Bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa Cryptosporidiosis

Bệnh truyền nhiễm

Cryptosporidiosis là một bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa lây theo đường phân-miệng.  Bệnh do đơn bào Cryptosporidium parvum gây nên (có 2 genotype, genotype 1 còn có tên C.hominis), và có thể gây bệnh cho cả người suy giảm miễn dịch lẫn người có miễn dịch bình thường (xem Chen 2002). Sau khi được mô tả lần đầu năm 1976, cryptosporidia đã trở thành căn nguyên quan trọng nhất và thường gặp nhất gây ỉa chảy trên toàn thế giới. Nguồn bệnh quan trọng là động vật, nước uống và thức ăn nhiễm bẩn. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 10 ngày. Trong khi bệnh thường tự khỏi sau vài ngày ở người khỏe mạnh và bệnh nhân HIV có CD4 trên 200/µl, thì ở bệnh nhân AIDS cryptosporidiosis thường diễn biến kéo dài. Đặc biệt  ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng (CD4 dưới 50), ỉa chảy có thể gây nguy hiểm tới tính mạng do mất nước và điện giải (Colford 1996). Khi đã mạn tính, cryptosporidiosis là bệnh chỉ điểm AIDS.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Ỉa chảy phân nước có thể nặng đến mức gây tử vong do mất nước và điện giải. Mỗi ngày đi ngoài 20 lần không phải là ít gặp. Đau quặn bụng cũng hay gặp, và thường có buồn nôn và nôn. Tuy nhiên các triệu chứng cũng có thể rất thay đổi. Thường không sốt. Đường mật đôi khi chịu ảnh hưởng và biểu hiện bằng tăng các men của mật. Viêm tụy cũng có thể xảy ra.

Chẩn đoán

Khi gửi bệnh phẩm phân, cần thông báo cụ thể cho phòng xét nghiệm về hướng chẩn đoán. Nếu không như vậy, cryptosporidia có thể bị bỏ qua. Nếu phòng xét nghiệm có đủ kinh nghiệm và được hướng dẫn đúng, chỉ cần 1 mẫu phân là đủ. Kháng thể và các xét nghiệm chẩn đoán khác đều không có giá trị. Chẩn đoán phân biệt với các mầm bệnh gây ỉa chảy khác.

Điều trị

Hiện chưa có điều trị đặc hiệu. Ỉa chảy sẽ tự hết nếu miễn dịch tốt, do đó bệnh nhân cần được điều trị HAART (trị liệu kháng retrovirus hiệu lực cao) – và HAART (trị liệu kháng retrovirus hiệu lực cao) thường làm bệnh thoái lui (Carr 1998, Miao 2000). Để đảm bảo bệnh nhân hấp thụ được ARV, cần điều trị triệu chứng bằng loperamide và/hoặc opium tincture (kê đơn có kiểm soát). Nếu cách này không thành công, điều trị bằng các thuốc  chống ỉa chảy khác, thậm chí là sandostatin. Cần bù đủ dịch – thậm chí là bằng đường truyền.

Chúng tôi đã có những kết quả tốt trong một số ca riêng lẻ khi dùng thuốc diệt giun sán nitazoxanide (Cryptaz™ hoặc Alinia™). Nitazoxanide đã có hiệu quả trong một nghiên cứu ngẫu nhiên nhỏ và có lẽ là thuốc đầu tiên có hiệu quả thực sự trong điều trị cryptosporidia (Rossignol 2001). Trong điều trị tiếp cận mở rộng của Mỹ, gần 2/3 số bệnh nhân đáp ứng với điều trị (Rossignol 2006). Vào tháng 6/2005, thuốc đã được cấp phép lưu hành ở Hoa Kỳ để điều trị ỉa chảy do cryptosporidia. Thuốc chưa được cấp phép cho bệnh nhân AIDS, cả ở Hoa Kỳ lẫn châu Âu, và điều này cũng sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Một thuốc khác là rifaximine (Xifaxan™ 2400 mg), một dẫn chất rifampicin không hấp thu, đã được cấp phép ở Hoa Kỳ và có thể sẽ được phân phối sớm. Các kết quả trên bệnh nhân AIDS nhiễm cryptosporidium rất đáng khích lệ (Gathe 2005).

Nếu không đạt được phục hồi miễn dịch và các nhà cung cấp bảo hiểm y tế từ chối thì các cách điều trị còn lại rất hạn chế: paromomycin, một kháng sinh aminoglycoside không hấp thụ, có dưới dạng bột và viên nén đã được nhiều bác sỹ dùng từ khi một nghiên cứu nhỏ không đối chứng cho kết quả tốt đối với ỉa chảy (White 2001). Nghiên cứu ngẫu nhiên mù đôi duy nhất cho đến nay lại không cho thấy ưu thế nào của thuốc so với giả dược (Hewitt 2000). Phối hợp azithromycin có lẽ có hiệu quả (Smith 1998).

Điều trị dự phòng cryptosporidiosis (liều hàng ngày)
Cấp tính    
Điều trị triệu chứng Loperamide +

 

 

 

opium tincture

Loperamide 1 viên 2 mg 2–6 lần/ngày hoặc loperamide dung dịch 10 ml (10 ml = 2 mg) 2–6 lần/ngày và/hoặc

opium tincture 1 % = 5–15 giọt ngày 4 lần

Điều trị triệu chứng Octreotide Sandostatin dung dịch tiêm 1 ống 50 µg tiêm dưới da ngày 2 lần hoặc 3 lần (tăng liều từ từ)
Thử nghiệm Nitazoxanide Nitazoxanide 1 viên 500 mg ngày 2 lần
  Thử nghiệm Rifaximin Xifaxan™ 2 viên nén 200 mg ngày 2 lần
  Thử nghiệm Paromomycin + Azithromycin     Humatin Pulvis™ 1 viên nén 1 g ngày 3 lần cộng 1 viên nén 600 mg ngày 1 lần
 
Dự phòng         Dự phòng phơi nhiễm: không uống nước tại vòi

Dự phòng

Hiện không có biện pháp dự phòng nào được chấp nhận, mặc dù các phân tích hồi cứu đã báo cáo tác dụng bảo vệ của rifabutin và clarithromycin (Holmberg 1998). Theo chúng tôi, quan trọng hơn là bệnh nhân không được uống nước tại vòi, ít nhất là ở các quốc gia có vấn đề về vệ sinh. Tránh tiếp xúc với phân người và động vật. Chúng tôi thấy rằng phần lớn bệnh nhân mắc bệnh trong các tháng hè sau khi đi bơi ở sông. Cryptosporidia kháng với hầu hết các thuốc khử trùng. Trong bệnh viện, việc sử dụng các biện pháp vệ sinh thông thường (găng tay!) là đủ. Không phải cách ly bệnh nhân nhưng không nên đặt họ cùng phòng với các bệnh nhân suy giảm miễn dịch khác.

Bệnh truyền nhiễm
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận