Motilium Hỗn Dịch – Motilium-M

Thuốc Tân dược
Motilium Hỗn Dịch - Motilium-M
Motilium Hỗn Dịch – Motilium-M

MOTILIUM hỗn dịch – MOTILIUM-M

Hỗn dịch uống 1 mg/ml : lọ 30 ml.

Viên nén 10 mg : vỉ 10 viên, hộp 100 viên.

THÀNH PHẦN

cho 1 muỗng lường
Domperidone 5 mg
cho 1 viên
Domperidone maleate 10 mg

DƯỢC LỰC

Domperidone kháng thụ thể dopamine với đặc tính chống nôn ói tương tự metoclopramide và một số thuốc hướng thần kinh khác. Tuy nhiên, khác với các thuốc này domperidone không dễ dàng qua được hàng rào máu não. Ở người sử dụng domperidone, đặc biệt là người lớn, tác dụng phụ như hội chứng ngoại tháp rất hiếm gặp, nhưng domperidone thúc đẩy sự tiết prolactin tại tuyến yên. Tác động chống nôn có thể do sự phối hợp của tác động ngoại biên (vận động dạ dày) và việc kháng thụ thể dopamine tại vùng cảm ứng hóa CTZ (chemoreceptor trigger zone) nằm ở ngoài hàng rào máu não. Nghiên cứu trên súc vật cho thấy nồng độ thấp trong  não, chỉ rõ tác dụng của domperidone chủ yếu trên các thụ thể dopamine ngoại biên.

Nghiên cứu ở người cho thấy uống domperidone làm gia tăng thời kỳ co của hang vị-tá tràng, gia tăng quá trình làm rỗng dạ dày với thức ăn lỏng và đặc-lỏng ở người khỏe mạnh và với thức ăn đặc ở bệnh nhân có sự chậm làm rỗng dạ dày, và tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới ở người khỏe mạnh. Thuốc không ảnh hưởng lên sự tiết của dạ dày.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Ở những người đói, domperidone hấp thu nhanh sau khi uống, với nồng độ đỉnh trong máu đạt được khoảng 1 giờ sau. Khả năng sinh học thấp của domperidone đường uống (xấp xỉ 15%) là do thuốc được chuyển hóa mạnh qua giai đoạn 1, ở thành ruột và gan. Mặc dù khả năng sinh học của domperidone tăng lên ở người bình thường khi được dùng sau bữa ăn, bệnh nhân có than phiền về tiêu hóa nên uống domperidone trước khi ăn 15-30 phút. Nồng độ axit trong dạ dày giảm sẽ làm giảm sự hấp thụ domperidone. Khả dụng sinh học đường uống sẽ giảm nếu trước đó bệnh nhân uống cimetidine hay sodium bicarbonate. Thời gian đạt nồng độ đỉnh sẽ hơi chậm và AUC sẽ hơi tăng khi thuốc được uống sau khi ăn.

Domperidone có vẻ không tích lũy hay tạo ra chuyển hóa riêng, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 90 phút là 21 ng/ml sau khi uống 30 mg/ngày trong 2 tuần thì hầu như tương đương với nồng độ đỉnh 18 ng/ml đạt được sau liều uống đầu tiên. Tỉ lệ domperidone gắn kết protein huyết tương là 91-93%.

Nghiên cứu sự phân phối thuốc bằng cách đánh dấu phóng xạ trên súc vật cho thấy thuốc được phân bố rộng rãi trong mô cơ thể nhưng nồng độ thấp trong não. Ở chuột, một số lượng nhỏ thuốc đi qua nhau thai.Nồng độ domperidone trong sữa mẹ bằng 1/4 nồng độ domperidone trong máu.

Domperidone trải qua quá trình chuyển hóa nhanh và nhiều tại gan bằng sự hydroxyl hóa và khử N-alkyl. In vitro, thí nghiệm về chuyển hóa với chất ức chế biết trước cho thấy CYP3A4 là dạng chính của cytochrome P-450 liên quan đến sự khử N-alkyl của domperidone, trong khi CYP3A4, CYP1A2 và CYP2E1 liên quan đến sự hydroxyl hóa nhân thơm của domperidone. Thải trừ qua nước tiểu và phân khoảng 31 và 66% liều uống. Một phần nhỏ thuốc được thải ra ngoài ở dạng nguyên vẹn (10% qua phân và 1% qua nước tiểu). Thời gian bán hủy trong máu sau khi uống liều đơn là 7-9 giờ ở người khỏe mạnh nhưng kéo dài ở bệnh nhân suy chức năng thận trầm trọng.

CHỈ ĐỊNH

Các triệu chứng ăn không tiêu mà thường liên quan đến sự chậm làm rỗng dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và viêm thực quản :

  • Cảm giác đầy bụng, mau no, căng tức bụng, đau bụng trên.
  • Đầy bụng, đầy hơi, ợ hơi.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Nóng bỏng sau xương ức có hoặc không kèm theo ợ chất chứa trong dạ dày lên miệng

Buồn nôn và nôn do cơ năng, thực thể, nhiễm trùng hoặc thực chế hoặc nôn do thuốc hoặc do xạ trị. Chỉ định đặc biệt cho buồn nôn và nôn gây ra do thuốc đồng vận dopamin dùng ở bệnh nhân bệnh Parkinson (như L-dopa và bromocriptine).

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không được dùng ở bệnh nhân được biết là không dung nạp với thuốc.

Không được dùng khi việc kích thích vận động dạ dày có thể nguy hiểm như đang xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột cơ học hoặc thủng tiêu hóa.

Motilium cũng không được dùng ở bệnh nhân có khối u tuyến yên tiết prolactin (prolactinoma).

THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

Khi dùng cùng lúc với các thuốc kháng axit và thuốc giảm tiết axit, các thuốc này phải dùng sau bữa ăn, nghĩa là chúng không được dùng kết hợp cùng lúc với Motilium hỗn dịch.

Trẻ nhũ nhi :

Vì chức năng chuyển hóa và chức năng hàng rào máu não chưa phát triển hoàn chỉnh trong những tháng đầu đời, mọi thuốc chỉ được dùng ở trẻ nhũ nhi với sự cẩn trọng cao và sự giám sát y khoa chặt chẽ.

Vì đặc thù không gây tác dụng phụ lên thần kinh trung ương của domperidone phần lớn do việc kém xâm nhập qua hàng rào máu não, nên những tác dụng phụ này không hoàn toàn loại trừ ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi.

Rối loạn chức năng gan :

Bởi vì domperidone được chuyển hóa mạnh ở gan nên thận trọng khi dùng ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan.

Rối loạn chức năng thận :

Ở bệnh nhân suy thận nặng (creatinin máu lớn hơn 6 mg/100 ml, nghĩa là lớn hơn 0,6 mmol/l), thời gian bán hủy domperidone trong huyết tương tăng từ 7,4 lên 20,8 giờ, nhưng nồng độ thuốc trong huyết tương ở người tình nguyện thấp hơn ở người khỏe mạnh. Bởi vì một lượng rất nhỏ thuốc dưới dạng không chuyển hóa được thải trừ qua thận, không cần phải điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận khi chỉ điều trị cấp một liều dùng duy nhất. Tuy nhiên, với việc sử dụng lặp đi lặp lại, liều dùng thường xuyên phải giảm ở mức 1-2 lần/ngày, tùy thuộc vào mức  độ suy thận trầm trọng như thế nào mà cần phải giảm liều. Nói chung bệnh nhân mà điều trị dài ngày phải được xem xét lại đều đặn.

Ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc : Motilium không ảnh hưởng lên sự tỉnh táo.

LÚC CÓ THAI và LÚC NUÔI CON BÚ

Ở súc vật thí nghiệm dùng domperidone liều cao đến 160 mg/kg/ngày không gây tác dụng sinh quái thai. Tuy nhiên, giống như phần lớn các thuốc khác, Motilium chỉ được dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu chứng minh được lợi ích của điều trị khi tiên lượng.

Cho đến nay, không có bằng chứng nào của sự gia tăng bất kỳ nguy cơ gây quái thai ở người. Thuốc được bài tiết trong sữa mẹ ở chuột (hầu hết dưới dạng chất chuyển hóa : nồng độ đỉnh là 40 và 800 mg/ml sau liều uống và liều tĩnh mạch 2,5 mg/kg, tương ứng). Ở phụ nữ cho con bú nồng độ thuốc trong sữa nhỏ hơn 4 lần nồng độ trong huyết tương. Chưa rõ là nó có gây hại  cho trẻ sơ sinh hay không vì thế phụ nữ đang cho con bú không được khuyến khích dùng Motilium trừ phi lợi ích mong đợi của điều trị là nhiều hơn nguy cơ tiềm tàng.

TƯƠNG TÁC THUỐC

Dùng cùng lúc thuốc kháng cholinergic có thể làm mất tác dụng điều trị ăn không tiêu của Motilium hỗn dịch và Motilium-M.

Thuốc kháng axit và kháng tiết axit không được dùng kết hợp với Motilium hỗn dịch vì chúng làm cho khả dụng sinh học đường uống thấp hơn (xem Thận trọng lúc dùng).

Con đường chuyển hóa chính của domperidone qua CYP3A4. Các dữ liệu in vitro đề cập đến các thuốc sử dụng phối hợp mà gây ức chế mạnh men này có thể dẫn đến kết quả là tăng nồng độ domperidone trong máu.

Ví dụ chất ức chế CYP3A4 như :

  • thuốc kháng nấm azole,
  • kháng sinh họ macrolid,
  • thuốc ức chế HIV protease,

Theo lý thuyết, vì domperidone có tác động lên vận động dạ dày, nó có thể ảnh hưởng sự hấp thu các thuốc uống đồng thời, đặc biệt là các thuốc giải phóng hoạt chất kéo dài hoặc thuốc tan tại ruột. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân đang dùng digoxin hoặc paracetamol, việc dùng đồng thời với domperidone không ảnh hưởng nồng độ của những thuốc này trong máu. Motilium hỗn dịch và Motilium-M có thể kết hợp với thuốc :

  • hướng thần kinh, mà không làm gia tăng tác dụng của các thuốc này,
  • thuốc đồng vận dopamin (bromocriptine L-dopa) nhằm giảm nhẹ các tác dụng phụ ngoại biên của chúng như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn ói.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Tác dụng phụ rất hiếm, vài trường hợp co thắt ruột thoáng qua được ghi nhận. Hiện tượng ngoại tháp hiếm thấy ở trẻ nhỏ và không gặp ở người lớn. Nếu có, hiện tượng này sẽ phục hồi hoàn toàn và nhanh chóng ngay sau khi ngưng thuốc.

Bởi vì tuyến yên nằm ngoài hàng rào máu não, Motilium có thể làm tăng nồng độ prolactine trong máu. Trong những trường hợp hiếm gặp này, sự tăng prolactine trong máu có thể gây ra hiện tượng liên quan nội tiết – thần kinh như chứng vú to, sự tăng tiết sữa bất thường. Khi hàng rào máu não chưa trưởng thành (như trẻ nhũ nhi) hoặc bất thường, tác dụng phụ thần kinh trung ương không hoàn toàn được loại trừ. Hiếm gặp các trường hợp dị ứng, như là phát ban và nổi mề đay.

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Ăn không tiêu mạn :

Người lớn : mỗi lần 1 viên hoặc 10 ml hỗn dịch x 3 lần/ngày, 15-30 phút trước bữa ăn và nếu cần thêm 1 lần trước khi đi ngủ.

Trẻ em : mỗi lần 1/2 viên hoặc 2,5 ml hỗn dịch/10 kg cân nặng, 3 lần/ngày trước bữa ăn và nếu cần thêm 1 lần trước khi đi ngủ.

Nếu kết quả chưa hài lòng, liều trên có thể tăng gấp đôi ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi. Trong các trường hợp cấp và bán cấp (đặc biệt là buồn nôn và nôn) :

Người lớn : mỗi lần 2 viên hoặc 20 ml hỗn dịch, 3-4 lần trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Trẻ em từ 5-12 tuổi : mỗi lần 1 viên hoặc 2 x 2,5 ml/10 kg cân nặng, 3-4 lần trước bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Trẻ em dưới 5 tuổi : không nên dùng dạng viên mà chỉ nên dùng Motilium hỗn dịch.

 Lưu ý :

  • Nên uống thuốc trước bữa ăn. Nếu uống sau khi ăn, sự hấp thu thuốc có thể bị chậm lại
  • Bệnh nhân suy thận, liều thường dùng nên giảm (xem Thận trọng lúc dùng).

QUÁ LIỀU

Triệu chứng :

Triệu chứng quá liều bao gồm ngủ gà, mất định hướng và phản ứng ngoại tháp, đặc biệt ở trẻ em.

Điều trị :

Trong trường hợp quá liều, cần điều trị với than hoạt và theo dõi sát bệnh nhân.

Các thuốc kháng tiết cholin, thuốc điều trị parkinson, hay thuốc kháng histamin với đặc tính kháng tiết cholin có thể giúp ích trong việc kiểm soát các phản ứng ngoại tháp.

BẢO QUẢN

Bảo quản ở nhiệt độ 15-30oC

Thuốc Tân dược
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận