Chứng Huyết thoát (mất máu nhiều) trong Đông y

Triệu chứng Đông y

Khái niệm

Huyết thoát còn gọi là Thoát huyết, do bị mất huyết đột ngột lượng nhiều, hoặc xuất hiện kéo dài, lượng quá nhiều, là chứng hậu âm huyết suy kém hoặc dương khí suy giảm nghiêm trọng.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sắc mặt trắng bệch, héo hon không tươi, chóng mặt hoa mắt, hồi hộp sợ sệt, thở nhẹ mà ngắn; chân tay mát lạnh, chất lưỡi trắng nhạt, mạch không Hư hoặc Khâu, hoặc Vi Tế muốn tuyệt.

Chứng Huyết thoát thường gặp trong các bệnh xuất huyết như “Nục huyết”, “Ẩu huyết”, “Tiện huyết”, “Băng lậu”.

Cần chẩn đoán phân biệt với “Chứng Huyết hư”

Phân tích

Huyết thoát là một chứng nặng hay gặp trong lâm sàng, chủ yếu thấy ở các bệnh có tính xuất huyết như Thổ huyết, Nục huyết, Tiện huyết. Biểu hiện lâm sàng có đặc điểm đột ngột bị mất huyết lượng lớn, hoặc mạn tính xuất huyết lâu ngày không khỏi, sắc mặt trắng bệch héo hon không tươi, chóng mặt hoa mắt, tay chân mát lạnh, thậm chí hôn quyết bất tỉnh nhân sự. Huyết là mẹ của khí. Khí là soái của huyết, cho nên mất huyết lượng nhiều tất nhiên làm cho khí mất chỗ dựa, biến thành tình trạng khí theo huyết thoát. Huyết mới không sinh ra bù đắp kịp, nguyên khí cần phải củng cố ngay, nên cho uống ngay Đương qui bổ huyết thang (Nội ngoại thương biện hoặc luận) để bổ khí dưỡng huyết. Bổ khí phải nhiều hơn dưỡng huyết là vận dụng theo ý nghĩa dương sinh âm trưởng. Nếu mồ hôi ra đầm đìa, chân tay quyết nghịch, mạch Tế muốn tuyệt, là chứng hậu vong dương, cần cho uống ngay Sâm Phụ thang (Phụ nhân lương phương) hoặc Tứ nghịch thang(Thương hàn luận) để hồi dương cứu nghịch. Đợi cho huyết ngừng không ra nữa, dương khí đã hồi phục bấy giờ mới điều trị theo nguyên nhân.

Nếu như huyết nhiệt, cho uống Tê giác địa hoàng thang(Thiên kim phương) để thanh nhiệt lương huyết. Nếu do lo nghĩ tức giận, Can hỏa bốc mạnh mà Can không chứa được huyết, nên dùng Đan chi Tiêu giao tán (Phụ nhân lương phương) để sơ Can, thanh nhiệt, lương huyết. Nếu vì tư lự hại Tỳ, làm cho Tâm Tỳ đều hư, Tỳ không quản lý được huyết, nên uống Quy tỳ thang (Tế sinh phương) để ích khí dưỡng huyết.

Trong bệnh Hư lao xuất hiện chứng Huyết thoát phần nhiều là ở giai đoạn cuối của bệnh, lâm sàng có các chứng trạng gầy còm yếu ớt cực độ, sắc mặt trắng xanh, ủ dội không tươi, chóng mặt hoa mắt, mỏi mệt sợ lạnh, hồi hộp sợ sệt, mất ngủ hay mê, chất lưỡi nhạt, mạch Huyền Tế hoặc Tế sắc… đây là do tiên thiên phú bẩm bất túc, hoặc ăn uống không điều độ, mệt nhọc quá sức làm tổn thương Tỳ Vị, Tỳ mất sự kiện vận, hóa sinh bất túc, nguồn sinh hóa khí huyết thiếu thốn; hoặc là tình chí không toại nguyện, Can khí uất kết, Can mất sự sơ tiết đến nỗi không chứa được huyết; Tỳ khí hư, Tỳ không nhiếp huyết, đến nỗi vong huyết, thất huyết lâu ngày không khỏi; Hoặc vì sắc dục vô độ hao thương Thận tinh, tinh thiếu huyết suy, tích hư thành tổn gây nên; điều trị nên dùng các phép dưỡng huyết, bổ huyết, ích khí, cho uống bài nhân sâm dưỡng vinh thang (Thái bình huệ dân – hòa tễ cục phương). Phụ nữ bị chứng Huyết thoát, thường có đặc điểm là băng lậu hoặc sau khi đẻ bị huyết vậng, chứng hậu có khác nhau tuỳ thuộc vào sức khoẻ của từng người, nên điều trị theo phương hướng “Nhân nhân chế nghi”.

“Huyết tức là thần khí” con người lấy khí huyết làm gốc, “để nuôi dưỡng thân mình, không gì quý bằng huyết”, chứng huyết thoái là bởi mất quá nhiều huyết, khí theo huyết thoát, thường xuất hiện chứng hậu vong huyết, đột ngột ngã lăn, chân tay giá lạnh, sắc mặt trắng xanh vã mồ hôi đầm đìa, mạch Vi muốn tuyệt v.v.. nên cấp cứu cái phần dương sắp hết, còn nó là cứu được một phần dương khí, còn chút hi vọng sống mỏng manh.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Huyết hư với chứng Huyết thoát, cả hai đều thuộc phạm vi huyết hư. Nhưng chứng Huyết hư nguyên nhân phần nhiều do Tỳ mất kiện vận, hóa nguyên bất túc, hoặc ốm lâu doanh huyết bị hao từ bên trong, hoặc do các loại xuất huyết mạn tính làm cho âm huyết toàn thân thiếu thốn, Tạng Phủ không được nhu dưỡng, cho nên có chứng trạng sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng bủng, váng đầu hoa mắt, môi miệng và móng chân tay nhợt, chất lưỡi nhạt, mạch Tế v.v…

Chứng Huyết thoát có khả năng do huyết hư phát triển nên hoặc do mất huyết đột ngột lượng nhiều hoặc xuất huyết kéo dài gây nên. Hai chứng tuy thuộc phạm vi huyết hư, nhưng có nặng, nhẹ, hoãn, cấp khác nhau. Chứng huyết hư phần nhiều thuộc loại ốm lâu cho dù xuất huyết cũng chỉ xuất huyết lượng ít mang tính chất mạn tính, tình trạng bệnh nhẹ và từ từ.

Chứng huyết thoát phần nhiều do đột ngột bị xuất huyết số lượng lớn, tình trạng bệnh nặng và khẩn cấp, cho nên thường có các chứng trạng vậng quyết, trên trán ra mồ hôi như giọt dầu, hơi thở thấp nhỏ, chân tay quyết lạnh, mạch Vi muốn tuyệt v.v…đó là những điểm khác nhau với chứng huyết hư rất rõ ràng.

– Sáu bộ mạch Huyền Tế mà sắc, sắc mặt trắng bệch khô khan, đó là thoát huyết đại hư mà kiêm hàn, điều trị nên dùng thuốc Cam ôn bổ huyết (Thổ huyết – Chứng trị vậng bổ).

Triệu chứng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận