Nhiễm Virus Cự Bào – Chẩn đoán và điều trị

Bệnh truyền nhiễm

Tên khác: bệnh thể vùi cự bào, nhiễm CMV.

Định nghĩa

Bệnh virus không có biểu hiện triệu chứng ở người lớn, trừ trường hợp bị suy giảm miễn dịch. Nhiễm virus cự bào bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có thể gây ra những dị dạng, vàng da và những biểu hiện lâm sàng khác.

Căn nguyên

Tác nhân gây bệnh là virus cự bào thuộc họ các virus herpes. Nhiễm virus cự bào tiềm tàng hoặc không có triệu chứng là phổ biến trên toàn thế giới. Có khoảng 1% số trẻ sơ sinh là “người lành” mang virus, và kháng thể đặc hiệu có thể phát hiện được ở 50% dân số (nhiễm virus không triệu chứng). Virus có thể có ở trong nước bọt, nước tiểu, tinh dịch, dịch tiết của cổ tử cung, nhất là trong lúc có thai và cả trong sữa mẹ. Bệnh do virus cự bào là bệnh lây theo đường tình dục, nhất là ở những người đồng tính luyến ái.. Nhiễm virus cự bào cũng có thể thông qua truyền máu, hoặc truyền sản phẩm của máu, hoặc qua ghép tạng. Bệnh có biểu hiện lâm sàng sau một thời kỳ ủ bệnh từ 4-8 tuần. Sau khi bị nhiễm có hoặc không có biểu hiện lâm sàng, thì virus sẽ tồn tại vĩnh viễn trong các mô tế bào dưới dạng tiềm tàng và lại có thể tái hoạt hoá trong hoàn cảnh bị suy giảm miễn dịch, khi mà chức năng của các tế bào lympho T bị suy giảm, ở những đối tượng bị suy giảm miễn dịch, nhiễm virus cự bào có thể gây ra hậu quả nặng nề. Do đó, phải vận dụng những phương pháp chẩn đoán sớm và đáng tin cậy để phát hiện nhiễm virus này trong quá trình điều trị sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, trong quá trình bệnh AIDS, và khi một sản phụ bị sơ nhiễm virus cự bào.

Triệu chứng

NHIỄM VIRUS BẨM SINH: nhiễm virus cự bào không triệu chứng hay xảy ra ở trẻ sơ sinh do lây truyền virus từ mẹ qua rau thai sang con (người ta đã phát hiện thấy virus ở 1% số trẻ sơ sinh bình thường). Khoảng 10% số trẻ bị nhiễm virus bẩm sinh này, có thể có biểu hiện những triệu chứng sau đây:

Bệnh phôi thai (dị tật bẩm sinh): như đầu nhỏ, dị dạng răng, điếc, hở vòm miệng (hở hàm ếch).

Nhiễm khuẩn huyết với gan lách to và vàng da.

Các tổn thương khác: viêm màng mạch-võng mạc, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, chấm xuất huyết, thiếu máu tan huyết, viêm phổi hoặc viêm màng não-não (biểu biện bởi ngủ lịm, co giật, chậm phát triển tâm thần-vận động).

Đẻ non chiếm 30-50% các trường hợp. Sẩy thai và thai chết lưu có thể xảy ra.

NHIỄM VIRUS CHU SINH: Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus cự bào vào lúc sinh vì tiếp xúc với dịch tiết cổ tử cung của mẹ, nhưng chỉ có biếu hiện lâm sàng sau 3-12 tuần, vì trẻ còn được bảo vệ bởi kháng thể của mẹ truyền sang con qua rau thai. Những biểu hiện có thể là bệnh phổi kẽ, hoặc viêm gan, đôi khi là giảm tiểu cầu.

NHIỄM VIRUS Ở NGƯỜI CÓ KHẢ NÂNG MIỄN DỊCH BÌNH THƯỜNG: thường không có biểu hiện hoặc không triệu chứng, nhưng cũng có thể gây ra những bệnh sau đây:

Hội chứng kiểu cúm.

Tăng bạch cầu đơn nhân do virus cự bào: bệnh giống như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (xem từ này). Tuy nhiên phản ứng Paul-Bunnel (phát hiện kháng thể đa loài) âm tính, và bệnh nhân không bị viêm họng và sưng hạch bạch huyết vùng cổ. Nếu bị nhiễm virus cự bào, bệnh nhân có thể sốt cao kéo dài 2-6 tuần, và hay thấy lách to.

Hội chứng sau truyền máu: phát triển 2-4 tuần sau khi được truyền máu bị nhiễm virus cự bào, biểu hiện bằng sốt kéo dài 2-3 tuần với viêm gan có hoặc không vàng da.

NHIỄM VIRUS ở NGƯỜI SUY GIẢM MIỄN DỊCH: đặc biệt hay gặp trong trường hợp ghép tạng, và biểu hiện sau 14 tháng bởi sốt và giảm bạch cầu trong máu. Tuỳ theo tạng ghép có thể thấy viêm gan hoặc viêm phổi, ở những bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch, hoặc những bệnh nhân bị một bệnh ác tính của hệ thống lưới nội mô, thì nhiễm virus cự bào có thể biểu hiện bởi viêm phổi kẽ hoặc viêm gan tiêu tế bào.

TRONG QUÁ TRÌNH BỆNH AIDS: nếu nhiễm virus cự bào thì:

Những bệnh nhân bị rối loạn thị giác và có số lượng tế bào lympho CD4 thấp hơn 50/pl đều có nguy cơ cao bị viêm võng mạc xuất huyết. Để tránh bị mù loà, thì khám chuyên khoa mắt và điều trị ngay là điều thiết yếu.

Có thể gặp viêm đại tràng với ỉa chảy dai dẳng, viêm thực quản, và hiếm hơn là viêm tuy hoặc viêm tuyến thượng thận với biểu hiện suy vỏ thượng thận, viêm não hoặc viêm gan. Viêm phổi thường do nhiễm Pneumocystis carinii.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Cấy virus: có thể phân lập virus cự bào bằng cấy bệnh phẩm (có kết quả sau 2-6 tuần). Tất cả các loại dịch sinh học trong cơ thể đều có thể đem cấy, kể cả dịch tiết cổ tử cung, tinh dịch, và sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu có virus trong nước tiểu hoặc nước bọt thì cũng có thể là do nhiễm virus từ trước.

Kỹ thuật nhanh: cấy bệnh phẩm vào một môi trường nuôi nguyên bào sợi người, rồi phát hiện kháng nguyên của virus cự bào bằng kỹ thuật miễn dịch hoá tế bào (có kết quả sau 48 giờ). Cũng có thể sử dụng kỹ thuật PCR (“Polymerase Chain Reaction” – Phản ứng chuỗi Polymerase) là kỹ thuật rất nhạy và đáng tin cậy.

Các phản ứng huyết thanh: vì nhiễm virus cự bào rất phổ biến, nên chỉ khi nào có kết quả huyết thanh chuyển đổi hoặc tăng hiệu giá kháng thể (ít nhất qua 4 lần làm test ), thì mối đủ tiêu chuẩn để khẳng định nhiễm virus này là mối xảy ra. Thường người ta hay sử dụng test với latex hoặc test ELISA. Chọc hút máu ở phôi thai cho phép khẳng định phôi bị nhiễm virus nếu phát hiện thấy IgM đặc hiệu trong máu đó.

Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang: được thực hiện với bệnh phẩm là dịch rửa phế quản phế nang trong trường hợp nhiễm virus cự bào ở đường hô hấp.

Huyết đồ: tăng bạch cầu một nhân trong máu.

Chẩn đoán phân biệt

Thể bẩm sinh: phân biệt với các bệnh sau: tăng nguyên hồng cầu phôi thai, vàng da tan huyết, bệnh do toxoplasma, bệnh giang mai bẩm sinh, và bệnh do listeria.

Thể người lớn: phân biệt với tăng bạch cầu một nhân nhiễm khuẩn do nhiễm virus Epstein-Barr.

Điều trị

Trong trường hợp suy giảm miễn dịch và bệnh AIDS:  cho ganciclovir (5 mg/kg cân nặng cơ thể, tiêm tĩnh mạch cứ 12 giờ một lần) trong 2-3 tuần. Nếu xảy ra kháng thuốc hoặc không dung nạp, thì cho foscarnet (60 mg/kg cân nặng cơ thể, tiêm tĩnh mạch cứ 8 giờ một lần) trong 2-3 tuần.

Trong trường hợp ghép tạng: tiêm immunoglobulin kháng virus cự bào với liều 500 Đơn vị/kg cân nặng cơ thể.

Bệnh truyền nhiễm
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận