Chứng Vị hàn – Vị dương bất túc

Triệu chứng Đông y

Chứng Vị hàn là chỉ Vị dương bất túc, hàn tà quá thịnh mà xuất hiện những biến hóa bệnh lý như trong Vị có hàn ngưng khí trệ, Vị mất hòa giáng. Chứng này phần nhiều do Hàn tà xâm nhập Vị, ăn uống không điều độ, ham ăn thức sống lạnh hoặc dùng quá nhiều thuốc có tính lạnh là những nhân tố gây nên bệnh.

Lâm sàng chủ yếu có các chứng trạng tự cảm thấy lạnh trong Vị, thậm chí như có cục nước đá ở trong, lạnh đau trướng đầy, lợm mửa ra nước trong, gặp lạnh thì đau tăng, gặp ấm thì đau giảm, lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng trơn, mạch Huyền hoặc Trì.

Chứng Vị hàn thường gặp trong các bệnh Vị quản thống, Ẩu thổ và Tiết tả.

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Vị dương hư, chứng Tỳ Vị hư hàn và chứng Hàn ẩm ứ đọng ở Vị.

Phân tích

Chứng Vị hàn gặp nhiều ở người trung dương bất túc như cơ thể vốn dương hư, ốm lâu chính khí bị tổn hại hoặc mệt nhọc thương Tỳ, lại do ăn uống mất điều hòa, ham thức mát lạnh, hoặc cảm nhiễm hàn tà từ bên ngoài, là những nhân tố dẫn đến Trung dương bị tổn hại, hàn tà thịnh ở bên trong, Vị mất công năng thụ nạp ngấu nhừ và hòa giáng, chính như quyển 8 sách Hội ước y kính của La thị viết: “Vị chủ nạp… bị hại từ bên ngoài, chỉ có lao động là rất dễ tổn thương Tỳ, Tỳ bị tổn thương thì biểu lý tương thông mà Vị cũng bị khốn đốn. Nếu bị hại từ bên trong, chỉ có lo nghĩ cáu giận là rất dễ hại Tâm, Tâm bị hại thì bệnh mẹ liên lụy đến con mà nguồn sinh hóa ngăn cách càng nặng, đó là tổn thương tình chí và nhọc mệt… Tỳ Vị thuộc Thổ, sợ lạnh ưa ấm, trường hợp không do hỏa tà đích thực thì các loại thuốc hàn lương sử dụng phải cẩn thận.

Hàn là chủ khí của mùa Đông, nhưng hàn tà gây bệnh thì bốn mùa đều có thể gặp, đặc điểm là ngưng trệ, co rút, dễ làm tổn thương dương khí người ta. Hàn tà tổn hại Vị cũng có đủ những đặc trưng như trên, chỉ vì trong tật bệnh khác nhau nên biểu hiện lâm sàng cũng không giống nhau. Chứng Vị hàn gặp trong bệnh Vị quản thống, đặc điểm biểu hiện lâm sàng là Vị quản đột ngột đau dữ dội; Cự án, cảm thấy cục bộ giá lạnh, gặp lạnh thì đau tăng, gặp ấm thì đau giảm; Bệnh phần nhiều do thời tiết giá lạnh hoặc mùa nóng ham ăn thức sống lạnh, hàn tà xâm nhập Vị, Vị dương bị khốn đốn, uất lại không phân bố, hàn tích ở trong, hàn ngưng khí trệ, khí huyết không thông, Vị mất sự hòa giáng, “bất thông tắc thống”; “Hàn chủ đau” chứng này vì hàn tà quá thịnh cho nên đau dữ dội; Điều trị nên ấm Vị tán hàn giảm đau, dùng bài Lương Phụ hoàn (Lương phương tập dịch) mà chữa.

– Trong các bệnh Ẩu thô và Tiết tả xuất hiện chứng Vị hàn, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm là nôn mửa, ỉa chảy, xu thế đau Vị quản so với loại trước nhẹ hơn, có kiêm chứng sôi bụng và quanh rốn trướng đau. Phần nhiều do mùa Hạ nóng nực, tham ăn thức mát lạnh hoặc đêm ngủ ở chỗ gió lộng sương mù, hàn tà trúng thẳng vào Vị Phủ gây nên bệnh. Tính của hàn là ngưng rít, ngăn trở khí cơ, trung dương bị tổn hại, Vị mất sự hòa giáng; lại vì kinh Túc Dương minh Vị cùng giao với kinh Thủ Dương minh Đại trường, cho nên hàn tà cũng có thể len lỏi vào ruột nên mới xuất hiện các chứng trạng Trường nhiễm lạnh như quanh rốn trướng đau, sôi bụng, ỉa chảy; Điều trị nên ôn trung tán hàn chỉ tả, cho uống bài Hu phác ôn trung thang(Nội ngoại thương biện hoặc luận).

Lâm sàng còn thấy chứng này đa số có kiêm cả ngoại cảm như các chứng sợ lạnh, đau mình, đau đầu v.v… Điều trị nên ôn trung giải biểu, cho uống bài Hương Tô tán (Hòa tễ cục phương ) hoặc bài Hoắc hương chính khí tán (Hòa tễ cục phương)hợp với Lý trung thang (Thương hàn luận) gia giảm.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Vị dương hư với chứng Vị hàn: Chứng hậu Vị dương hư là những biểu hiện cơ năng tiêu hóa suy thoái, thuộc loại Hư hàn do Dương hư thì sinh nội hàn, hình thành bệnh do ăn uống không điều độ, thích ăn ồ sống lạnh; hoặc dùng quá nhiều các thuốc hàn lương khắc phạt; hoặc phú bẩm bất túc, Tỳ Vị vốn yếu, dương khí tự suy, hoặc nội thương bệnh ốm lâu, dương khí hao thương, âm tà thịnh ở trong gây nên Vị dương bị tổn hại; Chứng trạng lâm sàng chủ yếu ngoài hiện tượng cảm thấy Vị quản lạnh, lợm mửa ra nước trong, triệu chứng Vị thống liên miên còn thấy cả hiện tượng khi đói thì đau tăng, ưa ấm, ưa xoa bóp, được ăn vào thì dễ chịu, lưỡi nhạt rêu trắng mỏng, mạch Trầm vô lực; khác với các chứng Vị hàn do hàn tà xâm nhập Vị, phát bệnh gấp, bệnh trình ngắn, xu thế bệnh nặng hơn.

– Chứng Tỳ Vị hư hàn với chứng Vị hàn: chứng Tỳ Vị hư hàn là chứng hậu cơ năng tiêu hóa suy thoái, thường có cả chứng trạng Tỳ dương hư không vận chuyển mạnh, như vùng bụng trướng đầy, sau khi đi ngoài trướng càng rõ; Đại tiện lỏng nhão- Nặng hơn thì tiểu tiện không lợi, thủy thũng, hoặc có kiêm chứng chân tay yếu sức, toàn thân mệt mỏi v.v… Chất lưỡi nhạt ven lưỡi có vết răng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoạt. Tỳ với Vị cùng biểu lý, ưa ráo ghét thấp, công năng chủ yếu là vận hóa chất tinh vi (Vật chất dinh dưỡng) của thủy cốc, mà công năng vận hóa ấy chủ yếu phải dựa vào tác dụng của Tỳ dương, Tỳ dương không mạnh không vận hóa được thủy cốc thì bụng trướng đầy; Vả lại sau khi ăn thì trướng tăng, tiểu tiện không lợi; Thủy thấp len lỏi ở Vị Trường thì đại tiện lỏng; Thủy thấp tràn ra cơ bắp thì thủy thũng; Tỳ dương hư thì tinh thần yếu sức, chân tay không ấm. Nắm vững những đặc điểm về nguyên nhân bệnh, cơ chế bệnh và chứng trạng của chứng Tỳ Vị hư hàn, thì việc chẩn đoán phân biệt với chứng Vị hàn không khó khăn gì.

– Chứng Hàn ẩm ứ đọng ở Vị với chứng Vị hàn: ẩm tà ứ đọng ở Vị phần nhiều do Tỳ Vị dương khí vốn hư, hàn tà ẩn náu chỉ là dụ nhân, ngoại tà dẫn động nội tà mà phát bệnh. Bệnh đa số vốn có đình ẩm, nếu không cẩn thận bị nhiễm lạnh, uống lạnh, thì ẩm tà tích tụ càng tăng, ùng ục phát thành tiếng, nặng hơn thì chóng mặt, nôn mửa ra nước trong; Điểm để phân biệt với chứng Vị hàn ở chỗ Hàn ẩm đình tụ ở Vị là dương hư ẩm ứ đọng, nặng về chứng Âm mà chứng Vị hàn là Dương hư hàn thịnh, trọng điểm là Hàn. Hàn ẩm ứ đọng ở Vị khi phát bệnh rất ít khi có chứng Vị thống, vả lại, Dương khí Tỳ Vị vốn hư, thủy cốc biến hóa ra tân dịch phân bố toàn thân, ẩm tà ứ đọng ở Vị có tiếng sèo sèo, gặp lạnh hay ăn lạnh, ẩm tà tăng nặng, nghịch lên trên thì thổ. Hàn ẩm thịnh ở trong, trung dương càng bị tổn hại gấp bội (vốn thường ngày dương hư, hàn ẩm náu lại thương dương), thanh dương không thăng lên, cho nên choáng đầu, hoa mắt v.v… đều là những chứng mà chứng Vị hàn không có.

Trích dẫn y văn

– Đau là vì hàn khí nhiễu; có hàn cho nên đau (Cử thống luận – Tố Vấn).

– Bên ngoài hút phải gió lạnh, bên trong lại ăn thức lạnh; Hàn khí ẩm náu ở khoảng Trường Vị thì có cơn đau đột ngột; Các Vị thuốc Thảo quả, Can khương, Ngô thù; Các bài thuốc Nhị trần, Phù dương trợ Vị thangảo đậu khấu hoàn chữa được bệnh ấy (Tạp bệnh – Chứng trị chuẩn thằng).

– Nếu người bệnh Tỳ Vị vốn yếu, ăn uống tuy biến hóa, nhưng ăn nhiều thì trong bụng khó chịu, đau bụng ỉa lỏng, đó là Hư hàn, điều trị nên ôn bổ kiêm tiêu đạo (Tỳ Vị bệnh – Tạp bệnh quảng yêu).

Triệu chứng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận