Phá cố chỉ

Vị thuốc Đông y

Bổ cốt chỉ ( 补骨脂 )

Tên và nguồn gốc

+ Tên thuốc: Bổ cốt chỉ (Xuất xứ: Lôi công bào chích luận)_

+ Tên khác: Hồ cửu tử (胡韭子), Bà cố chi (婆固脂), Phá cố chỉ(破故纸), Bổ cốt si (补骨鸱), Hắc cố tử (黑故子), Hồ cố tử(胡故子), Cát cố tử(吉固子).

+ Tên Trung văn: 补骨脂 BUGUZHI

+ Tên Anh văn: Malaytea Scurfpea Fruit, Fruit of Malaytea Scurfpea

+ Tên La tinh:

Psoralea corylifolia L.

+ Nguồn gốc: Là quả của Bổ cốt chỉ thực vật họ Đậu (Leguminosae).

Phân bố

Cây Phá cố chỉ
Cây Phá cố chỉ

Phân bố: Các vùng Hà Nam, An Huy, Nghiễm Đông, Thiểm Tây, San Tây, Giang Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu v.v… (Trung Quốc).

Thu hoạch

Mùa thu lúc quả đã chín thu hái, phơi khô.

Bào chế

Bổ cốt chỉ sảy sạch tạp chất, rửa sạch, phơi khô.

– Diêm Bổ cốt chỉ: Lấy Bổ cốt chỉ dùng nước muối trộn đều, ướt qua, bỏ trong nồi dùng lửa nhỏ sao đến khi có chút nổ lên, lấy ra, hong khô. (Cứ mỗi 100 cân Bổ cốt chỉ, dùng 2 cân 8 lượng muối, thêm lượng nước sôi gạn trong).

– Nhật Hoa tử bản thảo: Bổ cốt chỉ, cho vào thuốc sao qua dùng.

Phân biệt tính chất, đặc điểm

phá cố chỉ
phá cố chỉ

Bổ cốt chỉ bầu dục bẹt, hoặc hình hơi giống quả thận, bề mặt có màu gụ xám, có vân lưới nhỏ li ti, dài 3 – 5mm, đường kính 2 – 4mm, dày độ l,5mm. Quả có vỏ mỏng, giữa vỏ quả và vỏ hạt khó tách nhau ra, vỏ cứng, mùi hơi thơm, vị đắng. Loại nào hạt to, mẩy đều, mầu đen, không lẫn tạp chất vào là loại tốt.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng gió.

Tính vị

– Trung dược đại từ điển: Cay, ấm.

– Trung dược học: Đắng, cay, ấm.

– Lôi Công bào chích luận: Tính độc.

– Dược tính luận: Vị đắng cay.

– Khai bải bản thảo: Vị cay, đại ôn, không độc.

– Hiện đại thực dụng Trung dược: Vị cay đắng mà ngọt.

Qui kinh

– Trung dược đại từ điển: Kinh Thận.

– Trung dược học: Vào kinh Tỳ, Thận.

– Lôi Công bào chích luận: Vào kinh Thận.

– Bản thảo hối ngôn: Vào các kinh Thủ quyết âm, Túc thái âm và Mệnh môn.

– Bản thảo kinh giải: Vào kinh Túc dương minh Vị, Thủ Thái âm Phế, Túc thiếu âm Thận.

– Bản thảo tóat yếu: Vào kinh Túc thiếu âm, Quyết âm.

Công dụng và chủ trị

Bổ thận trợ dương. Trị Thận hư lãnh tả, di niệu, họat tinh, tiểu tiện nhiều lần liên tiếp, dương nuy, lưng gối đau lạnh, hư hàn suyễn thấu. Dùng ngoài trị Bạch biến phong.

– Dược tính luận: Chủ đàn ông đau lưng, gối lạnh nang thấp, trục các chứng lãnh tý ngoan cố, ngừng tiểu tiện lợi, lạnh trong bụng.

– Nhật Hoa tử bản thảo: Hưng dương sự, trị lãnh lao, sáng tai mắt.

– Khai bảo bản thảo: Chủ ngũ lao thất thương, phong hư lạnh, xương tủy thương bại, Thận lạnh tinh chảy và đàn bà huyết khí đọa thai.

– Phẩm hối tinh yếu: Cố tinh khí.

– Cương mục: Trị Thận tiết, thông mệnh môn, ấm đan điền, liễm tinh thần.

– Ngọc thu dược giải: Ôn ấm thủy thổ, tiêu hóa ẩm thực, thăng đạt Tỳ Vị, thu liễm họat tiết, các chứng di tinh, đái hạ, tiểu nhiều, tiện họat.

– Y lâm tỏan yếu: Trị hư hàn ho suyễn .

Liều dùng và cách dùng

Sắc uống, 5 ~ 15g.

Kiêng kỵ

– Trung dược đại từ điển: Người âm hư hỏa vượng kỵ dùng.

– Trung dược học: Bổn phẩm tính chất ôn táo, năng thương âm trợ hỏa, cho nên người âm hưng hỏa vượng và đại tiện bí kết kỵ dùng.

– Hải dược bản thảo: Ghét Cam thảo.

– Cương mục: Kỵ các lọai máu, được Hồ đào, Hồ ma thì tốt.

– Bản thảo kinh sơ: Phàm người bệnh âm hư hỏa động, mộng di, tiểu ra máu, tiểu tiện ngắn rít cùng với mắt đỏ miệng đắng lưỡi khô, đại tiện kết táo, bên trong nóng gây khát, hỏa thăng mắt đỏ, dễ đói xáo động, thấp nhiệt thành nuy, gân xương yếu không có sức, đều không nên uống.

– Đắc phối bản thảo: Người âm hư hạ hãm, nóng bên trong phiền khát, huyễn vựng khí hư, mang thai tâm bào nhiệt, nhị tiện kết cấm dùng.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Bài thuốc tính chất ôn, táo, có thể làm thương âm trợ hỏa. Cho nên người nào âm hư hỏa vượng, ỉa táo kiêng không dùng. Phụ nữ có mang, người có triệu chứng sẩy thai, người bị xuất huyết dạ dày, viêm dạ dày cấp tính, kiêng không uống quá nhiều.

Nghiên cứu hiện đại

  1. Thành phần hóa học:

Hàm chứa coumarins, flavonoids và monoterpene phenols (Trung dược học).

  1. Tác dụng dược lý:

Phức phương Bổ cốt chỉ xung tể (thuốc bột quấy uống) có tác dụng bảo hộ rõ rệt đối với thiếu máu cơ tim cấp ở chuột nhắt do hoocmon tuyến yên gây ra, Bổ cốt chỉ có tác dụng giãn rõ rệt co rút phế quản do histamine gây ra, Phenol Bổ cốt chỉ có tác dụng dạng hoocmon động dục nữ, có thể tăng cường sừng hóa âm đạo, tăng cường trọng lượng tử cung, Bổ cốt chỉ thông qua điều tiết hệ thống thần kinh huyết dịch, xúc tiến tủy xương tạo máu, tăng cường công năng miễn dịch và nội tiết, từ đó phát huy tác dụng chống suy lão (Trung dược học).

Theo các nghiên cứu hiện đại, bổ cốt chỉ có hàm chứa các chất dầu bay hơi, mỡ thực vật, chất diễn sinh của tinh đậu thơm, các hợp chất của ceton V. V… Có tác dụng kháng khuẩn, tác dụng kích thích tố đối với giống đực, ngoài ra còn có tác dụng giãn mạch cơ tim, và vì có nó có chất béo của bổ cốt chỉ nên có thể thúc đẩy sự sản sinh các sắc tố mới trên da, có thể chữa được bệnh bạch biến, và rút ngắn thời gian máu chảy một cách rõ rệt; chất dầu bay hơi còn có tác dụng chống ung thư.

Bài thuốc cổ kim tham khảo

+ Phương thuốc 1:

Trị Tỳ Thận hư yếu, ăn không vào: Phá cố chỉ 4 lượng (sao thơm), Nhục đậu khấu 2 lượng (sống). Thuốc trên nghiền nhỏ, dùng Đại phì táo 49 quả, Sinh khương 4 lượng, cắt lát cùng nấu, Táo nhừ bỏ gừng, lấy táo bỏ đi hột vỏ dùng thịt, nghiền thành cao, cho vào thuốc và chầy giã, hòan lớn như hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 hòan, nước muối tống uống.

(Bản sự phương – Nhị thần hòan)

+ Phương thuốc 2:

Trị trẻ con đái dầm: Phá cố chỉ 1 lượng (sao). Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 1 chỉ, nước nóng điều uống.

(Bổ yếu tụ trân tiểu nhân phương luận – Phá cố chỉ tán)

+ Phương thuốc 3:

Trị hạ nguyên hư bại, tay chân trầm nặng, đềm nhiều mồ hôi trộm. Thuốc này tráng gân xương, ích nguyên khí: Bổ cốt chỉ 4 lượng (sao thơm), Thỏ ty tử 4 lượng (chưng rượu), Hồ đào nhục 1 lượng (bỏ vỏ), Nhũ hương, Một dược, Trầm hương (đều nghiền ) 3 chỉ rưỡi. Luyện mật hòan như lớn hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 20 ~ 30 hòan, uống với rượu nóng nước muối lúc bụng đói, từ hạ bắt đầu, đến đông thì ngừng, ngày 1 lần uống.

(Cục phương – Bổ cốt chỉ hòan)

+ Phương thuốc 4:

Định tâm, bổ thận: Phá cố chỉ 2 lượng (sao cách giấy cho thơm chín), Bạch phục linh 1 lượng (bỏ vỏ). Hai vị trên nghiền nhỏ, dùng Mộc dược nửa lượng, giã nát, dùng rượu không tro ngâm, cao hơn Một dược độ 1 ngón tay, đợi như dạng kẹo đặc, lấy 2 vị trước, hòan lớn như hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 ~ 50 hòan, uống với nước cơm; nếu Một dược tính táo khó hòan, dùng chút ít hồ rượu làm hòan, uống trước bửa ăn.

(Ngụy thị gia tàng phương)

+ Phương thuốc 5:

Trị Thận khi hư lạnh, tiểu tiện vô độ: Phá cố chỉ (thứ lớn muối sao), Hồi hương (muối sao). Thuốc trên phân lượng bằng nhau nghiền nhỏ, hồ rượu làm hòan lớn như hạt ngô đồng. mỗi lần uống 50 ~ 100 hòan, uống với rượu nóng, nứơc muối lúc bụng đói.

(Ngụy thị gia tàng phương – Phá cố chỉ hòan)

+ Phương thuốc 6:

Trị đánh đập eo lưng đau, ứ huyết ngưng trệ: Phá cố chỉ (sao), Hồi hương (sao), Quế cay lượng bằng nhau. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2 chỉ với rượu nóng.

(Nhân trai trực chỉ phương)

+ Phương thuốc 7:

Trị eo lưng nhức: Phá cố chỉ nghiền nhỏ, uống với rượu nóng thìa 3 chỉ.

(Kinh nghiệm hậu phương)

+ Phương thuốc 8:

Trị thận khí hư nhược, phong lạnh công vào; hoặc huyết khí tương bác, lưng đau như gãy, đứng ngồi khó khăn, cúi ngửa không lợi, quay nghiêng không được; hoặc do lao dịch quá độ, tổn thương kinh Thận; hoặc ở nơi thấp ẩm, địa khí tổn thương eo lưng; hoặc té ngã tổn thương, hoặc phong hàn khách bác, hoặc khí trệ không tán, đều làm cho eo lưng đau; hoặc khỏan eo lưng giống như có vật nặng sa xuống, đứng ngồi khó khăn, đều có thể trị vậy: Hồ đào (bỏ màng vỏ) 20 cái, Tỏi (nấu cao) 4 lượng, Phá cố chỉ (tẩm rượu sao) 8 lượng, Đỗ trọng (bỏ vỏ, nước gừng tẩm sao) 16 lượng. thuốc trên nghiền bột, cao tỏi làm hòan. Mỗi lần uống 30 hòan, uống với rượu nóng lúc bụng đói; phụ nữ uống với nước giấm nhạt. Thường uống mạnh gân xương, họat huyết mạch, đen râu tóc, ich nhan sắc.

(Cục phương – Thanh nga hòan)

+ Phương thuốc 9:Trị đàn bà có thai đau lưng, bệnh tình không chịu nổi: Phá cố chỉ không kễ nhiều ít, sao thơm trên ngói, nghiền nhỏ, nhai Hồ đào nhục 1 qủa, lúc bụng đói rượu nóng điều uống 3 chỉ.

(Thương hàn bảo mệnh tập – Thông khí tán)

+ Phương thuốc 10:

Trị răng đau lâu ngày, Thận hư vậy: Bổ cốt chỉ 2 lượng, Thanh diêm nửa lượng. sao, nghiền, xát vậy.

(Ngự dược viện phương)

+ Phương thuốc 11:

Bổ cốt chỉ, Ích trí nhân nghiền nhỏ phân gói, sáng dậy uống với nước cơm, dùng điều trị di niệu (tiểu són, đái dầm).

Theo “Dược phẩm vựng yếu”

Bổ cốt chỉ

Khí vị:

Vị cay, khí rất ôn, không độc, có ít âm trong dương, giáng xuống nhiều, thăng lên ít, vào kinh Thủ quyết âm Tâm bào lạc, Mệnh môn và Túc thái âm Tỳ, ghét Cam thảo, kỵ thịt Dê.

Chủ dụng:

Trị lao thương của đàn ông, huyết khí hư của đàn bà, trị eo lưng, đầu gối đau nhức có hiệu quả, chữa xương tủy bại thường có công hiệu khác thường, trừ thấp ở hạ nang (bìu dái) mà rút bớt tiểu tiện, giữ vững tinh hoạt để hưng phấn phần dương, đuổi mọi phong tê thấp, chữa chân tay đau buốt, ấm Đan điền, ngăn Thận tả (Đỗ trọng, Hồ đào nhân làm tá gọi là Thanh nga hoàn).

Tóm lại nó là thuốc chủ yếu của 2 kinh Tỳ và Thận, là thuốc hay để mạnh hỏa, bổ Tỳ, lại nói: làm sáng cả Tai, Mắt.

Cấm kỵ:

Chứng thủy suy hỏa vượng thì không thích hợp, có thai cấm dùng là vì nó rất ôn, cay cho nên dễ làm trụy thai. Tính nó táo quá, cho nên chứng âm hư hỏa vượng, đại tiện bí kết thì phải kiêng dùng.

Cách chế:

Tẩm rượu 1 đêm, lấy ra ngâm nước 1 đêm, lại vớt ra phơi khô, tẩm Muối, sao qua dùng, để chỉ tả thì sao với Cám.

Nhận xét:

Bổ cốt chỉ sắc đen, bẩm thụ khí chính phương Bắc, mùi vị cay làm ấm phần dương của Thủy tạng, cho nên đạt được đến Mệnh môn để hưng phấn phần dương, giữ vững tinh khí, chữa đau eo lưng, ngăn ngừa chứng Thận tiết, là thuốc cốt yếu để làm hỏa mạnh thêm cho Thổ.

“Nội khoa trích yếu”

Bài Tứ thần hoàn

Phá cố chỉ 160g, Nhục đậu khấu (bọc bột nướng, bỏ dầu) 80g, Ngũ vị tử 80g, Ngô thù du 40g, Hồng táo 50 quả, Sinh Khương 160g.

Lấy 1 chén nước nấu Sinh Khương và Đại táo, khi nước cạn, bỏ Sinh Khương đi, lấy thịt Đại táo giã nhỏ, 4 vị thuốc trên tán nhỏ, trộn đều với Đại táo, làm hoàn bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 12-20g với nước Muối nhạt, ngày 2 lần, trước khi ăn.

Có tác dụng ôn Tỳ, Thận, sáp trường, chỉ tả.

Trị Tỳ Thận hư hàn, tiêu hóa kém, ngũ canh tiết tả, ruột viêm kích thích, ruột viêm mạn, bụng hoặc thắt lưng đau, chân tay lạnh, tinh thần uê oải, mạch trầm trì không có lưc.

“Hòa tễ cục phương”

Bài Hắc tích đan

Xuyên luyện tử 40g, Hồ lô ba 40g, Mộc hương 40g, Nhục đậụ khấu 40g, Phá cố chỉ 40g, Tiểu hồi hương 40g, Phụ tử 40g, Trầm hương 40g, Nhục quế 20g, Lưu hoàng 80g, Hắc tích 80g, Dương khởi thạch 40g.

Cùng tán nhỏ, lấy Hồ làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.

Chữa Thận dương suy yếu, Thận không nạp khí, đờm ủng tắc trong ruột, suyễn gấp, chân tay quyết nghịch, vã mồ hôi lạnh không ngớt, chất lưỡi nhat, rêu lưỡi trắng, mạch trầm vi, chứng bôn đồn khí xông lên ngực, bụng sườn trướng đầy, hàn sản đau bụng, sôi bụng, ỉa lỏng, nam giới dương nuy, tinh lạnh, lưng gối yếu mỏi, nữ giới huyết hải hư lạnh, đái hạ trong loãng…

Chú ý: Bài này nóng, lượng Phụ tử, Nhục quế phải điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân.

“Y thống phương”

Bài Ban long hoàn

Thục địa hoàng 320g, Thỏ ty từ 320g, Bổ cốt chỉ 160g, Bá tử nhân 320g, Phục thần 160g, Lộc giác giao 320g.

Thục địa hoàng giã nát, nấu thành cao, hòa với cao Ban long, các vị còn lại tán nhỏ, cùng trộn đều, lấy Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.

Có tác dụng bổ Thận, ích tinh, bổ ích khí huyết.

Chữa Thận tạng suy yếu, thế trạng bạc nhược, di tinh, dương nuy.. hiếm muộn.

“Hòa tễ cục phương”

Bài Thanh nga hoàn

Bổ cốt chỉ 320g, Đỗ trọng 640g, Hồ đào nhân 20 hạt.

Cùng tán nhỏ, lấy Hồ làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.

Có tác dụng bổ Thận, mạnh gân cốt.

Chữa Thận hư, lưng đau như gãy, khó đứng lên, ngồi xuống, khó cúi ngửa xoay chuyển thân thể.

“Y phương tập giải”

Bài Thất bảo mỹ nhiệm đan

Hà thủ ô      200g   Bạch linh 500g

Ngưu tất      500g   Bổ cốt chỉ 160g

Đương quy 500g Câu kỷ tử 500g Thỏ ty tử 500g

Cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 16-20g, ngày 2-3 lần.

Có tác dụng bổ khí huyết, ích Can, Thận.

Chữa Can, Thận bất túc, râu tóc sớm bạc, răng lung lay, mộng, di, hoạt tinh, băng, lậu, đới hạ, lưng gối mềm yếu, Thận hư, hiếm muộn.

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:

Bổ cốt chỉ đồn trư yêu (Bổ cốt chỉ, hầm cật lợn)

Bổ cốt chỉ 10g – Cật lợn 1 quả

Rửa sạch, thái vụn, ninh chung với nhau, cho thêm mắm muối gia vị, uống thang, ăn thịt.

Dùng cho người thận hư, ỉa chảy lâu ngày, di tinh, tai ủ, tai điếc v.v…

Bổ cốt chỉ tiểu hồi hương ôi trư thận (Bổ cốt chỉ, tiểu hồi hương, ninh cật lợn)

Bổ cốt chỉ 10g – Tiểu hồi hương 10g

Cật lợn 1 quả.

Ninh chung nhỏ lửa, bỏ bã thuốc, cho gạo tâm 50g vào, ninh chín, cho mắm muối gia vị, uống thang ăn thịt.

Dùng cho người thận hư, đái nhiều.

Bổ cốt chỉ trung thảo tiễn (Thuốc sắc Bổ cốt chỉ, đông trùng hạ thảo)

Bổ cốt chỉ 12g

Đông trùng hạ thảo 10g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sớm, tối.

Dùng cho người thận hư hen suyễn.

Bổ cốt chỉ tán (thuốc bột Bổ cốt chỉ)

Bổ cốt chỉ với lượng vừa phải, đem nghiền bột, uống ngày 3 lần, mỗi lần 3g. Chữa trẻ con đái dàm.

Bổ cốt chỉ hoàn (viên bổ cốt chỉ)

Bổ cốt chỉ 500g – Mật ong 250g

Bố cốt cho nghiền bột, nhào mật ong vê viên, mỗi viên nặng 10g.

Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên với nước muối pha loãng.

Chữa bệnh bạch tê bào bi giảm thiểu.

Bổ cốt chỉ hạch đào cao (cao Bổ cốt chỉ, hồ đào)

Bổ cốt chỉ 300g – Cùi hồ đào 600g

Mật ong 300ml.

Cùi hồ đào giã nát như tương, Bổ cốt chỉ tẩm rượu hấp chín, phơi khô nghiền bột. Mật ong đun sôi, đổ bột hồ đào và Bổ cốt chỉ vào, trộn đều, ngâm trong bình. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g.

Dùng cho người thận dương bất túc, liệt dương, hoạt tinh, xuất tinh sớm, đi đái nhiều, lưng đau gối mỏi, ho lâu ngày, hen suyễn v.v…

Bổ cốt chỉ chỉ tả thang (thang Bổ cốt chỉ chữa ỉa chảy)

Bổ cốt chỉ 9g – Nhục đậu khấu 9g

Ngũ vị tử 9g – Ngô thù du 3g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, chữa cho người ỉa chảy lâu ngày.

Bổ cốt chỉ hồ đào hoàn (viên hồ đào Bổ cốt chỉ)

Hồ đào nhân 20 quả – Bổ cốt chỉ 400g

Đỗ trọng 500g

Nghiền chung thành bột, nhào mật ong chế ra hoàn.

Uống lúc đói ngày 2 lần với nước pha giấm, mỗi lần 9g.

Dùng cho phụ nữ bị chứng đau lưng sau khi đẻ.

Bổ cốt chỉ bất lão hoàn (viên Bổ cốt chỉ tăng thọ)

Bổ cốt chỉ 60g – Phục linh 30g

Một dược 15g

Nghiền chung thành bột, nhào mật ong vê viên, to bằng hạt ngô đồng, uống mỗi lần 30 viên bằng rượu trắng. Có thể định tâm, bổ thận.

Uống lâu dài có thể chống già yếu.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận