Bệnh Quai Bị – Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh truyền nhiễm

Tên khác: viêm tuyến mang tai nhiễm khuẩn hay thành dịch.

Định nghĩa

Bệnh cấp tính do virus, lây và thành dịch, các tuyến nước bọt sưng to và đau, nhất là tuyến mang tai; đôi khi có tổn thương ở các cơ quan khác (tinh hoàn, buồng trứng, tuy, hệ thần kinh trung ương).

Căn nguyên

Do virus quai bị thuộc nhóm paramyxovirus, chết ở nhiệt độ 55° trong 20 phút. Bệnh được truyền qua các giọt nước bọt của người bệnh. Virus có trong nước bọt từ hôm trước ngày tuyến nước bọt mang tai bị sưng cho đến ngày thứ 6 và mất dần kể từ ngày thứ 9; trong thời gian đó, bệnh nhân là nguồn lây. Sau khi nhiễm, virus vào các ống dẫn nước bọt và từ đấy lan toả theo đường máu.

Dịch tễ học

Bệnh tản phát ở thành thị; các vụ dịch thỉnh thoảng lại xảy ra vào cuối đông- đầu xuân, ở thành phố, bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi; còn ở nông thôn có thể gặp cả ở người lớn. Các thể không có triệu chứng hay có (30%) và đóng vai trò quan trọng trong truyền bệnh. Nhiễm bệnh gây miễn dịch vĩnh viễn ở 95% số bệnh nhân. Người là nguồn duy nhất mang virus.

Giải phẫu bệnh

Các tuyến nước bọt bị phù, tế bào nang bị thoái hoá, xuất huyết nhỏ và mô mỡ ở kẽ bị thâm nhiễm tế bào đơn nhân. Khi khỏi bệnh, cấu trúc của tuyến được phục hồi hoàn toàn.

Triệu chứng

Ủ BỆNH: 2-3 tuần.

KHỞI PHÁT: mệt mỏi, rét run, sốt vừa phải.

TOÀN PHÁT (viêm tuyến nước bọt): ngày hôm sau thấy đau ở vùng trước tai, nhai và nuốt khó, sau đó thấy tuyến mang tai sưng ở một bên rồi thường bị ở cả hai bên. Thường thấy có chấm đỏ ở lỗ ống Stenon, rồi nội ban kín đáo, đôi khi có viêm họng đỏ hay có mủ. Các tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi cũng có thể bị và sưng các hạch địa phương. Có thể sốt tới 40°c

TIẾN TRIỂN: Sốt lui vào ngày thứ 3 hay thứ 4; nếu không có biến chứng thì các tuyến hết sưng sau 6-10 ngày.

ở NGƯỜI LỚN: hay bị viêm não- màng não và viêm cơ tim

Biến chứng

VIÊM TINH HOÀN DO QUAI BỊ: đôi khi gặp ở người trẻ ở tuổi dậy thì, xảy ra 5 – 10 ngày sau khi bệnh khởi phát, có sốt lại, rét run, tinh hoàn sưng đau, thường bị một bên. Sau 10 ngày, sưng giảm và có thể có teo tinh hoàn sau 1-2 tháng. Nếu bị teo cả hai bên (1/3 số trường hợp) thì có thể dẫn tối vô sinh (hiếm).

VIÊM NÀNG NÃO DO QUAI BỊ: dấu hiệu màng não (nhức đầu, cứng gáy) có trong 10% số trường hợp vào khoảng từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Chọc dò tuỷ sống thấy tăng áp lực dịch não tuỷ và có tới 1000 tế bào, nhất là các lympho. Tiến triển lành tính; 1/5000 trường hợp có viêm não-màng não để lại di chứng thần kinh.

VIÊM TUỴ: xảy ra vào cuối tuần thứ nhất, có buồn nôn, nôn, đau bụng. Có thể có đường niệu. Tiến triển tốt trong đại đa số trường hợp và không để lại di chứng.

BIẾN CHỨNG HIẾM GẶP: viêm buồng trứng, viêm vú, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn (rất nặng ở trẻ sơ sinh), viêm tuyến tiền liệt, viêm thận, viêm khớp, viêm thần kinh ngoại biên, viêm dây thị, điếc. Rất hiếm gặp viêm tuyến giáp bán cấp, viêm cơ tim, viêm gan, giảm tiểu cầu.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Huyết đồ: giảm bạch cầu, tăng lympho. Bị viêm tinh hoàn thì số lượng bạch cầu tăng.

Phản ứng kết hợp bổ thể ở hai lần thấy có tăng kháng nguyên hoà tan (S) ngay từ ngày thứ 3 và kháng nguyên virus (V) ngay từ ngày thứ 6. Chỉ cần có 2 kháng nguyên này trong 1 lần xét nghiệm cũng đủ để khẳng định chẩn đoán. Test ELISA nhậy hơn, cho phép định lượng IgM va IgG.

Chẩn đoán nhanh bằng cách phát hiện kháng nguyên có trong tế bào miệng họng với phương pháp miễn dịch huỳnh quang.

Có thể phân lập virus từ bệnh phẩm lấy từ họng, từ dịch não tuỷ và nước tiểu.

Amylase trong máu và trong nước tiểu tăng; lipase máu chỉ tăng nếu bị viêm tuỵ.

Dịch não tuỷ bị rối loạn trong một nửa số trường hợp (tăng áp lực, rối loạn tế bào, tăng albumin) ngay cả khi không có dấu hiệu màng não.

Chẩn đoán

Có dấu hiệu bị lây 2-3 tuần trước và chưa từng bị quai bị.

Sưng tuyến nước bọt mang tai, đau, bị cả hai bên, có sốt.

Lỗ ống tuyến Stenon bị sưng, nội ban kín đáo.

Đôi khi có dấu hiệu màng não, viêm tinh hoàn hay viêm tuy.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm tuyến nước bọt một bên: apxe răng, viêm tuyến mang tai hoá mủ (viêm họng do liên cầu, bạch hầu, sốt thương hàn), hội chứng Mikulicz (viêm tuyến mang tai mạn tính không sốt), tắc ống Stenon (do sỏi), viêm màng xương hàm trên.

Viêm màng não do quai bị: các viêm màng não tăng lympho và bại liệt.

Tiên lượng

Tốt. Viêm tinh hoàn hiếm khi dẫn đến vô sinh.

Điều trị

Nghỉ tại giường trong suốt thời gian tuyến bị sưng. Ăn lỏng.

Thuốc giảm sốt, giảm đau.

Nếu nhức đầu quá có thể chọc dò tủy sống.

Nếu viêm tinh hoàn cần bất động tinh hoàn trong 15 ngày. Tác dụng của corticoid chưa rõ.

Để phòng ngừa biến chứng, tác dụng của globulin miễn dịch đặc hiệu kháng quai bị không chắc chắn.

Phòng bệnh

Vacxin (virus giảm độc lực) có thể dùng ngay từ lúc 2 tuổi, gây miễn dịch lâu dài (xem vaccin quai bị). Thường kết hợp với vaccin sởi và rubeon (vacxin ROR).

Thông báo không bắt buộc, cần cách ly bệnh nhân ngay từ đầu (nói chung là biết muộn) và trong suốt thời kỳ có sưng tuyến.

GHI CHÚ: Viêm tuyến mang tai hoá mủ gặp ở người có tuổi, miệng bị khô và thường do tụ cầu vàng gây ra. Điều trị bằng penicillin, nếu kháng thuốc thì dùng vancomycin.

Bệnh truyền nhiễm
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận