Chẩn đoán động kinh

Bệnh thần kinh

Chẩn đoán xác định:

Chẩn đoán động kinh dựa vào hai cơ sở: lâm sàng và điện não.

+ Về lâm sàng dựa vào định nghĩa và các loại cơn động kinh đã mô tả ở trên.

Đặc điểm chung của các loại cơn động kinh là:

  • Cơn xuất hiện đột ngột.
  • Cơn lặp lại giống nhau, ít nhất đã có hai cơn.
  • Các biểu hiện phù hợp với một loại cơn nhất định đã nêu trên.
  • Nếu trong cơn có rối loạn ý thức, cắn phải lưỡi, mất định hướng có nhiều khả năng là cơn động kinh.
  • Cơn xuất hiện trong đêm thường là cơn động kinh.

+ Điện não: ghi trong cơn có sóng động kinh điển hình, ghi ngoài cơn có thể không có sóng động kinh điển hình; có trường hợp điện não bình thường.

Chẩn đoán nguyên nhân cơn động kinh:

Để xác định nguyên nhân các cơn động kinh căn cứ vào:

  • Lâm sàng
  • Các xét nghiệm đặc hiệu
  • Chụp CT- Scanner hoặc MRI

Chỉ chẩn đoán là động kinh vô căn khi:

  • Là cơn động kinh toàn thể.
  • Không có triệu chứng thần kinh khu trú
  • Các xét nghiệm – kể cả scanner hoàn toàn bình thường.

Động kinh vô căn hầu hết xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt cơn động kinh với:

+ Ngất (syncopa):

Bệnh nhân mất ý thức ngắn, không có triệu chứng thần kinh, xảy ra do căn nguyên về tim mạch, cụ thể có thể gặp:

  • Ngất do rối loạn nhịp tim: nhịp tim đập quá chậm (< 15 lần/phút) hoặc ngừng tim hoàn toàn trong 1 – 2 phút, phân ly nhĩ thất hoàn toàn.
  • Ngất do kích thích xoang động mạch cảnh hoặc dây phế vị.
  • Ngất do giảm huyết áp tư thế đứng.
  • Có thể gặp ngất do: biểu hiện ho + mất ý thức trong 1 – 2 phút.

Cơ chế bệnh sinh: do rối loạn tuần hoàn ở phổi dẫn đến thiếu oxy ở não thường xảy ra ở bệnh nhân viêm phế quản mạn tính.

+ Cơn co giật phân ly (hysteria)

Trong cơn co giật phân ly bệnh nhân co giật, dẫy đạp lung tung hoặc cố uốn cong người lên, không mất ý thức, cơn thường kéo dài. Có yếu tố chấn thương tâm lý.

– EEG bình thường.

+ Co giật hạ canxi máu (tetanie)

Hay gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Biểu hiện là co cơ cục bộ hoặc toàn bộ. đặc biệt là co các cơ ở bàn tay tạo tư thế bàn tay sản khoa, có dấu hiệu Chvostek và nghiệm pháp gây co thắt cơ ở bàn tay khi garo tay khoảng 10 – 15 phút. Xét nghiệm máu thấy canxi máu giảm.

EEG không có sóng động kinh điển hình.

Co giật do sốt cao ở trẻ em:

Co giật do sốt cao là ở bệnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường xảy ra từ 3 tháng – 5 tuổi, liên quan với sốt cao và không có bằng chứng của nhiễm trùng nội sọ hoặc một nguyên nhân được xác định. Các cơn co giật kèm theo sốt xảy ra ở trẻ đã có cơn co giật không do sốt cao có từ trước thì không được gọi là co giật do sốt cao.

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng về nguyên nhân của co giật do sốt cao, ở các gia đình có người bị sốt cao co giật thì nguy cơ gây sốt cao co giật ở trẻ tăng từ 2 – 3 lần. Bố hoặc mẹ bị bệnh làm tăng nguy cơ co giật do sốt cao ở các con, nếu cả bố lẫn mẹ bị thì nguy cơ còn cao hơn nhiều.

Biểu hiện lâm sàng: co giật do sốt cao có xu hướng xảy ra sớm trong khi đang bị sốt đột ngột nhiệt độ tăng lên quá cao. Cơn co giật hầu hết là cơn toàn bộ, chỉ 15% là cơn cục bộ. Khoảng 80% là co giật, 14% là cơn trương lực và 6% là cơn mất trương lực.

Các đặc điểm sau đây của co giật do sốt cao có liên quan đến tăng nguy cơ gây động kinh là:

  • Cơn kéo dài quá 15 – 30 phút.
  • Nhiều cơn trong vòng 24 giờ.
  • Cơn co giật cục bộ hoặc có liệt kiểu Todd.

Co giật do sốt cao với bất kỳ đặc điểm nào nêu trên được gọi là co giật do sốt cao phức tạp, còn nếu không có một trong 3 đặc điểm nêu trên thì gọi là co giật do sốt cao đơn giản.

Chăm sóc và điều trị: hầu hết cơn co giật cũng hết dần theo thời gian, mà chưa cần xử trí gì. Nếu tiếp tục còn cơn thì cần thông thoáng đường hô hấp, cung cấp oxy và tiêm tĩnh mạch Dipazepam với liều 0,3mg/kg. Nếu tiêm đường tĩnh mạch mà khó khăn thì cách tốt nhất là cho bằng đường hậu môn với liều 0,5mg/kg.

Trẻ bị co giật do sốt cao thường không cần thiết phải nằm viện. Tuy nhiên có thể theo dõi tại phòng cấp cứu vài giờ sau đó khám lại, nếu thấy ổn định và nguyên nhân gây sốt đã rõ thì có thể cho về nhà. Nếu thấy một trong các biểu hiện sau đây thì phải vào nằm viện như:

  • Nghi ngờ có bệnh nặng đang xảy ra như viêm não.
  • Co giật do sốt cao phức tạp.
  • Tuổi < 18 tháng.
  • Chưa được khám xét ban đầu.
  • Hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện theo dõi.

Chẩn đoán phân biệt các cơn co giật và động kinh

Không phải tất cả các bệnh nhân co cơn co giật đều được chẩn đoán là động kinh. Động kinh là rối loạn có đặc điểm là từ 2 hoặc nhiều cơn co giật tự phát do tổn thương não. Vì thế có một cơn co giật kiểu động kinh thì chưa được gọi là động kinh.

Cơn co giật kiểu động kinh cũng có thể là phản ứng, đó là các cơn co giật do phản ứng, cơn co giật triệu chứng cấp, cơn co giật do kích thích. Các cơn này xảy ra tại thời điểm của rối loạn hệ thống hoặc có liên quan nhất thời với các cơn đột quỵ não. Các rối loạn hệ thống gây ra các cơn co giật phản ứng như hạ canxi huyết, magie huyết, hạ natri huyết, hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết không có thể xetonic và cai rượu. Các bệnh não nguyên phát gây ra các cơn co giật phản ứng bao gồm viêm màng não, viêm não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não cấp. Các cơn co giật này thường giải quyết dứt điểm khi điều trị các nguyên nhân gây ra có hiệu quả.

Không phải tất cả các bệnh nhân có biểu hiện ngất, các vận động bất thường ở chi hoặc các cơn co giật toàn bộ đều là các cơn co giật động kinh. Các cơn ngất thường hay nhầm với cơn động kinh. Ngất được định nghĩa là mất ý thức đột ngột, tạm thời liên quan với mất trương lực tư thế thường là hồi phục tự phát. Mất ý thức và ngã xuống là những đặc điểm chính, các dấu hiệu kèm theo như tăng trương lực, co giật, quay mắt, động tác tự động, cơn kích động ngôn ngữ và ảo giác thường khó phân biệt với co giật động kinh. Chẩn đoán phân biệt thường dựa trên cơ sở của các đặc điểm đặc biệt thường không kèm theo các hiện tượng như trên. Có hai dấu hiệu như lú lẫn và cắn phải lưỡi là những dấu hiệu quan trọng để phân biệt cơn ngất với cơn động kinh, trong khi đó rối loạn cơ tròn và chấn thương sọ thì thường có cả ở cơn ngất và cơn động kinh. Các xét nghiệm như ghi điện não đồ, nồng độ prolactin sau cơn giật hoặc nồng độ men creatinine kinase cũng đóng vai trò trong chẩn đoán, nhưng rất khó để phân biệt.

Các bệnh khác cũng có thể nhầm với cơn co giật động kinh như cơn co giật kiểu tâm thần, rối loạn vận động, loạn nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, cơn Migraine, rối loạn giấc ngủ, thiếu máu não thoảng qua, mất thị lực toàn bộ thoáng qua và hội chứng tăng thông khí. Chẩn đoán đôi khi là khó khăn và cần thiết được ghi điện não nhiều lần và/hoặc theo dõi bằng điện não video.

Xem thêm:

Điều trị động kinh

Phác đồ điều trị động kinh

Chẩn đoán và xử trí trạng thái động kinh

Bệnh thần kinh
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận