Chú ý khi sử dụng Thuốc corticoid

Sử dụng thuốc

Thuốc corticoid là loại thuốc giảm đau chống viêm mạnh nên khi sử dụng phải hết sức chú ý. Bởi vì khi sử dụng đúng, thuốc cho tác dụng điều trị rất tốt nhưng nếu lạm dụng, dùng bừa bãi, thuốc sẽ gây các tai biến rất nguy hiểm.

Thuốc corticoid được đề cập ở đây gọi đầy đủ là glucocorticoid. Thực chất đây là một nhóm thuốc gồm nhiều thuốc, trong đó có hai thuốc có nguồn gốc thiên nhiên được tiết ra từ tuyến thượng thận (là tuyến úp trên quả thận của chúng ta) có tên là cortisone và hydrocortisone. Hai thuốc có nguồn gốc thiên nhiên này được sử dụng đầu tiên vào cuối những năm 1940 và từ đó đến nay có nhiều thuốc thuộc nhóm được tổng hợp để cho tác dụng mạnh hơn nhiều, đó là: prednisone, prednisolone, dexamethasone, triamcinolone, betamethasone v.v…

Thuốc được bào chế ở nhiều dạng: dạng thuốc viên uống, dạng kem bôi ngoài da, dạng khí dung được bơm xịt vào họng; dạng thuốc tiêm, có cả dạng tiêm thẳng vào khớp cho tác dụng kéo dài. Đặc biệt, dạng thuốc viên uống là dạng được dùng nhiều hơn cả, trước đây nhiều người gọi là “thuốc hột dưa” vì viên thuốc được bào chế có dạng giống như hạt dưa.

Trước hết, ta cần biết các corticoid được tiết ra từ tuyến thượng thận trong cơ thể ta có nhiều tác dụng khác nhau ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, đến sự cân bằng nước và muối khoáng, đến hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương, cùng nhiều cơ quan khác. Nói chung, những tác dụng mà corticoid đem đến có vai trò hết sức quan trọng đến nỗi khi cắt bỏ thận hoặc khi suy vỏ tuyến thượng thận là nơi tiết ra các corticoid, ta không thể sống được nếu không bổ sung thuốc corticoid một cách liên tục.

Trong điều trị bệnh, thuốc corticoid được dùng do có tác dụng: chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Các thuốc này tỏ ra hiệu quả trong điều trị các bệnh liên quan đến sưng viêm, dị ứng như: viêm cơ, viêm xương khớp, hen suyễn, thấp khớp v.v… Do làm giảm đau, giảm sưng nhanh và giảm nhiều triệu chứng khác, đặc biệt thuốc có tác dụng kích thích hệ thần kinh gây hưng phấn, sảng khoái, thuốc làm đọng mỡ, giữ nước gây mập nên thuốc rất dễ bị lạm dụng, được dùng bừa bãi và lâu ngày. Thậm chí có người lạm dụng, dùng dài ngày xem như “thần dược trị bá bệnh”.

Điều hết sức quan trọng ta cần biết là nếu thuốc corticoid dùng bừa bãi và lâu ngày sẽ đưa đến các tác dụng phụ, các tai biến rất nguy hiểm. Dùng thuốc corticoid lâu ngày có thể bị loãng xương, người cao tuổi rất dễ bị gãy xương còn trẻ con thì chậm lớn do chậm phát triển xương. Thuốc làm teo cơ nhưng lại gây đọng mỡ ở mặt, sau cổ, vai, đặc biệt có tác dụng giữ nước và ion natri lại trong cơ thể gây phù mà nhiều người tưởng lầm là thuốc làm cho mập, gây tăng trọng. Chính do tác dụng giữ nước và ion natri mà thuốc corticoid làm tăng huyết áp và hại thận. Do làm tăng tiết acid dịch vị nên dùng thuốc corticoid lâu ngày có thể bị loét dạ dày, thậm chí xuất huyết tiêu hóa. Do thuốc ức chế hệ miễn dịch từ đó làm giảm sức đề kháng chống lại bệnh tật của cơ thể nên người sử dụng corticoid rất dễ bị nhiễm trùng, nếu họ đang có một vết thương nhiễm trùng thì vết thương khó lành, còn nếu đang ở tình trạng nhiễm khuẩn ít, tiềm ẩn thì có thể bộc phát thành nhiễm khuẩn nặng, vì vậy, thuốc không được dùng khi bị bệnh lao, bị các bệnh nấm. Đặc biệt, nếu dùng thuốc corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết và như thế là rất nguy hiểm.

Những tác dụng phụ nguy hại kể ở trên chủ yếu là do dùng thuốc corticoid dạng viên uống không đúng cách và dài ngày. Ở đây phải kể thêm tai biến do tiêm chích thuốc corticoid loại tác dụng kéo dài như triamicinolone (biệt dược: Kcort) vào khớp một cách bừa bãi đã xảy ra ở một số người, thậm chí xảy ra ở trẻ con nước ta. Thuốc corticoid tiêm chích tại khớp thì tuy có tác dụng giảm đau, giảm sưng viêm tại khớp nhanh nhưng sẽ có những tác dụng phụ nguy hiểm cho bệnh nhân như có thể gây rối loạn chuyển hóa toàn thân, làm hủy hoại khớp, gây teo cơ nơi tiêm chích, gây nhiễm khuẩn nếu tiêm không đúng cách và vô trùng. Riêng thuốc corticoid dạng kem bôi ngoài da tưởng dùng ngoài không việc gì thực chất vẫn có thể gây tai biến rất đáng ngại.

Hiện nay, có một số thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid được bày bán tại các quầy mỹ phẩm đều được người bán giới thiệu là kem trị mụn, dưỡng da, làm trắng da… không ít người tưởng lầm đó là mỹ phẩm nên dùng thoa mặt hàng ngày. Có thể kể tên một số dược phẩm bôi ngoài da chứa corticoid được dùng nhầm như mỹ phẩm như: Cortibion, Halog, Synalar, Topsyne, Topgel, Diprosone…

Dùng thường xuyên như thế rất tai hại bởi vì lúc đầu khi bôi thấy có vẻ như làm mịn da nhưng dần dà thuốc làm teo da, rạn da, nổi mụn tấm li ti, chưa kể nếu bôi diện rộng thuốc hấp thụ qua da vào máu gây tai biến toàn thân như đã kể trên.

Như vậy, ta thấy thuốc corticoid tuy có nhiều tác dụng trị liệu rất tốt nhưng đồng thời có nhiều tác dụng phụ gây nguy hiểm. Vì vậy, ta không nên tự ý sử dụng bừa bãi mà chỉ nên dùng khi có sự chỉ định, theo dõi của thầy thuốc. Ngay như thuốc corticoid bôi ngoài da ở nhiều nước chỉ được mua tại nhà thuốc khi có toa của bác sĩ điều trị và thường bác sĩ cho toa dùng không quá 7 ngày.

Ta nên để bác sĩ chỉ định thuốc corticoid bởi vì chính bác sĩ trực tiếp khám mới biết được trường hợp nào không được dùng thuốc, trường hợp nào được và dùng thuốc loại nào, liều lượng ra sao, thời gian sử dụng thuốc kéo dài bao lâu. Ngoài ra, thầy thuốc còn có những lời khuyên giúp cho việc dùng thuốc an toàn và hiệu quả như: không được đột ngột ngưng thuốc mà phải giảm liều từ từ để tránh ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, trong thời gian dùng thuốc nên ăn nhiều chất đạm, giảm bớt chất béo, đường bột, muối v.v…

Tóm lại, dùng thuốc corticoid cũng giống như sử dụng con dao hai lưỡi. Biết cách sử dụng thì đó là thuốc rất tốt nhưng nếu dùng bừa bãi, không đúng thì chính thuốc sẽ gây các tai biến rất đáng tiếc.

Sử dụng thuốc
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận