Ba kích

Vị thuốc Đông y
Ba kích
Ba kích

Tên khác:

Ba kích, kê trường phong, thỏ tử tràng.

Tên khoa học:

Morinda officinalis How.

Họ khoa học:

Họ Cà Phê (Rubiaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn. Cành non, có cạnh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, dài 6-14cm, rộng 2,5-6cm, lúc non mầu xanh lục, khi già mầu trắng mốc. Lá kèm mỏng ôm sát thân. Hoa nhỏ, lúc non mầu trắng, sau hơi vàng, tập trung thành tán ở đầu cành, dài 0,3-1,5cm, đài hoa hình ch n hoặc hình ống gồm những lá đài nhỏ phát triển không đều. Tràng hoa dính liền ở phia dưới thành ống ngắn. Quả hình cầu, khi chín mầu đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh. Mùa hoa: tháng 5-6, mùa quả: tháng 7-10.

Rễ dùng làm thuốc thường khô, thường được cắt thành từng đoạn ngắn, dài trên 5cm, đường kính khỏang 5mm, có nhiều chỗ đứt để lộ ra lõi nhỏ bên trong.Vỏ ngoài mầu nâu nhạt hoặc hồng nhạt, có vân dọc. Bên trong là thịt mầu hồng hoặc tím, vị hơi ngọt.

Địa lý

Ba Kích mọc hoang, phân bố nhiều ở vùng đồi núi thấp của miền núi và trung du ở các tỉnh phía Bắc. Ba Kích có nhiều ở Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Tây.

Phân biệt tính chất, đặc điểm

Ba kích có hình trụ tròn bẹt hơi cong, nạc mập và. dầy, dài ngắn không đều nhau, đường kính 1-2cm. Bề mặt màu vàng xám, sần sùi. vỏ ngoài có vân dọc, hướng nằm ngang nứt nẻ lộ ra lõi gỗ, hình dáng nom như chuỗi ngọc, chất cứng rắn, mặt cắt không bằng phẳng, vỏ dày, dễ tách riêng khỏi lõi gỗ, mặt cắt vỏ màu tím nhạt, phần gỗ màu nâu vàng, không có mùi, vị ngọt, hơi. chát. Loại nào thân to, mập mạp, hình chuỗi ngọc, nạc dày, sắc tím là loại tốt.

Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Theo các nghiên cứu hiện đại, ba kích thiên hàm chứa vitamin C, chất đường, mỡ thực vật v.v… có tác dụng kích thích tố đối với da và hạ huyết áp. Có thể kích thích tăng trưởng tê bào lympho T của người thận hư, thúc đẩy sự chuyển hoá của tế bào lympho T, và tăng cường chức năng của tế bào T, tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng kéo dài tuổi, thọ. .

Tính vị – Qui kinh

Ba kích thiên tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh can, thận.

Tác dụng

Có tác dụng bổ thận dương, cường gân cốt, trừ phong thấp. Thích hợp với các bệnh liệt dương, di tinh, dạ con lạnh không có chửa, kinh nguyệt không điều hoà, hay lạnh và đau bụng dưới, bị phong thấp đau tê, gân cốt mềm yếu v.v…

Liều dùng

6-12g dạng thuốc thang. Có thể ngâm rượu hoặc nấu thành cao, làm thành hoàn, tán…

Những cấm kỵ khi dùng thuốc

Người nào âm hư hoả vượng, hoặc thấp nhiệt không nên dùng.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, phòng ẩm

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng

Ba kích tửu (rượu ba kích)

Ba kích 30g

Hoài ngưu tất 30g

Rượu trắng 500ml

Ngâm 7 ngày sau đem ra uống ngày 2 lần, mỗi lần 10-20ml.

Dùng cho người thận hư, liệt dương, lưng đau gối mỏi, phong thấp đau tê, co gân nhũn xương v.v…

Ba kích đồn đại tràng (Ba kích hầm lòng già)

Ba kích 30g – Ruột già lợn 150-200g

Ruột già lợn rửa sạch, nhồi ba kích vào, cho nước vừa phải, nấu cách thuỷ, ăn lòng uống thang, ngày 1 lần. Uống liền trong mấy ngày.

Dùng cho phụ nữ bị sa dạ con hoặc đái quá nhiều lần.

Ba kích đồn kê tràng (Ba kích hầm ruột gà)

Ba kích 15g – Ruột gà 2-3 bộ

Rửa sạch, cho nước lã 2 bát, sắc lấy 1 bát, nêm muối cho vừa, uống thang, ăn ruột gà.

Dùng cho người thận hư đái đêm, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, đái dầm…

Ba kích giới tửu đường thuỷ (Thuốc cai rượu)

Ba kích 15g

Đại hoàng bào chế qua rượu 30g

Ba kích trộn lẫn với gạo nếp, rang cho gạo cháy đen, bỏ gạo đi, nghiền chung với đại hoàng thành bột, trộn đường, mật ong vừa phải để uống ngày 1 lần, mỗi lần 3g. Dùng để cai rượu.

Ba kích tràng cốt tửu (rượu ba kích cứng xương)

Ba kích 80g

Khương hoạt 80g

Thạch khôi 80g

Gừng tươi 80g

Đương qui 120g

Ngưu tất 40g

Xuyên tiêu 20g

Rượu trắng 1000ml

Nghiền thành bột thô bọc trong túi vải, ngâm rượu 7 ngày sau mang ra uống ngày 1-2 lần, mỗi lần 10 – 20ml. Dùng cho người bị đau xương, đau gân.

Ba kích câu kỷ tửu (rượu ba kích câu kỷ tử)

Ba kích 60g

Cúc hoa 60g

Thục địa 45g

Xuyên tiêu 30g

Chế phụ tử 20g

Rượu trắng 1500ml

Câu kỷ tử 30g

Ngâm rượu, 7 ngày sau đem ra uống. Ngày 2 lần sớm, tối, uống nóng lúc đói, mỗi lần 20-30ml.

Dùng cho người thận dương hư lâu ngày, liệt dương, xuất tinh sớm, gối mỏi lưng chồn v.v…

Ba kích chỉ cấm hoàn (viên ba kích hãm đái)

Ba kích (bỏ lõi), ích trí nhân, trứng bọ ngựa cây dâu, thỏ ti tử (hấp rượu) các vị thuốc trên lượng bằng nhau, nghiền chung thành bột mịn, nấu với rượu hồ thành viên, to bằng hạt ngô đồng. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 20 viên. Uống trước bữa ăn với rượu muối hoặc canh muối.

Dùng cho người bị bệnh đái không hãm được.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận