Thỏ ty tử

Vị thuốc Đông y

Tên khác:

Đậu ký sinh, thổ ti tử.

Tên khoa học là Cuscutasinesis, Lamk, họ bìm bìm Colvolvulaceae.

Mô tả dược liệu:

Cây tơ hồng
Cây tơ hồng

Cây tơ hồng mọc leo, toàn cây dạng sợi, sống ký sinh quấn vào cây chủ hay vật đỡ, có màu vàng bóng, nhẵn hay màu xanh. Lá tiêu giảm thành vẩy nhỏ. Hoa màu trắng, thường tụ hợp 10-12 hoa. Quả nhỏ hình cầu. Quả tơ hồng cho hạt gọi là thỏ ty tử dùng làm thuốc chữa bệnh.

Hạt của dây tơ hồng xanh mọc ký sinh trên cây sim hay tơ hồng vàng ký sinh trên cây cúc tần, cây nhãn gọi thỏ ty tử. Ở Việt Nam tơ hồng mọc khá phổ biến, có ở khắp mọi nơi thuộc vùng đồng bằng, trung du, thường ký sinh trên cây cúc tần Pluchea indica, họ Cúc Asteraceaee.

Thu hoạch:

Mùa thu, khi hạt chín, cắt dây Tơ hồng về, phơi khô, đập lấy hột.

Cách chế:

Chọn bỏ hột lép, rửa Rượu sạch đất, phơi khô, sao thơm để dùng.

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Thỏ ty tử
Thỏ ty tử

Hạt của dược liệu này có hình trứng tròn hoặc hình cầu bẹt, chiều dài khoảng 1,5mm, chiều rộng vào 1mm, bề mặt màu gụ xám hoặc màu vàng gụ, hơi sần sùi, nhìn qua kính phóng đại có thể thấy các chấm nhỏ dày đặc, 1 đầu hơi hõm xuống thành rốn hạt, chất cứng, không dễ gì dùng móng tay cái siết nát, nấu trong nước sôi thì vỏ hạt lại dễ nứt, lộ ra phôi trắng hình xoáy ốc, như thể đang nhả tơ. Vị hơi đắng, chát. Loại nào màu vàng xám, hạt mẩy, không lẫn tạp chất vào là loại tốt.

Bảo quản:

Để nơi khô ráo, thoáng gió.

Thành phần hóa học:

Theo các nghiên cứu hiện đại; thỏ ti tử có hàm chứa vật phối đường, chất béo thực vật, chất kích thích ngũ cốc B, chất đường, tinh bột vitamin A v.v. .. có thể tăng cường sức co bóp của tim, làm hạ huyết áp, giảm bớt dung tích của lá lách, ức chế nhu động ruột, tăng co bóp tử cung, lại có thể tăng nhanh sự hình thành các kháng thể AFP.

Khí vị:

Vị cay, ngọt, bình, không độc, là thuốc chủ yếu về phần khí của 3 kinh Tỳ,Thận và Can

Chủ dụng:

Thêm khí, mạnh sức, bổ tủy, thêm tinh, chữa đầu gối lạnh, eo lưng đau nhức, thuốc chữa hư hàn, mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, làm mập mạp da thịt, cứng rắn gân xương, nối thương đứt, mạnh âm hành, chữa tiểu nhỏ giọt, tiểu tiện ra huyết, tinh lạnh tiết ra, ngũ lao, thất thương, miệng đắng, táo khát, tê dại, chữa cả chứng hư phong thuộc Can, làm sáng mắt, chữa đậu sởi ngứa lúc dẹt, đau trĩ, bổ ích cho Tỳ và Vị, làm cho ăn được nhiều hơn, trừ huyết lạnh tích lại, uống lâu tăng tuổi thọ, nhẹ mình có con.

Công năng chủ trị:

Bổ can thận, ích tinh tuỷ, mạnh gân cốt

Chữa liệt dương di tinh, phụ nữ hay sảy thai đẻ non

Trị ù tai, lưng đau gối mỏi, tiểu nhiều hay tiểu đục, mắt mờ giảm thị lực

Trị chứng ngũ canh tả, ỉa chảy mãn do tỳ thận dương hư

Trị sốt khát nước, dùng lâu đẹp nhan sắc

Cấm kỵ:

Phàm tạng Thận nhiều hỏa, cường dương không mềm và đại tiện táo kết đều phải kiêng.

Nhận xét:

Thỏ ty tử bẩm thụ khí xung hòa, khí chính dương đông lại, không có gốc, nhờ khí để thành hình cho nên bổ được nguyên khí của Tiên thiên, chuyên trị tạng Thận bại liệt, tinh lạnh tự ra, tiểu tiện nhỏ giọt, ôn mà không táo, bổ mà không trệ, lại có khả năng bổ cho mẹ của hành Thổ, cho nên làm cho ăn ngon hơn và chỉ tả đều kiến hiệu, bài Hy đậu đan dùng nó cũng là ý nghĩa bồi bổ Tiên thiên suy yếu, nhưng uống độc vị thì bổ thiên về khí ở phần vệ, cho nên người xưa dùng chung với Lục vị địa hoàng hoàn và Liên nhục gọi là Song bổ thận khí hoàn, cùng dùng với Huyền sâm gọi là Huyền thỏ đan, tức là ý nghĩa đó.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Thẩm thị tôn sinh thư”

Bài Thỏ ty tử hoàn (1)

Thỏ ty tử 100g, Bạch linh 80g, Sơn dược 80g, Liên nhục 60g, Câu kỷ từ 60g.

Cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần. Chữa Thận hư, tinh ít.

“Trung y chứng trạng giám biệt chẩn đoán học”

Bài Bổ thận dưỡng huyết thang

Tiên linh tỳ 12g, Tiên mao 8g, Từ hà xa 12g, Nữ trinh tử 12g, Thỏ ty tử 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 8g, Đảng sâm 12g, Câu kỷ tử 6g, Hương phụ 12g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Có tác dụng bổ Thận, dưỡng huyết.

Chữa Thận hư yếu, đau lưng, đi tiểu vặt, đi lại khó khăn.

“Y học trung trung tham tây lục”

Bài Thọ thai hoàn

Tang ký sinh 60g, Tục đoạn 60g, Thỏ ty tử 120g, A giao 60g.

Cùng tán nhỏ, lấy Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần. Có tác dụng bổ Thận an thai, cầm máu.

Chữa chứng hoạt thai.

Lưu ý: bài Thái sơn bàn thạch thang gia cao Ban long, Đỗ trọng có thể tác dụng càng hơn, (xem vị Thục địa)

“Ngân hải tinh vi”

Bổ thận hoàn

Từ thạch 120g, Thục địa 80g, Phúc bồn 40g, Chỉ thực 40g, Thach hộc 40g, Tri mẫu 20g, Thanh diêm 20g, Nhục thung dung 80g, Câu kỷ 80g, Thỏ ty tử 80g, Xa tiền tử 40g, Trầm hương 20g, Hoàng bá 30g, Ngũ vị tử 80g.

Thục địa giã nát, nấu thành cao, các vị khác cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.

Chữa khí huyết hư nhược dẫn đến nội trướng, mắt không trông thấy gì

“Cảnh Nhạc toàn thư”

Bài Cố âm tiễn

Nhân sâm 10-30g Viễn chí     4g

Thục địa 10-15g   Chích thảo 5g

Hoài sơn     10g   Ngũ vị tử   3g

Sơn thù         6g   Thỏ ty từ 10-15g

Sắc, chia uống nóng vài lần trong ngày. Có tác dụng bổ Can Thận, ích âm khí.

Trị âm hư, tinh tiết, đới hạ, kinh nguyệt kéo dài “Cảnh Nhạc toàn thư”

Bài Thỏ ty tiễn

Nhân sâm 10-15g, Bạch linh 6g, Hoài sơn 10g, Chích thảo 5g, Đương quy 6g, Viễn chí 3g, Thỏ ty tử 15-20g, Lộc giác sương 10g.(Lộc giác sương nghiền nhỏ, uống với nước thuốc) sắc các vị trên, thêm Lộc giác sương chia uống vài lần trong ngày.

Trị Tâm Tỳ khí yếu, lo nghĩ, làm lụng nhọc mệt dẫn đến di tinh. “Cảnh Nhạc toàn thư”

Bài Linh truật thỏ ty hoàn

Bạch linh 150g, Bạch truật 150g, Liên nhục 150g, Hoài sơn 100g, Chích thảo 25g, Ngũ vị tử 50g, Thỏ ty tử 400g.

Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn. Mỗi lần uống 16g, ngày vài lần.

Chữa Tỳ Thận hư tổn không có khả năng thu giữ dẫn đến di, mộng, hoạt tinh, sức khỏe suy kiệt.

Nếu nguyên khí hư, mỏi mệt thêm Nhân sâm 100-200g.

Liều dùng – cách dùng:

6 – 12g/24h sắc, bột, rượu

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào âm hư hỏa vượng, ỉa táo, đái ít một, nước đái đỏ và các bệnh thực nhiệt kiêng không dùng.

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:

 Thỏ ti ngũ vị tửu (rượu thỏ ti, ngũ vị tử)

Thỏ ti tử 30g – Rượu trắng 500ml.

Ngũ vị tử 30g

Ngâm 7 ngày sau mang ra uống, ngày 2-3 lần, mỗi lần 20 – 30ml.

Có thể khoẻ người, tăng thọ, dùng cho người can thận bất túc sinh ra đau lưng, hoa mắt, di tinh.

Thỏ ti tử đản (thỏ ti tử trứng rán)

Thỏ ti tử bào chế qua rượu: 10g, nghiền bột, đánh 1 quả trứng gà vào, rán lên ăn.

Dùng cho người can huyết bất túc, nhìn vật không rõ.

Thỏ ti tử trà (trà thỏ ti tử)

Thỏ ti tử 10g, sắc lấy nước, pha đường phèn vào, uống thay trà.

Dùng để chữa bệnh đái đường, tiêu khát không khỏi.

Thỏ ti tử chúc (cháo thỏ ti tử)

Thỏ ti tử 30g, giã nát, sắc lấy nước, đổ vào 60g gạo lức nấu cháo, cháo được cho đường trắng vào, đun sôi 1 lát là được.

Dùng cho người thận hư, di tinh, xuất tinh sớm, lưng đau gối mỏi, nhức đầu, đi đái nhiều lần v.v…

Thỏ ty tử đinh tễ.

Thỏ ti tử 25g, ngâm trong 100ml cồn 75°, 7 ngày sau bỏ bã lấy dung dịch (gọi là đinh tễ, tiếng la tinh là Tinctura.) làm thuốc bôi ngoài da, chữa bệnh phong bạch điến.

Ngũ tử hoàng (viên ngũ tử)

Thỏ ti tử 30g – Ngũ vị tử 10g

Bổ cốt chi 15g – Xa Tiền tử 10g

Câu kỷ tử 15g

Nghiền chung thành bột, luyện mật ong làm thành viên. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 9g. Dùng cho người thận khí bất túc, liệt dương, xuất tinh sớm, lãnh tinh không có con v.v…

Thỏ ti tử tang phiêu tiêu hoàn (viên thỏ ti tử trứng bọ ngựa)

Thỏ ti tử 30g – Tổ bọ ngựa dâu 18g

Nhung hươu 5g – Con hà 30g

Phụ tử 10g – Nhục thung dung 30g

Vỏ trong mề gà 10g

Nghiền chung thành bột, chế hồ thành viên. Uống với rượu pha muối, trước khi ăn cơm.

Dùng cho người đi đái nhiều, đái không kìm được hoặc đái dắt.

Thỏ ti phụ tử hoàn (viên thỏ ti, phụ tử)

Thỏ ti tử 100g – Phụ tử 120g

Nghiền chung thành bột mịn, hồ rượu vào làm thành viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50 viên với rượu.

Có thể bổ thận khí, khoẻ dương đạo, bổ trợ tinh thần, nhẹ mình nhẹ chân tay.

Thỏ ti cầu kỷ ma tước thang (Thang thỏ ti, chim sẻ, câu kỷ tử)

Chim sẻ 2-3 con – Thỏ ti tử 15g

Câu kỷ tử 15g

Chim sẻ thịt bỏ lông, móng và nội tạng. Thỏ ti tử và câu kỷ tử trộn đều, cho vào bụng chim, cho vào nồi đất nấu 1 giờ. Uống thang, ăn thịt.

Dùng cho người thận hư, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, đi đái nhiều, đái đêm nhiều, mắt hoa đầu váng v.v…

Thỏ ti dương cốt thang

Xương sống dê 1 bộ – Hành vừa phải

Thỏ ti tử 15g – Gừng vừa phải

Nhục thung dung 15g – Muối vừa phải

Xương dê chặt miếng. Thỏ ty tử ngâm rượu 3 ngày, phơi khô, giã thành bột; Nhục thung dung ngâm rượu 1 đêm, gọt lớp vỏ thô, cho nước vừa phải, ninh chung xương dê và nhục thung dùng cho chín, trộn bột thỏ ti tử và gia vị vào, ăn lúc đói.

Dùng cho người hư lao gầy yếu, thắt lưng và đầu gối đau mỏi không có lực, đầu váng mắt mờ, ỉa chảy lâu ngày v.v…

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận