Hội chứng suy mòn

Bệnh truyền nhiễm

Hội chứng suy mòn cổ điển được định nghĩa là sút cân ít nhất 10% trọng lượng cơ thể, kèm theo ỉa chảy kéo dài (ít nhất 2 lần/ngày trong hơn 30 ngày) hoặc mệt lả và/hoặc sốt không rõ căn nguyên nhiễm trùng. Hội chứng suy mòn là một chẩn đoán loại trừ và mang nhiều ý nghĩa dịch tễ học hơn là một bệnh cụ thể – nếu xem xét thật kỹ thì thường vẫn tìm được một căn nguyên cụ thể. Mặc dù hội chứng này khá phổ biến trong quá khứ, ngày nay nó đã trở  nên hiếm trong kỷ nguyên HAART.

Trong một nghiên cứu lớn năm 2000, 14% số bệnh nhân sút cân trên 10% (Wanke 2000). Tỷ lệ suy mòn thậm chí còn cao hơn ở những người tiêm chích ma túy (Campa 2005). Sút cân là một yếu tố nguy cơ độc lập của tử vong, thậm chí trong thời kỳ có HAART (trị liệu kháng retrovirus hiệu lực cao) và mọi bệnh nhân cần được theo dõi cân nặng thường xuyên. Trong một nghiên cứu lớn, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân có sút cân trên 10% cao gấp 4-6 lần bệnh nhân có cân nặng duy trì (Tang 2002). Bệnh nhân mắc hội chứng suy mòn cổ điển thường rất yếu. Nguy cơ mắc các nhiễm trùng cơ hội cũng tăng rõ rệt (Dworkin 2003). Bệnh nhân còn có các rối loạn về nhận thức (Dolan 2003).

Chẩn đoán

Căn nguyên của hội chứng suy mòn khá phức tạp. Trước hết, cần loại trừ hoặc điều trị các nhiễm trùng cơ hội (lao, MAC, cryptosporidiosis và microsporidiosis). Nếu không tìm thấy nhiễm trùng cơ hội nào, vẫn còn một số nguyên nhân (có thể phối hợp nhau) gây ra hội chứng suy mòn. Các nguyên nhân đó bao gồm các rối loạn chuyển hóa, suy sinh dục, dinh dưỡng kém và hội chứng kém hấp thu (Grinspoon 2003).

Vì vậy, cần khai thác bệnh sử kỹ càng. Bệnh nhân có ăn kiêng không? Các bữa ăn phân phối trong ngày thế nào? Bệnh nhân có trầm cảm không? Thuốc nào, ARV nào đang được dùng? Phân biệt với mất mỡ do ARV (d4T, ddI) thường khó. Sút cân nhiều cũng xảy ra khi điều trị interferon (Garcia-Benayas 2002), nhưng sẽ phục hồi nhanh sau khi ngừng điều trị. Ngoài ra, suy sinh dục cần được chẩn đoán loại trừ (định lượng testosterone). Có một số xét nghiệm đơn giản để chẩn đoán kém hấp thu. Cần bắt đầu bằng xét nghiệm albumin, TSH và cholesterol.

Các xét nghiệm bổ sung như hấp thu D-xylose hoặc sinh thiết ruột non chỉ nên tiến hành sau khi tư vấn bác sỹ tiêu hóa. Các xét nghiệm khác giúp xác định các thành phần cơ thể (DEXA, đo mật độ, phân tích trở kháng điện sinh học) chỉ tiến hành ở những trung tâm chuyên khoa  về AIDS.

Điều trị

Hội chứng suy mòn luôn cần tư vấn về chế độ ăn. Tập luyện cũng tốt. Tuy nhiên cả hai biện pháp đều có những hạn chế. Dinh dưỡng tĩnh mạch chỉ tốt nếu có vấn đề về hấp thu (Kotler 1990, Melchior 1996). HAART (trị liệu kháng retrovirus hiệu lực cao) rất quan trọng, lý tưởng nhất là không có AZT, d4T và ddI, thậm chí có thể bỏ hoàn toàn nhóm nucleoside (xem chương về Phác đồ không có nuke).

Ngoài các biện pháp này, nhiều loại thuốc đã được thử nghiệm. Tuy nhiên thành công của chúng đều hạn chế và thường có nhiều vấn đề.

Megestrol acetate, một loại hormone sinh dục tổng hợp, đã có tác dụng kích thích ăn ngon ở bệnh nhân suy mòn (Von Roenn 1994, Mulligan 2006). Vấn đề chính của nó là các tác dụng phụ kiểu steroid, bao gồm suy sinh dục (nên tránh trong trường hợp suy mòn) mà không cải thiện được bằng tiêm đồng thời testosterone (Mulligan 2006). Vì thế chúng tôi không khuyến cáo sử dụng thuốc này.

Thế còn THC (dronabinol)? Thuốc là thành phần chính của marijuana và được cấp phép từ 1985 ở Hoa Kỳ với tên Marinol™, và có 2 dạng dung dịch và viên nang cứng. Thuốc rất hấp dẫn với nhiều bệnh nhân và đôi khi còn được bệnh nhân yêu cầu dùng. Kê đơn cần thận  trọng, đặc biệt là giá thành rất đắt (600 euro/tháng cho liều 5 mg ngày 3 lần). Nếu không chẩn đoán chắc chắn hội chứng suy mòn, sẽ có thể gặp vấn đề với bảo hiểm y tế. Đôi khi bảo hiểm y tế từ chối yêu cầu. Hiệu quả đối với hội chứng suy mòn cũng chỉ ở mức trung bình (Beal 1995). Thậm chí nó còn yếu hơn so với megestrol acetate (Timpone 1997). THC được sản xuất ở Đức bởi THC Pharma. Lý do giá thành cao như vậy là vì quá trình sản xuất rất phức tạp. Việc nhập khẩu 1 kg hashish từ Hà Lan là không thể nên THC bắt buộc phải chiết xuất từ sợi gai dầu; xem chi tiết trong http:/www.thc-pharma.de. Trong những năm vừa qua, chúng tôi chỉ kê THC cho rất ít bệnh nhân.

Suy sinh dục là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân suy mòn. Do đó cần định lượng testosterone (phụ thuộc tuổi!). Nếu nồng độ thấp, có thể bổ sung testosterone, vừa có tác  dụng tăng cân, vừa tăng chất lượng cuộc sống (Grinspoon 1998). Liều dùng là 250 mg testosterone tiêm bắp mỗi 3-4 tuần và có nhiều biệt dược giá rẻ. Hiệu quả của thuốc là ổn định, thậm chí khi điều trị kéo dài (Grinspoon 1999). Nếu nồng độ testosterone bình thường, không chỉ định dùng thuốc. Ở phụ nữ, cần thận trọng khi dùng hormone hướng sinh dục nam. Có một số chế phẩm dạng steroid khác ngoài testosterone, ví dụ oxandrolone hoặc nandrolone. Chúng hiệu quả hơn so với testosterone (Gold 2006), nhưng có nhiều tác dụng phụ hơn, đặc biệt là với gan (Corcoran 1999). Một chất chuyển hóa dạng steroid có tên oxymetholone cũng đã cho tác dụng tốt (Hengge 2003). Tuy nhiên, tác dụng phụ gây transaminase tăng quá cao ngăn cản việc sử dụng rộng rãi thuốc này.

Tác dụng phụ cũng như giá thành cao đã hạn chế việc sử dụng hormone tăng trưởng, đồng thời dữ liệu điều trị lâu dài cũng chưa có (Mulligan 1993, Schambelan 1996). Tuy nhiên, kết quả của một phân tích meta gần đây cho thấy hormone tăng trưởng có lẽ hiệu quả hơn các steroid chuyển hóa hoặc testosterone khi điều trị hội chứng suy mòn (Moyle 2004).

Bệnh truyền nhiễm
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận