Bọ Cạp – Hình ảnh, tác dụng chữa bệnh của bọ cạp

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học

Pelamnerus silenus Họ Bọ cạp  (Buthidae)

Tên khác: Toàn trùng

Mô tả

toàn yết - Bọ cạp
toàn yết – Bọ cạp

Bọ cạp là loài côn trùng có đốt. Thân dài gồm phần đầu – ngực ngắn, bè rộng ra, có giáp cứng ở lưng, 4 đôi chân mảnh dài, đôi chân xúc giác là một cặp càng khỏe và nhọn. Phần bụng trước liền với phần đầu có 8 đốt không đều, to dần về phía dưới, phần bụng sau thót dần lại, chia 5 đốt, đốt cuối mang móc nhọn có tuyến độc cong ngược về phía trước.

Phân bố, nơi sống

Bọ cạp phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới nóng và ẩm như châu Phi, châu Mỹ la tinh, châu Á. Trên thế giới, loài Buthus martensi Karsch là đối tượng chính được sử dụng nhiều.

Ở Việt Nam, bọ cạp phân bố ở những khu rừng ẩm ướt thuộc vùng đồng bằng và miền núi. Ban ngày, nó sống dưới tầng lá mục, hốc cây, vách đá, đến tối, mới bò đi kiếm mồi. Thức ăn của bọ cạp là sâu bọ, bướm, nhện. Khi bắt mồi, bọ cạp quặp chặt con mồi bằng đôi càng chắc khỏe, rồi cong phần bụng sau về phía trước, dùng móc độc giết mồi.

Bộ phận dùng, thu hoạch, chế biến

Cả con bọ cạp được bắt vào tháng 2 – 6. Đem về, cho ngay vào nước trong hoặc nước có pha muối ăn với tỷ lệ 1 kg bọ cạp với 300 – 500g muối. Đun sôi trong 3 – 4 giờ, rồi vớt ra, phơi trong râm mát cho khô. Khi dùng, rửa sạch bọ cạp cho hết muối, rồi bỏ chân và đốt cuối. Có người còn cắt phần bụng sau để dùng riêng.

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Bọ cạp phần đầu, ngực và bụng trên có hình bẹt, phẳng, dai, bầu dục, bụng dưới thành hình cái đuôi, nhăn chun cong queo, nếu lành lặn dài khoảng 6cm. Đầu và ngực có màu be lục, bụng dưới màu vàng nâu. Con nào nấu trong nước muối, sẽ phủ một lớp muối tuyết ở bên ngoài, chất giòn, dễ bẻ gãy, mùi hơi tanh, vị mặn. Loại nào lành lặn, màu be vàng, lớp muối tuyết ít là loại tốt.

Thành phần hóa học

Bọ cạp chứa protid, lipid, các acid amin cần thiết, một chất độc là buthotoxin, các chất betain, taurin, cholesterol, lecithin, các acid palmitic, acid stearic.

Buthotoxin là protid độc có tác dụng như độc tính của nọc rắn.

Dược lý hiện đại:

Theo các nghiên cứu hiện đại, bọ cạp có tác dụng chống ngất, có thể đối kháng với hiện tượng bị ngất do strychnin gây ra, có tác dụng hạ huyết áp. Lượng nọc độc bò cạp nhiều có thể dẫn tới tê liệt hệ hô hấp.

Tính vị và công hiệu:

Bọ cạp tính bình, vị cay, có độc, lợi về kinh gan. Có công hiệu triệt phong trấn kinh, công độc tán kết, thông mạch giảm đau. Phù hợp với người trúng phong bán thân bất toại, thần kinh mặt bị tê liệt, bị uốn ván, ngât, co gân, đau đầu và thiên đầu thống, lở loét, bướu cổ, viêm tắc mạch máu V. V…

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào huyết hư sinh phong, khi dùng phải thận trọng. Trong con bò cạp có chứa độc tố, uống nhiều dễ ngộ độc. Thường chỉ dùng với lượng từ 3 – 5g (Bài 3 trên đây đề là 2 con chứ không phải 2g)

Bảo quản:

Để nơi dâm mát, khô ráo, phòng mọt.

Công dụng và liều dùng

Bọ cạp (cả con) có tên thuốc trong y học cổ truyền là toàn yết và phần bụng sau (thường gọi là đuôi), tên thuốc là yết vĩ được dùng với tác dụng trấn kinh, khu phong, chữa co giật, bán thân bất toại, méo miệng, cấm khẩu, tràng nhạc, thiên đầu thống, ung nhọt.

Liều dùng hàng ngày: 2,5 – 4,5g toàn yết hoặc 1 – l,5g yết vĩ dưới dạng thuốc bột hay làm viên, hoàn uống.

Bài thuốc

  • Chữa trẻ em kinh giật, co quắp, trợn mắt, nghiến răng:

Bọ cạp (bỏ đầu, rút ruột, tẩm rượu, sao giòn, 12g), răng lợn (đốt cháy, 12g), kinh giới (40g), câu đằng (12g), xác ve sầu (8g), phèn phi (8g).

Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt đậu xanh. Trẻ em 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần uống 2 viên; 1 năm tuổi, mỗi lần 3 viên; 2 năm tuổi, mỗi lần 5 viên. Nghiền thuốc với nước trúc lịch (cây tre non nướng, ép lấy nước). Uống ngày 2 – 3 lần. (Kinh nghiệm của ông Phan Khắc Định – Thanh Hóa).

Hoặc bọ cạp (3g), tằm vôi (8g), giun đất (6g). Nghiền nhỏ, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống trong ngày.

  • Chữa thần kinh mặt bị liệt: Bọ cạp (15g, đốt tồn tính), tằm vôi (l,5g), nam tinh (15g), phụ tử (15g). Tất cả, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước nguội (Tài liệu nước ngoài).

Các bài thuốc thường dùng:

Kinh phong tán (thuốc sài dạng bột)

Bọ cạp 3g – Rết 3g

Nghiền bột mịn. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 0,6g, uống với thang bạc hà. Dùng để chữa trẻ em bị sài.

Bách nhật khái phương (thuốc chữa ho bách nhật)

Bọ cạp 1 con, sao cháy nghiền bột, trứng gà 1 quả luộc chín. Châm trứng gà với bột bọ cạp mà ăn. Ngày 2 lần: 3 đến 5 tuổi uống cả liều, từ 3 tuổi trở xuống giảm bớt liều lượng đi.

Dùng cho người mắc bệnh ho bách nhật.

Toàn yết tan (bọ cạp bột)

Bọ cạp 10g – Rết 10g

Ô tiêu sà 10g

Các vị thuốc trên sấy khô, nghiền bột mịn, chia làm 8 gói. Ngày đầu uống 2 lần: sáng, chiều, mỗi lần 1 gói, từ ngày thứ 2 trở đi, mỗi ngày uống 1 gói vào buổi sáng. 7 ngày là 1 liệu trình.

Dùng cho người bị đau thần kinh toạ.

Toàn cương tán (thuốc bột bọ cạp cương tàm)

Bọ cạp 10g – Bạch phụ tử 10g

Cương tàm 10g

Nghiền chung thành bột mịn, chia làm 10 gói. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 gói, uống với hoàng tửu, sau bữa ăn. 10 ngày là 1 liệu trình.

Dùng cho người đau thần kinh tam thoa.

Toàn yết tửu (rượu bò cạp)

Bò cạp 10g – Rết 10g

Ô tiêu sà 10g – Địa long 10g

Nghiền nát, ngâm vào 500ml rượu trắng, 1 tuần sau mang ra uống.

Ngày 2 lần: sớm, tôi, mỗi lần 15 – 20ml.

Dùng cho người viêm khớp do phong thấp.

Đan độc tiêu tán (thuốc da voi)

Bọ cạp 30g – Vẩy tê tê 5g

Nghiền bột mịn, uống ngày 1 lần, mỗi lần 5g

Dùng cho người 2 chân bị bệnh chân voi.

Toàn thiên ẩm (thuốc sài bò cạp xác ve)

Bò cạp 3 con – Xác ve 10 con

Sắc uống ngày 1 thang.

Dùng cho trẻ con bị sài cấp, mạn tính, phát nhiệt bất an, không bú, ỉa chảy, phong giật.

Đầu thống thủ (thuốc đau đầu)

Tế tân 4g – Cương tàm 10g

Ngô thù du 3g – Chế nam tinh 4g

Bạch phụ tử 6g – Khổ đinh trà 3g

Bọ cạp sao 5g – Thạch quyết minh 15g

Cam thảo 3g

Sắc uống ngày 1 thang.

Dùng cho người đau đầu do thần kinh mạch máu.

Yên thoái thống giao nang (viên con nhộng chữa đau lưng, đau đùi)

Hạt mã tiền 70g – Chu sa 10g

Bọ cạp 70g – Địa long 70g

Cam thảo 30g

Bột sừng hươu 50g

Thổ miết trùng 70g

Nghiền chung thành bột mịn, đựng trong vỏ con nhộng, mỗi viên 0,3 – 0,5g. Buổi tối trước khi đi ngủ, dùng nước đường nóng uống 4 viên. 20 ngày là 1 liệu trình. Dùng cho người bị đau lưng, đau đùi.

Ngoan tê ẩm (thuốc viêm khớp)

Xuyên đoạn 15g – Uy linh tiên 12g

Địa long 10g – Quế chi 9g

Đương qui 12g – Bò cạp 10g

Cốt toái bổ 12g – Độc hoạt 10g

Ô tiêu sà 10g – Xích thược 12g

Vảy tê tê 10g

Hạt mã tiền bào chế 10g

Sắc uống ngày 1 thang. Chữa các bệnh viêm khớp do phong thấp.

Não huyết khang tán (thuốc bổ huyết não)

Rết 1 con – Bọ cạp 10g

Bạch hoa sà (Rắn mai hoa) 1 con

Nghiền chung thành bột. uống 1 ngày từ 5-10g, chia 2 lần sớm, tôi.

Dùng cho người đang hình thành huyết thuyên trong não.

Hoạt huyết chỉ thống tán (thuốc hoạt huyết giảm đau)

Thuỷ chất 10g – Bọ cạp 10g

Chế tùng hương (nhựa thông qua bào chế) 10g Nghiền chung thành bột mịn. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1,5g, với nước sôi 30 ngày là 1 liệu trình.

Dùng cho người viêm tắc mạch máu do huyết thuyên gây nên.

Nhú tuyến táo (thuốc viêm tuyến sữa)

Bọ cạp 2 con, gói trong bánh bột mì hấp, uống trước br a ăn. Hoặc nghiền thành bột mịn, đựng trong viên thuốc con nhộng.

Dùng cho người viêm tuyến sữa.

Nhĩ viêm tiêu tán

Bọ cạp 10g – Khô phàn 10g

Nghiền bột mịn. Rửa sạch chỗ tai đau, phun một ít thuốc bột vào. Ngày 1 lần. Dùng liền 3-5 ngày.

Dùng cho người viêm tai giữa có mủ.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận