Progyluton

Thuốc Tân dược
Thuốc Progyluton
Thuốc Progyluton

PROGYLUTON

SCHERING AG

viên nén: vỉ thuốc có lịch hướng dẫn ghi trực tiếp ở mặt sau, gồm 21 viên nén, trong đó 11 viên, mỗi viên chứa 2 mg estradiol valerate và 10 viên, mỗi viên chứa hỗn hợp: 2 mg estradiol valerate và 0,5 mg norgestrel.

THÀNH PHẦN

cho 1 viên (trong 11 viên đầu)
Estradiol valerate 2 mg

 

cho 1 viên (trong 10 viên sau)
Estradiol valerate 2 mg
Norgestrel 0,5 mg

DƯỢC LỰC

Thành phần và hiệu quả của Progyluton được điều chỉnh theo một cách thức mà nếu uống thuốc đều đặn, sẽ tạo được một chu kỳ kinh nguyệt tương ứng với những điều kiện sinh lý của cơ thể. Hơn nữa, thuốc cũng làm mất những than phiền chủ quan do thiếu hormone, xảy ra lúc bắt đầu của thời kỳ mãn kinh hoặc đôi khi sớm hơn. Những than phiền này gồm có bốc hỏa, hay vã mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, trạng thái trầm cảm, dễ cáu giận, nhức đầu, chóng mặt. Progyluton cũng có tác dụng đối với bàng quang dễ kích thích – một triệu chứng thường xảy ra ở hội chứng mãn kinh, những dấu hiệu của thoái triển cơ và thần kinh (đặc biệt ở vùng sinh dục) thường xảy ra ở tuổi già, và những than phiền do loãng xương.

CHỈ ĐỊNH

Triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh (hội chứng quanh mãn kinh) ; vô kinh nguyên phát, thứ phát ; kinh nguyệt không đều ; triệu chứng sau cắt bỏ buồng trứng hoặc cắt bỏ buồng trứng bằng xạ trị đối với những bệnh nhân không phải ung thư.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Có thai, rối loạn chức năng gan nặng, tiền sử vàng da hoặc ngứa nhiều trong lần có thai trước, hội chứng Dubin-Johnson, hội chứng Rotor, tiền sử hoặc đang có bướu gan, tiền sử hoặc đang bị bệnh huyết khối tắc mạch (như đột quỵ, nhồi máu cơ tim), thiếu máu hồng cầu hình liềm, đã có hoặc nghi ngờ có bướu phụ thuộc nội tiết tố ở tử cung hoặc tuyến vú, lạc nội mạc tử cung, đái tháo đường nặng kèm những biến đổi ở mạch máu, rối loạn chuyển hóa lipid, tiền sử Herpes khi có thai, chứng xơ cứng tai nặng khi có thai.

THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

Lưu ý đặc biệt:

Progyluton không phải là thuốc ngừa thai.

Khi dùng thuốc, nên ngừa thai bằng các phương pháp không dùng nội tiết (ngoại lệ: không dùng phương pháp tính theo chu kỳ Ogino-Knauss và theo dõi thân nhiệt). Nếu xuất huyết không xảy ra theo chu kỳ 28 ngày, nên nghĩ đến khả năng có thai dù đang áp dụng các phương pháp ngừa thai. Trường hợp này, phải ngưng điều trị cho đến khi có chẩn đoán rõ ràng. Nếu xuất huyết “không theo lịch” xảy ra trong vòng 3 tuần từ khi uống thuốc, phải hỏi ý kiến bác sĩ nhưng lúc này không được ngưng thuốc.

Trước khi điều trị vô kinh thứ phát bằng Progyluton phải chắc chắn rằng không có thai. Nên kiểm tra loại trừ bướu tuyến yên sản xuất prolactin, vì ngày nay người ta vẫn chưa loại trừ khả năng các macroadenoma gia tăng kích thước khi estrogen liều cao được sử dụng trong một thời gian dài.

Lợi ích của việc sử dụng các chế phẩm có chứa estrogen đã được công nhận và đã được chứng minh một cách khoa học. Tuy vậy, gần đây có ý kiến cho rằng sử dụng lâu dài estrogen đơn thuần trong giai đoạn mãn kinh có thể làm gia tăng tần xuất ung thư nội mạc tử cung. Vì không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ này, nên phải ngăn sự tăng sản nội mạc tử cung khi điều trị bằng estrogen đơn thuần. Điều này có thể đạt được tốt nhất bằng cách dùng thêm progestogen, như trong trường hợp điều trị bằng Progyluton. Ở pha thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt, progestogen làm biến đổi nội mạc tử cung ở giai đoạn chế tiết và sau đó là sự xuất huyết khi ngưng thuốc – như trong chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên.

Phải báo cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân đang có các bệnh sau đây: đái tháo đường, cao huyết áp, dãn tĩnh mạch, xơ cứng tai, xơ cứng rải rác, động kinh, rối loạn chuyển hóa porphyrin, co cứng cơ, múa vờn nhẹ. Những trường hợp này, và cũng như khi có tiền sử viêm tĩnh mạch cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Trong một số hiếm trường hợp đã có bướu gan lành tính và hiếm hơn nữa ngay cả khi có bướu gan ác tính, trong một vài trường hợp có thể xảy ra xuất huyết nặng trong ổ bụng đe dọa tính mạng bệnh nhân sau khi dùng các hormone như những chất có trong Progyluton. Do đó phải báo cho bác sĩ nếu có than phiền đau bất thường phần bụng trên không tự biến mất sau một thời gian ngắn.

 do ngưng thuốc ngay:

Cơn đau đầu Migrain xảy ra lần đầu hoặc những cơn đau đầu dữ dội xảy ra thường xuyên hơn, rối loạn đột ngột về giác quan (thị giác hoặc thính giác), những triệu chứng đầu tiên của viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc bệnh huyết khối tắc mạch (thí dụ, đau bất thường ở chân hoặc sưng chân, cơn đau nhói lúc thở hoặc ho không có nguyên nhân rõ ràng), cảm giác căng đau ở ngực, chờ phẫu thuật (ngưng thuốc trước 6 tuần), bất động (như sau tai nạn), khởi phát vàng da, đợt viêm gan, ngứa toàn thân, tăng cơn động kinh, tăng huyết áp, có thai.

TƯƠNG TÁC THUỐC

Phải báo cho bác sĩ biết những loại thuốc đang dùng hàng ngày (như barbiturates, phenylbutazone, hydantoins, rifampicin, ampicillin) vì có thể làm giảm tác dụng của Progyluton. Nhu cầu thuốc uống chống đái tháo đường và insulin có thể thay đổi.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Trong những trường hợp hiếm, có thể có cảm giác căng vú, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nhức đầu, ảnh hưởng đối với thể trọng và ham muốn tình dục, và xuất huyết “không theo lịch”.

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Trước khi bắt đầu điều trị bằng Progyluton, nên khám tổng quát và khám phụ khoa (gồm cả khám vú và phết tế bào tử cung) và phải chắc chắn rằng không có thai.

Thận trọng: nên khám định kỳ mỗi 6 tháng khi điều trị lâu dài bằng Progyluton.

Vỉ thuốc có kèm một miếng dán có ghi các ngày trong tuần. Sau khi bóc nhãn bảo vệ, phải dán miếng này lên mặt trắng của vỉ thuốc sao cho ngày (trong tuần) bắt đầu dùng thuốc phải ở ngay dưới phần màu đỏ có chữ “Bắt đầu” ; thí dụ, nếu viên thuốc đầu tiên được uống vào ngày Thứ tư, phần “Bắt đầu” phải được đặt khớp với ngày có ghi “Thứ tư”. Vì vậy mỗi viên thuốc tương ứng với một ngày trong tuần và chỉ cần nhìn thoáng qua ta có thể thấy viên thuốc của ngày đó có được uống hay chưa.

Luôn luôn bắt đầu uống thuốc từ chỗ vỉ thuốc có đánh dấu “Bắt đầu” và uống thuốc hàng ngày theo mũi tên hướng dẫn cho đến hết 21 viên. Nên nuốt nguyên viên thuốc với một ít nước.

Bắt đầu uống Progyluton từ ngày thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt (ngày đầu tiên của đợt kinh vừa qua = ngày đầu tiên của chu kỳ)

Bệnh nhân vô kinh hoặc có kinh không đều có thể bắt đầu dùng Progyluton ngay sau khi được bác sĩ ghi toa.

Sau 21 ngày uống thuốc sẽ có một thời gian không uống thuốc 7 ngày mà trong khoảng thời gian này – khoảng 2-4 ngày sau khi uống viên thuốc cuối cùng. – xuất huyết giống như có kinh sẽ xảy ra. Nếu không được bác sĩ thay đổi liều, hãy bắt đầu vỉ thuốc Progyluton kế tiếp sau 7 ngày ngưng thuốc, cũng bắt đầu vào ngày trong tuần giống như ngày đầu tiên uống thuốc của vỉ thuốc trước. Uống thuốc vào giờ nào trong ngày không phải là vấn đề quan trọng, nhưng khi đã chọn được thời điểm thích hợp – tốt hơn nên uống thuốc sau ăn sáng hay sau ăn tối – thì nên giữ luôn giờ giấc đó. Nếu quên uống thuốc vào giờ giấc thông thường, nên uống viên thuốc này trong vòng 12 giờ sau đó.

BẢO QUẢN

Bảo quản thuốc đúng cách và để thuốc ngoài tầm tay trẻ em.

Thuốc Tân dược
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận