Hình ảnh cây chè dây và cách sử dụng chữa đau dạ dày của chè dây

Vị thuốc Đông y

Tên khác:  Chè hoàng giang, song nho, pàn oỏng, khau cha (Tày) Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis (Hook.et Arn.) Planch.

Họ Nho              (Vitaceae)

MÔ TẢ

Cây thân leo, cành cứng hình trụ, phủ lông mềm. Tua cuốn phân đôi, mọc đối diện với lá. Lá kép mọc so le, gồm nhiều lá chét có răng cưa ở mép, hai mặt nhẵn, mặt trên khi khô có loang lổ màu trắng như bị mốc.

Cụm hoa mọc đối diện với lá thành ngù phân nhánh rộng; hoa nhiều, màu trắng, đài có lông mịn, tràng có mép hơi nhăn, nhị mảnh, bầu nhẵn.

Quả mọng, màu đen, khi chín có 3 – 4 hạt.

Mùa hoa quả: tháng 6 – 9.

Hình ảnh cây chè dây
Hình ảnh cây chè dây

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, chè dây phân bố chủ yếu ở châu Á gồm Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, chè dây mọc hoang ở các tỉnh miền núi thuộc Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Tây, Quảng Ninh, Hà Giang, Đồng Nai, Quảng Nam – Đà Nắng, Lâm Đồng… Thường gặp trên các loại cây bụi thấp ở ven đường, vùng đồi, rừng thưa, bờ nương rẫy.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Cả cây chè dây được thu hái lúc cây chưa có hoa quả, đem về, rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô, sao qua cho thơm. Dược liệu phơi khô có mùi thơm nhẹ, sau khi sao, mùi thơm càng rõ hơn.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Chè dây chứa flavonoid, tanin, đường. Hai chất flavonoid tinh khiết được phân lập từ cây là myricetin và dihydromyricetin, đều là những tinh thể hình kim màu vàng.

Rễ chè dây chứa ampelopsin (tài liệu nước ngoài).

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Chè dây đã được nghiên cứu dược lý, sơ bộ thấy có tác dụng giảm đau, chống loét dạ dày và kháng khuẩn. Độc tính của chè dây rất thấp.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Từ lâu đời, nhân dân ở những vùng có chè dây mọc thường hãm lá khô với nước sôi như pha trà uống thay nước chè với tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Đồng bào Tày còn có kinh nghiệm dùng chè dây chữa đau dạ dày với kết quả tốt. Hàng ngày, lấy 30 – 50g dược liệu thái nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 – 3 lần trong ngày. Có thể dùng dạng thuốc hãm. Một đợt điều trị liên tục từ 15 ngày đến một tháng. Nhiều người đã dùng nước chè dây thấy bệnh thuyên giảm nhiều. Có người lâu ngày không thấy bệnh tái phát.

Dựa vào kinh nghiệm này, Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng dùng chè dây dưới dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc và Trường đại học Dược Hà Nội đã bào chế thành chế phẩm Ampelop có 50% flavonoid để chữa đau dạ dày. Còn Viện Y học cổ truyền lại chế dạng cao khô để dùng.

BÀI THUỐC

  • Chữa đau dạ dày: Chế phẩm Cantonin có 80% flavonoid chè dây của Viện Dược liệu, được dùng uống mỗi lần 3 viên nang loại 0,25g. Ngày 2 – 3 lần.
  • Chữa sốt rét: Lá chè dây (60g), lá hồng bì (60g), lá đại bi (12g), lá tía tô (12g), rễ cỏ xước (12g), lá hoặc vỏ cây vôi (12g), rễ xoan rừng (12g).

Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày. Cứ 3 ngày, dùng một thang (tài liệu nước ngoài).

Lưu ý: Chế phẩm Ampelop của Trường Đại học Dược Hà Nội và túi chè dây của hãng chè Trung Kiên ở huyện Thông Nông (Cao Bằng) đã được sản xuất và bán trên thị trường.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận