1. ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN CỦA HIV

    • Khái niệm HIV/AIDS
  • HIV là vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Human Immunod­eficiency Virus). HIV thuộc họ các retro vi rút.

Hầu hết ở những người nhiễm HIV không có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trong thời gian dài và do đó họ không biết rằng mình đã bị nhiễm vi rút này nếu không đi làm xét nghiệm phát hiện HIV.

  • AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Acquired Immunodeficiency Syndrom),là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.
    • Các đường lây truyền HIV

HIV lây truyền qua:

  • Đường tquan hệ tình dục.
  • Đường máu;
  • Đường từ mẹ sang con (trong thời gian mang thai, khi sinh đẻ và cho con bú).
  • Lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục

Lây truyền HIV qua quan hệ tình dục khác giới hiện vẫn đang là “con đường” lây truyền chủ yếu của vi rút này trên thế giới. Lây truyền HIV qua đường tình dục diễn ra cả trong giao hợp khác giới (nam-nữ) và giao hợp đồng giới (nam-nam). Giao hợp tình dục có nghĩa là có việc thâm nhập vào âm đạo, hậu môn, hay tiếp xúc tình dục bằng miệng giữa 2 người. Nguy cơ cao nhất trong giao hợp tình dục là giao hợp dương vật – hậu môn và dương vật – âm đạo không được bảo vệ với người nhiễm HIV. Quan hệ tình dục bằng miệng trực tiếp (miệng với dương vật hoặc miệng với âm đạo) cũng có nguy cơ lây truyền HIV nhưng thấp hơn.
Mức độ nguy cơ phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng các điểm tiếp xúc với vi rút. Ví dụ như các tổn thương của miệng, chảy máu răng và lợi hoặc các tổn thương trong cơ quan sinh dục, hậu môn… sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV khi có giao hợp qua miệng hoặc cơ quan sinh dục.

  • Lây truyền HIV qua đường máu (tiếp xúc trực tiếp với máu, các sản phẩm máu, hoặc các tạng hay mô cấy ghép bị nhiễm)

Tiếp xúc trực tiếp với máu đã bị nhiễm HIV có thể xảy ra khi:

  • Truyền máu mà mẫu máu đó không được xét phát hiện HIV;
  • Sử dụng lại các bơm kim tiêm, đặc biệt là trong tiêm chích ma túy hoặc các dụng cụ y tế đã dính máu nhiễm HIV (đã dùng cho người nhiễm HIV);
  • Dùng chung dụng cụ xuyên chích qua da, bao gồm cả châm cứu, chích, lể. trong các cơ sở y tế và điều trị y học cổ truyền;
  • Cấy ghép mô, tạng mà không sàng lọc HIV mẫu mô, tạng được cấy ghép;
  • Các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, ví dụ như khi băng bó vết thương hở mà không mang găng tay hay bị máu, dịch tiết bắn vào da, niêm mạc…
  • Lây truyền HIVtừ mẹ sang con

Đa số lây nhiễm HIV ở trẻ em là do mẹ bị nhiễm HIV truyền vi rút này sang trẻ sơ sinh trước, trong và sau sinh.

Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có can thiệp ở từng nước là khác nhau. Ước tính nguy cơ khoảng 25-40% ở các nước đang phát triển và khoảng 16-20% tại châu Âu và Bắc Mỹ.

  • Các đường không lây truyền HIV

HIV không lây truyền qua tiếp xúc thông thường giữa người với người (các tiếp xúc thông thường được hiểu là các tiếp xúc không liên quan đến máu và dịch sinh dục) như bắt tay, ôm ấp, đụng chạm hay hôn nhau… Cũng không có bằng chứng nào cho thấy HIV có thể lây truyền qua nhà vệ sinh, bể bơi, ăn chung bát đĩa hoặc uống chung cốc tách, hoặc qua côn trùng (như muỗi đốt)…

Do vậy học tập, làm việc, sống chung nhà hay chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV sẽ không bị lây nhiễm HIV nếu không có các tiếp xúc trực tiếp với máu hay dịch tiết cơ thể của họ.

  1. DỊCH TỄ HỌC HIV/AIDS

    • Dịch tễ học HIV/AIDS trên thế giới

Thế giới đã tiến vào thập kỷ thứ 3 của dịch HIV/AIDS và các tác động của dịch bệnh này là không thể phủ nhận. Dịch lan tràn không kiểm soát được đang cướp đi các nguồn lực và an ninh nhân loại. Tại một số khu vực, HIV/AIDS song hành với các khủng hoảng khác đang làm tăng số lượng các quốc gia phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và kém phát triển.

Tính đến cuối năm 2008 số người nhiễm HIV/AIDS đang sống trên thế giới tiếp tục gia tăng và đạt con số 33,4 triệu người (dao động trong khoảng từ 31,1 triệu đến 35,8 triệu), tăng 20% so với năm 2000 và tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS ước tính cao gấp 3 lần năm 1990.

Tính từ đầu vụ dịch (năm 1981) đến nay đã có khoảng 60 triệu người trên hành tinh đã nhiễm HIV, trong đó có khoảng 25 triệu người đã chết do các bệnh có liên quan đến AIDS

Theo phân tích của các chuyên gia, tổng số người nhiễm HIV còn sống vẫn đang tiếp tục gia tăng là hệ quả của hai tác động chủ yếu. Một là số người mới nhiễm HIV hàng năm trên toàn cầu vẫn ở mức cao. Chỉ tính riêng trong năm 2008, thế giới vẫn có khoảng 2,7 triệu người mới nhiễm HIV (con số này năm 2007 là 2,5 triệu). Hai là do kết quả tích cực của các liệu pháp điều trị kháng vi rút (ARV) làm giảm số người tử vong, kéo dài sự sống cho người bệnh. Đến tháng 12/2008, ước tính khoảng 4 triệu người nhiễm HIV ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), tăng lên 10 lần trong vòng 5 năm. Số người chết do AIDS năm 2008 là khoảng 02 triệu, giảm 100.000 người so với năm 2007 (2,1 triệu ). Các số liệu dịch tễ học gần đây cho thấy, sự lây lan của HIV trên phạm vi toàn cầu đạt “đỉnh” vào năm 1996, khi có tới 3,5 triệu ca mới nhiễm HIV trong một năm – Như vậy, trong 12 năm qua (từ 1996 – 2008) số ca mới nhiễm HIV đã giảm 30% (2,7 triệu người năm 2008 so với 3,5 triệu vào năm 1996).Trong khi đó, tổng số người chết do AIDS trên toàn cầu đạt “đỉnh” vào năm 2004, khi có tới 2,2 triệu người bị AIDS cướp đi trong năm. Như vậy, trong 4 năm qua, nhờ chăm sóc điều trị tốt, số người chết do AIDS đã giảm 10% (2,0 triệu năm 2008 so với 2,2 triệu năm 2004).

Những con số đáng chú ý về dịch HIV trên thế giới hiện nay:

  • Khoảng 430.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV trong năm 2008, đưa tổng số trẻ em (dưới 15 tuổi) nhiễm HIV còn sống trên thế giới lên 2,1 triệu cháu. Tuyệt đại đa số các cháu này bị lây truyền HIV từ mẹ sang.
  • Trong tổng số người lớn (15 – 49 tuổi) nhiễm HIV còn sống trên thế giới đến cuối năm 2008 có khoảng 40% là những người trẻ tuổi (15-24) và 50% là phụ nữ.
  • Khu vực Cận Sahara của châu Phi vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch HIV. Gần 71% tổng số trường hợp mới nhiễm HIV trong năm 2008 là dân của các nước trongkhu vực này (với khoảng 1,9 triệu người mới nhiễm); Cận Sahara của Châu Phi cũng là khu vực đang có tới 14 triệu trẻ em mồ côi do AIDS;
  • Vị trí số 2 vẫn là khu vực Nam và Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), với 280.000 người mới nhiễm HIV trong năm 2008, cao hơn 110.000 người so với khu vực tiếp theo là Mỹ La Tinh, với 170.000 người mới nhiễm HIV trong năm 2008;

Tại hầu hết các vùng của thế giới, đa số các trường hợp mới nhiễm xuất hiện ở người trẻ tuổi khoảng 15-24, đôi khi còn trẻ hơn. Những trường hợp mới nhiễm này không chỉ xảy ra ở các nhóm trẻ tuổi vừa mới bước vào thời kỳ sinh hoạt tình dục mạnh mẽ, mà còn có tới 60% các lây nhiễm ở nữ giới xảy ra vào độ tuổi 20. Dự báo có thể có thêm 45 triệu người sẽ bị nhiễm HIV ở 126 nước có thu nhập thấp hoặc trung bình (hiện tại đang có dịch ở cấp độ tập trung hoặc phổ biến) vào khoảng những năm 2002 và 2010 – trừ khi thế giới thành công trong việc tập hợp và mở rộng các nỗ lực phòng, chống quyết liệt trên phạm vi toàn cầu. Hơn 40% trường hợp lây nhiễm này có thể sẽ xảy ra ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Cận Sahara – châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, là nơi hiện có 29,4 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS. Khu vực này có tỷ lệ hiện nhiễm HIV trung bình cao nhất (9%), với 12 nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn 10% trong quần thể ở lứa tuổi 15-49. Bốn nước Botswana, Lesotho, Swaziland và Zimbabwe có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao hơn 30%. Lây truyền HIV trong khu vực này chủ yếu là qua đuờng tình dục khác giới.

Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực rộng lớn với gần 60% dân số toàn cầu. Bởi vậy, dù khu vực này có tỷ lệ lây nhiễm HIV thấp, cũng đóng góp thêm hàng triệu người sống chung với HIV/AIDS và số tử vong do AIDS. Ứớc tính, năm 2008, có 7,2 triệu người ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đã nhiễm HIV/AIDS đang còn sống, xếp hàng thứ hai sau vùng Cận Sa­hara – châu Phi.

Số người bị nhiễm ở Nam và Đông Nam Á chủ yếu là ở Ản Độ (ước tính với gần 4 triệu người lớn bị nhiễm, chiếm 75% tổng số người nhiễm ở tiểu khu vực này) và những nước có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao như Thái Lan, Cămpuchia, và Miến Điện. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở khu vực này thay đổi từ mức độ thấp dưới 0,1% (Bhutan) cho tới mức độ cao 2,5% (Cămpuchia) và 1,8% (Thái lan). Lây truyền qua đường tình dục khác giới là chủ yếu, nhưng cũng có những khu vực HIV lây truyền trong nhóm tiêm chích ma tuý như ở Đông Bắc Ản độ, Indonesia , Miến Điện, Việt Nam, Pakistan và Thái lan.

Số người nhiễm HIV ở Đông Á và Thái Bình Dương chủ yếu là ở Trung Quốc (ước tính có gần 1 triệu người bị nhiễm HIV – chiếm 95% tổng số người nhiễm trong tiểu vùng này). Không kể Trung Quốc, tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại các nước khác trong tiểu vùng này là 0,018% hay là khoảng 1/5.000. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV thay đổi từ mức độ thấp dưới 0,01% (CHDCND Triều Tiên) cho tới mức độ cao 0,7% (Papua Niu Ghi-nê). Một tỷ lệ lớn (khoảng 90%) các trường hợp lây nhiễm HIV ở Trung Quốc là do lây truyền qua đường tiêm chích ma tuý vàtừ máu không an toàn của những người bán máu chuyên nghiệp diễn ra vào đầu và giữa những năm 1990.

Một số quốc gia châu Á đang phải đối đầu với giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh, những thay đổi về kinh tế và xã hội đã làm tăng lên điều kiện và xu hướng thuận lợi cho việc lây truyền HIV. Ví dụ như gái bán dâm, tiêm chích ma tuý, việc tiếp cận với các dịch vụ cơ bản bị giới hạn và sự di dân gia tăng.

Số nhiễm HIV/AIDS ở Đông Âu và Trung Á chủ yếu là ở Ucraina (250.000 ca nhiễm HIV) và Nga (700.000 ca nhiễm HIV) – chiếm khoảng 95% tổng số ca nhiễm của khu vực. Không kể Nga và Ucraina, tỷ lệ hiện nhiễm HIV của tất cả các nước khác trong vùng này là 0,05%. Hầu hết các lây nhiễm HIV là do lây truyền qua đường tiêm chích ma túy, tiếp theo là qua đường tình dục khác giới từ những người tiêm chích ma túy bị nhiễm lây sang các bạn tình thường xuyên của họ.

  • Dịch tễ học HIV/AIDS ở Việt Nam

Lần đầu tiên ở Việt Nam phát hiện ra người nhiễm HIV là vào tháng 12 năm 1990 và tính đến 31 tháng 12 năm 2009, cả nước có 160.019 người nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo, trong đó có 35.603 bệnh nhân AIDS và từ đầu vụ dịch (1990) đến nay Việt Nam đã có 44.540 người đã chết do AIDS.

Đến cuối năm 2009, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có tổng số người nhiễm HIV- cao nhất nước, chiếm 26,3% các trường hợp nhiễm HIV phát hiện trên toàn quốc. Kế đến là Hà Nội với 15.528 người nhiễm HIV hiện còn sống, Hải Phòng 6.540 người, Sơn La 5.183 người, Thái Nguyên 5.122 người, Nghệ An 3.711 người, An Giang 3.667 người và Bà Rịa – Vũng Tàu 3.427 người…

Toàn quốc có tới 70,51% xã/phường, 97,53% quận/huyện và 63/63 tỉnh/thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV.

Người nhiễm HIV vẫn chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi từ 20-29, chiếm hơn 50% tổng số người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, nhiễm HIV trong nhóm tuổi 30-39 tuổi có xu hướng tăng hơn so với các năm trước, từ 30% năm 2008 lên đến 41% trong năm 2009.

Hình thái lây nhiễm HIV trên toàn quốc nói chung vẫn chủ yếu qua đường máu (do tiêm chích ma túy không an toàn), tuy nhiên “đường” lây truyền dịch HIV có sự khác biệt giữa các vùng miền trong những năm gần đây. Khu vực miền Bắc, miền núi phía Bắc chủ yếu do tiêm chích ma túy nhưng các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Tây Nam bộ chủ yếu các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện do quan hệ tình dục. Tại Trà Vinh số ca nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trong tổng số các trường hợp nhiễm HIV phát hiện lên tới 80,7%, Quảng Bình 73,2%, Cà Mau 69,4%, Quảng Trị 62,0%, An Giang 55,8%, Thừa Thiên Huế 50,8%…

Đến cuối năm 2009, đa số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Việt Nam là nam giới, chiếm 79% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ nam/nữ trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện đang có sự thay đổi qua các năm gần đây, theo đó tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới bắt đầu tăng từ 15% năm 2005 lên tới 23% năm 2009 và dự báo trong tương lai tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới vẫn có xu hướng tăng lên.

Một đặc điểm đáng lưu ý nữa là hiện nay ở Việt Nam nhiễm HIV không chỉ tập trung trong các nhóm người có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma tuý, gái bán dâm mà đã và lan ra các tầng lớp dân cư khác, như công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên, nhân viên hành chính, người lao động… và trẻ em. Điều này cũng phù hợp về hình thái lây truyền, vì một khi sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục khác giới gia tăng sẽ làm đa dạng hơn về ngành nghề của người được tư vấn nhiễm và nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng cũng sẽ cao hơn.

Đánh giá chung về tình hình dịch đến cuối năm 2009 cho thấy dịch HIV ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung, thể hiện ở tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm tiêm chích ma túy, cao trong nhóm bán dâm và thấp ở các quần thể khác. Tốc độ lây lan của HIV tuy đã có xu hướng giảm ở nhiều địa phương, nhưng nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn còn rất lớn. Nếu không có các can thiệp thích hợp thì dịch HIV vẫn có khả năng bùng phát.

  • Tình hình lây truyền HIV từ mẹ sang con ỏ Việt Nam

Hàng năm, ước tính cả nước có trên 2 triệu phụ nữ mang thai (PNMT) và với tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm PNMT vào khoảng 0,37% trong năm 2009 thì trong những năm gần đây, mỗi năm ở Việt có hàng ngàn phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV.

Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ lây nhiễm HIV tự nhiên từ mẹ sang con (không có can thiệp) vào khoảng 30­40%, như vậy nếu không có can thiệp thích hợp mỗi năm ở nước ta sẽ có khoảng trên dưới 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Đến cuối năm 2009, khoảng 1,8% trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống và được báo cáo ở Việt Nam là trẻ em dưới 13 tuổi và hầu như tất cả các cháu này bị lây nhiễm HIV domẹ truyền sang. Vào năm 2010, theo ước tính và dự báo của Bộ Y tế sẽ có khoảng 5.100 trẻ (từ 0-14 tuổi) bị nhiễm HIV và con số này sẽ tăng lên 5.700 trẻ vào năm 2012.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng sử dụng thuốc kháng retrovirus (ARV) có thể làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con trong các nhóm không nuôi con bằng sữa mẹ hoặc nuôi con bằng sữa mẹ có kiểm soát trong thời gian ngắn.

Các nước phát triển đã làm giảm được đáng kể số trẻ em bị nhiễm HIV từ các bà mẹ bị nhiễm HIV do đã áp dụng các can thiệp phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con. Một số nước đang phát triển ở châu Phi, Mỹ La tinh, Trung và Đông Âu và Đông Nam Á đã triển khai các can thiệp phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng các phác đồ điều trị thuốc kháng retrovirus rút gọn.

Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (TVXNTN) trong thời gian mang thai là điểm mấu chốt để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tư vấn xét nghiệm tự nguyện cũng mang lại lợi ích cho những phụ nữ có kết quả xét nghiệm HIV âm tính do họ nhận được những lời khuyên để duy trì tình trạng âm tính của họ trong tương lai. Tỷ lệ lây nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giảm rõ rệt ở các nước có các chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

  1. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ CƠ CHẾ LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

    • Các yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố nguy cơ làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm: các yếu tố thuộc về vi rút, về người mẹ, về sản khoa, trẻ sơ sinh và các yếu tố liên quan khác. Trong đó, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất ảnh hưởng đến lây truyền HIV từ mẹ sang con là tải lượng vi rút trong máu của người mẹ.CƠ CHẾ LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

Nguy cơ lây truyền cao nhất khi tải lượng HIV trong máu người mẹ cao. Tải lượng HIV cao có thể do nhiều lý do, nhưng hai lý do chính là:

  • Mới nhiễm HIV.
  • Nhiễm HIV ở giai đoạn tiến triển/ AIDS tiến triển.

Bảng 1.3: Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Khi Mang thai Khi chuyển dạ và khi sinh Khi nuôi con bằng sữa mẹ
■ Tải lượng vi rút (lượng vi rút trong máu) cao trong máu người mẹ (mới nhiễm hoặc tiến triển AIDS)

■ Vi khuẩn, vi rút hoặc nhiễm trùng qua nhau thai như sốt rét.

■ Bệnh lây truyền qua đường tình dục.

■ Tải lượng vi rút cao trong máu người mẹ (mới nhiễm hoặc tiến triển AIDS)

■ Vỡ ối trên 4 giờ.

■ Các biện pháp can thiệp khi đẻ làm tăng khả năng tiếp xúc của trẻ với máu hoặc dịch tiết của mẹ (lấy máu đầu trẻ làm pH… )

■ Viêm màng ối (do không điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc các nhiễm trùng khác)

■ Trẻ đẻ non, nhẹ cân.

■ Tải lượng vi rút cao trong máu người mẹ (mới nhiễm hoặc tiến triển AIDS)

■ Thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

■ Vừa ăn sữa mẹ vừa ăn ngoài.

■ Áp xe vú, nứt núm vú, viêm vú.

■ Các bệnh đường miệng của trẻ (viêm loét miệng)

 

  • Yếu tố về HIV
  • Tải lượng HIV trong huyết thanh: lượng HIV trong máu phụ nữ mang thai tỷ lệ thuận với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở cả phụ nữ đã được điều trị ARV và ở phụ nữ chưa được điều trị ARV.
  • Tải lượng HIV trong huyết thanh và trong dịch âm đạo: có mối tương quan tỷ lệ thuận giữa tải lượng HIV huyết thanh và HIV dịch âm đạo.
  • Kiểu gen của HIV: kiểu gen có thể liên quan đến tỷ lệ lây truyền HIV trong các giai đoạn khác nhau của thời kỳ mang thai và chuyển dạ đẻ.

Kiểu gen của HIV dịch âm đạo cũng có thể khác biệt với HIV huyết thanh của phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

  • Yếu tố miễn dịch Số lượng tế bào CD4: Lượng CD4 thấp hoặc tỷ lệ CD4/CD8 thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ lây truyền HỈV từ mẹ sang con.
  • Yếu tố lâm sàng ở người mẹ
  • Giai đoạn lâm sàng AIDS của phụ nữ mang thai càng nặng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Những phụ nữ mang thai ở giai đoạn mới nhiễm HIV (thời kỳ cửa sổ) cũng có tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con cao vì tải lượng HIV huyết thanh của người mẹ cao.
  • Nhiễm các bệnh khác: phụ nữ mang thai nhiễm HIV mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ cao lây truyền HIV từ mẹ sang con vì lượng HIV trong các dịch ở đường sinh sản và các tổn thương đường sinh sản tăng.
  • Thiếu vitamin A: có liên quan đến tăng tải lượng HIV trong các dịch ở đường sinh sản và huyết thanh, dẫn đến tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin A không làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
  • Sử dụng ma tuý, hút thuốc lá, tình dục không an toàn với nhiều bạn tình trong thời kỳ mang thai: có liên quan đến tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
  • Yếu tố sản khoa
  • Tuổi thai: trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ cao hơn trẻ sinh đủ tháng.
  • Thời gian vỡ ối: nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng tỷ lệ thuận với độ dài khoảng thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh. Nguy cơ này tăng khoảng 2% cho mỗi giờ sau vỡ ối.
  • Viêm màng ối làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
  • Các can thiệp: theo dõi thai, đặt điện cực ở da đầu thai nhi, cắt tầng sinh môn, đặt phoóc xép đều có thể làm tăng phơi nhiễm của thai với HIV trong máu, dịch âm đạo của mẹ và tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
  • Yếu tố trẻ sơ sinh

Các yếu tố này bao gồm: hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành, nhất là trẻ sinh non tháng có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ có tổn thương đường tiêu hoá mà bú mẹ sẽ có nguy cơ cao hơn trẻ khác.

  • Nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ này cao nhất ở những người vừa cho con bú sữa mẹ vừa cho con ăn thức ăn thay thế, sau đó mới đến những người nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

  • Cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con
    • Trong tử cung và khi mang thai
  • Sự lây truyền này có thể xảy ra suốt từ 3 tháng đầu đến khi thai đủ tháng do HIV được truyền trực tiếp từ mẹ sang thai qua bánh rau.
  • Bánh rau có một màng ngăn cách với tử cung của người mẹ để bảo vệ thai nhi. Thông thường các mầm bệnh thường rất khó đi qua màng ngăn cách này. Sự ngăn cách để bảo vệ thai nhi rất phức tạp và có nhiều yếu tố tham gia. Chính sự ngăn cách này đã bảo vệ cho khoảng 60% trẻ sinh ra không bị nhiễm từ phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Bình thường HIV không thâm nhập qua rau thai để vào bào thai. Rau thai thực tế còn là lá chắn bảo vệ cho trẻ khỏi nhiễm HIV. Tuy nhiên, sự bảo vệ này sẽ bị phá vỡ và nếu như người mẹ ở trong các tình trạng sau thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ tăng lên khi :

+ Bị nhiễm trùng rau thai với vi rút, vi khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng (đặc biệt là sổt rét) trong khi mang thai

+ Bắt đầu bị nhiễm HIV trong khi mang thai (vì trong giai đoạn mới nhiễm HIV, nồng độ HIV trong máu rất cao);

+ Khi bệnh của mẹ đã tiến triển sang giai đoạn AIDS (nồng độ HIV trong máu cũng rất cao); + Có dùng thuốc tránh thai trước khi có thai;

+ Suy dinh dưỡng trong khi mang thai, là nguyên nhân gián tiếp góp phần vào việc lây truyền từ mẹ sang con…

Trong chuyển dạ

  • Trong chuyển dạ các cơn co tử cung có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ và gây chảy máu vào âm đạo. Máu chảy sẽ làm tăng số lượng HIV có trong âm đạo dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm HIV cho thai nhi khi đi qua âm đạo người mẹ.
  • Nếu cuộc đẻ có các can thiệp như cắt tầng sinh môn, đặt phoóc xép hoặc giác hút thì các biểu mô và mạch máu lớn có thể bị tổn thương, máu chảy nhiều làm tăng khả năng nhiễm HIV cho thai.
  • Khi qua đường âm đạo để ra ngoài, thai có thể nuốt dịch âm đạo có chứa HIV vào đường tiêu hoá.
  • Da và niêm mạc của trẻ sơ sinh có thể bị xây xước trong quá trình thăm khám hoặc thực hiện thủ thuật. HIV có thể từ máu và dịch sinh dục của mẹ qua những chỗ xây xước đó mà thâm nhập vào cơ thể thai nhi.

Sau đẻ, lây truyền qua sữa mẹ

Nếu bà mẹ có HIV dương tính, khi có điều kiện thì nên nuôi con bằng thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ để cắt nguồn lây vì HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập vào niêm mạc đường tiêu hoá của trẻ hoặc vú của bà mẹ có thể xây sước gây lây nhiễm trực tiếp cho trẻ bú .

  1. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

Ngày 07 tháng 7 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 20/2006/QĐ-BYT về việc phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu sau:

  • Mục tiêu chung: khống chế tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang xuống dưới 10% vào năm 2010.
  • Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

+ Khống chế tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở mức dưới 0,5%;

+ 90% phụ nữ mang thai được tư vấn về HIV/AIDS và 60% số phụ nữ mang thai được tư vấn tự nguyện xét nghiệm HIV;

+ 100% phụ nữ có thai nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được điều trị dự phòng lây truyền HIV;

+ 90% bà mẹ nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau khi sinh.

Chương trình cũng đã đề ra các giải pháp, chỉ số đánh giá và lộ trình thực hiện (phần phụ lục).

Từ năm 2009, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm đã phát động và triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn quốc vào tháng 6 hàng năm. Đây là hoạt động hết sức thiết thực và có hiệu quả nhằm làm giảm đáng kể trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV.

Bài trướcQuản lý, chăm sóc trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV
Bài tiếp theoCan thiệp trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.