Bệnh Giun Lươn (bệnh giun strongyloides)

Bệnh truyền nhiễm

Tên khác: bệnh giun strongyloides

Định nghĩa

Là một bệnh giun-sán đường ruột do nhiễm giun lươn đường ruột, với đặc tính là ỉa chảy từng đợt, đau bụng, tăng bạch cầu hạt ưa acid và thiếu máu ít nhiều rõ rệt.

Căn nguyên

Tác nhân gây bệnh là một loài giun tròn, có tên khoa học là Strongyloides stercoralis hoặc s. fulleborni, có chu kỳ biến thể giống với chu kỳ của giun móc. Người mắc bệnh giun lươn là do ấu trùng của giun này, vốn nằm trong đất ẩm, chui vào cơ thể qua da, thông thường nhất là qua da bàn chân. Sau đó ấu trùng giun xâm nhập vào dòng máu tĩnh mạch, di chuyển tới phổi (ngày thứ 6-9), rồi lại bị nuốt vào ống tiêu hoá. Sau khi qua môn vị dạ dày, ấu trùng biến thể thành giun cái trưởng thành sinh sản đơn tính, và ký sinh cố định trong lốp niêm mạc ruột (ngày thứ 18), ở đây giun cái đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng hình que và được bài tiết theo phân ra ngoài (ngày thứ 28). Tự lây nhiễm có thể xảy ra bởi những ấu trùng hình que tự biến dạng trực tiếp thành ấu trùng hình sợi ở ngay trong cơ thể bệnh nhân, điều này giải thích cho những trường hợp nhiễm giun kéo dài tới 30 năm.

Dịch tễ học

Là bệnh nhiệt đới mang tính chất của dịch địa phương, lưu hành ở các nước có khí hậu nóng ẩm thuộc Cực Đông của vùng Cận Đông, của châu Phi, của Trung Mỹ, và Nam Mỹ. Bệnh hiếm thấy ở vùng biển Địa Trung Hải.

Triệu chứng

Ở NƠI ẤU TRÙNG GIUN XÂM NHẬP: ở vị trí ấu trùng chui vào da xuất hiện một vùng ban đỏ và các chấm xuất huyết ((gọi là”bệnh ghẻ thợ mỏ”).

ẤU TRÙNG DI CƯ Ở DUỚI DA: ấu trùng của giun khi di chuyên ở dưới da thường làm xuất hiện những thừng da (giải dài) cứng rắn, các thừng này mỗi ngày có thể dài thêm nhiều phân (gọi là “”larva curens” có nghĩa là “đường đi của ấu trùng”), nhiều khi đường này không liên tục, nằm ở vùng da quanh hậu môn, vùng da thắt lưng, hoặc da bụng. Đôi khi có mày đay ở vùng cổ tay.

ẤU TRÙNG DI CƯ TỚI PHỔI: thường gây ra ho, khó thở, tăng bạch cầu hạt ưa acid ở trong máu và thâm nhiễm vào phổi (xem: hội chứng Loeffler).

GIUN KÝ SINH CỐ ĐỊNH TRONG RUỘT: thường kèm theo đau bụng, ỉa chảy, đôi khi phân có máu, gây ra mất các phần tử nhỏ thức ăn không tiêu hoá và mất nhiều nước. Những triệu chứng này là do ký sinh trùng gây ra viêm tá tràng mạn tính có thể dẫn tới hấp thu kém thứ phát. Hiếm khi xảy ra biến chứng thủng ruột hoặc viêm phúc mạc. Có thể xảy ra tái nhiễm bên trong từ niêm mạc trực tràng.

THIẾU MÁU: ít nhiều rõ rệt.

Ở CÁC ĐỐI TUỢNG SUY GIẢM MIỄN

DỊCH: quá trình tự nhiễm có thể gây ra viêm phổi, ấu trùng giun có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan, và tạo điều kiện xảy ra nhiễm khuẩn huyết bởi các mầm bệnh Gram âm.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm phân: nhiều khi ấu trùng ở trong phân bệnh nhân với số lượng nhỏ, nên người ta hay dùng các kỹ thuật làm tăng mật độ thông thường (ví dụ, methiolat-iod-formol hoặc MIF). Nếu trong bệnh giun móc, xét nghiệm phân thấy trứng giun, thì trong bệnh giun lươn lại thấy ấu trùng. Những ấu trùng này có dạng hình que điển hình, và có thể nhìn thấy ở cả trong dịch tá tràng hút ra khi thông tá tràng. Một bệnh nhân có thể mắc phối hợp cả hai bệnh giun lươn và giun móc.

Test ruột: cho bệnh nhân nuốt một nang gắn ở một đầu sợi dây nhỏ, đầu kia được giữ ở bên ngoài miệng. Sau khi để lưu trong ống tiêu hoá 3 giờ, người ta rút nang ra và xét nghiệm để tìm giun lươn trong chất dịch bám vào mặt ngoài vỏ nang.

Phương pháp tách chiết Baermann: cho bệnh phẩm phân tiếp xúc với nước ấm, ấu trùng sẽ tập trung vào nước và di chuyển mạnh, vì chúng có hướng động với nước và nhiệt (thuỷ- hướng động và nhiệt-hướng động).

Cấy phân: cho phép phân biệt giữa hai loài s. stercoralis và s. fulleborni.

Làm phản ứng huyết thanh: trong thực tế không có ích lắm; có thể làm các test: miễn dịch- điện di, miễn dịch-huỳnh quang gián tiếp, và test ELISA.

Tăng bạch cầu hạt ưa acid trong máu: bao giờ cũng xảy ra, tồn tại trong nhiều năm, mức độ tăng nhiều (50%) vào thời kỳ ấu trùng giun xâm nhập và tái nhiễm.

Điều trị

Tiabendazol 25 mg/kg cân nặng cơ thể, mỗi ngày 2 lần, trong 3 ngày, hoặc albendazol 400 mg mỗi ngày một lần, trong 3 ngày liên tiếp, hoặc ivernectin (200 pg/kg một ngày một lần trong 1 đến 2 ngày). Nếu sau 3 tuần, làm xét nghiệm phân lại mà vẫn thấy có trứng giun hoặc ấu trùng thì phải thực hiện lại liệu trình như trên.

Phòng bệnh: (xem bệnh giun móc)

Bệnh truyền nhiễm
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận