc tố chu biên.

  • Phơi nắng:

Phơi nắng vào cuối buổi chiều. Do nguy cơ bị phát ban chỉ xảy ra sau 48 giờ nên lúc đầu, các buổi phơi nắng phải cách nhau 48 giờ.

Thời gian phơi nắng phải được tuân thủ nghiêm ngặt và tăng thật từ từ:

  • tuần lễ đầu: 1/4 phút,
  • tuần thứ nhì: nửa phút,
  • tuần thứ ba: 1 phút,
  • tuần thứ tư: 1,5 đến 2 phút.

Chỉ tăng thời gian phơi nắng nếu không đỏ da nhiều 48 giờ sau buổi phơi cuối.

Trường hợp bệnh nhân được dung nạp tốt (da rất sậm màu), có thể chuyển sang dung dịch 0,75% sau 3 đến 4 tuần và bắt đầu lại bằng thời gian 1/4 phút. Thời gian phơi cũng phải được tăng từ từ.

  • Chiếu xạ UVA (liệu pháp PUVA):

Chiếu UVA 1 giờ sau khi bôi thuốc, phải được tăng từ từ với liều từ 0,25 đến 0,50 joule/cm2 trong buổi chiếu đầu tiên. Giữa hai buổi chiếu, có thể tăng tối đa là 0,25 joule/cm2.

Trường hợp bị phát ban nặng hoặc bị ngứa, phải gián đoạn điều trị một thời gian và sau đó bắt đầu lại với liều tối đa không quá phân nửa của liều trước đó.

  • Liệu pháp PUVA phối hợp với ngâm trong nước có pha méthoxsalène:

bồn ngâm được chuẩn bị bằng cách pha loãng 1 lọ dung dịch Meladinine 0,75% trong 80 đến 100 lít nước để đạt nồng độ từ 1,8 đến 2,2 mg méthoxsalène/lít (ứng với 2 lọ trong 1 bồn tắm người lớn 150 đến 160 lít).

Ngâm bệnh nhân trong vòng 15 phút, sau đó cho chiếu xa ngay sau khi lau khô (không chà mạnh mà chỉ dùng gạc lau nhẹ).

Liều UVA được khuyến cáo trong liệu pháp này thì thấp. Trong buổi chiếu xạ đầu tiên, dùng liều 0,20 joule/cm2, sau đó tăng chậm từ 0,02 đến 0,05 joule/cm2 trong mỗi buổi và đạt đến tối đa là 1 joule/cm2.

Sau mỗi buổi chiếu xạ (mặt trời hoặc UVA): rửa thật sạch vùng da điều trị và bảo vệ không để tiếp xúc thêm nữa với ánh nắng mặt trời trong vòng ít nhất 24 giờ, bằng cách mặc quần áo, mang găng, quấn khăn choàng, vv và đối với những phần da không thể che chở được, phải bôi một lớp kem chống nắng toàn phần.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây