VAI TRÒ VÀ NHU CẦU VITAMIN

Bệnh truyền nhiễm

* Khái niệm chung về vitamin

Vitamin là một nhóm chất hữu cơ mà cơ thể không thể tự tổng hợp để thoả mãn nhu cầu hằng ngày. Nhu cầu đề nghị cho đa số các vitamin trong khoảng vài trăm mg mỗi ngày. Nhu cầu nhỏ như vậy nhưng thiếu vitamin sẽ gây ra nhiều rối loạn chuyển hoá quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển, sức khoẻ và gây các bệnh đặc hiệu.

Viatmin cần thiết cho cơ thể con người có thể chia ra hai nhóm: vitamin hoà tan trong chất béo và vitamin hoà tan trong nước. Sự phân loại này dựa trên tính chất vật lý của vitamin hơn là dựa vào tác dụng sinh học của chúng.

Các vitamin tan trong chất béo được đề cập đến trong phần này là vitamin A, D, E, K. Trong số này, chức năng của vitamin A và D đã được hiểu biết rộng rãi. Vitamin A cần thiết cho quá trình nhìn, sự bền vững của da và chức năng miễn dịch. Beta – caroten, tiền chất của vitamin A, vitamin E có vai trò là chất anti oxydant, bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây oxy hoá. Vitamin K cần thiết cho quá trình đông máu và tham gia vào quá trình tạo xương. Mặc dù, các vitamin này có ảnh hưởng tốt đến sức khoẻ, nhưng khi dùng với liều cao có thể gây ngộ độc.

Vitamin A (Retinol)

  • 1.1. Chức năng

Retinol và retinal cần thiết cho quá trình nhìn, sinh sản, phát triển, sự phân bào, sự sao chép gen và chức năng miễn dịch, trong khi retinoic acid cần thiết cho quá trình phát triển, phân bào và chức năng miễn dịch.

Nhìn: Chức năng đặc trưng nhất của vitamin A là vai trò với võng mạc của mắt, mặc dù mắt chỉ giữ một lượng vitamin A bằng 0,01% của cơ thể, tham gia vào chức năng của tế bào hình que trong việc đáp ứng với ánh sáng khác nhau, tham gia vào chức năng của tế bào hình nón trong việc phân biệt màu sắc.

Chức năng phát triển: Khi động vật bị thiếu vitamin A, quá trình phát triển bị ngừng lại. Những dấu hiệu sớm của thiếu vitamin A là mất ngon miệng, giảm trọng lượng. Thiếu vitamin A làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, quá trình vôi hoá bị rối loạn. Chức năng phát triển của vitamin A là do acid retinoic đảm nhận.

Biệt hoá tế bào và miễn dịch: Phát triển và biệt hoá tế bào xương là một ví dụ điển hình về vai trò của vitamin A. Nhiều bất thường về thay đổi cấu trúc và biệt hoá tế bào, mô do thiếu vitamin A đã được biết đến từ lâu: sừng hoá các tế bào biểu mô, các tế bào bị khô đét và khô cứng lại. Những mô nhạy cảm nhất với vitamin A là da, đường hô hấp, tuyến nước bọt, mắt và tinh hoàn. Sừng hoá biểu mô giác mạc có thể gây loét và dẫn đến khô mắt.

Acid retinoic tham gia vào quá trình biệt hoá tế bào phôi thai, từ những tế bào mầm thành những mô khác nhau của cơ thể như cơ, da và các tế bào thần kinh. Quá trình này thông qua những biến đổi của gen. Hiện nay, khoa học đã phát hiện khoảng trên 1000 gen có tương tác với vitamin A, trong đó bao gồm hormone tăng trưởng, osteopontin, hormone điều hoà phát triển, trao đổi của xương.

Vitamin A cần cho chức năng của tế bào võng mạc, biểu mô (hàng rào quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài). Hai hệ thống miễn dịch thể dịch và tế bào đều bị ảnh hưởng của vitamin A và các chất chuyển hoá của chúng.

Sinh sản: Retinol và retinal đều cần cho chức năng sinh sản bình thường của chuột. Khi thiếu hụt retinol hoặc retinal chuột đực không sinh sản tế bào tinh trùng, bào thai phát triển không bình thường.

  • 1.2. Hấp thu và chuyển hoá

Retinol và retinyl ester có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Beta – caroten có trong các loại rau quả màu xanh đậm, màu vàng (beta – caroten là tiền chất của vitamin A, tiền chất này được chuyển hóa bởi ruột thành vitamin A để cơ thể có thể sử dụng được). Theo y học cổ điển, khi vào cơ thể beta – caroten chuyển thành vitamin A với tỷ lệ 6 beta – caroten = 1 RE (hiện nay, khuyến nghị mới là 1 vitamin A RE = 12 beta – caroten = 24 carotenoid khác). Hấp thu beta – caroten còn bị ảnh hưởng bởi một số thành phần khác trong thức ăn như protein, chất béo trong khẩu phần, và phụ thuộc vào các loại thực phẩm khác nhau.

Vì vitamin A hoà tan chất béo nên quá trình hấp thu được tăng lên khi có những yếu tố làm tăng hấp thu chất béo và ngược lại. Ví dụ, muối mật làm tăng hấp thu chất béo, do vậy những yếu tố làm tăng bài tiết mật hoặc giảm bài tiết mật đều ảnh hưởng đến việc hấp thu vitamin A trong khẩu phần.

Caroten sau khi được phân tách khỏi thức ăn thực vật trong quá trình tiêu hoá, chúng được hấp thu nguyên dạng với sự có mặt của acid mật. Tại thành ruột chúng được phân cắt thành retinol, rồi được ester hoá giống các retinol. Một số caroten vẫn được giữ nguyên dạng cho đến khi vào hệ tuần hoàn chung. Mức beta – caroten trong máu phản ánh tình hình caroten của chế độ ăn hơn là tình trạng vitamin A của cơ thể.

Vì beta – caroten có thể được chuyển trực tiếp thành retinol và retinal, nên nó còn là tiền chất của acid retinoic. Các carotenoids còn có vai trò như chất chống oxy hoá, bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân oxy hoá.

  • 1.3 khuyến nghị

Trong 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén, cần khoảng 1,4 mg retinol được chuyển cho thai nhi. Điều này cho thấy, không cần phải bổ sung thêm nếu người mẹ có dự trữ vitamin A bình thường. Nếu phụ nữ có thai với dự trữ vitamin A thấp, cần phải bổ sung một lượng 200 RE vitamin A/ngày, có thể có nguy hiểm nếu bổ sung với liều lượng lớn hơn 20.000 RE/ngày vì có thể gây dị dạng thai nghén. Với phụ nữ có thai không nên dùng quá liều vitamin A.

Sữa mẹ có chứa khoảng 400 – 700 RE/l vitamin A và 200 – 400 microgam/l carotenoid. Lượng này có thể bằng 50% lượng dự trữ vitamin A của người mẹ trong vòng 6 tháng cho bú đầu tiên. Để đảm bảo cho dự trữ của người mẹ, cần phải bổ sung thêm một lượng 500RE/ngày vitamin A trong thời gian cho con bú, tức là khoảng 350 – 500 RE/ngày cho trẻ nhỏ. Với trẻ lớn hơn, có thể dùng số lượng tương đương người trưởng thành.

  • 1.4. Nguồn thực phẩm

Vitamin A trong thực phẩm gồm retinol (thường thấy trong các thức ăn có nguồn gốc động vật), ngoài ra chúng được tạo thành từ các sản phẩm carotenoid có nguồn gốc thực vật.

Gan là cơ quan dự trữ vitamin A của cơ thể, chính vì vậy gan là nguồn thức ăn giàu vitamin A: gan lợn chứa khoảng 12.000 RE/100g, gan gấu có tới 600.000 RE/100g, dầu gan cá được sử dụng rộng rãi như nguồn vitamin A và D, lòng đỏ trứng có khoảng 310 IU (94 RE)/lòng đỏ, vitamin A trong bơ là khoảng 1.900 IU/kg (hay 570 RE/kg), magarine tăng cường vitamin A (dạng palmitate) chứa khoảng 33.000 IU/kg (hoặc 10.000 RE/kg). Các loại rau quả thường chứa các tiền vitamin A, đặc biệt là các loại có màu xanh và màu vàng.

Vitamin D

Vitamin D được biết đến như là yếu tố điều trị còi xương ở trẻ em, giúp tạo xương. Từ cổ xưa con người đã biết sử dụng dầu cá thu hoặc tắm nắng để điều trị và phòng chống còi xương. Chất hoạt tính ban đầu được gọi là vitamin D, sau này người ta thấy rằng vitamin D có thể được cơ thể tự tổng hợp dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời.

Vitamin D tồn tại dưới hai dạng là: cholecalciferol (vitamin D3) từ nguồn động vật, và ergocalciferol (vitamin D2) do nhân tạo tăng cường vào thực phẩm. Cả hai dạng trên đều có thể được

hình thành khi động vật hoặc thực vật được mặt trời chiếu sáng và cả hai dạng được gọi chung là calciferol.

  • 2.1. Chức năng

Chất hoạt tính của vitamin D tại các mô là 1,25 – Dihydroxyvitamin D. Chất này còn được coi là một hormone của cơ thể hơn là một vitamin. Khi điều hoà chuyển hoá calci, nó tương tác với hormone cận giáp và được gọi là hệ nội tiết vitamin D.

Cân bằng nội môi calci và tạo xương: Tại ruột non, 1,25 – Dihydroxyvitamin D giúp cho hấp thu calci và phosphorus từ khẩu phần ăn. Hiệu quả của 1,25 –Dihydroxyvitamin D làm tăng protein vận chuyển calci trong tế bào thành ruột. Tại xương, 1,25 – Dihydroxyvitamin D hoạt động cùng hormone cận giáp để kích thích chuyển hoá calci và phosphorus. Tại ống lượn xa của thận, 1,25 – Dihydroxyvitamin D và hormone cận giáp còn phối hợp làm tăng tái hấp thu calci.

Quá trình mà 1,25 – Dihydroxyvitamin D và hormone cận giáp điều hoà nồng độ của calci trong máu không những cần thiết cho tạo xương mà còn duy trì xương, đảm bảo mức calci trong máu, đảm bảo cho hoạt động của hệ thần kinh và cơ. Một trong những dấu hiệu của thiếu vitamin D là co giật do hạ calci máu, không đủ calci cung cấp cho thần kinh và co cơ.

Chức năng khác: 1,25 – Dihydroxyvitamin D còn tham gia vào điều hoà chức năng một số men. Ngoài ra, vitamin D còn tham gia một số chức năng bài tiết của insulin, hormone cận giáp, hệ miễn dịch, phát triển hệ sinh sản và da ở giới nữ.

  • 2.2. Hấp thu và chuyển hoá

Hấp thu: Vitamin D trong khẩu phần ăn được hấp thu ở ruột non với sự tham gia của muối mật và chúng tạo thành hạt nhũ chấp vào hệ bạch huyết và tuần hoàn. Sự có mặt của muối mật là cần thiết cho việc hấp thu các chất chuyển hoá của vitamin D như 1,25 – Dihydroxyvitamin D, vì vậy khi có vấn đề rối loạn về bài tiết mật sẽ dẫn đến kém hấp thu vitamin D.

Giống như các vitamin hoà tan trong chất béo, hấp thu vitamin D bị ức chế hoặc tăng cường bởi một số yếu tố ảnh hưởng hấp thu chất béo. Khoảng 80% vitamin D trong khẩu phần được hấp thu ở trẻ em và người trưởng thành.

Tổng hợp: Khi da được tiếp xúc với tia cực tím (ví dụ: ánh sáng mặt trời) thì 7 – dehydro cholesterol ở trong da sẽ chuyển đổi thành provitamin D3, sau đó thành vitamin D3 dưới tác động của nhiệt độ. Ở nhiệt độ bình thường của cơ thể, tất cả các provitamin D3 được sản xuất dưới tác

dụng của ánh sáng mặt trời sẽ được chuyển thành vitamin D trong vòng 2 – 3 ngày.

Ở trẻ bú mẹ, thời gian 2 giờ/tuần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là rất cần thiết để duy trì nồng độ bình thường của 25 – hydroxyvitamin D, cho trẻ mặc quần áo nhưng không đội mũ, và 30 phút/tuần cho trẻ quấn tã lót.

  • 2.3 khuyến nghị

Do có một lượng lớn vitamin D được tổng hợp ở da, nên khó đánh giá lượng tối thiểu cần thiết cho chế độ ăn của vitamin này. Tuy nhiên, 100 IU/ngày có thể đủ để phòng bệnh còi xương và đảm bảo cho xương phát triển bình thường. Một lượng 300 – 400 IU (9,75 – 10 mg) làm tăng cường quá trình hấp thu calci. Vì lý do trên mà RDA chọn mức 10 mg/ngày cho trẻ em, người trưởng thành, phụ nữ có thai và cho con bú. Với người trưởng thành trên 25 tuổi, 5mg/ngày là liều lượng được khuyến nghị.

Khi tiêu thụ sữa hoặc thức ăn có tăng cường vitamin D thì không cần thiết phải bổ sung thêm. Sữa mẹ có lượng vitamin D thấp, vì vậy trẻ bú sữa mẹ cần thiết được tắm nắng đều đặn hoặc nhận 5

  • 7,5mg/ngày liều bổ sung vitamin

Thai nhi, trong 6 tuần cuối cùng của thời kỳ thai nghén, nhận được khoảng 50% lượng calci của tổng số, vì vậy trẻ đẻ non thường bị thiếu calci dự trữ so với trẻ bình thường. Trong thời kỳ có thai

và cho con bú, mức 1,25 – dihydroxyvitamin D trong máu tăng cao, kết quả của việc tăng cường hấp thu calci từ ruột non và tăng huy động calci từ xương để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi và trẻ bú mẹ.

  • 2.4. Nguồn thực phẩm

Những thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, sữa, bơ, gan, cá là những nguồn chủ yếu cung cấp vitamin D. Ngay cả trong cùng loại thực phẩm giàu vitamin D thì lượng vitamin D cũng phụ thuộc vào giống và thức ăn nuôi dưỡng. Đa số các thực phẩm chứa cholecalciferol hoặc 25 – hydroxycholecalciferol, chất chuyển hoá của vitamin D thường được tạo thành tại gan.

Những thực phẩm phổ thông được dùng để tăng cường vitamin D như sữa là một chất mang tốt cho calci và phosphorus, cần cho sự tạo xương. Ngày nay, khoảng 95% các sữa được tách béo và tăng cường thêm vitamin D. Ngoài sữa, một số thức ăn khác như bột dinh dưỡng cho trẻ em, thức ăn chế biến sẵn, bột mỳ… đều tăng cường thêm vitamin D.

Vitamin E

Vitamin E ngày càng được công chúng biết đến với chức năng phòng chống ung thư, phòng bệnh đục thuỷ tinh thể, chức năng phát triển và sinh sản… nhưng vai trò chính của nó là chống oxy hóa. Vitamin E bao gồm ít nhất 8 chất trong tự nhiên, 4 chất thuộc nhóm tocopherols và 4 chất thuộc nhóm tocotrienols, mỗi nhóm có một cấu trúc hoá học đồng nhất của vitamin E trong thực phẩm.

  • 3.1. Chức năng

Đa số những hiểu biết ban đầu về vitamin lại là những dấu hiệu bệnh khi thiếu hụt. Trên người, thiếu vitamin E chỉ xuất hiện trên trẻ đẻ non, trẻ em, hoặc người trưởng thành khi có những vấn đề liên quan đến khả năng kém hấp thu chất béo (ví dụ bệnh xơ gan). Điều này cho thấy, rất ít những hiểu biết trực tiếp về chức năng của vitamin E trên người, mà đại đa số là do nghiên cứu trên động vật.

Chúng ta đều thấy được vai trò chống oxy hoá của vitamin E. Vitamin E có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân oxy hoá, sản phẩm sinh ra trong quá trình chuyển hoá của cơ thể. Tham gia phản ứng chống oxy hoá, vitamin E có vai trò như một chất “cảm tử”. Vitamin E là chất hoà tan trong chất béo, có khả năng trộn lẫn với các phân tử lipid và bảo vệ chúng khỏi tác nhân oxy hoá, với chức năng này vitamin E bảo vệ màng tế bào khỏi bị oxy hoá của các gốc tự do.

Trong trường hợp thiếu vitamin E, cơ thể bị suy giảm khả năng chống oxy hoá với các gốc tự do hoà tan trong lipid, kết quả là nhiều tế bào bị phá huỷ. Hai dạng tế bào hay bị phá huỷ nhất là tế bào máu (màng hồng cầu, gây hiện tượng tán huyết) và phổi.

Những tổn thương tế bào do thiếu vitamin E có thể dẫn tới một số bệnh ung thư, giai đoạn sớm của xơ vữa động mạch, lão hoá sớm, đục thuỷ tinh thể, viêm khớp. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rõ vai trò của vitamin E trong miễn dịch, do tham gia vào điều hoà prostaglandin, kiểm soát quá trình đông máu của tiểu cầu khi tạo thành cục máu đông. Vitamin E còn tham gia vào chức năng chuyển hoá của acid nucleic và protein, chức năng của ty lạp thể, cũng như quá trình sản xuất của một số hormone.

  • 3.2. Hấp thu và chuyển hoá

Vì vitamin E là vitamin hoà tan trong chất béo, nên hấp thu tốt nhất khi có mặt của chất béo trong khẩu phần ăn và trong những điều kiện chất béo được hấp thu tốt. Khoảng 40 – 60% vitamin E trong khẩu phần ăn được hấp thu, tỷ lệ % hấp thu giảm dần khi khẩu phần ăn có nhiều vitamin E.

Hầu hết vitamin E được hấp thu vào đường bạch huyết, sau đó được chuyển vào hệ tuần hoàn, gắn với lipoprotein ở dạng LDL. Có sự trao đổi nhanh chóng giữa LDL và lipid của màng tế bào, đặc biệt là màng hồng cầu. Nồng độ của vitamin E ở các mô khác nhau có một sự dao động lớn, cao nhất là ở các mô mỡ.

Nồng độ bình thường của vitamin E trong huyết tương là khoảng 0,6 –1,6mg/100ml, chúng hạ xuống nhanh chóng khi khẩu phần ăn thiếu vitamin E. Khi có vitamin E dự trữ đầy đủ cơ thể có thể chịu đựng được khẩu phần thiếu vitamin E trong vòng vài tháng.

Chuyển hoá của vitamin E vẫn chưa được biết rõ. Nhưng con đường bài tiết qua da và phân đã được công nhận. Vitamin E trong phân là một hỗn hợp không được hấp thu của vitamin E và các chất chuyển hoá bài tiết của mật.

  • 3.3. khuyến nghị

Những nghiên cứu trên người và động vật cho thấy nhu cầu vitamin E tăng lên khi các acid béo của khẩu phần tăng. Kết quả này dẫn đến nhu cầu vitamin E có thể dao động gấp 10 lần, nó là kết quả của hai yếu tố ảnh hưởng tới acid béo chưa no của cơ thể.

Trong thời gian có thai, lượng vitamin E của người mẹ tăng cao, cần thêm 2mg vitamin E/ngày so với bình thường. Trong thời gian cho con bú, hằng ngày khoảng 3mg vitamin E của mẹ được chuyển sang sữa mẹ (nồng độ vitamin E trong sữa là 0,4mg/100 ml ´ 750ml). Để bù lại, người mẹ cần nhận thêm 4 mg vitamin E/ngày do việc hấp thu không đạt 100%.

Với trẻ em, do việc dự trữ vitamin E khi sinh ra rất hạn chế nên lượng vitamin E khuyến nghị cho khẩu phần cần dựa vào lượng vitamin E trong sữa mẹ, khoảng 2 mg/ngày. Sữa mẹ có nồng độ vitamin E cao gấp 10 lần sữa bò, đa số các công thức bột dinh dưỡng cho trẻ em đều được thêm vitamin E với hàm lượng ít nhất là 1 mg/100 kcal, lớn hơn lượng có sẵn trong sữa mẹ. Trong sữa non, lượng vitamin E còn cao gấp 2 – 4 lần (1,0 – 1,8 mg/100 ml).

Trẻ đẻ non có nồng độ vitamin E trong máu thấp do lượng vitamin E được chuyển chủ yếu cho trẻ trong những tháng sau của thai nghén. Để phòng tan máu, chế độ ăn của trẻ đẻ non cần được bổ sung khoảng 13 mg/kg trọng lượng cơ thể trong vòng 3 tháng đầu tiên.

Khẩu phần khuyến nghị (của Anh) về vitamin E cho trẻ em từ 3 – 7 mg/ngày, cao hơn khi trẻ lớn dần nhằm thoả mãn nhu cầu phát triển của cơ thể. Lượng khuyến nghị vitamin E cho người trưởng thành là 3 mg/ngày, trong đó phụ nữ có thai và cho con bú là 3,8 – 6,2 mg/ngày.

  • 3.4. Nguồn thực phẩm

Nguồn thực phẩm có nhiều vitamin E là dầu thực vật (nồng độ khoảng 4 mg/100g dầu dừa, 94 mg/100g dầu đậu tương). Lượng vitamin E trong dầu ăn tăng tỷ lệ thuận với lượng acid béo chưa no. Trong mỡ động vật, lượng vitamin E là không đáng kể. Vitamin E tương đối ổn định trong quá trình nấu nướng, tuy nhiên mất đi đáng kể khi rán thực phẩm. Vitamin E cũng dễ bị phá huỷ khi đưa ra ánh sáng mặt trời và oxy không khí.

Thiamin

Thiamin còn được gọi là vitamin B1, vai trò của nó được biết khá rõ trong việc phòng bệnh beriberi. Theo tiếng Philippine “beriberi” có nghĩa là “tôi không thể, tôi không thể”, có thể liên quan

đến dấu hiệu rối loạn vận động, thần kinh của những người bị bệnh.

  • 4.1. Vai trò

Thiamin biến thành thiamin phosphat (TPP) khi 2 phosphat được thêm vào cấu trúc của thiamin. Dạng coenzyme hoạt động này của vitamin được gọi là thiamin diphosphate và carboxylase. TPP hoạt động như một coenzyme trong 2 loại phản ứng sau: oxy hoá khử carboxyl và transketol hoá.

Trong oxy hoá khử carboxyl, carbon dioxide (CO2) bị mất đi trong một số cấu trúc phân tử. Trong transketol hoá, nhóm ketone bị chuyển từ phân tử này sang phân tử khác. Những phản ứng như vậy rất quan trọng trong chuyển hoá carbonhydrate, đặc biệt trong chu trình chuyển hóa acid citric và chu trình hexose monophosphat hoặc đường pentose. Trong trường hợp thiếu thiamin, chất chuyển hoá trung gian để chuyển đổi, TPP bị tích tụ lại, gây nên hội chứng thiếu thiamin điển hình.

Những hiểu biết nhằm giải thích cho những dấu hiệu thần kinh của thiếu hụt thiamin còn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Điều quan trọng trong quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh từ nơron này sang nơron khác là nhờ những chất trung gian hóa học. Thiamin tham gia vào quá trình sản xuất và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, hoặc thymidine triphosphate (TTP) trong quá trình vận chuyển natri qua màng nơron, một vai trò cực kỳ quan trọng cho dẫn truyền xung động thần kinh. Thiamin cũng có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi acid amin tryptophan thành niacin, và quá trình chuyển hoá của acid amin leucine, isoleucin và valine.

  • 4.2. Hấp thu và chuyển hoá

Thiamin được hấp thu chủ yếu ở phần hỗng hồi tràng của ruột non. Nếu lượng thiamin được ăn vào thấp, nó sẽ được hấp thu bởi một cơ chế vận chuyển tích cực phụ thuộc natri. Nếu ăn vào một lượng lớn thiamin, quá trình hấp thu thụ động sẽ xảy ra. Một số thiamin được tổng hợp trong đường tiêu hoá nhưng chỉ với một lượng rất nhỏ.

Coenzyme TPP không đi qua được màng tế bào, trừ màng hồng cầu. TPP trong thực phẩm phải được khử phosphoryl thành thiamin trước khi được cơ thể hấp thu. Sau đó TPP lại được tạo thành từ thiamin và phosphate trong tế bào.

Người trưởng thành chứa 30 – 70mg thiamin, khoảng 80% trong số đó ở dạng TPP. Một nửa thiamin của cơ thể nằm trong cơ. Cơ thể không có nguồn dự trữ thiamin đặc hiệu; tuy nhiên, mức thiamin trong cơ, não, gan, thận có thể tăng gấp đôi trong quá trình điều trị. Trong thời gian thiếu hụt thiamin, mức thiếu trong các mô trên có thể hạ xuống còn một nửa so với bình thường, trừ mô não. Thiamin được bài tiết khỏi cơ thể dưới dạng acid thiamin và một số chất khác sản sinh trong quá trình chuyển hoá.

  • 4.3. khuyến nghị

Vì coenzyme TPP là rất cần thiết cho chuyển hoá carbonhydrate, RDAs cho các nhóm tuổi sẽ được tính theo tổng năng lượng ăn vào. Theo RDA của Mỹ và Canada, thì khoảng 0,5 mg thiamin cần cho 1000 kcal, của Anh là 0,4mg/1000 kcal. Đây là mức tính tối ưu và cao hơn nhu cầu tối thiểu. Sẽ không có tác dụng tốt khi đưa một lượng lớn hơn nhu cầu trên vào cơ thể, chúng sẽ được bài tiết khỏi cơ thể. Vì giá của thiamin thấp nên một lượng cao hơn 200 lần khuyến nghị có thể được sử dụng bổ sung. Những trường hợp uống liều cao cũng chưa thấy biểu hiện có hại của thiamin.

Nhu cầu thiamin cũng tăng cao trên các đối tượng nghiện rượu, vì thiamin cần cho chuyển hoá carbonhydrate, một sản phẩm trung gian của rượu. Mặt khác, những tổn thương trong tế bào thành ruột của người nghiện rượu cũng gây giảm hấp thu thiamin.

Khi khẩu phần ăn chứa nhiều chất béo thì nhu cầu thiamin giảm. Vì lý do này, những khẩu phần giàu chất béo thường thừa thiamin do chỉ có một phản ứng chuyển hoá acid béo cần đến thiamin, khi lượng chất béo trong khẩu phần tăng, thường kèm theo carbonhydrate giảm. Những người bị bệnh beriberi thường là những người ăn nhiều carbonhydrate, chiếm trên 80% năng lượng của khẩu phần.

  • 4.4. Nguồn thực phẩm

Các sản phẩm ngũ cốc thường chứa nhiều thiamin, cung cấp 1/2 thiamin trong khẩu phần; thịt, cá, gia cầm cung cấp 1/4, và các sản phẩm rau quả khác chiếm 1/10. Khẩu phần ăn của người Mỹ có khoảng 2,2 mg thiamin, để đảm bảo nhu cầu đề nghị họ thường ăn những thực phẩm ngũ cốc được làm giàu thiamin.

Sản phẩm chứa nhiều thiamin là thịt lợn, các hạt đậu và rau, lượng thiamin tăng dần khi quả chín. Lượng thiamin có ít trong các loại sản phẩm khô, nếu chúng được nấu hoặc chế biến lâu trong nước, hoặc trong môi trường kiềm. Tuy nhiên, sử dụng một lượng nhỏ nước để nấu (1/26 thìa cà phê nước cho một hạt đậu) có thể chấp nhận được vì có thể là giảm thời gian nấu chín và cũng làm giảm bớt việc mất thiamin do nấu kéo dài.

Khoảng 94% lượng thiamin trong các hạt ngũ cốc được tập trung ở phần ngoài và mầm, chúng thường bị loại bỏ trong quá trình xay xát. Những gia đình nghèo, tiêu thụ ngũ cốc (gạo, mỳ) xay xát không kỹ có thể đảm bảo được nhu cầu thiamin trong chế độ ăn. Tăng cường thiamin bắt buộc vào thực phẩm đã được 35 quốc gia thực hiện, nó đã làm giảm tần suất bệnh beri – beri ở một số đối tượng nguy cơ, 90% sản phẩm bột mỳ ở Mỹ được tăng cường thêm thiamin, danh sách thực phẩm được tăng cường thiamin ngày càng kéo dài thêm và được nêu rõ trong các luật tăng cường vi chất vào thực phẩm.

Những sản phẩm từ mốc, men bia, và mầm ngũ cốc khô có chứa nhiều thiamin và được khuyến nghị sử dụng. Tuy nhiên, những thực phẩm này vẫn ít được sử dụng do thói quen ăn uống của các dân tộc. Việc tiêu thụ men bia sống được dùng trong điều trị bệnh trứng cá và một số bệnh về da.

Một số loại nước ngọt, cá nước mặn, động vật có vỏ cứng (tôm, cua, trai, sò) có chứa men thiaminase, phân huỷ thiamin. Tuy nhiên, men này không bền vững và bị phá huỷ khi nấu nướng, chúng chỉ quan trọng khi ăn một lượng lớn cá sống. Chè xanh cũng chứa một lượng kháng thiamin, hoặc enzyme phân huỷ thiamin khá bền vững. Điều này có thể có những ảnh hưởng đến giá trị sinh học của thiamin trong thức ăn khi được sử dụng cùng với chè (khi sử dụng khoảng 8 tách chè trong ngày).

Riboflavin

Riboflavin (hay còn gọi là vitamin B2, vitamin G) là hợp chất enzyme màu vàng, được công nhận là một vitamin từ năm 1917. Vitamin này vẫn có tác dụng kích thích tăng trưởng ngay cả khi

thiamin đã bị phá huỷ bởi nhiệt. Vitamin B2 bền vững với nhiệt độ.

  • 5.1. Vai trò

Riboflavin được sử dụng để sản xuất 2 coenzyme là flavin mononucleotide (FMN) và flavin adenin dinucleotit (FAD). Những coenzyme này hoạt động trong phản ứng oxy hoá khử, do khả năng có thể chấp nhận hoặc vận chuyển được một nguyên tử hydro. Protein gắn với coenzyme là flavoprotein.

Phản ứng phụ thuộc vào coenzyme tạo thành từ riboflavin nhằm giải phóng năng lượng từ glucose, acid béo, amino acid. Riboflavin cũng cần cho phản ứng đổi acid amin tryptophan thành dạng hoạt động niacin và cho chuyển hóa vitamin B6 và folate thành dạng coenzyme hoạt động dưới

dạng dự trữ. Vì B6 và folate cần cho tổng hợp ADN, riboflavin có hiệu quả trực tiếp đến việc phân

chia tế bào và tăng trưởng.

Ngoài ra, riboflavin còn có vai trò trong việc sản xuất hormone tuyến thượng thận, tạo hồng cầu trong tuỷ xương, tổng hợp glycogen, và chuyển hoá các acid béo.

  • 5.2. Hấp thu và chuyển hoá

Vitamin B2 tồn tại trong thức ăn dưới ba dạng: riboflavin, coenzyme FMN và FAD. Cả 3 dạng này đều cần cho cơ thể. Trong ruột non FMN và FAD được chuyển thành riboflavin tự do trước khi

được hấp thu. Riboflavin được hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực trong phần trên của đường tiêu hoá. Riboflavin từ thịt được hấp thu trên 70%, cao hơn so với uống đơn lẻ riboflavin (khoảng 15%). Trong tế bào thành ruột, riboflavin phối hợp với phosphat tạo thành FMN. Cả 2 dòng FMN và riboflavin tự do đều được đưa vào máu, được gắn với albumin và được vận chuyển đến các tế bào của cơ thể.

Đa số FMN được chuyển tới gan, tại đây được chuyển thành FAD bằng việc thêm adenosin diphosphate. Thừa riboflavin được dự trữ trong các mô chủ yếu dưới dạng FMN và FAD. Nhìn chung, rất ít riboflavin được dự trữ trong cơ thể. Gan giữ khoảng 50% lượng riboflavin, ngay cả lượng riboflavin trong khẩu phần thấp. Hormone thyroid kích thích làm tăng hấp thu và dự trữ riboflavin và FMN, FAD.

Riboflavin được bài tiết chủ yếu trong nước tiểu, sau khi thận đã tái hấp thu một lượng đủ cho duy trì mức riboflavin trong cơ thể. Lượng riboflavin được bài tiết khoảng 200 mg/24h, trong trường

hợp thiếu có thể hạ thấp xuống 40 –70 mg/24 giờ. B2 bài tiết qua phân và qua mật không được tái hấp thu.

  • 5.3. khuyến nghị

Có nhiều RDAs khác nhau theo từng nước, dựa trên tổng năng lượng tiêu thụ, lượng protein hoặc kích cỡ cơ thể. Các RDA này khác nhau không lớn. Dựa theo năng lượng tiêu thụ, một lượng 0,6 mg riboflavin/1000 kcal được khuyến nghị áp dụng với một lượng tối thiểu 1,6 mg/ngày để đảm bảo nhu cầu các mô. Nghiên cứu này dựa vào lượng riboflavin bài tiết theo những lượng ăn vào khác nhau.

Trong thời gian có thai và cho con bú, một lượng 0,3 mg và 0,5 mg riboflavin cần được bổ sung thêm, lượng khuyến nghị trên tính toán theo độ hấp thu 70%. Lượng riboflavin tính theo năng lượng không phân biệt cho người lớn và trẻ em, phụ nữ và nam giới. Những người luyện tập thể thao, nhu cầu riboflavin có thể cao hơn.

  • 5.4. Nguồn thực phẩm

Riboflavin rất phổ biến ở thức ăn động vật cũng như thực vật. Điều tra tại Mỹ cho thấy, nam trưởng thành tiêu thụ 2,08 mg riboflavin/ngày, nữ 1,34 mg/ngày, trẻ em 1 – 5 tuổi tiêu thụ 1,57 mg/ngày. Khoảng 60 – 90% riboflavin trong rau quả được giữ lại sau khi nấu. Xay xát ngũ cốc có thể làm mất riboflavin tới 60%. Vì có màu vàng nên riboflavin không được dùng để tăng cường vào gạo, nhưng lại dùng cho bột mỳ và bánh mỳ, nó có tác dụng tốt trong phòng bệnh thiếu riboflavin.

Riboflavin trong sữa và chế phẩm có một vai trò quan trọng trong khẩu phần; 2 cốc sữa/ngày có thể cung cấp đủ nhu cầu riboflavin. Gan và thận là cơ quan chứa nhiều riboflavin hơn các cơ quan khác. Một phần riboflavin được tổng hợp trong đường tiêu hoá con người.

Vitamin B12 (cobalamin)

Phân tích hoá học cho thấy có khoảng 4% trọng lượng của vitamin là từ chất khoáng cobalt. Thuật ngữ vitamin B12 được sử dụng như một thuật ngữ chung để mô tả đầy đủ nhân corrin chứa

cobalt (cobalamins), có hoạt tính sinh học của vitamin B12 ở người.

  • 6.1. Chức năng

Giống như folat, vitamin B12 tham gia vào quá trình sinh học cần thiết cho tổng hợp ADN và do vậy, nó cần thiết cho quá trình phát triển và phân chia tế bào.

Tuỷ xương là nơi hình thành tế bào tiền thân của nguyên hồng cầu của tế bào hồng cầu, cả vitamin B12 và folat đều cần thiết cho N5,10 methylen THF để cung cấp nhóm methyl là nhóm cần

thiết cho quá trình tổng hợp ADN. Nếu lượng ADN không được tổng hợp đầy đủ, tế bào nguyên

hồng cầu không thể phân chia và trưởng thành được. Thay vào đó tế bào nguyên hồng cầu phát triển đơn thuần về kích cỡ để sinh ra tế bào nguyên hồng cầu không bình thường là đặc trưng của bệnh thiếu máu ác tính và thiếu máu do thiếu folat đơn thuần.

Vitamin B12 cũng rất cần thiết cho quá trình tổng hợp myelin, vỏ trắng lipoprotein bao quanh nhiều sợi thần kinh. Có một số bằng chứng cho thấy, có thể là do thiếu chung các nhóm methyl, dẫn

đến việc không có khả năng tổng hợp methionin.

  • 6.2. Hấp thu và chuyển hoá

Hấp thu vitamin B12 qua trung gian bởi yếu tố nội, là một mucoprotein không bền vững với nhiệt độ được những tế bào đặc biệt ở thành dạ dày tiết ra. Yếu tố nội là thành phần của dịch vị bình

thường, mỗi loại có đặc điểm riêng của nó.

Khi thực phẩm đi qua ống tiêu hoá, acid của dịch vị và protease ở dịch tuỵ làm cho vitamin B12 giải phóng ra khỏi phức hợp protein, phức hợp này được hình thành trong nhiều loại thực phẩm.

Vitamin B12 tự do gắn với polypeptid của nước bọt gọi là R – binder, nhưng khi polypeptid này được enzym tripsin tiêu hoá, vitamin B12 lại được giải phóng. Khi đó, vitamin B12 gắn với yếu tố nội, đây là yếu tố trợ giúp cho vitamin gắn vào một receptor protein trên bề mặt tế bào niêm mạc hồi

tràng.

Nếu một người thiếu yếu tố nội, vitamin B12 có trong bữa ăn bình thường sẽ không được hấp thu. Tuy nhiên, cũng trên những bệnh nhân bị thiếu máu ác tính này nếu được nhận liều cao gấp

1000 lần số lượng vitamin B12 bình thường có sẵn trong thực phẩm, dưới dạng chiết xuất của gan hoặc dưới dạng bổ sung thì lượng vitamin B12 cần thiết có thể qua tế bào ruột bằng cơ chế khuếch tán đơn thuần. Do yếu tố nội ở dạ dày (cừu, lợn) tương tự như yếu tố nội của người, nên có thể sử

dụng một lượng dạ dày cừu để làm tăng hấp thu vitamin B12 từ thực phẩm hoặc các chế phẩm bổ sung cho những người thiếu yếu tố nội. Tuy nhiên, cách có hiệu quả nhất để cung cấp vitamin B12 cho những người này là tiêm vitamin B12 vào bắp thịt mà hoàn toàn không qua cơ chế hấp thu đã bị khiếm khuyết.

Hấp thu vitamin B12 giảm đi theo tuổi. Hấp thu vitamin B12 cũng giảm đi ở những người thiếu pyridoxin (vitamin B6) (do làm giảm khả năng giải phóng yếu tố nội), thiếu sắt, cường giáp, viêm dạ dày, và ở những người sử dụng thuốc chống co giật và kháng sinh. Mặt khác, hấp thu vitamin B12 tăng khi có thai hoặc khi chế độ ăn có yếu tố nội kèm với vitamin B12.

  • 6.3.khuyến nghị

Lượng vitamin B12 cần thiết cho người rất nhỏ và khó xác định, ước tính khoảng 0,6 – 1,0

mg/ngày. Tuy vậy, ăn vào dưới ngưỡng này vẫn đủ vì khẩu phần thấp sẽ làm cho cơ thể giữ vitamin

B12 bằng cách tăng tái hấp thu từ mật. Tiêm một số lượng nhỏ 0,5 – 1 mg vitamin B12/ngày đủ để duy trì tổng hợp ADN và các chức năng hoá sinh khác ở những bệnh nhân bị thiếu máu ác tính.

Để có thể tích luỹ và duy trì dự trữ vitamin B12, khẩu phần 2mg vitamin B12/ngày được đề nghị cho người trưởng thành. Với khẩu phần như vậy, sẽ có dự trữ tích lũy để bảo vệ cơ thể khi hạn chế

hấp thu vitamin B12 xảy ra từ tuổi 60.

Trong nửa cuối của thai kỳ, bào thai cần lấy từ mẹ xấp xỉ 0,2 mg vitamin B12/ngày, do vậy, đây là cơ sở để tính khẩu phần khuyến nghị RDA cho phụ nữ có thai là 2,2 mg vitamin B12/ngày. Trong thời kỳ cho con bú, cần thêm 0,6 mg/ngày để bù vào lượng vitamin B12 tiết vào sữa mẹ.

Trẻ đang bú mẹ thường nhận 0,2 – 0,8 mg vitamin B12/ngày và cho thấy không có biểu hiện thiếu vitamin thậm chí ngay cả khi dự trữ vitamin B12 của bà mẹ là nằm ở sát giới hạn. Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ như bà mẹ của trẻ ăn chay. Phụ nữ có thai và cho con bú không ăn tất cả các

loại thức ăn động vật cần phải uống bổ sung vitamin B12. Trẻ không được bú mẹ cần nhận đủ 0,15

mg vitamin B12/100 kcal.

Khẩu phần khuyến nghị cho trẻ em tăng dần theo trọng lượng cơ thể cho đến khi trưởng thành.

Tổ chức Nông Lâm Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (FAO, WHO) khuyến nghị 0,1  mg

vitamin B12/ngày trong năm đầu và 1 mg/ngày cho tất cả các lứa tuổi khác, ngoại trừ phụ nữ có thai (1,4 mg/ngày) và cho con bú (1,3 mg/ngày). Ở Canada, khẩu phần khuyến nghị về các  chất dinh

dưỡng (RNIs) đối với vitamin B12 là 0,3 – 0,4 mg/ngày trong năm đầu của cuộc đời và tăng dần đến 1 mg/ngày từ 10 tuổi trở lên trừ giai đoạn có thai và cho con bú là 1,2 mg/ngày. Khẩu phần khuyến

nghị về các chất dinh dưỡng của Anh về vitamin B12 nằm ở giữa Hoa Kỳ và Canada, với mức 1,5

mg/ngày cho người trưởng thành.

  • 6.4. Nguồn thực phẩm

Toàn bộ vitmin B12 có trong thực phẩm đều do vi sinh vật tạo ra, bản thân động vật và thực vật không tự tạo được. Vitamin B12 không có mặt trong thức ăn có nguồn gốc thực vật, mà nó có được do chất ô nhiễm, do rau củ không được rửa kỹ, hoặc được tổng hợp từ vi khuẩn ở trên những

mấu của rễ rau, đậu. Do vậy, nguồn vitamin B12 có ý nghĩa về dinh dưỡng nhất là thực phẩm có nguồn gốc động vật. Một số động vật có chứa vitamin B12 vì nó được hấp thu vitamin B12 sau khi vi khuẩn sống trong ống tiêu hoá tổng hợp vitamin B12. Vitamin B12 thừa được dự trữ trong các mô của những con vật này, đặc biệt là gan và do vậy chúng ta sẽ nhận được vitamin B12 khi ăn các mô của động vật. Vi khuẩn trong ống tiêu hoá người cũng có thể tổng hợp vitamin B12 nhưng vi khuẩn sống ở phần dưới của ống tiêu hoá nên không thuận lợi cho việc hấp thu. Do vậy, để có được nguồn vitamin B12, con người phải dựa vào thực phẩm có nguồn gốc động vật hoặc các chế phẩm bổ sung.

Nguồn cung cấp vitamin B12 tốt nhất là gan động vật, tiếp theo là thận và thịt. Một số các nhà sản xuất bổ sung vitamin B12 vào ngũ cốc nhưng khó giải thích vì ngũ cốc thường được tiêu thụ với sữa – cũng là nguồn vitamin B12.

Trên một nửa cobalamin trong thực phẩm ở dạng không ổn định, dễ bị phá huỷ bởi chế biến và phần lớn các phương pháp chuẩn bị thực phẩm. Phần còn lại sẽ bị mất đi nếu sử dụng nhiệt độ cao. Khi tiệt trùng sữa bằng phương pháp Pasteur, chỉ làm mất 7% vitamin B12 có trong sữa. Đun sôi sữa

trong 2 – 3 phút, phá huỷ 30%, khử trùng 13 phút ở 1200C, phá huỷ 70%, khử trùng nhanh ở 1340C

trong 3 – 4 giây chỉ phá huỷ 10% vitamin B12.

Vitamin C

Vitamin C là một thuật ngữ chung được sử dụng cho tất cả các hợp chất có hoạt động sinh học của acid ascorbic, là một hợp chất đơn giản, chứa 6 nguyên tử cacbon, gắn với đường glucose, ổn định trong môi trường acid, dễ bị phá huỷ bởi quá trình oxy hoá, ánh sáng, kiềm, nhiệt độ, đặc biệt với sự có mặt của sắt hoặc đồng. Dạng oxy hoá của vitamin C được biết đến là dehydroascorbic acid (DHAA), cũng có tính hoạt động của vitamin C.

  • 7.1. Chức năng

Vitamin C có chức năng chung như một chất khử sinh học, đặc biệt trong các phản ứng hydroxyl hoá và như một chất chống oxy hoá để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây oxy hoá có hại. Khi tham gia vào các phản ứng hydroxyl hoá, vitamin C thường hoạt động dưới dạng kết hợp với ion Fe2+ hoặc Cu2+.

  • Tạo keo (hình thành collagen)

Chức năng đặc trưng riêng của vitamin C là vai trò trong quá trình hình thành collagen (chiếm khoảng 1/4 toàn bộ lượng protein trong cơ thể). Collagen là một protein cấu trúc chủ yếu của mô liên kết, xương, răng, sụn, da và mô sẹo. Vitamin C cần thiết đặc biệt cho các tế bào nguyên bào sợi của mô liên kết (chịu trách nhiệm tổng hợp collagen) và nguyên bào xương (hình thành xương).

Thiếu vitamin C làm cho quá trình tổng hợp collagen bị khiếm khuyết, gây chậm liền vết thương, vỡ thành mao mạch, răng và xương không tốt. Những dấu hiệu sớm là xuất huyết điểm nhỏ, do các sợi xơ yếu và thành mạch máu kém bền vững. Khung xương cấu thành 1/5 trọng lượng của xương mà chủ yếu là collagen. Nếu khung xương bị khiếm khuyết do sự suy yếu của hệ thống collagen nó sẽ khó có thể tích luỹ đủ calci và phosphorus cần thiết cho quá trình khoáng hoá. Đây là nguyên nhân làm cho xương bị yếu và đôi khi bị vẹo. Một số xương đôi khi còn bị sai lệch ra khỏi khớp khi sụn chống đỡ có thành phần chủ yếu là collagen bị yếu. Lớp men răng không bình thường khi bị thiếu calci, cấu trúc răng bị yếu, dễ bị tổn thương cơ học và sâu răng.

Vitamin C là một trong số các chất chống oxy hoá của cơ thể. Vitamin C có thể kết hợp và như một chiếc bẫy nhiều gốc oxy hoá tự do, nó cũng có thể phục hồi dạng khử của vitamin E, chuyển sang dạng hoạt động chống oxy hoá.

Vitamin C là một chất chống oxy hoá quan trọng trong huyết tương, trong các dịch ngoài tế bào khác và trong các tế bào. Một số các nhà nghiên cứu cho rằng chức năng chính của vitamin C là chống oxy hoá.

  • Sử dụng sắt, calci và acid folic

Vì vitamin C hoạt động như một chất khử nên nó có thể giữ ion sắt dưới dạng sắt ferrous (Fe2+), giúp cho việc hấp thu sắt không hem ở ruột non dễ dàng hơn. Vitamin C cũng giúp cho việc di chuyển sắt từ huyết tương vào ferritin để dự trữ trong gan, cũng như giải phóng sắt từ ferritin khi cần. Vitamin C cũng hỗ trợ hấp thu calci bằng cách ngăn calci bị kết hợp thành phức hợp không hoà tan.

Sự chuyển đổi từ dạng không hoạt động của acid folic thành dạng hoạt động là acid hydrofolic và acid tetrahydrofolic cũng được hỗ trợ nhờ vitamin C. Ngoài việc hỗ trợ cho quá trình hình thành, vitamin C có thể làm ổn định các dạng hoạt động của acid folic.

  • 7.2. Hấp thu và chuyển hoá

Ở người, vitamin C được hấp thu ở hỗng tràng, chủ yếu theo cơ chế vận chuyển chủ động phụ thuộc vào natri.

Khi tiêu thụ một lượng nhỏ dưới 100 mg, thì 80 – 90% lượng vitamin C tiêu thụ được hấp thu. Khi khẩu phần tăng, hấp thu giảm xuống 49% ở khẩu phần 1,5g, 36% ở khẩu phần 3g, và 16% ở khẩu phần 12g.

Vitamin C hấp thu tốt hơn khi bữa ăn có nhiều protein động vật. Bên cạnh đó, nếu khẩu phần ăn có nhiều vitamin C sẽ làm tăng hấp thu sắt.

Hàm lượng vitamin C trong máu tối đa là 1,2 – 1,5 mg/100ml với khẩu phần ăn 100 mg/ngày và giảm xuống 0,2 – 0,1 mg/100ml khi khẩu phần ăn dưới 10 mg/ngày. Nếu tiêu hoá trên 100mg/ngày, hàm lượng vitamin C tăng cao, lượng thừa nhanh chóng được các tế bào mô nắm bắt hoặc bài tiết ra nước tiểu. Hàm lượng vitamin C cao ở trong các mô tuyến yên và tuyến thượng thận, cao hơn 50 lần so với trong huyết thanh. Ở các mô khác như mắt, não, thận, phổi và gan cao hơn từ 5 – 30 lần so với trong huyết thanh. Lượng vitamin C trong mô cơ tương đối thấp, nhưng do cơ chiếm một khối lượng lớn trong cơ thể, nên có tới 600mg vitamin C được dự trữ trong cơ của một người có trọng lượng 70kg.

  • 7.3. khuyến nghị

Nhu cầu khuyến nghị cho vitamin C còn chưa được thống nhất. Một số ý kiến cho rằng, không nên cao hơn liều phòng bệnh scorbut (10 – 12 mg/ngày). Một số khác đề nghị là 60 mg/ngày hoặc cao hơn để đảm bảo cho các mô được bão hoà vitamin C mà không gây ra nguy cơ quá liều. Con số 60 mg/ngày nằm trên ngưỡng bài tiết ra nước tiểu 60 – 80 mg/ngày, vì lượng vitamin C sử dụng vượt ngưỡng đều bị bài tiết ra nước tiểu.

Với phụ nữ có thai, cần thêm 10 mg vitamin C/ngày so với người trưởng thành. Bà mẹ cho con bú trong 6 tháng đầu cần thêm 35 mg/ngày và thêm 10 mg/ngày ở phụ nữ có thai.

Bộ Y tế, năm 1997 đưa ra nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam như sau: trẻ dưới 1 tuổi 30 mg/ngày, trẻ 1 – 3 tuổi: 35 mg/ngày, trẻ 4 – 6 tuổi: 45 mg/ngày, 7 – 9 tuổi: 55 mg/ngày, 10 – 12 tuổi:

65 – 70 mg/ngày, 13 – 15 tuổi: 75 – 80 mg/ngày.

  • 7.4. Nguồn thực phẩm

Vitamin C có mặt ở phần lớn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Ở các thực phẩm có nguồn gốc động vật, gan và thận được xem là có nguồn vitamin C đáng kể. Phần lá của rau xanh có nhiều vitamin C hơn phần thân, nhưng thân còn giữ được 82% vitamin C trong 10 phút đun nấu, trong khi phần lá chỉ còn lại 60%. Rau thân mềm có chứa nhiều vitamin C hơn rau thân cứng. Rau bị héo mất nhiều vitamin C trong quá trình dự trữ hơn rau tươi.

Bệnh truyền nhiễm
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận