Bệnh viêm họng đỏ cấp ở trẻ em

Chăm sóc bé

Họng nằm ở ngã tư đường hô hấp và đường tiêu hóa. Hàng ngày, không khí và các thức ăn, nước uống đều qua đường này, đó là điều kiện thuận lợi cho các loại virut, vi khuẩn xâm nhập.

Họng là cái ống cơ màng, nối từ vòm họng xuống tiếp giáp với thanh quản và chia ba phần: Họng mũi, họng miệng và hạ họng. Viêm họng là viêm họng miệng.

Trong họng có nhiều tổ chức quan trọng là hệ thống bạch huyết Waldeyoz, trong đó có tổ chức V.A và amidan. Cho nên viêm họng là bệnh rất thường gặp, có thể xuất hiện riêng biệt hay cùng V.A và amidan.

Viêm họng rất hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi độ ẩm là điều kiện cho các loại virut, vi khuẩn đường hô hấp phát sinh, phát triển và gây bệnh.

Virut cúm, virut sởi, virut quai bị…

Vi khuẩn tụ cầu, phế cầu và liên cầu bêta tan máu nhóm A… là thủ phạm gây bệnh viêm họng.

* Biểu hiện lâm sàng:

Bệnh thường xảy ra đột ngột, trẻ sốt cao 39-40°C. Bệnh nhi ốn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt nhọc, ăn kém, không thèm ăn, ngủ kém.

Dấu hiệu ban đầu là khô, rát, nóng, ngứa trong họng, dần dần đau, rát, nóng, ngứa nhiều. Đau nhiều khi nuốt, ho, nói, đau lan lên tai.

Ho khan từng tiếng hay kéo dài thành chuỗi, khạc ra ít chất nhầy trắng, về sau ho có đồm màu vàng. Giọng nói mất trong, có thể khàn, nói bằng giọng mũi kín.

Mũi chảy nước trong, về sau chảy nước nhầy đặc. Mũi bị tắc một bên hay hai bên khi nằm và vào các buổi sáng sớm, khi thời tiết thay đổi.

Thăm khám cho trẻ phát hiện toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực. Tổ chức bạch huyết sau họng đỏ mọng và những mao mạch nổi gồ lên. Hai amidan khẩu cái sưng to, đỏ. Có thể có lớp nhầy phủ lên amidan.

Trụ trước và trụ sau đều đỏ. Hạch góc hàm sưng to, đau. Mũi xung huyết và có lẫn chất nhầy.

Bệnh có thể khỏi sau năm ngày, nếu điều trị tích cực, đúng phương pháp. Có thể có một số biến chứng: Viêm tai giữa cấp tính, viêm thanh khí, phế quản cấp, viêm phổi, viêm thận, viêm khớp và viêm nội tâm mạc do nhiễm liên cầu bêta tan máu nhóm A.

* Điều trị viêm họng đỏ cấp:

Cho bệnh nhân nằm nghỉ, trong thời gian đang sốt, cho uống nhiều nước, chườm lạnh ở trán, hai hố nách, cho uống nước cam, chanh và cho ăn sữa, ăn cháo thịt loãng, súp thịt với bắp cải. Khi bệnh nhi hết sốt cần cho ăn nhiều chất đạm có từ các loại thịt, cá, tôm, cua, trứng gà và quả chín như xoài, nhãn, na, chuối…

Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn: Ampicilin 25- 100mg/một 1kg cân nặng cơ thể, tiêm tĩnh mạch hay uống. Cefriaxone, người lớn và trẻ em trên 12 tuổi từ 1-2g dùng 1 lần mỗi ngày, cách nhau 24 giờ. Trẻ sơ sinh đến 14 ngày, liều dùng 20-50mg cho mỗi cân nặng cơ thể, dùng một lần/ngày. Trẻ từ 15 ngày đến 12 tuổi, liều dùng 20-80mg cho 1kg cơ thể, một lần trong ngày, tiêm tĩnh mạch hay truyền tĩnh mạch, tiếp tục dùng 48-72 giờ sau khi bệnh nhi hết sốt.

Hạ nhiệt giảm đau dùng thuốc: Paracetamol uống 2-3 lần trong ngày, mỗi lần 0,025-0,05g.

Súc họng bằng dung dịch natri bicarbonat nhiều lần trong ngày.

Nhỏ mũi nhiều lần trong ngày bằng một trong các loại thuốc: Caldi B, otrivin, sunfarin, argyron loại dành cho trẻ em.

Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách cho ăn nhiều sữa, chất đạm, trứng, các loại vitamin từ trái cây.

* Phòng tránh: Không cho trẻ ăn chất lạnh như kem, nước đá. Mùa lạnh mặc quần áo ấm, đi bít tất, đeo khẩu trang, ăn nóng, uống nước sôi để ấm.

Mùa lạnh, không cho trẻ ra ngoài trời vào ban đêm, dễ bị cảm lạnh.

Chăm sóc bé
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận