Bạc hà

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học:

Mentha Arvensis Lin. Họ khoa học: Họ Hoa Môi (Lamiaceae).

Mô tả:

Bạc hà
Bạc hà

Cây thảo, sống lâu năm. Thân mềm, hình vuông. Loại thân ngầm mang rễ mọc bò lan, loại thân đứng mang lá, cao 30-40cm, có khi hơn, mầu xanh lục hoặc tím tía. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng. Cuống ngắn. Mép lá khía răng đều. Hoa nhỏ, mầu trắng, hồng hoặc tím hồng, mọc tụ tập ở kẽ lá thành những vòng nhiều hoa. Lá bắc nhỏ, hình dùi. Đài hình chuông có 5 răng đều nhau. Tràng có ống ngắn. Phiến tràng chia làm 4 phần gần bằng nhau, có 1 vòng lông ở phía trong. 4 nhụy bằng nhau, chi nhụy nhẵn. Quả bế có 4 hạt. Các bộ phận trên mặt đất có lông gồm lông che chở và lông bài tiết tinh dầu.

Mùa hoa quả vào tháng 7 – 10.

Phân biệt:

Bạc hà có rất nhiều loại, thường trong điều trị có hai loại;

  • Bạc hà Việt Nam hay Bạc hà nam như vừa mô tả ở trên.
  • Bạc hà Âu châu hay Bạc hà cay (Mentha piperita L) đó là cây thảo sống lâu năm, thân vuông ít hoặc không có lông. Lá mọc đối, hình bầu dục nhọn, mép khía răng, cụm hoa mọc thành bóng dầy đặc ở ngọn cành.

Có hai thứ:

  1. Metha piperita offcinalis forma pallescens: Thân và lá, xanh nhạt, hoa trắng mùi nhẹ
  2. Mentha piprita offcinalis forma rubescens: Thân và lá tía, hoa nâu đỏ, mùi thơm k m hơn, cây mọc khỏe hơn. Vò lá của cây Bạc hà nam có mùi thơm hắc, vị cay và tê, còn vò lá Bạc hà Âu châu có mùi thơm mát, vị cay tê mát.

Địa lý:

Mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta.

Thu hái và sơ chế: Thu hái vào khoảng tháng 5, 8, 11 thu hoạch lúc cây mới ra hoa, rửa sạch dùng tươi hoặc phơi trong râm cho khô.

Phần dùng làm thuốc:

Dùng toàn bộ phận ở trên mặt đất.

Mô tả dược liệu:

Thân khô màu vàng nâu hoặc tím nâu, hình vuông có nếp nhăn dọc, chất cứng rễ gãy có đốt mắt rõ ràng, lá mọc đối màu vàng nâu hoặc màu xanh lục nâu, teo nhăn rất khó nhìn ra nguyên hình, có mùi thơm mãnh liệt, tính chạy suốt, không dùng lá úa có sâu.

Bào chế:

+ Lấy lá Bạc hà khô, tẩm nước, để vào chỗ râm mát, khi lá cây mềm, cắt ngắn từng đoạn, phơi trong râm cho khô để dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Rửa qua, để ráo nước, cắt ngắn chừng 2cm, phơi trong râm cho khô (Dược Liệu Việt Nam).

Khí vị:

Vị cay, tính ấm, không độc, phù mà thăng lên, là dương dược, vào Thủ thiếu âm, Thái âm kinh, kỵ lửa.

Chủ dụng:

Chữa phong nhiệt ngoài da, hư lao nóng hầm hập trong xương, trẻ con phong dòm, kinh phong nóng dữ, phá huyết, chỉ lỵ, tiêu thực, hạ khí, chữa động kinh, hoắc loạn, thanh đầu mắt, thông quan, khai khiếu, phàm rắn cắn, mèo cắn, ong đốt, cùng bệnh thương hàn lưỡi trắng đều dùng nó hòa Mật xát vào.

Kỵ dụng:

uống nhiều thì tổn Tâm, Can, dùng lâu, dùng nhiều thì tiêu hết Tâm khí, hao âm, tổn dương, cũng như bệnh mới khỏi thì kiêng dùng, sợ ra nhiều mồ hôi vong dương, chứng nội thương biểu hư, âm hư đều cấm dùng.

Nhận xét:

Bạc hà cay thơm, hay sơ thông khí kết trệ, vì cay hay giải mát Can khí để ức chế Phế khí đang thịnh, tiêu phong nhiệt để mát đầu mắt, đối với trẻ con kinh phong nóng dữ thì nó là cần thiết, vả lại tính nó thăng lên, có thể phát hãn, dẫn các vị thuốc vào vinh vệ.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Ôn bệnh điều biện”

Bài Tang cúc ẩm

Tang diệp 12g, Cúc hoa, 12, Hạnh nhân 8-12g, Cát cánh 8-12g, Lô căn 8-12g, Liên kiều, 6-12, Bạc hà 2-4g, Cam thảo 2-4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia vài lần.

Trị phong thấp mới phát, biểu hiện chứng ho, mình không nóng lắm, miệng khát vừa, lưỡi có rêu trắng, mạch phù sác.

“Ôn bệnh điều biện”

Bài Ngân kiều tán

Kim ngân hoa 8-12g, Ngưu bàng tử 8-12g, Đạm đậu xị 8-12g, Liên kiều 8-12g, Cát cánh 6-12g, Trúc diệp 6-8g, Kinh giới tuệ 4-6g, Bạc hà 8~12g, Cam thảo 2-4g.

Tất cả các vị cùng tán nhỏ, mỗi lần dùng 24g, sắc uống (sắc có mùi thơm là được, không sắc quá lâu làm mất tác dụng). Có tác dụng tân lương thấu biểu, thanh nhiệt, giải độc.

Trị bệnh ôn nhiệt mới phát, như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm, viêm Phế quản cấp, sởi, ho gà, viêm aniđan cấp, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng nhạt hoặc hơi vàng, mạch phù sác.

“Phổ tế phương”

Trị bệnh lỵ ra máu, dùng đôc vị Bạc hà sắc nước uống.

“Hòa tễ cục phương”

Bài Tiêu giao tán

Sài hồ 40g Đương quy 40g

Bạch truật 40g Bạch linh 40g

Bạch thược 40g, Trích Cam thảo 20g.

Cùng tán nhỏ, mỗi lần hãm uống 12-16g với chút Gừng tươi và Bạc hà. Có tác dụng sơ Can, giải uất, kiện Tỳ, dưỡng huyết. Trị chímg Can uất, khỉ trệ, hông sườn đau, đầu đau, mắt mờ, phụ nữ kinh nguyệt không đều, rối loạn mãn kinh, viêm xoang chậu tuyến vú sưng đau, nam giới vú to, liệt dương, lưỡi hồng nhạt, mạch hư huyền.

Trị viêm xoang mũi: dùng Tiêu giao tán gia thêm Huyền sâm, Mạch môn, Cúc hoa, Mạn kinh tử„ Bạch chỉ, Xuyên khung, Tân di hoa, Thương nhĩ tử, Cát cánh. Rất hiệu nghiệm. Người Thận âm hư thì không dùng bài này, mà dùng bài Lục vị địa hoàng thang gia Mạch môn, Ngũ vị tử, Độc hoạt, Khương hoạt, Đương quy, Huyền sâm, Tiền hồ. Nếu hơi đầy bụng thì gia thêm Nhục quế.

  • Chữa cảm, cúm, viêm họng, viêm mũi, ho, rát cổ: Bạc hà (30g), lá tràm (50g), lá đại bi (20g), kinh giới (10g), hương nhu (10g), hạt mùi (2g), an tức hương (2g). Các dược liệu làm khô, cắt nhỏ, ngâm cồn 80° trong 10 – 15 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Chắt lấy cồn hòa an tức hương đã tán nhỏ. Lọc. Khi dùng, lấy nửa thìa cà phê thuốc cho vào một cốc, đổ nước sôi vào. Dùng xông và hít.
  • Dầu Nhị thiên đường chính đại gồm tinh dầu bạc hà (950 ml), tinh dầu hương nhu (20 ml), tinh dầu long não (30 ml). Trộn đều, đóng lọ 5 ml.
  • Dầu Cửu Long có tinh dầu bạc hà (235 ml), tinh dầu tràm (90 ml), tinh dầu hương nhu (25 ml), dầu lạc (650 ml). Trộn đều, đóng lọ 5 ml.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận