Tên khác: quá sản lành tính tuyến tiền liệt.

Định nghĩa

U lành tính của tuyến tiền liệt, làm bàng quang không tống hết được nước tiểu.

Căn nguyên

Hiện tượng thoái biến, u xơ tuyến tiền liệt là một u lành tính. Từ 50 tuổi trở đi, tỷ lệ bị mắc tăng lên một cách tuyến tính.

Khoảng 40% số nam giới trên 50 tuổi bị u xơ tuyến tiền liệt có triệu chứng. Tiêm estrogen, hoạn, xơ gan ức chế sự phì đại của tuyến tiền liệt. Người châu Phi và người châu Á ít bị hơn.

Giải phẫu bệnh: tại các tuyến quanh niệu đạo, các tế bào biểu mô tăng sản thành nhiều lớp và có các cấu trúc xơ-cơ. Tuyến có thể phì đại về phía bàng quang, niệu đạo hay trực tràng. Các triệu chứng không nhất thiết tương ứng với kích thước của khối u.

Triệu chứng

Ở nam giới trên 50 tuổi, các triệu chứng sau đây thể hiện bàng quang khó tháo sạch: tia nước tiểu yếu, nước tiểu khó ra lúc đầu bãi, và đến cuối bãi thì nước tiểu ra nhỏ giọt. Ngoài ra khó tiểu tiện và phải rặn mạnh. Lượng nước tiểu tồn dư tăng và do đó đi tiểu nhiều về ban đêm, dễ bị nhiễm khuẩn và đái dầm do bàng quang quá đầy.

Thăm dò trực tràng cho thấy tuyến tiền liệt to, nhẵn, mềm, có bờ rõ, độ chắc đồng nhất, đàn hồi, không đau. Tuyến tiền liệt có vẻ bình thường trong trường hợp tuyến phì đại về phía niệu đạo.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Nước tiểu bị nhiễm khuẩn; urê và Creatinin trong máu cao chứng tỏ có biến chứng. Nồng độ kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (APS hay PAS) thường bình thường nhưng tăng trong 30% số trường hợp mặc dù không bị ung thư.

Xét nghiệm bổ sung

CHỤP ĐƯỜNG TIẾT NIỆU QUA ĐƯỜNG TĨNH MẠCH: vào thời gian chụp bàng quang thấy vòm tuyến tiền liệt to, có hình “bàng quang đang vật lộn” (túi thừa giả, nước tiểu tồn dư). Chỗ niệu quản đổ vào bàng quang bị đẩy lên phía trên (“hình lưỡi câu”). Có thể thận bị ứ nước ở một mức độ nhất định cũng như có thể có sỏi.

  • Trong trường hợp nghi ngờ, có thể làm thêm chụp niệu đạo- bàng quang và soi bàng quang.

CHỤP SIÊU ÂM QUA TRựC TRÀNG: được dùng để xác định kích thước, hình thể của tuyến tiền liệt và lượng tồn dư trong bàng quang.

  • Cần tránh các thăm khám sử dụng dụng cụ (thông nhiều lần, soi bàng quang) nếu chưa quyết định mổ vì có nguy cơ làm cho tắc thêm và gây nhiễm khuẩn.

Biến chứng

Ứ NƯỚC TIỂU CẤP TÍNH: xảy ra ở 1/3 số trường hợp, ở bất kỳ giai đoạn nào. Tăng lên do rượu, do nhịn đi tiểu, dùng thuốc kháng cholinergic hay thuốc cường giao cảm, ở nơi lạnh.

ĐÁI RA MÁU: thường là đái ra máu đại thể, không đau. Đái ra máu tăng khi có sỏi bàng quang hay viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG TIẾT NIỆU: ứ nước tiểu làm bàng quang và phần trên của bộ máy tiết niệu dễ bị nhiễm khuẩn (viêm bàng quang, viêm bể thận) cũng như viêm tinh hoàn-mào tinh và viêm túi tinh.

TIỂU TIỆN KHÔNG TỰ CHỦ: thường vào ban đêm, khi lượng nước tiểu tồn dư lớn.

BÀNG QUANG MẤT BÙ: ứ nước tiểu mạn tính gây giãn bàng quang và đôi khi gây túi thừa giả ở bàng quang.

SUY THẬN MẠN TÍNH: gặp trong ứ nước tiểu kéo dài, tiến triển nhanh nếu bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Chẩn đoán

Dựa trên rối loạn tiểu tiện và thăm dò trực tràng thấy tuyến tiền liệt to. Chẩn đoán phân biệt với ung thư tuyến, viêm tuyến tiền liệt mạn tính, xơ hoá cổ bàng quang, sỏi và túi thừa bàng quang.

Điều trị

NỘI KHOA: được chỉ định trong các trường hợp rất nhẹ, có thể tích nước tiểu tồn dư sau khi tiểu tiện là dưới 100 ml. Người ta khuyên dùng các thuốc có nguồn gốc thực vật “chống sung huyết” ở tuyến tiền liệt cũng như dùng các thuốc chẹn alpha (alfuzosin) và finasterid.

NGOẠI KHOA: được chỉ định khi ứ nước tiểu tái phát, kèm theo bệnh thận có tắc nghẽn, nhiễm khuẩn đường niệu cao, suy thận, túi thừa hay sỏi bàng quang, đái ra máu nặng do tuyến tiền liệt bị chảy máu.

  • Cắt qua nội soi: cắt tuyến qua đường niệu đạo được chỉ định khi thể tích nước tiểu tồn dư > 100 ml và nếu tuyến nặng dưới 50g. Mổ thông thường, ít biến chứng (gây bất lực trong khoảng 15% số trường hợp).
  • Cắt qua theo đường cao: cắt bỏ tuyến sau xương mu, chỉ định khi kích thước tuyến lớn.

CÁC KỸ THUẬT KHÁC: Điều trị bằng nhiệt (sóng vi ba) qua niệu đạo, điều trị bằng nhiệt (chùm siêu âm) qua trực tràng, cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo bằng tia laser, đặt tuyến tiền liệt giả. Các phương pháp này đang phát triển và nói chung được sử dụng cho bệnh nhân cao tuổi hoặc không thể mổ được.

Bài trướcAIDS ( Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải) – Bệnh SIDA
Bài tiếp theoNguyên nhân và điều trị Bệnh Ung Thư Vú

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.