Cách điều trị và chăm sóc người bệnh viêm cầu thận

Chăm sóc bệnh nhân

Viêm cầu thận có thể cấp hoặc mạn, thường gặp là viêm cầu thận cấp chuyển thành mạn chiếm khoảng 10-20% trường hợp. Bài này đề cập đến chăm sóc bệnh nhân viêm cầu thận cấp.

ĐẠI CƯƠNG

Viêm cầu thận cấp thường do liên cầu khuẩn tan huyết p tan máu nhóm A týp 12, là một bệnh dị ứng miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm liên cầu khuẩn vùng họng, hoặc ngoài da.

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng lâm sàng

  • Khởi phát: sau khi viêm họng, viêm da 10 đến 21 ngày xuất hiện.

+ Mệt mỏi, chán ăn, đau vùng thắt lưng.

+ Phù mí mắt.

+ Đi tiểu ra máu.

  • Toàn phát:

+ Phù trắng, mềm, không đau. Phù từ mí mắt, mặt rồi đến 2 chi dưới, tăng cân rõ.

+ Tiểu ra máu: nước tiểu màu cà phê.

+ Tiểu ít, thiểu niệu (< 500 ml/24 giờ) hoặc vô niệu (< 100 ml/24 giờ).

+ Tăng huyết áp: tăng vừa cả huyết áp tâm thu và tâm trương. Trường hợp nặng có thể suy tim trái, phù phổi cấp.

Triệu chứng cận lâm sàng

  • Sinh hoá máu: urê máu tăng, creatinin máu tăng.
  • Nước tiểu:

+ Protein niệu từ 1gam đến 3 gam/24 giờ.

+ Hồng cầu niệu (++) trở lên, làm cặn Addis > 3000 HC/phút.

+ Trụ hồng cầu (++).

+ Urê niệu giảm.

+ Natri niệu thấp.

TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

  • Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu thường gặp ở trẻ em, tiên lượng tốt hơn người lớn. Ở người lớn ít gặp nhưng tiên lượng lại nặng hơn.
  • Chỉ sau vài ngày đến 1 tuần, bệnh nhân đi tiểu nhiều lần, phù giảm, nước tiểu trong dần, huyết áp trở về bình thường. Hồng cầu niệu, protein niệu có thể kéo dai 6 tháng đến 1 năm.
  • Khoảng 10-20% chuyển thành viêm cầu thận mạn tính sau nhiều năm, hai thận teo dần. Thời gian dài ngắn tuỳ từng trường hợp, có thể 10-20 năm mới có suy thận mãn.
  • Một số rất ít (1-2%) có thể chết trong đợt cấp do phù phổi cấp, suy tim, suy thận cấp, nhiễm khuẩn.

ĐIỀU TRỊ

Giai đoạn cấp

  • Chế độ nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể lực mạnh.
  • Ăn nhạt, hạn chế nước uống.
  • Điều trị triệu chứng:

+ Phù: cho thuốc lợi tiểu furosemid.

+ Tăng huyết áp: cho thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn canci như nifedipin.

  • Kháng sinh: penicillin G 1 triệu đơn vị/ngày, tiêm bắp từ 10 đến 15 ngày. Nếu dị ứng với penicillin thay bằng erythromycin.

Sau giai đoạn cấp

  • Loại bỏ ổ viêm nhiễm: cắt amidan, điều trị triệt để các viêm nhiễm ở da.
  • Tiếp tục học tập, vận động thể lực sau 4 tuần.
  • Sau 2 năm mới có thể tiêm phòng uốn ván, bạch hầu.
  • Định kỳ kiểm tra protein niệu, urê máu 3 tháng/lần cho đến hết một năm sau.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

  • Hỏi:

+ Tiền sử viêm họng hoặc viêm da.

+ Các biểu hiện như phù mí mắt, tăng cân, ăn kém…

+ Tiểu ít, thay đổi màu sắc nước tiểu.

  • Nhận định thực thể:

+ Cân bệnh nhân, khám phát hiện phù.

+ Đo huyết áp.

+ Chủ động theo dõi nước tiểu.

  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, sinh hoá máu.

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Giảm phù cho bệnh nhân.
  • Cung cấp cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Không để xảy ra các biến chứng.
  • Giáo dục bệnh nhân cách phòng và theo dõi bệnh.

Thực hiện chăm sóc

  • Giảm phù cho bệnh nhân

Chế độ ăn nhạt tuỳ theo mức độ phù và tăng huyết áp, thường từ 2 đến 4 gam natri/24 giờ, giảm đi khi có suy thận và tăng huyết áp nhiều.

Thực hiện y lệnh thuốc lợi tiểu, chú ý các biểu hiện rối loạn điện giải. Tuy nhiên khi có suy thận rõ, không bù kali như trong suy tim, cần làm xét nghiệm điện giải đồ cho bệnh nhân để biết chính xác đề phòng tăng kali máu.

Hạn chế nước uống: lượng nước đưa vào cơ thể bệnh nhân mỗi ngày được tính bằng lượng nước đi tiểu được thêm 300 ml nếu không có sốt hoặc biến chứng phù phổi.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người bệnh thường mỏi mệt, chán ăn nên phải động viên, tạo không khí thoải mái cho người bệnh khi ăn. Thay đổi và chế biến thức ăn phù hợp khẩu vị.

Đảm bảo đủ calo 30kcal/kg cân nặng/ngày. Đảm bảo dinh dưỡng và cân đối các thành phần dinh dưỡng:

+ Protein 0,6gam/kg/ngày để phòng tăng urê máu, khi bệnh nhân đi tiểu tốt, dấu hiệu suy thận không còn tăng lên lgam/kg/ngày.

+ Glucid: lượng ngũ cốc cho ăn vừa phải, bổ sung bằng bánh kẹo ngọt, đường, mật.

+ Lipid: 20gam/ngày.

+ Đảm bảo đủ các yếu tố vi lượng, vitamin, khoáng từ rau và trái cây nhưng cần tránh loại có nhiều kali khi có suy thận, tiểu ít.

  • Không để xảy ra các biến chứng

Hằng ngày điều dưỡng cần theo dõi chặt chẽ:

+ Lượng nước tiểu.

+ Mức độ phù, cân nặng người bệnh:

+ Đo huyết áp.

+ Kết quả xét nghiệm urê máu.

+ Các dấu hiệu sinh tồn.

Nếu thấy bất thường hoặc không thuyên giảm cần báo cáo bác sỹ ngay để xử trí kịp thời, đồng thời điều chỉnh lại chế độ an uống phù hợp.

Thực hiện nghiêm túc các mệnh lệnh về thuốc như: thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, kháng sinh penicillin.

  • Giáo dục sức khoẻ

Cung cấp cho người bệnh một số thông tin về bệnh như bệnh có thể tiến triển tốt nếu thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc và điều trị bệnh, giúp người bệnh an tâm điều trị.

Hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ ăn uống bệnh lý, vệ sinh cơ thể, chế độ vận động phù hợp.

Thuyết phục người bệnh cần điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn da và họng.

Thường xuyên theo dõi bệnh tại cơ sở y tế.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

  • Người bệnh giảm hoặc hết phù.
  • Dinh dưỡng được đảm bảo.
  • Không bị các biến chứng.
  • Biết cách phòng và theo dõi bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận