Bùm bụp-Bùm bụp bông to-Bùm bụp gai-Bùm bụp nâu

Cây thuốc Nam

Bùm bụp

Loài phân bố ở lục địa Đông Nam á châu. Ở nước ta, thường gặp trên các đồi, trong rừng thưa. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Vỏ thân thu hái vào mùa xuân- hè, phơi khô.

Bùm bụp, Bùng bục, Ba bét trắng, Cây ruông – Mallotus apelta (Lour.) Muell. -Arg., thuộc họ Thầu dầu -Euphorbiaceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ hay cây bụi cao 1-2m hay hơn, có thể tới 5m; cành non có lông màu vàng nhạt. Lá mọc so le, nguyên, hoặc chia thuỳ rộng, có 2 tuyến ở gốc, mép khía răng; cuống lá và mặt dưới của lá có lông dày mịn màu trắng. Hoa đực và hoa cái riêng mọc thành bông đuôi sóc dài đến 50cm, thõng xuống. Quả nang, to 2cm, có gai mềm, dài 5mm. Hạt màu đen bóng. Ra hoa tháng 4-7, có quả tháng 7-9.

Bộ phận dùng: Rễ, vỏ cây và lá – Radix, Cortex et Folium Malloti Apeltae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở lục địa Đông Nam á châu. Ở nước ta, thường gặp trên các đồi, trong rừng thưa. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Vỏ thân thu hái vào mùa xuân- hè, phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Bùm bụp có vị hơi đắng và chát, tính bình. Rễ có tác dụng hoạt huyết, bổ vị tràng, thu liễm; lá và vỏ đều có tác dụng tiêu viêm, cầm máu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ dùng chứa: 1. Viêm gan mạn tính, sưng gan lá lách; 2. Sa tử cung và trực tràng; 3. Huyết trắng, phù thũng khi có thai; 4. Viêm ruột ỉa chảy. Vỏ thân chống nôn, chữa viêm loét hành tá tràng và cầm máu. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Lá dùng ngoài trị viêm tai giữa, cụm nhọt, đòn ngã tổn thương, chảy máu.

Đơn thuốc:

  1. Viêm gan mạn tính, sưng gan lách: Rễ Bùm bụp 15g, rễ Muỗng truồng 30g và rễ Sim 30g, sắc uống.
  2. Sa tử cung và trực tràng: Rễ Bùm bụp 30g, rễ Kim anh 15g, sắc uống.
  3. Băng huyết sau khi đẻ: Vỏ thân khô Bùm bụp 15g, phối hợp với thân cây Lấu, rễ Vú bò, cành lá Chua ngút, mỗi vị 12g, sắc uống.

Bùm bụp bông to

Bùm bụp bông to – Mallolus macrostachyus (Miq.) Muell – Arg., thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.

Mô tả: Cây gỗ cao đến 10m; nhánh thòng có lông hung. Lá có phiến xoan nhọn, to đến 20 x 18cm, gốc tròn, gân hơi hình lọng, với tuyến ở nơi gắn của cuống, mép nguyên hay có hai thuỳ nhỏ, mặt trên không lông, mặt dưới có gân bậc ba lồi và lông nâu; cuống to, dài đến 20cm, lá bắc cao 1cm. Chuỳ hoa đực dài đến 20cm; hoa đực có 4 lá đài, nhiều nhị. Bông cái dài 20-40cm, không nhánh. Quả nang to 1cm, có gai nạc cao 2,5mm, có lông hung, có 3 nhánh vỏ. Ra hoa tháng 7-8, quả tháng 8-10.

Bộ phận dùng: Lá – Folium Malloti Macrotachyi.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở trong các lùm bụi và ven rừng đến độ cao 400m, ở Ninh Bình, Lạng Sơn, Thừa Thiên – Huế, Lào Cai, Hoà Bình… còn phân bố ở nhiều nước khác như Thái Lan. Malaixia, Inđônêxia.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá non giã đắp cầm máu vết thương. Nước sắc lá dùng rửa sạch vết thương và lá hơ nóng dùng làm thuốc đắp vết thương và mụn nhọt.

Bùm bụp gai

Bùm bụp gai, Ba bét lông, Bông bét, Cám lợn – Mallotus barbatus (Wall) Muell – Arg., thuộc họ Thầu dầu -Euphorbiaceae.

Mô tả: Cây nhỡ cao đến 6m; nhánh, mặt dưới lá có lông hình sao, mịn như bông, màu vàng. Lá có 7-9 gân gốc toả ra hình lọng, phiến lá chia 3 thuỳ hay không, mép có răng thưa; cuống như tròn; lá kèm 1cm. Bông dài đến 20cm; hoa đực có hơn 50 nhị; hoa cái có bầu dầy lông. Quả nang to 13 – 15mm, có lông vàng vàng dày và gai nạc cao 2-3mm; hột 4mm, đen. Ra hoa vào mùa xuân và mùa hạ.

Bộ phận dùng: Rễ, vỏ cây, lá và bột ở vỏ hạt – Cortex, Folium et Farina Tegumenti Malloti Barbati.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở trên đồi, trong rừng thưa, ngoài bãi hoang và ven đường, vùng núi cho đến 1100m, khắp nước ta. Có phân bổ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin.

Thành phần hoá học: Hạt chứa dầu.

Tính vị, tác dụng: Rễ có vị hơi đắng, chát, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, giảm đau, chỉ tả.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, rễ dùng trị viêm ruột, ỉa chảy, tiêu hoá không bình thường, viêm niệu đạo, bạch đới, sa tử cung; lá dùng trị ghẻ ngứa và ngoại thương xuất huyết. Người ta còn dùng vỏ sắc dùng trị cụm nhọt, buồn nôn, trị viêm hành tá tràng và dạ dày. Lá sắc nước dùng trị phù thũng. Lớp bột ở ngoài hạt và lông dùng trị sán xơ mít và giun.

Bùm bụp nâu

Bùm bụp nâu, Bông bét – Mallotus paninculatus (Lam.) Muell.- Arg. (M. cochinchinensis- Lour.), thuộc họ Thầu dầu – Eu-phorbiaceae.

Mô tả: Cây nhỡ hay cây lớn đến 20m. Lá có phiến xoan tam giác hay hình bánh bò, có ba thuỳ hay không, có hai tuyến ở gốc phiến, mặt dưới có lông hình sao; cuống dài đến 18cm. Cụm hoa có lông nâu, dài 7-35cm; hoa đực có 50-60 nhị; hoa cái có bầu 2-3 ô. Quả nang to 7-8mm, có gai nạc thưa dài; hạt tròn. Hoa tháng 5-6, quả tháng 11-12.

Bộ phận dùng: Rễ, quả – Radix et Fruetus Malloti Paniculati.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc nhanh trên các nương rẫy bị bỏ hoang hay rừng bị tàn phá kiệt quệ, thường mọc lẫn với Ba soi, Lành ngạnh, Hu day, Cỏ lào… Ở nhiều nơi khắp nước ta dưới độ cao 500-600m, từ Hà Giang, Lào Cai cho tới Lâm Đông, Kiên Giang (Phú Quốc). Có thể thu hái rễ quanh năm, thường dùng tươi; quả thu hái tháng 10-11.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt có chất mỡ đặc có thể dùng để thắp. Rễ và quả dùng đắp chữa các vết thương đụng giập, sưng tấy. Cần chú ý là vỏ cây có nhiều sợi, có thể dùng để bện thừng

Cây thuốc Nam
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận