Hồ đào

Vị thuốc Đông y
Hồ đào
Hồ đào

HỒ ĐÀO

Tên khác:

Quả óc chó, Hạch đào nhân, Hồ đào nhục, trường thọ quả.

Nguồn gốc:

Đây là nhân của quả hồ đào thuộc loài thực vật họ hồ đào.

Hồ đào hay Hạnh đào có tên khoa học là Juglans regia, họ Hồ đào Juglandaceae. Cây Hạnh đào cho ta những vị thuốc sau đây:

  • Lá = Hồ đào diệp
  • Vỏ quả = Hồ đào xác = Thanh long y
  • Hạt còn vỏ cứng = Hạch đào
  • Màng mềm giữa vỏ và nhân hạt = Phân tâm mộc
  • Nhân hạt = Hồ đào nhân = Hạnh đào nhân.

A- Lá Hồ đào

Thành phần: tannin, acid ellagic, juglon (naphtoquinol), juglanin và tinh dầu

Tính chất: tannin và naphtoquinol có tính kháng khuẩn. Acid ellagic có tính chống oxy-hoá yếu. Lá có tính gĩan mạch.

Công dụng: nước sắc uống làm thuốc bổ, lọc máu; dùng nhiều có tính sáp trường (trị tiêu chảy). Ngậm trong miệng để trị lở miệng, hôi miệng. Với ngoài da trị mụn nhọt, rửa vết thương, rửa âm đạo do tính kháng khuẩn và kháng nấm.

Cây óc chó thân gỗ to, cao 15-25m
Cây óc chó thân gỗ to, cao 15-25m
  • Phụ nữ cho con bú tránh dùng (vì tắt sữa).

    B- Vỏ quả

    Vỏ quả có khả năng chống khối u. (Huang KC. The Pharmacol of Chin herbs 1999) Mới có kết quả trong phòng thí nghiệm, chưa ứng dụng lâm sàng.

    C- Phân tâm mộc có công dụng như lá nhưng yếu hơn.

    D- Hồ đào nhân

    Xin đừng nhầm với Đào nhân (Prunus persica) hoặc Hạnh đào, tính chất trị liệu hoàn toàn khác.

Nhân hạt óc chó
Nhân hạt óc chó

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Hồ đào nhân có dạng những cục, những miếng không đều nhau, phần lớn bị vỡ vụn, có rãnh cong, lớn bé không đồng đều, nhân nào hoan chinh có hình tròn, đường kính 2 – 3cm, do 2 lá mầm hợp lại mà thành, vỏ hạt màu vàng nhạt hoặc màu be vàng, màng nhân có vân mạch màu nâu sẫm, nhân của hạt có màu trắng, chất giòn, giầu chất dầu, khí nhẹ, vị ngọt, vỏ hạt vị chát, hơi đắng. Loại nào màu trắng vàng, hạt to, mẩy, chất dầu nhiều là loại tốt.

Dược lý hiện đại:

Theo các nghiên cứu hiện đại, hồ đào nhân có hàm chứa các chất đường, chất mỡ, albumin, Vitamin A, B2, c, E, và các nguyên tố calci, Photpho, sắt, magie, iod, mangan, crom v.v… vitamin E có thể làm chậm quá trình già yếu; Mỡ, photpho trong chất mỡ có thể tăng cường hoạt tính các tế bào, phòng chống xơ cứng động mạch, nguyên tố vi lượng; Kẽm, mangan, crôm v.v… có tác dụng rất quan trọng trong việc giữ gìn cho các huyết quản được khoẻ mạnh, trong việc giữ gìn cho chức năng nội tiết được bình thường và khả năng chống già yếu của cơ thể.

  • 100g Hồ đào nhân sinh 642 calori, có 14g protein, 62g chất béo. Nếu tính ra calori, 8% do chất béo bão hoà, 55% do chất béo chưa no nhiều nối đôi, 20% do chất béo một nối đôi. Như vậy chất béo cuả Hồ đào nhân tương đối tốt, gần bằng dầu hướng dương.
  • Hồ đào nhân có juglone và juglanin

Tính vị và công hiệu:

Hồ đào nhân tính ôn, vị ngọt, lợi về kinh thận, phế, đại tràng. Có công hiệu bổ thận, ôn phổi, nhuận tràng. Phù hợp với các bệnh đau lưng mỏi gối, hư hàn, ho hen, di tinh, liệt dương, người già hoặc người ốm dậy, nước bọt không đủ sinh ra, bí ỉa. Làm thuốc bổ nhưng dùng nhiều có độc ; do đó không dùng mình nó mà thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Thuốc chữa bệnh táo bón từ nhân quả óc chó
Thuốc chữa bệnh táo bón từ nhân quả óc chó

Ứng dụng chữa bệnh:

Bổ thận nên dùng để ôn thận, sáp tinh, trị đau lưng mỏi gối

Chè Hồ đào + Câu kỷ + hạt sen, củ sen, đại táo. Chè này bổ thận sáp tinh, chống di hoạt tinh. Những người ho sặc, ăn uống dễ bị sắc hãy ăn chè này.

ích mệnh môn nên tăng sức, chống mỏi mệt, chữa hư hàn, hen suyễn

Thanh nga hoàn (Hoà tễ cục phương) gồm: Hồ đào nhân, Bổ cốt chi, Đỗ trọng. Bài này bổ mệnh môn, tăng sức, chống nhức mỏi.

Chè Hồ đào gồm Hồ đào nhân, Hạnh nhân, gừng, mật ong. Trị ho, ho sặc, ho từng cơn, đàm loãng.Giải phương như sau:

• Hồ đào nhân ôn phế thận.
• Hạnh nhân thông phế, tiêu đờm.
• Gừng hành khí hoạt huyết, tiêu đờm.
• Mật ong và đường hiệp đồng với Hồ đào nhân bổ tỳ
– Ích Tam tiêu nên tiêu đờm, thông tiểu.
– Bổ can tỳ nên có tính cách bổ dưỡng.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào bị ho không phải do hư hàn, mà có đàm hỏa tích nhiệt, hoặc bị ho hen thổ huyết do âm hư hỏa vượng sinh ra, kiêng không dùng. Ngoài ra chất béo trong hồ đào có nhiều chất rất nhuận tràng, vì thế người nào đi lỏng ỉa chảy không nên sử dụng.

Bảo quản:

Đựng trong những đồ khô ráo (như lu có vôi) để phòng ẩm, phòng mọt và phòng chất dầu bị bay hơi.

Theo “Dược phẩm vựng yếu”

Hồ đào nhục

Khí vị:

Vị ngọt, khí nhiệt, không độc.

Chủ dụng:

Ăn luôn thì mạnh thân thể, sinh ra tóc, bổ cả hạ nguyên, ăn nhiều thì động phong sinh đờm và trợ hỏa ở Thận. Thông được kinh mạch, nhuận được huyết mạch, dưỡng huyết, nhuận gân, liễm Phế khí, ngăn con suyễn, cường dương khỏe âm, chữa eo lưng và chân đau nhức thuộc hư, làm cho da dẻ màu mỡ, trên thì lợi cho khí của Tam tiêu, dưới thì ích cho hỏa của Mệnh môn.

Hợp dụng:

Đốt thành tro hợp với Tùng chi thì chữa chứng loa lịch (tràng nhạc), cùng dùng với Hồ phấn nhét vào lỗ chân tóc thì tóc bạc hóa thành đen. Hòa với Rượu ngon uống nóng thì chữa bị tổn thương vì bị đánh hoặc bị chèn ép, trộn với gạo nấu cháo ăn chữa được chứng thạch lâm. Dùng Bổ cốt chỉ làm tá thì cùng tương sinh thủy hỏa. Để cả vỏ sắc với Nhân sâm chữa đàn bà bị chứng khí suyễn, cùng ngâm Rượu với hạt Quýt mà uống thì chữa chứng mũi đỏ vì độc Rượu.

Cấm kỵ: Ăn lâu có thể rụng lông mày và tóc, là vì nhiệt cực độ thì sinh ra phong. Có người nói: sau tiết hạ chí không ăn được và nói người tướng hỏa thịnh thì chớ dùng.

Cách chế:

Ngâm nước sôi và bỏ vỏ mỏng ở ngoài thịt, nghiền bỏ dầu đi rồi dùng

Nhận xét:

Hồ đào là thuốc đạt tới Mệnh môn, Tam tiêu, là làm sứ riêng cho nguyên khí, Mệnh môn, là nguồn gốc của Tam tiêu, cũng như gốc và ngọn. Mệnh môn ở giữa 2 quả Thận, cái nhân của Hồ đào giống hình dạng của Mệnh môn, nước vỏ ngoài của Hồ đào sắc đen nên đi vào phương Bắc, thông với Mệnh môn, Mệnh môn đã thông thì lợi cho Tam tiêu, vì thế thông lên tạng Phế. Có người bị bệnh lấy Nhân sâm với Hồ đào bỏ vỏ đi sắc uống thì không đỡ, liền lấy Hồ đào để cả vỏ sắc với Nhân sâm uống thì kiến hiệu ngay. Bởi vì Nhân sâm thì yên định được suyễn, Hồ đào thì nhuận cho phế, vỏ của nó có công năng thu liễm Phế khí. Cho nên thường khi bụng đói lấy 7 quả Hồ đào ăn rất có thể giữ vững tinh khí và tráng dương.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Tế sinh phương”

Bài Nhân sâm hồ đào thang

Nhân sâm 15-30g, Hồ đào 6g, Sinh Khương 3-5 nhát.

Có tác dụng khai bổ Phế, Thận, nạp khí, bình suyễn.

Trị Phế Thận đều hư, suyễn thở. cần thiết có thể gia thêm Cáp giới, Hoàng kỳ, Sơn dược, Hạnh nhân, Tang bì, Cam thảo.

“Thiên gia diệu phương”

Bài Sâm giới tán gia vị

Hạnh nhân 24g, Bán hạ 30g, Bạch quả 30g, Tang bạch bì 30g, Tử bì Hồ đào 60g, Nhân sâm 15g, Sơn dược 60g, Hoàng kỳ 60g, Cam thảo 15g, Trầm hương 12g, Nhục quế 4-12g, Cáp giới 2 con (bỏ đầu, chân). Cùng tán nhỏ, dùng dần, liều uống 6-8g, ngày 2 lần.

Nếu bệnh nhân lưỡi đỏ, rêu vàng thì bỏ Nhục quế, thêm Nữ trinh tử 30g, Câu kỷ tử 30g. Có tác dụng bổ Phế khí, trừ đờm suyễn. Trị hen Phế quản mạn tỉnh.

“Hòa tễ cục phương”

Bài Thanh nga hoàn

Bổ cốt chỉ 160g, Đỗ trọng 320g, Hồ đào nhân 10 quả. Cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 8-12g, ngày 2 lần.

Chữa Thận hư, lưng đau như gãy, khó đứng lên, ngồi xuống, khó xoay chuyển người.

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:

Đào nhục phong mật (cùi hồ đào mật ong)

Cùi hồ đào 1000g, giã nát, trộn đều với 1000ml mật ong, đựng vào lọ. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa, uống bằng nước sôi.

Dùng cho người bị hen suyễn.

Nhất vị hồ đào thang (thang hồ đào độc vị)

Hồ đào 10 quả (đập vỡ), sắc cả vỏ làm thang uống.

Dùng cho người có mang, hơi thai ngược lên, luôn bị buồn nôn.

Hồ đào nệ (tương hồ đào)

Hồ đào nhân : 5 nhân, giả nát như tương, uống với hoàng tửu.

Dùng cho người bị tắc sữa.

Hồ đào nhân chúc (cháo nhân hồ đào)

Hồ đào nhân 5 quả – Gạo tẻ 100g

Cho nước vừa phải vào nấu thành cháo, ăn thường xuyên với cơm.

Bổ não, bổ thận, dùng cho người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay quên, đái són, đi đái nước đục V.V..

Hồ đào tửu (rượu hồ đào)

Hồ đào nhân 50g – Rượu trắng 500ml.

Ngâm 15 ngày sau mang ra uống, ngày 3 lần, mỗi lần 15ml.

Dùng cho người Thận hư, ho, hen, lưng đau, gối nhũn, liệt dương, di tinh, bị chứng táo bón v.v…

Tứ nhân kê đản thang (thang tứ nhân trứng gà)

Hồ đào nhân 200g – Bạch quả nhân 100g

Lạc nhân 200g – Điềm hạnh nhân 100g

Giã chung cho nát, mỗi ngày lấy 20g, cho 1 bát nước nấu sôi đập 1 quả trứng gà vào, cho thêm chút đường phèn đánh đều lên ăn. Ăn liền trong nửa năm.

Dùng cho người già viêm phế quản mạn và bị phù nề phổi.

Hồ đào nhân sâm thang (thang nhân sâm hồ đào)

Hồ đào nhân 20g – Nhân sâm 6g

Gừng tươi 3 lát

Sắc lấy nước 200ml, bỏ gừng miếng đi, pha thêm chút đường phèn cho vừa mà uống, ngày 1 lần, uống nóng trước khi đi ngủ.

Dùng cho người viêm phế quản mạn.

Hồ đào nhân tán (Thuốc bột hồ đào nhân)

Hồ đào nhân (rán qua dầu thơm) 120g

Đường phèn 120g

Nghiền chung thành bột. Uống ngày 4 lần, mỗi lần 6g. Dùng cho người bị sỏi đường tiết niệu.

Hồ đào nhân chỉ khái đường tương (chè hồ đào giảm ho)

Hồ đào nhân 30g – Lê 150g

Đường phèn 30g

Giã nát, cho nước vào nấu lên làm chè, ăn ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa. Dùng cho trẻ con bị ho bách nhật.

Hồ đào nhân trùng thảo thang (thang hồ đào nhân, đông trùng hạ khô thảo)

Hồ đào nhân 50g

Đông trùng hạ khô thảo 10g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Dùng cho người thận hư, khí suyễn.

Hồ đào đỗ trọng thang (thang hồ đào đỗ trọng)

Hồ đào nhân 30g – Đỗ trọng 10g

Bổ cốt chỉ 10g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần Dùng cho người thận hư, lưng đau.

Hồ đào sa nhân thang (thang hồ đào sa nhân)

Hồ đào nhân 15g – Sa nhân 02g

Bổ cốt chi 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Dùng cho người già phế hư, thận hư, ho lâu, có đom, hen suyễn.

Hồ đào cửu thái tử thang (thang hồ đào lá hẹ)

Hồ đào 5 quả – Lá hẹ sao 6g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Dùng cho người bị suy thoái khả năng tình dục, hệt dương, di tinh v.v…

Hồ đào thung dung thang (thang hồ đào nhục thung dung)

Hồ đào nhân 30g – Sinh thủ ô 10g

Nhục thung dung 10g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần

Dùng cho người già ít nước bọt, bí ỉa.

Hồ đào an thần hoàn (viên hồ đào an thần)

Hồ đào nhân 30g – Vừng đen 30g

Lá dâu 30g

Giả nát nhừ ra làm thành viên, mỗi viên nặng 3g. uống ngày 3 lần, mỗi lần 3 viên, chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay mộng mơ, ăn ít v.v…

Hồ đào đại hải cao (cao hồ đào, bàng đại hải)

Hồ đào 5 quả

Bàng đại hải (ngâm nước sôi cho nở bung như xôp bọt biển thì bỏ hạt) 2 quả

Bàng đại hải (còn gọi là bành đại hải) là 1 loại cây thân gỗ, lá hình trứng, lá mọc so le, hoa hình búp măng, quả trông như cái thuyền, trước khi chín tách ra, hạt hình thoi. Hạt khô có vỏ màu be đen, nhăn chun, ngâm vào nước sẽ nở bung ra như miếng bọt biển. Có thể làm thuốc, chữa ho, đau họng, khản tiếng v.v… theo tài liệu, bành đại hải sản xuất chủ yếu ở Việt Nam, Ấn độ, Thái lan, Mã Lai

Táo tầu 5 quả (bỏ hạt).

Nghiền nát như tương, cho vào trong cốc, cho thêm mật ong vừa phải đánh cho thật nhiễn. Uống 1 ngày chia 2 lần.

Dùng cho người bị sưng tuyến giáp trạng, tiêu gầy, mệt mỏi bải hoải v.v…

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận