Thực phẩm dưỡng sinh – THỰC DƯỠNG

Món ăn chữa bệnh

THỰC DƯỠNG (Thực phẩm dưỡng sinh): Bác sỹ Ion Bordenianu (Rumani) đề xuất 04 điểm trong ăn uống hợp lý:

  1. Bữa ăn phải diễn ra trong một bầu không khí hào hứng, yên tĩnh, ấm cúng, vui vẻ giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng và hấp thu tốt hơn.
  2. Tôn trọng tuyệt đối giờ ăn và phân phối hợp lý lượng thức ăn cho các bữa ăn: Bữa sáng 06-07 giờ chiếm 25% khẩu phần ăn cả ngày và bao gồm những thức ăn tạo nhiệt lượng như: thịt, bơ, pho mát, bánh mỳ; Bữa trưa 11-12 giờ nhẹ nhàng hơn chiếm 15% khẩu phần ăn cả ngày; Bữa chiều 17-18 giờ gồm 50% khẩu phần; Bữa tối, trước lúc đi ngủ 02-03 giờ chiếm 10% gồm sữa chua, sữa, pho mát, hoa quả. Cách ăn 04 bữa một ngày làm cho người ta sảng khoái, tăng sức làm việc, giữ sức khỏe và tránh béo phì.
  3. Thức ăn phải thật phong phú và bao gồm thực phẩm động vật và thực vật.
  4. Thức ăn không được vượt quá các nhu cầu của cơ thể tốt nhất là điều độ. Điểm này trùng hợp với điều mà Viện sỹ hàn lâm A.A.Mikulin (Liên Xô) viết trong cuốn “Sự sống lâu tích cực” (1978) về chế độ ăn uống, ông đã xác định phải “điều độ, chỉ ăn lúc đói và không bao giờ ăn quá no”.

* Thực dưỡng Trung Quốc nhấn mạnh 03 điểm quan trọng: giá bán phải rẻ, phải tiện sản xuất và phải có hiệu nghiệm. Ba điều kiện “rẻ, tiện, nghiệm” này từ vài ngàn năm này đã bảo vệ sức khỏe của nhân dân một cách rộng rãi. Người Trung Quốc thích ăn cốc loại, đậu phụ, các loại rau xanh. Họ rất coi trọng tập quán ăn uống lâu đời: người Hoa Bắc thích ăn tỏi, người Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hoa Trung, Hoa Tây thích ăn tương ớt, cà cay, dầm ớt sa tế (trích trong bộ Tân tân hữu vị đàm).

* Ở Nhật Bản, G.Ohsawa đã đề ra 10 cách ăn sau đây:

Số Ngũ cốc

(%)

Rau

(%)

Cháo

(%)

Thịt

(%)

Xà lách

(%)

Tráng miệng

(%)

Thức uống

(%)

7 100 Càng ít càng hay
6 90 10
5 80 20
4 70 20 10
3 60 30 10
2 50 30 10 10
1 40 30 10 20
-1 30 30 10 20 10
-2 20 30 10 25 10 05
-3 10 30 10 30 15 05

 

Mười cách ăn trên được xây dựng trên cơ sở điều hòa Âm Dương nên giúp cơ thể phục hồi sinh lực nhanh, gìn giữ sức khỏe tốt. Ta có thể chọn một trong 10 cách tùy theo tập quán, sở thích ăn uống. Ông khuyên nên ăn theo cách số 07 vừa giản dị, vừa giúp cơ thể đảm bảo tốt cân bằng Âm Dương. Cách ăn càng xa số 07 càng khó thực hiện hơn và hiệu quả đối với sức khỏe ít hơn (Lezen Macrobiotique G.Ohsawa 1966).

– Bác sĩ Têrajima đã đưa ra một số nguyên tắc về Thực dưỡng:

+ Ăn nhiều gạo trắng và thứ ăn động vật: nhất định sinh bệnh

+ Ăn gạo trắng và rau củ tươi, hải thảo và thức ăn động vật: tương đối khỏe mạnh (nguyên tắc này tốt hơn nguyên tắc trên vì ăn rau và hải thảo).

+ Ăn bánh mỳ trắng, đường, rau củ tươi và thức ăn động vật: không khỏe mạnh (nguyên tắc này, nếu không ăn rau củ tươi cũng nhất định sẽ sinh bệnh).

+ Ăn bánh mỳ đen, rau củ tươi, hải thảo và thức ăn động vật: mạnh khỏe;

+ Ăn gạo Lứt, rau củ tươi, hải thảo và chút ít thức ăn động vật: nhất định khỏe mạnh.

* Ở Ấn Độ (xuất xứ của ăn chay).

Ăn chay là một cách ăn được rất nhiều người châu Á hưởng ứng, nhất là lớp người tu hành trong các tôn giáo.

Ăn chay nói chung là chỉ ăn thực vật mà không ăn thức ăn huyết nhục.

Ăn chay có nhiều cách, tùy theo thể chất từng người thích hợp với mỗi cách ăn chay thông thường từ trước đến nay có thể chia làm 04 cách:

  1. Ăn chay chính thống: không dùng bất cứ một thức ăn nào có tính chất động vật. ngoài đức tính hiếu sinh của người ăn chay, về y học, các bác sĩ Gilbert và Dominici phân tích phân của người ăn thịt thấy một ly khối chứa 67.000 vi trùng, còn một ly khối phân của người ăn chay chỉ có 2.250 vi trùng mà thôi.
  2. Ăn chay với trái cây và hạt: Những người ăn theo cách này nhận thức rằng chỉ có trái cây và hạt mới là những thức ăn trong lành, không cặn bã độc.
  3. Ăn rau, quả sống: Nghĩa là chỉ ăn sống rau, củ, quả tươi theo thiên nhiên, không nấu nướng gì hết, họ cho như vậy là đầy đủ các sinh khí hơn các thức ăn đã nấu chín.
  4. Thức ăn tạp: Ngoài cốc loại, các thứ rau trái, còn ăn thêm trứng, sữa, yến xào và các thực phẩm chế biến từ động vật như: bơ, sữa chua, pho mát…

Từ trước đến nay rất nhiều người ăn chay, có những người nhờ ăn chay mà lấy lại được sức khỏe đã mất. Nhưng cũng có người vì ăn chay mà ốm yếu, bệnh tật còn nặng hơn hồi ăn mặn, do ăn chay chưa hợp lý, chưa dựa theo nguyên lý điều hòa cơ thể, cân bằng Âm Dương (phần trên đã trình bày).

Phương pháp ăn chay theo nguyên lý Âm Dương giúp ta tránh được những tác hại, nhờ cách biết chọn lựa những thực phẩm phù hợp với thể chất của mình. Ăn chay theo nguyên lý Âm Dương không phải là kiêng cữ không phân biệt, không giới hạn mà là đừng để ràng buộc với những thức ăn hấp dẫn nhưng không họp với mình như gạo xát trắng, đường tinh chế, bánh ngọt cũng như các thức ăn huyết nhục… Ăn chay như vậy, nhất là những người ăn chay thường thì tránh sao khỏi ốm đau, bệnh tật, không đúng vói nghĩa chữ “Ăn chay thanh tịnh”.

* Ở nước ta trong “Vệ sinh yếu quyết”, Danh y Hải Thượng từng khuyên: “Vệ sinh ăn uống trước tiên – khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đạm nồng. – Cao lương tích trệ sinh hung, – Rau tương thanh đạm, đói lòng cũng ngon. – Ăn nhiều ngũ cốc tốt hơn. – Thịt thà tanh béo sinh đờm, lãi giun. – Có câu tham thực cực thân; – Bệnh tòng khẩu nhập ta cần phải kiêng. – Muốn cho Ngũ tạng được yên, – Bớt ăn mấy tiếng, nhịn thèm giảm đau. – Chết vì bội thực cũng nhiều, – Ngờ đâu lại có người nghèo chết no. – Còn người phú quý nhàn cư, – Ngày đêm yến tiệc, ăn no lại nằm. – Rượu say rồi lại nhập phòng, – Khỏi sao tích trệ, phạm phòng chết non.”…

Kế thừa phương hướng trên, dựa vào tập quán ăn uống Việt Nam, qua nhiều năm theo dõi kết quả thực tế và tham khảo tài liệu trong và ngoài nước; Câu lạc bộ Thực dưỡng đã xây dựng một phương thức “Ăn uống hợp lý” như sau:

– Thức ăn chính: gạo (gạo Lứt là tốt nhất) và cốc loại khác (ngô, khoai, mì, kê, sắn) 50-60%.

– Thức ăn phụ: các loại rau củ, các loại đậu, rong biển… 40-50%.

– Thức ăn không nhất thiết phải dùng thường xuyên: thịt, cá, đường và các sản phẩm gốc động vật (bơ, sữa): 03-05%.

– Thức ăn dùng làm gia vị: dầu, giấm, nước chấm vừa đủ.

– Hoa quả tráng miệng: 05-10%.

Phương thức này đảm bảo, không những đủ chất bổ dưỡng thiết yếu mà cả nhu cầu năng lượng theo khẩu phần trung bình của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề ra: “Năng lượng do đạm (Protid) 12% – Năng lượng do mỡ (Lipid) 15-20% – Năng lượng do đường bột (Glucid) 65-75%”.

Riêng đối với người lớn tuổi, cần nhấn mạnh: không ăn nhiều thừa năng lượng. Ăn khoảng 80% nhu cầu là tốt nhất, nên tăng chất, giảm lượng một ít. Các nhà khoa học chuyên về dinh dưỡng cho biết rằng: “Người lớn tuổi ăn uống quá mức còn nguy hiểm hơn là thanh niên ăn uống thiếu thốn”. Nếu cơ thể tăng 20% cân nặng, tỷ lệ tử vong sẽ tăng 40% và nếu tăng 40%, tỷ lệ tử vong sẽ tăng 80%. Trong khẩu phần ăn có 03 thứ cần giảm là: Muối (dùng muối biển); mỡ (thay mỡ động vật bằng dầu thực vật); đường (không dùng đường tinh chế) và 02 thứ nên tăng là tỷ lệ đạm thực vật (rau quả chín tươi) và sữa chua (nếu có). Món ăn đa dạng dựa theo tập quán, truyền thống, chế biến nấu nướng đơn giản, hấp dẫn dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu.

Ta cũng cần rõ thêm là những phân tích thành phần và tỷ lệ chỉ có tính tương đối, vì mỗi loại thức ăn đều là “tổng thể”của những chất thiết yếu đó, hơn nữa tỷ lệ này có thể thay đổi từng vùng, từng người. Ngoài ra, một trong những căn bản của vấn đề “Thực dưỡng” là tạo ra được những điều kiện thích hợp để thức ăn vào cơ thể sẽ tiêu hóa tốt, sau đó được hấp thu hết. Chú ý:

– Quy định giờ ăn: Các quy trình sinh lý diễn ra trong cơ thể theo nhịp điệu nhất định, chúng nối tiếp nhau theo một chu kỳ nhất định. Trong hoạt động của các cơ quan tiêu hóa cũng có một nhịp điệu có thể làm quen nhanh với việc ăn vào những giờ quy định từ trước. Trong các trường hơp này, đến giờ ăn, dịch vị tiết ra trước, ăn thấy ngon miệng hơn.

– Bữa ăn cần có một không khí đầm ấm, hứng thú, thảnh thơi và ngon miệng. Sự ngon miệng là sự kích thích dịch vị tốt nhất. Nhà bác học Páp-lốp (Liên Xô) đã nhấn mạnh: “Thức ăn tốt nhất là người ăn thấy ngon miệng”. Điều này, nói lên cách nấu nướng hợp khẩu vị chưa đủ mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như cách bày biện hài hòa màu sắc, mùi vị món ăn (dù chỉ là một vài món thanh đạm) trên một bàn ăn sạch, đi đôi với việc ngừng suy nghĩ căng thẳng, lo âu, phiền muộn và sự bận rộn của mọi công việc để tập trung sự chú ý vào bữa ăn. Có như vậy, ăn mới ngon miệng, mới thực sự đem lại lợi ích cho người ăn.

– Thay đổi món ăn cho phù hợp với nhu cầu và khẩu vị của bản thân. Luật thiên nhiên là thay đổi không ngừng. Cơ thể và mỗi tế bào trong thân thể đều đổi thay từng mùa, từng ngày, từng lúc. Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng cũng đổi theo vừa hợp khẩu vị, vừa hài hòa với hoàn cảnh, điều kiện mình đang sống và vẫn giữ được bản sắc thiên nhiên của các món ăn trong khẩu phần ăn uống hợp lý.

Ăn phải nhai kỹ: Nhai kỹ giúp cho một phần thức ăn tiêu hóa ngay ở trên miệng nhờ các Enzyme trong nước bọt tiết ra, thực hiện đúng chức năng tiêu hóa nghiền nhuyễn thức ăn (80% nhờ răng miệng, phần còn lại là dạ dày). Khi thức ăn được nhai kỹ, mức độ hấp thu được tăng 25%. Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà người ta lại nói: “Nhai kỹ tiêu tốt”và “Ai nhai kỹ thì sống lâu”. Tất nhiên muốn nhai kỹ cần có hàm răng tốt, nếu răng yếu thì nấu thức ăn nhừ hơn để đỡ phải nhai nhiều, nhưng mỗi miếng ăn, sau khi nhai sơ bộ phải ngậm thêm mươi giây để thức ăn hòa đồng với Enzyme trong nước bọt tiết ra rồi hãy nuốt. Nhai kỹ không chỉ giới hạn ở việc làm nghiền nhỏ thức ăn mà quá trình nhai còn kích thích làm tiết dịch vị và làm điều hòa nhu động của dạ dày và ruột. Những nhu động này có tầm quan trọng trong việc làm tiêu hóa các thức ăn. Nhai kỹ còn làm ấm thêm các loại thức ăn lạnh và đặc biệt phát huy được tác dụng tốt của nước bọt (còn gọi là ngọc dịch) trong dinh dưỡng.

Ăn vội, nhai dối bắt dạ dày phải làm việc nhiều, thức ăn này nằm trong dạ dày lâu hơn, tiêu hóa và hấp thu kém, đưa lại những hậu quả xấu, không những làm rối loạn hoạt động của dạ dày mà các cơ quan khác của hệ tiêu hóa. Muốn cho tiêu hóa được tốt, cần tham khảo câu: “Nhai thức uống và uống thức ăn”. Ý nói ăn gì cũng phải nhai, kể cả nước uống, còn thức ăn thì phải nhai thành nước mới nuốt.

Điều độ và từ tốn:

Điều độ: không nên bữa thì ăn quá nhiều, bữa thì ăn quá ít, đặc biệt là ăn quá nhiều làm mệt hệ tiêu hóa, thức ăn không tiêu hóa hết sẽ lên men thối rữa trong ruột làm cơ thể sinh bệnh. Luôn luôn rời bàn ăn khi bụng còn muốn ăn thêm và chỉ ăn khi bụng đói.

Sau khi vừa làm việc mệt nhọc xong, không nên ăn ngay. Cần để cơ thể nghỉ ngơi, khỏe mới đủ khả năng tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất bổ đầy đủ và cũng không nên ăn uống trước khi đi ngủ, vì ban đêm mọi hoạt động của cơ thể cần nghỉ ngơi do đó khó tiêu hóa thức ăn. Không uống nước trong khi ăn, vì nước sẽ làm loãng dịch tiêu hóa, tốt nhất là uống sau khi ăn 15-20 phút. Thức ăn, nước uống không được nóng quá 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C, tốt nhất là bằng thân nhiệt (37 độ C) ăn uống quá lạnh làm cơ thể giảm nhiệt độ đột ngột dễ bị cảm nhiễm thời tiết, ăn uống quá nóng có thể làm bỏng lưỡi, ống tiêu hóa, nhất là vách dạ dày mỏng manh.

Từ tốn: Ngay từ thời cổ, trước khi có những công trình nghiên cứu của Y học hiện đại về vấn đề già trước tuổi, các thầy thuốc và các triết học đã đánh giá cao việc ăn uống từ tốn, coi đây là một phương pháp quan trọng để kéo dài tuổi thọ. Ăn uống từ tốn có nghĩa là lượng thức ăn mà con người cần tùy thuộc vào tuổi, vào giới, trọng lượng cơ thể, hình thức lao động, khí hậu, thổ ngơi, tập quán… và về nguyên tắc là thức ăn phải tương ứng với những tiêu hao năng lượng của cơ thể. Ăn uống nhiều quá, nhất là các chất giàu Calorie, lại sống tĩnh tại, ít vận động, sẽ gây nhiều thứ bệnh.

Món ăn chữa bệnh
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận