Huyền sâm

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học:

Scrophularia kakudensis Franch. Họ khoa học: Họ Hoa Mõm Chó (Scrophulariaceae).

Tên khác:

Trùng đài, huyền đài, hắc sâm, nguyên sâm.

Mô tả:

Cây Huyền sâm
Cây Huyền sâm

Loài cây thân thảo, sống nhiều năm, thân cây vuông cao độ 1,7-2,3m, lá màu tím xanh. Lá mọc đối có cuống hình trứng dài, đầu nhọn vát, rìa lá có răng cưa, màu xanh nhạt. Cây ra hoa mùa hè. Hoa tự xếp thành hình chùy tròn, ống tràng hoa hình chén, cánh hình môi, chia làm 5 thùy, màu tím xám dài ngắn, 5 thùy. Quả bế đôi hình trứng. Hạt nhỏ bé, nhiều hạt màu đen, rễ to mập nhưng hơi cong, dài độ 10-20cm, giữa rễ củ phình lớn, hai đầu củ hơi thon, nói chung mỗi gốc có 4-5 củ mọc thành chùm, lúc tươi vỏ màu trắng hoặc vàng nhạt, sau khi chế biến vỏ ngoài màu nâu nhạt bên trong màu đen, mềm dẻo.

Địa lý:

Huyền sâm sản xuất ở tỉnh Tứ Xuyên gọi là “Xuyên huyền sâm” hay “Thổ Huyền sâm” thường trồng vào đầu mùa hạ, đến mùa thu sang năm thì thu hoặch. Chủ yếu phân bố ở Đạt Huyện, Ôn Giang, Vạn Huyện, Bồi Lăng. Huyền sâm xản xuất ở tỉnh Triết Giang thuộc loại Quảng huyền sâm, trồng vào đầu năm thu hoạch vào cuối năm, phân bố ở các huyện Đông Dương, Tiêu cư. Loại này sản xuất ở các tỉnh Sơn Đông, Hồ Bắc, Giang Tây, Thiểm Tây, Quý Châu, Cát Lâm, Liêu Ninh. Ở các tỉnh trên ngoài việc trồng trọt ra, còn có khai thác cây mọc hoang dại. Huyền sâm mới di thực vào nước ta, trồng ở đồng bằng hay miền núi đều cho năng xuất cao, chất lượng tốt. Ở đồng bằng gieo trồng tháng 10-11, ở miền núi tháng 2-3. Cây ưa đất pha cát nhiều chất mùn, màu mỡ, thoát nước tốt. Có thể gieo thẳng hoặc trồng bằng mầm non sau khi thu hoạch nhưng thông thường là gieo thẳng. Ngâm hạt với nước ấm, trong 4 giờ, vớt ra để ráo, trộn với đất bột để gieo. Gieo xong tưới nước phủ rơm rạ.

Thu hái, sơ chế:

Vào vụ, ở đồng bằng thu hoạch vào tháng 7-8, miền núi tháng 10-11, năm thứ 2 sau khi trồng, lúc cây đã tàn lụi thì thu hoạch, lúc thu hoạch thì dùng cuốc đào, nắm lấy gốc cây rũ lấy củ, ngắt bẻ lấy củ để chế biến. Nếu cần lấy đầu chồi hoặc đầu củ để làm giống, cũng cần kết hợp chọn lúc này.

Phương pháp sơ chế Thổ huyền sâm:

Sau khi thu hoạch đem đi rửa ngay đưa lên giàn sấy, sấy cho tới lúc khô được một nửa thì đem ra chất đống 2-3 ngày, bên trên có phủ kín cỏ rạ làm cho ruột củ biến thành màu đen, nước bên trong thấm thấu ra ngoài, lại đem ra sấy, sấy cho tới lúc khô 9 phần, bỏ vào trong xảo, lắc đi lắc lại cho củ rễ và đất cát rơi xuống hết, sau đó phân loại đem bán.

Phương pháp chế biến Huyền sâm Triết Sau khi thu hoạch về, đem phơi nắng ngay, lúc phơi khô được một nửa, đem chất đống 2-3 ngày, sau đó lại đem phơi, qua độ 40 ngày thì khô kiệt, nếu trường hợp bị mưa thì cũng có thể dùng lửa sấy. Dù là sấy hay phơi khô, điền cần phải chú ý không được làm cho rỗng ruột. Nếu phải dùng lửa sấy thì cần phải chú ý đặc biệt đến lửa sấy, nhất thiết không được quá to lửa, để tránh khô giòn rỗng ruột.

Nguồn gốc:

Đây là rễ huyền sâm khô thuộc loài thực vật họ huyền sâm. Sản xuất chủ yếu ở Triết Giang, các nơi khác như Hồ Bắc, Giang Tô, Giang Tây, Tứ Xuyên… cũng có. Sản lượng cao nhất và chất lượng tốt nhất là ở Triết Giang.

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Huyền sâm có dạng hình trứng hoặc miếng mỏng không đều nhau, bề mặt màu vàng xám hoặc nâu xám, có các vân dọc đủ kiểu, những lỗ vỏ theo chiều ngang và các vân nứt ngang, thưa thớt, cùng dấu vết của các rễ chùm. Mặt cắt màu đen, hơi có ánh quang, chất cứng rắn, vị ngọt, hơi đắng, đưa lên miệng nhấm thấy có vị như đường bị cháy. Ngâm vào nước lã, nước sẽ ngả sang màu đen. Loại nào vỏ chắc, chất rắn, phần nạc có màu đen là loại tốt.

Phần dùng làm thuốc:

Rễ.

Mô tả dược liệu:

Huyền sâm
Huyền sâm

Rễ vẫn gọi là củ khô, hình trụ, chính giữa phình lớn, phía dưới thuôn nhỏ lần, ở phía trước gốc có cổ hẹp lại, phía trên có nuốm phình lớn, rễ dài từ 12-15cm, rộng chừng 21mm, 25mm, mặt ngoài biểu hiện màu nâu đất, có nếp nhăn sâu rõ ràng và các bì khổng dài ngang màu đất sét, nếp nhăn nằm ngang tương đối ít, có khi cũng có thể thấy sẹo của nhánh rễ bị đứt ngang, chất cứng dẻo, khó bẻ gãy, mặt cắt ngang mềm màu đen nhiều thịt, đầu ướt như keo khói đèn hoặc Thục địa, ở chính giữa hơi biểu hiện dạng xơ, phía ngoài cùng có lớp bần mỏng, phía trong có nhiều vân tỏa ra (bó libe gỗ). Bột màu đen, nhạt, vị hơi ngọt mặn.

Bào chế:

  • Đào củ về rửa sạch, lót cỏ lác, xếp củ vào chỗ đồ lên cho chín, phơi khô dùng (Lôi Công).
  • Rửa sạch, ủ mềm, xắt lát phơi khô (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Bảo quản:

Để nơi khô ráo, phòng ẩm.

Tác dụng dược lý:

  • Năm 1936, hai tác giả Kinh Lợi Bân, Thạch Nguyên Cao có chế cao lỏng huyền sâm (rượu) rồi nghiên cứu tác dụng trên tim, huyết quản, huyết áp, hô hấp, huyết đường và giảm sốt đối với động vật, thu được những kết quả sau đây:

1. Tác dụng trên tim.
Pha cao lỏng huyền sâm với nước Locke Ringer rồi cho tác dụng trên tim ếch cô lập với nồng độ thấp (0,01-0,02%) thấy sức bóp của tim mạnh lên, với nồng độ trung bình (0,1%) thấy lực của tim yếu đi, nhịp đập trở nên chậm, với nồng độ cao (10%) làm cho tim ngừng đập.
2. Tác dụng lên mạch máu.
Huyền sâm gây dãn mạch.
3. Tác dụng giảm sốt.
4. Tác dụng trên lượng huyết đường.
Định lượng huyết đường của thỏ bằng phương pháp Denigea, sau tiêm dung dịch huyền sâm vào dưới da, (5ml/kg thể trọng) sau đó cách mỗi giờ định lượng đường trong máu một lần. làm như vậy 5 lần: Thí nghiệm trên 4 con thỏ tiêm huyền sâm, thấy lượng đường huyết thấp hơn so với mức đường trong máu bình thường là 15mg/100m) máu.
5. Tác dụng kháng sinh.
Theo Trịnh Vũ Phi (Trung Hoa y học tạp chí, 1952) huyền sâm có tác dụng kháng sinh đối với nhiều loài vi trùng bệnh ngoài da.

Khí vị:

Vị đắng, mặn, không độc, ghét Can Khương, Hoàng kỳ, Đại táo, Thù du, Phản Lê lô. Rất kỵ đồng và sắt.

Chủ dụng:

Trị nóng trong xương, tán hỏa chạy càn, có công tư âm, bổ thận, thanh lợi yết hầu, tiêu đờm, ngăn ho, kiêm cả sáng mắt. chữa chứng thương hàn mình nóng đầy xốc, thốt nhiên mê không biết gì, chữa chứng ôn ngược nóng rét qua lại, gai gai lạnh, thỉnh thoảng phát run, các bệnh của phụ nữ sau khi sinh, đàn ông bị chứng truyền thi nóng hầm, trục huyết tích thành hòn trong ruột, tan ung sưng hạch đờm dưới cổ. Cai quản mọi khí trên dưới, tính trong lặng mà không đục, tan khí mờ mịt ở khoảng không và hỏa không có gốc ở Thận kinh, chỉ có Huyền sâm là có tác dụng hơn hết.

Cấm kỵ:

Nếu chứng huyết thiếu, có đình ẩm, nóng rét, huyết hư, đau bụng, Tỳ hư, đi tả đều phải kiêng dùng, dẫu rằng thứ đã nấu, phơi tính hàn có giảm bớt cũng không thể dùng lâu.

Cách chế:

Cho vào thuốc hoàn nên chưng qua, phơi khô, sấy khô, dùng thường thì chưng với Rượu.

Nhận xét:

Huyền sâm sắc đen, vị mặn cho nên chạy vào kinh Thận, người xưa thường dùng chữa chứng hỏa ở thượng tiêu, do Thủy không thắng được hỏa mà bốc lấn lên, làm mạnh Thủy để chế bớt hỏa, nhưng tính nó vốn hàn hoạt, tạm thời trị hỏa hữu dư thì được, còn muốn giữ vững căn bản, tư bổ Thận thủy thì phải dùng Thục địa mà không thể dùng nó.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Y phương tập giải”

Bài Bách hợp cố kim thang

Sinh địa 12-16g, Thục địa 12-16g, Bách hợp 8-12g, Mạch môn 8-12g, Huyền sâm 8-10g, Bối mẫu 8-10g, Đương quy 8- 10g, Bạch thược 8-10g, Cát cánh 8-10g, Cam thảo 4-8g. Săc, chia uống vài lần trong ngày.

Có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận Phế, hóa đờm. Trị Phế Thận âm hư, hư hỏa bốc lên sinh ra họng sưng đỏ đau, ho, khó thở, đờm vàng, đờm có máu, lòng bàn chân, tay nóng, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

Trên lâm sàng bài này thường được dùng chữa lao Phổi, Viêm Phế quản mạn tính, giãn Phế quản, ho ra máu, có triệu chứng Phế, Thận âm hư.

Đờm nhiều thêm Qua lâu để thanh nhiệt, hóa đờm. Ho ra máu nhiều thêm Mao căn, Ngẫu tiết, Hạn liên thảo, Tiên hạc thảo để cầm máu.

Bài này có nhiều vị ngọt hàn nê trệ, nếu gặp trường hợp Tỳ hư, tiêu lỏng không nên dùng.

“Dịch hầu thiển luận”

Bài Thanh yết hóa sa tiễn

Ngân hoa 10g, Mẫu đơn bì 8g, Huyền sâm 8g, Đan sâm 6g, Liên phòng 8g, Liên kiều 6g, Kim chấp 2g, Sinh địa 12g, Nhân trung hoàng 2g, Mạch môn 8g, Bạch mao căn 8g, Xích thược 8g, Tê giác lg, Địa cốt bì 8g.

Có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, tiêu độc.

Chữa chứng Dịch sa có sa đỏ tươi, từng nốt không đêu, nóng rát, không có mồ hôi, tinh thần trằn trọc, khát nước, da khô, họng loét, doanh huyết nhiệt cao độ, Lưỡi đỏ tía, mạch sác.

“Hâu khoa từ chân tập”

Bài Thanh yết lợi cách thang

Liên kiều 4g, Chi tử 4g, Hoàng cầm 4g, Bạc hà 4g, Ngưu bàng tử 4g, Huyên sâm 4g, Hoàng liên 4g, Phòng phong 4g, Kinh giới 4g, Huyền minh phấn 8g, Cát cánh 4g, Ngân hoa 4g, Đại hoàng 4g, Cam thảo 4g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày

Chữa do tích nhiệt dẫn đến họng sưng đau, đờm rãi ủng thịnh và các chứng Nhũ nga, Hầu tỷ, Hầu ung, Trùng thiệt, Mộc thiệt, hoặc hung cách không lợi, phiền nóng, táo bón.

“Ôn bệnh điều biện”

Bài Tăng dịch thang

Huyền sâm 40g, Mạch môn 32g, Sinh địa 32g, sắc uống ấm, nếu chưa đại tiện được thì uống thêm.

Có tác dụng tăng dịch nhuận táo.

Trị bệnh sôt làm cho tân dịch hao ton, có triệu chứng tảo bón, miệng khát, lưỡi đỏ khô, mạch tế hoi sác hoăc trầm mà vô lưc. Trên lâm sàng thường dùng bài này chữa chứng âm hư, táo bón

Nếu táo bón nặng dùng bài này thêm Mang tiêu, Đại hoàng, gọi là bài “Tăng dịch thừa khí thang”

Nếu táo khát quá có thể thêm Sa sâm, Ngọc trúc, Thạch hộc để dưỡng âm, sinh tân.

“Thẩm thị giao hàm”

Bài Cát hoa giải độc thang

Hoàng liên 6g, Huyền sâm 8g, Đương quy 8g, Cát hoa 6g, Bạch linh 8g, Liên kiều 10g, Long đởm thảo 10g, Nhân trần 10g, Cam thảo 6g, Thục địa 12g, Chi tử 8g, Xa tiền 8g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Chữa con ngươi mắt có sắc vàng, mắt nhìn nhập nhằng như có ruồi bay.

“Thẩm thị giao hàm”

Bài Trừ phong thanh Tỳ ẩm

Trần bì 4g, Liên kiều 6g, Phòng phong 6g, Huyền minh phấn 4g, Kinh giới tuệ 8g, Cát cánh 8g, Tri mẫu 6g, Hoàng cầm 8g, Huyền sâm 8g, Hoàng liên 4g, Đại hoàng 4g, Sinh địa 20g. Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong.

Chữa mắt mọc lẹo (chắp mắt).

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Gia vị ôn đảm thang

Thuốc vào Can, Tâm.

Dùng cho người bị hàn đàm, ăn ít, không ngủ, suy nhược thần kinh vì người yếu hèn, hoặc sau lúc ốm dậy.

Những người đau Dạ dày, hư phiền, suy nhược thần kinh, có thể thêm Mạch môn, Đương quy, Chi tử, Thần sa.

“Thiên gia diệu phương”

Bai Gia vị ích âm tiềm dương thang Ngưu tất 9g, Mạch môn 9g, Câu đằng 9g, Cúc hoa 9g, Đại giả thạch 15g, Thuyền thoái 9g, Sinh Long cốt 15g, Huyền sâm 12g, Sinh Mẫu lệ 15g, Bạch linh 9g, Chích Viễn chí 9g Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng tư thủy, hàm mộc, tiềm dương, tức phong.

Chữa bệnh tăng huyết áp thuộc thể Thận âm hư, Thủy không nuôi được Mộc.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào tỳ vị hữu thấp và phụ nữ có mang ma tỳ hư, ỉa chảy kiêng không uống.

Khi pha chế thuốc cấm kỵ dùng chung với lê lô.

Liều dùng:

12 – 20g

Các phương thuốc bổ dưỡng thường dùng:

Huyền sâm đồn trư can (huyền sâm hầm gan lợn)

Huyền sâm 15g

Gan lợn 500g

Gia vị vừa phải.

Gan lợn rửa sạch cho vào nồi nhôm cùng với huyền sâm, cho nước vừa phải, ninh trong 1 giờ vớt gan ra, sắt miếng nhỏ dùng sau. Cho thêm thái du (dầu thực vật ép từ cày cải dầu, đường trắng, rượu gia vị vào nồi cùng với một ít nước cốt, đánh thêm bột nước vào cho dẻo. Để nước thang trong suốt vào chỗ gan lợn thái miếng, trộn đều.

Dùng cho người can âm bất túc, hai mắt cay, hoa mắt, quáng gà, có bệnh gan kinh niên v.v… dẫn tới các loại chứng bệnh khác.

Huyền sâm hương du cao (cao huyền sâm, dầu thơm)

Huyền sâm và dầu thơm lượng bằng nhau.

Huyền sâm nghiền thành bột mịn, cho dầu thơm vào trộn đều thành cao. Bôi vào chỗ đau ngày 1-2 lần.

Dùng cho người bị viêm loét mũi, vùng da quanh lỗ mũi bị sưng đỏ đau đớn, hoặc bị ngứa, bị loét, đóng vảy.

Huyền sâm mạch đông trà (trà huyền sâm mạch đông)

Huyền sâm 5g

Hoàng cầm 9g

Sinh địa 9g

Sơn đậu căn 5g

Mao đằng ngẩu phiên 30g

Rể cỏ tranh 5g

Mạch môn đông 5g

Sa sâm 9g

Kim ngân hoa 9g

Bạch hoa sà thiệt thảo 30g

Nghiền chung thanh bột mịn, cho nước vào sắc lấy nước, uỗng nóng thay trà.

Dùng để trị liệu bổ trợ cho người sau khi chữa trị các bệnh về mũi, họng, xuất hiện các phản ứng nhiệt.

Huyền sâm thanh quả trà (trà huyền sâm, thanh quả)

Huyền sâm 10g

Thanh quả (tức quả trám) 4 quả

Huyền sâm thái miếng, thanh quả giả nát, sắc nước, thay trà uống nhiều lần

Dùng để chữa bệnh viêm họng cấp tính, mạn tính, viêm hầu, viêm amiđan.

Huyền sâm cam cát trà (trà huyền sâm, cát ngạch, cam thảo)

Huyền sâm 3g

Cát ngạch 3g

Mạch môn đông 3g

Cam thảo 3g

Sắc, lọc lấy nước, bỏ bã. uống dần thay trà.

Dùng để chữa bệnh ngứa họng, ho nhiều, miệng khát, họng khô, do phế âm bất túc gây nên.

Huyền sâm từ thạch tửu (rượu huyền sâm, tử thạch)

Huyền sâm 180g

Từ thạch 180g

Rượu 3000 ml

Huyền sâm sát bột, từ thạch sao cho đỏ, nhúng dâm 7 lần, nghiền bột, làm cho nước hay hơi hết. Bỏ cả 2 vị thuốc vào túi vải mỏng, ngâm trong rượu 6 – 7 ngày. Mỗi lần uống 1 chén, uống lúc đói trước khi đi ngủ.

Dùng cho người bị tràng nhạc nóng lạnh, bắt đầu từ hõm cổ tay lên.

Trị thiên đầu thống phương (thuốc chữa thiên đầu thống)

Huyền sâm 500g. Mỗi lần lấy 50g, sắc đặc con 50ml, uống lúc nóng.

Dùng để chữa thiên đầu thống do phong nhiệt gây nên.

Phân biệt:

Hiện nay Huyền sâm được chia ra 2 loại: loại Thổ Huyền sâm, và loại Quảng Huyền sâm, ngoài ra còn có một loại Huyền sâm mọc hoang (Dã Huyền sâm).

  • Quảng huyền sâm (Scrophularia ningpoensis Hemsl) là cây thân cỏ sống lâu năm. Mặt sau lá và trên cây non có lông ngắn mọc chi chít, thân cây hình vuông, cao độ 1-1,7m. Lá mọc đối, có cuống, hình trứng hẹp, đầu nhọn, có cuống rộng hơn cuống lá Thổ huyền sâm m p lá có răng cưa đều đặn, lá cũng dầy hơn lá Thổ huyền sâm. Về mùa hè cây ra hoa, tụ họp thành chùy trìn, phần ống tràng giống như chiếc tách, rìa cánh hình môi, màu tím đỏ, 4 nhị đực, 1 nhị cái. Quả bế đôi nhỏ, hình trứ Rễ củ tương đối to mập, hình búa, vỏ màu nâu xám ruột trắng sau khi chế biến khô thì tự trở thành màu nâu đen.
  • Dã huyền sâm (Scrophularia oilhami Oliv) về hình thái thì rất giống cây Quảng huyền sâm, chỉ khác là đuôi lá của loài này nhọn nhỏ, mặt phẳng nhẵn, thân không có lông, hoa tự dạng bông dài nhỏ, tràng màu vàng xanh nhạt, củ gầy gò, mọc hoang dại ở vùng Đông Bắc tỉnh Sơn Đông- Trung Quốc (Danh Từ Dược Vị Đông Y).

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận