Hoắc hương

Vị thuốc Đông y
Hoắc hương
Hoắc hương

Tên và nguốn gốc

– Tên thuốc: Hoắc hương (Xuất xứ: Biệt lục)

– Tên khác: Thổ hoắc hương (土藿香), Miêu bả (猫把),

Thanh hành bạc hà (青茎薄荷), Bài hương thảo (排香草),

Đại diệp bạc hà (大叶薄荷), Lục hà hà (绿荷荷),

Xuyên hoắc hương (川藿香), Tô hoắc hương (苏藿香),

Dã hoắc hương (野藿香), Miêu vĩ ba hương (猫尾巴香),

Miêu ba hổ (猫巴虎), Lạp lạp hương (拉拉香),

Bát hao (八蒿), Ngư hương (鱼香), Kê tô (鸡苏),

Thủy ma diệp (水麻叶).

– Tên Trung văn: 藿香 HUOXIANG

– Tên Anh văn: HERBA POGOSTEMONIS

– Tên La tinh: Agadtacge rygisa (Fisch.et Mey.)O. Kuntze.

– Nguồn gốc: Là toàn thảo của Quảng hoắc hương hoặc Hoắc hương thực vật

Phân bố môi trường sống

Môi trường sinh thái: Mọc ở sườn núi hoặc vệ đường. Phần nhiều nuôi trồng.

Phân bố ở các vùng Đông bắc, Hoa đông, Tây nam và Hà Bắc, Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông. v.v…

Thu hái

Quảng Hoắc hương vào giữa tháng 6~7 thu hái lúc sanh trưởng rậm rạp tươi tốt , khu Hải Nam mỗi năm thu hoạch 2 lần, lần thứ nhất vào tháng 5 ~ 6, lần 2 vào tháng 9 ~10, bỏ đi rễ râu, bùn đất, phơi 2 ~ 3 ngày, để đống, đậy kín 2 ngày lại phơi, lại đậy kín, như thế phơi đến khô thì ngừng. Hoắc hương lần thứ nhất vào tháng 6~ 7 thu hái lúc hoa nở , lần 2 vào tháng 10. Sau khi thu hái phơi khô hoặc phơi âm can. Đơn dụng thân cọng già, tên thuốc là “Hoắc ngạnh”.

Bào chế

Hoắc hương: Nhặt bỏ tạp chất, bỏ đi rễ hỏng và cọng già, chọn lá để riêng, thân dùng nước thấm ướt, cắt đoạn, phơi khô, sau đó trộn đều với lá.

Hoắc ngạnh: Lấy thân cọng già, tẩm nước ướt, cắt phiến phơi khô.

Tính vị

– Trung dược học: Cay, hơi ấm.

– Nam phương thảo mộc trạng: Vị cay.

– Biệt lục: Hơi ấm.

– Trân châu nang: Ngọt đắng.

Qui kinh

– Trung dược học: Vào 3 kinh Tỳ, Vị, Phế.

– Thang dịch bản thảo: Vào kinh Thủ, Túc Thái âm.

– Lôi Công bào chế dược tính giải: Vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị.

– Bản thảo tái tân: Vào 3 kinh Tâm. Can, Phế.

Công dụng và chủ trị

Khoái khí, hòa trung, trừ uế, khư thấp. Trị cảm mạo thử thấp, nóng lạnh, nhức đầu, hung quản bĩ muộn, nôn mửa tiêu chảy, sốt rét, kiết lỵ, hôi miệng.

– Biệt lục: Trị phong thủy độc sưng, trừ ác khí, trị hoắc loạn, tâm đau.

– Bản thảo đồ kinh: Trị Tỳ vị thổ nghịch, là thuốc tối yếu.

– Trân châu nang: Bổ vệ khí, ích vị khí, tăng ăn uống, lại trị thổ nghịch hoắc loạn.

– Thang dịch bản thảo: Ôn trung khoái khí, Phế hư có hàn, thượng tiêu ủng nhiệt, uống rượu miệng hôi, nấu nước súc.

– Bản thảo thuật: Tán hàn thấp, thử thấp, uất nhiệt, thấp nhiệt. Trị chứng ngoại cảm hàn tà, ăn uống nội thương, hoặc ăn uống thương lãnh thấp trệ, sơn lam chướng khí, không quen thủy thổ, nóng lạnh làm sốt rét v.v…

– Bản thảo tái tân: Giải biểu tán tà, lợi thấp trừ phong, thanh nhiệt ngừng khát. Trị ói mửa hoắc loạn, sốt rét, kiết lỵ, ghẻ lở. Thân: Có thể trị Hầu tý, hóa đàm, ngừng ho.

Cách dùng và liều dùng

Sắc uống, 5~ 15g. Thứ tươi lượng gấp đôi.

Kiêng kỵ

– Trung dược học: Người âm hư huyết táo không nên dùng.

– Bản thảo kinh sơ: Âm hư hỏa vượng, Vị nhược muốn nôn hoặc Vị nhiệt gây nôn, trung tiêu hỏa thịnh nhiệt cực, ôn bệnh nhiệt bệnh, tà thực ở Dương minh Vị gây nôn gây trướng, theo phép đều cấm dùng.

– Bản thảo phùng nguyên: Thân của nó hao khí, người dùng thận trọng.

Nghiên cứu hiện đại

  1. Thành phần hóa học:

Thành phần dễ bay hơi: Hoắc hương hàm chứa dầu bay hơi 0, 28%. Thành phần chủ yếu là methylchavicol chiếm 80% trở lên.. Đồng thời hàm chứa anethole, anisaldehyde, limonene, P-methoxycinnamaldehyde, α-và-β- pinene, 3-octanone, 1-octen-3-ol, linalool, 1-carypholene, β-elemene, β-humu-lene, β-farnesene, γ-cadinene, calamenene;còn hàm chứa cis-β,γ-hexenal)[1]. Flavonoid:acacetin, tilianin, linarin, agastachoside, isoagastachoside, agastachin[2,3]. (Trung Hoa bản thảo).

  1. Tác dụng dược lý:

Dầu bay hơi có thể xúc tiến phân tiết dịch vị, tăng cường sức tiêu hóa, có tác dụng giải kính (chống co thắt) ruột bao tử . Có tác dụng kháng khuẩn và ngăn ngừa thối nát, ngoài ra, còn có tác dụng thu liễm chỉ tả, giãn mạch máu nhỏ mà có tác dụng phát hãn v.v… (Trung dược học).

Bài thuốc cổ kim tham khảo

+ Phương thuốc 1:

Trị thương hàn đầu đau, nóng lạnh, suyễn ho, tâm phúc lạnh đau, phản vị nôn lợm, khí tả hoắc loạn, tạng phủ hư kêu, sơn lam chướng ngược, toàn thân hư sưng, sản tiền hậu khí huyết nhói đau, trẻ con cam thương:: Đại phúc bì, Bạch chỉ, Tử tô, Phục linh (Bỏ vỏ) đều 1 lượng; Bán hạ khúc, Bạch truật, Trần bì (bỏ trắng), Hậu phác (bỏ vỏ thô, nước nước gừng), Khổ cánh đều 2 lượng, Hoắc hương (bỏ đất) 3 lượng, Cam thảo (nướng) 2 lượng rưỡi. Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2 chỉ, nước 1 chén, Gừng 3 lát, Táo 1 trái, cùng sắc đến 7 phân, uống nóng. Như muốn ra mồ hôi, áo chăn đắp, lại nấu uống.

(Cục phương- Hoắc hương chánh khí)

+ Phương thuốc 2:

Trị tháng hè nắng thổ tả: Hoạt thạch (sao) 2 lượng, Hoắc hương chỉ rưỡi, Đinh hương 5 phân. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 1, 2 chỉ, nước vo gạo điều uống.

(Vũ Giãng Sư kinh nghiệm phương)

+ Phương thuốc 3:

Trị hoắc loạn thổ tả: Trần bì (bỏ xơ trắng), Hoắc hương diệp (bỏ đất). Thuốc trên lượng bằng nhau, nước 1 chén rưỡi, sắc đến 7 phân, uống ấm, không câu nệ thời gian.

(Bách nhất tuyển phương – Hồi sinh tán)

+ Phương thuốc 4: Cao lương khương, Hoắc hương đều nửa lượng. Thuốc trên nghiền nhỏ, phân đều thành 4 lần uống, mỗi lần uống dùng nước 1 chén, sắc đến 1 chung, uống ấm, chưa yên lại uống nữa.

(Kê phong phổ tế phương)

+ Phương thuốc 5:

Khử mùi hôi làm thơm miệng: Hoắc hương rửa sạch, sắc nước, thường ngậm súc.

(Trích nguyên phương)

+ Phương thuốc 6:

Trị trẻ con cam răng lở loét ra máu mủ, hôi miệng, sưng miệng: Thổ Hoắc hương, cho vào Khô phàn chút ít nghiền nhỏ, xoa lên chân răng.

(Điền Nam bản thảo)

+ Phương thuốc 7:

Trị thai khí không an, khí không thăng giáng, nôn ói nước chua: Hương phụ, Hoắc hương, Cam thảo đều 2 chỉ. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2 chỉ, cho vào chút ít muối, nước sôi điều uống vậy.

(Thánh huệ phương)

+ Phương thuốc 8:

Trị chảy máu vết thương do dao: Thổ hoắc hương, Long cốt, chút ít nghiền nhỏ. Đắp ngoài.

(Điền Nam bản thảo)

+ Phương thuốc 9:

– Chủ trị: Viêm ruột dạ dày cấp tính.

– Thành phần: Hoắc hương diệp 15g (bỏ sau), Trần bì 9g, Chế Bán hạ 9g.

– Cách dùng: Sắc nước uống.

+ Phương thuốc 10:

– Chủ trị: Cảm mạo phong hàn kèm thấp.

– Thành phần: Hoắc hướng 15g, Tô diệp 12g, Trần bì 9g, Sinh khương 3g.

– Cách dùng: Lửa mạnh sắc gấp, phân 2 lần uống.

+ Phương thuốc 11:

– Chủ trị: Dự phòng trúng nắng.

– Thành phần: Hoắc hương 10g, Cam thảo 3g.

– Cách dùng: Nước sôi ngâm quấy, thay trà uống.

Theo “Dược phẩm vựng yếu”

HOẮC HƯƠNG

Khí vị:

Vị cay, khí ôn, không độc, khí hậu vị bạc, tính nổi mà đưa lên, thuộc loại dương dược, vào kinh Thủ thái âm và Túc thái âm, cũng vào cả kinh Túc dương minh.

Chủ dụng:

Chữa hoắc loạn, ngăn nôn mửa, khai Vị, khiến ăn ngon, trị miệng hôi khó chịu, tiêu chứng phù nề phong thủy sưng lan dần, vì khí của nó thơm nên trừ được mọi tà khí, vì tính nó cay ôn nên chữa mọi chứng nôn mửa, nhưng nôn mửa vì Dạ dày nhiệt và yếu thì không nên dùng, nếu gặp chứng đau bụng vì lạnh vì uế khí thì nó là vị thuốc chủ yếu, lại còn có khả năng phát ra mồ hôi, tán hàn thấp, trừ chướng khí, ngăn sốt rét, làm cho ăn khỏe.

Kỵ dụng:

Người âm hư hỏa vượng, Vị nhiệt mà nôn mửa thì kiêng dùng.

Cách chế:

Rửa sạch, chỉ dùng lá.

Nhận xét:

Trong kinh Lăng nghiêm gọi nó là “Dâu lâu bà hương”, vốn bẩm thụ được khí thanh hòa thơm ngát, là vị thuốc chủ yếu để thông đạt khí của Tỳ và Phế.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Hòa tễ cục phương”

Bài Hoắc hương chính khí tán

Hoắc hương 12g, Bán hạ khúc 8-12g, Trần bì 6-12g, Bạch linh, Bạch truật, Tô diệp, Cát cánh, Bạch chỉ, Đại phúc bì, đều 8-12g, Hậu phác (chế Gừng) 6-10g, chích Thảo 4g. Cùng tán nhỏ, mỗi lần uống 6-12g, uống với nước sắc Gừng và Đại táo. (Có thể chuyển thành thuốc thang).

Có tác dụng giải biểu, hòa trung, lý khí, hóa thấp. Trị ngoại cảm, sốt, sợ rét, đầu đau, ngực bụng đầy đau, kèm nôn, tiêu chảy, rêu lưỡi trắng nhòm.

“Y nguyên”

Bài Hoắc phác hạ linh thang

Hoắc hương 8g, Hậu phác 4g, Hạnh nhân 8g, Bạch khấu nhân 3g, Trạch tả 4g, Bán hạ 4g, Bạch linh 12g, Ý dĩ nhân 16g, Trư linh 4g, Đậu sị 12g.

Sắc, chia 3 lần uống trong ngày.

Trị bệnh thấp ôn, mình nóng không khát, chân tay rã rời, ngực khó chịu, miệng nhớt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hư hoãn.

“Vũ giảng sư kinh nghiệm phương”

Trị bệnh thổ tả mùa hè, dùng: Hoạt thạch, Cam thảo, Hoắc hương, lượng bằng nhau, cùng tán nhỏ, uống với nước Cơm, liều uống 6-12g, ngày vài lần.

“Vũ ấu tập thành”

Bài Hoắc liên thang Hoắc hương, Hậu phác, Hoàng liên, sinh Khương, Đại táo. sắc thang uống.

Chữa trẻ em nhiệt nôn không ngừng.

“Thiên gia diệu phương”

Bài Gia vị tam hương thang

Hương phụ 25g, Mộc hương 5g, Hoắc hương 15g, Trần bì 15g, Phật thủ 15g, Tam tiên 45g, Lai phục tử 40-50g, Cam thảo 10g, Binh lang phiến 10g. Cùng tán nhỏ, hãm uống 8-12g, ngày 2 lần.

Có tác dụng sơ Can, lý khí, hòa Vị, tiêu thực.

Chữa viêm Dạ dày mạn tính hoặc loét Hành tá tràng.

Bài này các vị lý khí liều lượng lớn nhưng không làm hao khí, dùng không có hại gì. Tuy nhiên bài này không thuần bổ nên không sử dụng lâu dài.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận