Bạch thược

Vị thuốc Đông y
Bạch thược
Bạch thược

Tên khác: Mẫu đơn trắng, thược dược

Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall.

Họ Mao lương (Ranunculaceae)

MÔ TẢ

Cây thảo có rễ củ mập, dài, ruột màu trắng hoặc hồng nhạt. Thân hình trụ, nhẵn, cao 40 – 60cm. Lá mọc so le, có cuống dài, chia 3 – 7 thuỳ hình mác, gốc và đầu thuôn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt, mép nguyên.

Hoa to mọc đơn độc ở ngọn thân, cành, màu trắng, nhị vàng; lá đài 4, dai và tồn tại; cánh hoa 5 – 10, rộng và dài hơn lá đài; bầu có 3 – 5 noãn.

Quả gồm 3 – 5 đại chất dai; hạt nhiều, gần tròn.

Mùa hoa quả: Tháng 5 – 9.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Bạch thược phân bố ở vùng ôn đới ấm thuộc châu Âu, nhất là ở vùng Địa Trung Hải. ở châu Á, có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên.

Ở Việt Nam, cây được nhập từ Trung Quốc vào những năm 70 và trồng ở những vùng có khí hậu mát, lạnh như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Rễ được thu hái từ cây bạch thược 3 – 5 tuổi vào tháng 6 – 9. Đem về, rửa sạch đất, cắt bỏ phần đầu rễ và rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, ngâm nước sôi hoặc đồ chín, vốt ra, lăn sửa cho tròn và thẳng, rồi phơi hoặc sấy khô. Không phơi dược liệu dưới nắng to hoặc sấy ở nhiệt độ cao để tránh rễ bị nứt nẻ hoặc cong queo. Có khi còn xông diêm sinh cho rễ thêm trắng.

Khi dùng, ngâm dược liệu vào nước cho mềm, ủ đến khi trong ngoài ướt đều, thái phiến rồi sao vàng. Có thể tẩm dược liệu với rượu hoặc sao khô sém để dùng.

BẢO QUẢN:

Để nơi khô ráo, thoáng gió, đề phòng biến chất thành ra độc.

NGUỒN GỐC:

Đây là rễ khô của loài thược dược, họ cây mao cấn. Sản xuất chủ yếu ở Triết Giang, An Huy, Tứ Xuyên, Quí Châu, Sơn Đông V.V..

PHÂN BIỆT TÍNH CHẤT, HÌNH DẠNG:

Dược liệu là loại sơ chế thành miếng mỏng hình tròn hoặc bầu dục dày độ 1mm, bề mặt màu trắng hoặc màu nâu hồng nhạt, phẳng phiu hoặc có vân dọc, ngẫn rễ nhỏ, đây đó có vết tích của lớp vỏ ngoài màu nâu; mặt cắt phẳng bóng, màu từ trắng đến hồng nhạt, có vân vòng và vân tia hình tên bắn khá r,õ rệt. Khí nhẹ, vị hơi đắng, chua. Loại nào rễ to, cứng rắn, không có ruột trắng hoặc khe nứt là loại tốt.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Bạch thược chứa hoạt chất chủ yếu là paeoniflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, paeonolid, lactiflorin (vết); các hợp chất triterpen như acid oleanolic, acid betulinic; các hợp chất flavonoid như kaempferol glucosid.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Nước sắc từ rễ bạch thược có tác dụng ức chế ở nồng độ thấp và hưng phấn ở nồng độ cao; nếu thêm cam thảo, dung dịch lại gây kích thích ở liều thấp và ức chế ở liều cao. Nước sắc này còn có tác dụng kháng khuẩn đối với khuẩn trùng tả lỵ, tụ cầu, phế cầu, trực trùng bạch hầu.

Theo các công trình nghiên cứu hiện đại bạch thược có hàm chứa các chất phenol của vỏ rễ mẫu đơn, chất kích thích ngũ cốc B, chất dầu thăng hoa , mỡ cây, chất mềm da, chất đường, tinh bột, hợp chất dầu thơm, chất phối đường, thược dược, kiềm thược dược v.v… chất phối đường thược dược có tác dụng chống co giật khá tốt, đối với ruột và dạ dầy li thể của chuột và chuột bạch, cũng như sự vận động của cơ bình hoạt dạ con chuột, đều có tác dụng ức chế, lại có thể chống co thắt dạ con do các tác dụng của thôi sản tố sinh ra, đồng thời còn có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh, chống viêm, chống loét, tăng cường khả năng lưu thông của động mạch vành và các mạch máu ở chi sau, đối với các thành phần hữu hiệu của cam thảo có tác dụng bồi bổ tăng hiệu lực trên nhiều mặt. Bạch thược còn có khả năng tăng cường hiệu lực chuyển hoá của tế bào hạch ở người khoẻ mạnh để nâng cao sức khoẻ, tăng cường khả năng chống ốm đau cho cơ thể.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong y học cổ truyền, bạch thược được dùng với tác dụng dưỡng huyết, điều kinh, giảm đau, tiêu viêm, làm mát, lợi tiểu, chữa đau bụng, đau ngực, chân tay tê mỏi, nhức đầu, choáng váng, thổ tả, kiết lỵ, kinh nguyệt không đều, bạch đới, ra mồ hôi trộm, đái khó.

Liều dùng hàng ngày: 5 – 10g dưới dạng nước sắc hoặc tán bột uống.

NHỮNG CẤM KỴ TRONG KHI DÙNG THUỐC:

VỊ thuốc này phản lê lô, không được cùng sử dùng.

Người bị hư hàn, đau bụng ỉa chảy khi dùng nên thận trọng.

BÀI THUỐC

  • Chữa kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong kinh: Bạch thược (20g), lá trắc bá (12g, sao đen). Hai vị thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).
  • Chữa đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, bế kinh: Bạch thược (16g), đương quy (12g), thục địa (12g), xuyên khung (8g), sắc uống ngày một thang.
  • Chữa đau vùng thượng vị, đầy bụng, ợ hơi: Bạch thược (16g), sài hồ (12g), chỉ xác (8g), xuyên khung (8g), hương phụ (8g), thanh bì (8g), cam thảo (6g). Tất cả phơi khô, sắc uống trong ngày.
  • Chữa đau nhức,hai chân và đầu gối khó co duỗi, đau bụng, tiểu đường, háo khát: Bạch thược (16g), cam thảo (8g). Sắc hoặc tán bột uống.

CÁC PHƯƠNG THUỐC BỔ DƯỠNG THƯỜNG DÙNG:

Thược dược hoàng kỳ tửu (rượu thược dược hoàng kỳ)

Bạch thược 100g – Sinh địa 100g

Hoàng kỳ 100g – Lá ngải (sao) 30g

Nghiền thành bột thô, đựng trong túi vải, đặt trong bình sạch, đổ 1000ml rượu trắng, ngâm 7 ngày trở lên là có thể uống được. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10ml.

Dùng cho phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều, lại thêm ra khí hư màu đỏ, trắng.

Bạch thược linh chi ẩm (thuốc sắc linh chi thược)

Bạch thược 10g – Linh chi 10g

Sắc lấy nước, pha đường vừa phải vào uống.

Dùng cho người bị suy nhược thần kinh.

Bạch thược toan táo nhân thang (thang thuốc bạch thược, nhân toan táo)

Bạch thược 15g – Viễn chí 9g

Nhân toan táo 15g – Phục thần 10g

Ngày 1 thang chia 2 lần sắc uống vào buổi sớm và buổi tối.

Dùng cho người tâm can lưỡng hư, dẫn tới mất ngủ, tim đập hốt hoảng, hay bị kinh dị.

Bạch thược can khương tán (thuốc bột gừng bạch thược)

Bạch thược 60g – Gừng khô 20g

Nghiền chung thành bột mịn. uống ngày 1 lần, mỗi lần 6 – 10g.

Uống bằng rượu “hoàng tửu”, uống liền trong một tuần.

Dùng cho phụ nữ đau bụng khi hành kinh, ra khí hư màu trắng, đỏ kéo dài hàng năm không khỏi, cũng chữa cả cho người bị huyết khí công, đau tim, đau bụng sau khi đẻ.

Bạch thược cam thảo tán (thuốc bột bạch thược cam thảo)

Bạch thược 10 phân – Cam thảo 5 phân

Hoa phấn 10 phần

Nghiền chung thành bột mịn. sắc uống ngày 3 lần, mỗi lần 3g.

Dùng cho người miệng khát do âm thương hữu nhiệt, cũng trị cả bệnh đái đường.

Trấn kinh tức phong thang (thang trấn kinh tức phong)

Bạch thược 30g – Huyền sâm 15g

Long cốt tươi 30g – Thiên đông 25g

Con ha tươi 30g

Sắc uống ngay 1 thang, chia 2 lần sớm, tối.

Dùng cho người đầu váng mắt hoa do can âm bất túc, can dương cang thịnh sinh ra.

Bạch thược chỉ tả thang (thang bạch thược cầm ỉa chảy)

Bạch thược 12g – Trần bì 9g

Bạch truật 18g – Phòng phong 6g

Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần.

Dùng cho người can uất dẫn tới sôi bụng, đau bụng, ỉa chảy.

Bạch thược thang (thang bạch thược)

Bạch thược 20g – Nhục Quế 5g

Nguyên hổ 9g – Hương phụ 12g Sắc uống ngày / 1 thang, chia làm 2 lần.

Dùng cho phụ nữ đau lườn, sưng vú.

Bạch thược theo “Dược phẩm vựng yếu”

Khí vị:

Vi đắng, chua, bình, tính hơi hàn, không độc, khí bạc, vị hậu, là âm dược, giáng xuống, vào Can kinh, ghét Thạch hộc, Mang tiêu, sợ Miết giáp, phản Lê lô, dùng Lôi hoàn làm sứ.

Chủ dụng:

Tả Can hỏa mà chủ về huyết nhiệt, chữa đau măt, đau hạ sườn, ức chế Can khí, thu liễm Can khí mà chủ về đầy bụng, đau bụng ỉa chảy, kiết lỵ, trừ chứng phiền, bổ khí, hay thu liễm Phế khí, mà đối tượng là ho hen, trướng nghịch, thu liễm Vị khí, làm kiên cố tấu lý, chuyển vào phần huyết của Tỳ kinh mà bổ hư lao, thoái nhiệt, liễm âm khí, chữa nục huyết, an thai và tất cả các bệnh đàn bà, thông huyết, bổ huyết, liễm Can huyết, là thuốc chủ yếu điều hòa trung tiêu, hay vào huyết hải, chữa các bệnh của phụ nhân, là một vị thuốc thu giáng rất tốt.

Hợp dụng:

Bạch truật bổ Tỳ dương, Bạch thược bổ Tỳ âm, dùng với Sâm, Kỳ thì bổ thêm phần khí, dùng với xuyên khung thì tả Can, dùng với Sài hồ, Mầu đơn, Sơn chi làm tá thời tả hỏa mà trừ nhiệt táo, dùng Khương, Quế làm tá thời gây ấm kinh mạch, để tán hàn thấp, bụng lạnh đau thời gia Quế, nóng đau thời gia Hoàng cầm, dùng chung với Sâm, Truật thời bổ trung ích khí, dùng chung với Thục địa thời bổ âm huyết. Tuy rằng người sản hậu và người huyết hư hàn đau bụng thì phải kiêng dùng là sợ cái hàn của nó, nhưng dùng Khương Quế làm tá và sao nó với Gừng, với Rượu thì còn hàn đâu mà sợ.

Cách chế:

Dùng với thuốc bổ Tỳ thì sao với Rượu, dùng với thuốc dưỡng huyết thời sao với Mật, với Nước, dùng để bình Can thì để sống.

Kỵ dụng:

Neu đau bụng không phải do huyết hư thì không được dùng lầm (Bởi vì mọi chứng đau bụng đều phải dùng thuốc tân tán, mà Bạch thược chỉ có chua và thu liễm). Bạch thược thu liễm, giáng xuống, chấp hành lệnh của mùa thu thuộc kim, về tính hàn thì còn thua Hoàng cầm, Hoàng liên, cổ nhân nói mùa rét phải giảm bớt Bạch thược để tránh bệnh trúng hàn, lại nói “Bệnh trúng hàn thuộc hư lạnh thì cấm dùng”, lai bảo “đàn bà đẻ chớ dùng”, đó là sợ Bạch thược làm tổn hại khí sinh hóa mà sinh biến chứng.

Nhận xét:

Người xưa bảo Bạch thược tả Can, an Tỳ, mà Đông Viên lại cho rằng chế bớt Can hỏa là hòa hoãn Trung tiêu, hòa hoãn Trung tiêu tức điều hòa khí là nghĩa làm sao. Là vì đang lúc âm tà của Can hỏa phạm vào Tỳ,Vị thì vị chua thu liễm được âm khí mà khỏi đau, mà kiện Tỳ, chứ không phải tả vào chính khí của Can, nếu Can khí bị ức chế bớt, huyết hư yếu bớt thời điều hòa được vinh vệ mà sinh huyết mới. Cho nên nói rằng mùa xuân đau bụng thì bội dùng Bạch thược vì nó hòa huyết, ức Can, trợ Tỳ, có khả năng tả Mộc trong Thổ, liễm tân dịch mà tăng vinh huyết để tả nhiệt tà.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Thương hàn luận”

Bài Thược dược cam thảo thang

Bạch thược 8-16g, Cam thảo 8-16g.

Sắc, chia uống ấm vài lần trong ngày.

Chữa các chứng đau rút cơ (nhất là ở chân), đau bụng, sỏi Mật, sỏi Thận, kiết lỵ, tiểu đau, co thắt ruột, đau thần kinh, đau cơ bụng, đau răng.. .Đối với trẻ em thì chữa kinh giật, đau bụng, khóc đêm.

“Hướng dẫn sừ dụng các bài thuốc”

Bài Ngũ tích tán

Trần bì, Bán hạ, Bạch linh đều 6g, Bạch truật 9-12g, Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược, Hậu phác, Ma hoàng, Cát cánh, Quế chi, Bạch chỉ, Chi xác, Can khương, Đại táo, Hương phụ, Cam thảo đều 3-6g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Bài này hợp dụng bài Nhị trần tiêu đàm, bài Bình vị tiêu thực, Tứ vật bổ huyết, Quế chi, Bạch thược trị phong tà, Ma hoàng, Cát cánh trừ đàm.

Áp dụng: Hàn nhiệt, phong đàm thực gây nên những tích tụ trong người. Có 5 loại tích: tích do Tâm là phục lương ở xung quanh rốn; tích do Can là phì khí dưới sườn bên trái; Tỳ hư gây nên bỉ khí sinh hoàng đản; Phế sinh tức bồn dưới sườn bên phải, ngực đau, nóng rét, nôn ra máu, và bôn đồn có hình con Lợn con chạy chồm lên từng cơn do thần kinh Vị Trường co bóp mạnh.

Bài này áp dụng rộng rãi cho các rối loạn ở ố bụng, nửa người trên nóng, nửa dưới lạnh, viêm Dạ dày, Ruột, đau eo lưng, kinh nguyệt khó khăn, bạch đới, sản khí, các rối loạn tim mạch, cước khí, cảm mạo ở người già; cũng dùng chữa sưng khớp, thần kinh tọa.

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

  • Bài Cánh thược bài nùng thang

Bạch thược 10g, Cát cánh 6g, Chỉ thực 10g, lòng đỏ trứng Gà 1 quả (khuấy vào nước thuốc).

Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.

Trị khi huyết ngưng trễ, mụn không vở mũ hoặc không vít miệng trong các trường hợp mạn tính, mụn nhọt có tính hư.

  • Bài Đương quy thược dược thang

Đương quy 12g, Bạch thược 10g, Xuyên khung 6g, Trạch tả 8g, Bạch linh 8g, Bạch truật 8g. sắc, uống 2 lần trong ngày.

Thuốc vào huyết đạo, áp dụng phần nhiều cho phụ nữ.

Chữa người thiếu máu, huyết hư ứ trệ ở bụng dưới, phụ nữ khi mãn kinh hay sau khi sinh đẻ, sẩy thai bị chóng mặt, phù thũng, đau thắt lưng, chân tay lạnh, Tim đập nhanh.

Bệnh phụ khoa nên thêm Sài hồ, người Vị Tràng yếu nên thêm Nhân sâm. Những người bị ứ huyết bụng dưới, có đau bụng, có khi không đau đều có thể dùng bài này, nhưng nếu uống vào thấy không ăn ngon com thì không nên dùng tiếp.

“Hòa tễ cục phương”

Bài Bát vị tiêu giao tán

Đương quy, Bạch thược, Bạch truật, Bạch linh, Sài hồ đều 9g, Sinh Khương 6g, Cam thảo 4g, Bạc hà 3g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Đây là bài thuốc cơ bản của phép hòa: nửa dưỡng khí, nửa dưỡng huyết, nửa ôn, nửa lương. Thuốc thường dùng cho phụ nữ huyết kém, rối loạn kinh nguyệt khi mãn kinh, đau mỏi, nóng rét thất thường, tinh thần bất an, rộp miệng lưỡi, hông sườn đau, đầu đau, núm vú sưng đau… Tóm lại bài này rất tốt cho người khí huyết hao mòn vì thực nhiệt âm ỉ hại đến Can, Tỳ gây nên nhiều bệnh tật. Người bệnh lười hồng nhat, mạch hư huyền.

– Bài Gia vị tiêu giao tán

Bạch linh 8g, Bạch truật 8g, Bạch thược 8g, Đương quy 8g, Sài hồ 8g, Đan bì 8g, Chi tử 8g, Cam thảo 4g, Can (hoặc sinh) Khương 2g, Bạc hà 4g (Bạc hà để riêng, khi thuốc sắc vừa xong thì cho vào). Sắc, chia uống vài lần trong ngày. (Là bài Bát vị tiêu giao thêm Đan bì, Chi tử)

Chủ trị: Thuốc chữa về huyết đạo của phụ nữ, rối loạn kinh nguyệt thời kỳ mãn kinh, nóng rét bất thường, máu dồn lên mặt, vai gáy tê đau, mất ngủ, chân lạnh, tinh thần bất an, đổ mồ hôi, bí đại tiện, các chứng này có tính chất hư.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận