Polyp mũi

Bệnh tai mũi họng

Khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác. Có thể đó là triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang mãn. Nhưng trong một số trường hợp, các triệu chứng và dấu hiệu đó có thể do polyp mũi, những chồi mô mềm, lành tính phát triển từ niêm mạc lót của mũi và các xoang.

Polyp mũi nhỏ ít gây triệu chứng, nhưng polyp lớn sẽ làm khó thở và giảm khứu giác. Chúng còn gây nhức đầu âm ỉ và ngáy. Một số trường hợp hiếm gặp, polyp quá lớn có thể thay đổi hình dạng khuôn mặt.

Polyp mũi là hậu quả của viêm mãn tính niêm mạc mũi và các xoang, nhưng nguyên nhân khởi phát cho tình trạng viêm hiện còn chưa hoàn toàn được biết rõ. Polyp mũi có thể xảy đến với mọi người, nhưng thường gặp nhiều ở người trên 40 và ở trẻ em bị các chứng như hen phế quản, viêm xoang mãn, bịnh sổ mũi mùa và xơ nang phổi (cystic fibrosis).

Thuốc men là biện pháp điều trị thường dùng nhất cho các polyp nhỏ. Đối với các polyp lớn, cần phẫu thuật cắt bỏ , tuy nhiên polyp mũi thường hay tái phát.

B- TRIỆU CHỨNG VÀ DẤU HIỆU

Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho. Polyp thường mềm và có ánh ngọc trai, đặc như thạch. Polyp nhỏ thường không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng nếu lớn chúng sẽ làm tắc và gây khó thở đường mũi. Điều này sẽ dẫn đến thở bằng đường miệng, đặc biệt là ở trẻ em.

Các triệu chứng và dấu hiệu khác của polyp mũi bao gồm:

Sổ mũi thường xuyên

Nghẹt mũi thường xuyên

Viêm đa xoang mãn

Giảm hoặc mất khứu giác

Nhức đầu âm ỉ

Ngáy nhiều, ngáy to

C- NGUYÊN NHÂN

Ngoài dáng vẻ bên ngoài rất quan trọng trong việc tạo dáng cho khuôn mặt, mũi còn có tác dụng lọc, sưởi ấm và làm ẩm không khí hít vào khi thở, và truyền các tín hiệu về mùi đến não.

Thành phần chủ yếu của mũi là xương, sụn và niêm mạc. Mũi chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn chứa 3 đến 4 tầng xương (xương cuốn mũi) cuộn từ phần ngoài của mũi về phía vách ngăn. Vách ngăn hình thành từ xương mỏng và sụn chia đôi hốc mũi. Các xương cuốn mũi và vách ngăn được bao bọc bởi một lớp niêm mạc dày. Bộ phận này đóng vai trò một lưới lọc vi khuẩn và các chất bụi bẩn, sau đó được quét ra khỏi mũi bằng những nhung mao nhỏ.

Khi không khí hít vào lạnh và khô, niêm mạc rất nhạy cảm bao bọc các xương cuốn mũi phì đại lên, làm hẹp đường vào mũi, làm chậm luồng không khí khiến nó trở nên ấm và ẩm hơn trước khi tới phổi.

Mũi còn chứa các dây thần kinh khứu giác có nhiệm vụ đón nhận các mùi hương và chuyển thông tin về não để xác định và phân biệt mùi. Ngoài ra, khi thiếu các dây thần kinh khứu giác cũng khó có thể nhận biết được vị của thức ăn vì vị giác lệ thuộc phần lớn vào khứu giác.

Polyp mũi hình thành ra sao?

Polyp mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang — là 4 khoang trống trên và sau mũi. Nhưng polyp mũi không phải là một bệnh. Đúng hơn, nó là hậu quả của phản ứng viêm tiếp diễn do nhiễm vi trùng hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm. Viêm mãn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang tăng tính thấm tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các tế bào. Theo thời gian, trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, hình thành các polyp.

D- CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Có một nhân tố gây viêm mũi hoặc viêm xoang mãn chính là nguy cơ lớn nhất gây polyp mũi. Trẻ em bị xơ nang phổi và bệnh nhân viêm xoang dị ứng do vi nấm (một tình trạng dị ứng nặng với nấm trong môi trường) rất dễ bị polyp mũi. Polyp mũi cũng xảy ra ở người bị hội chứng Churg-Strauss, một bệnh hiếm gặp biểu hiện bằng tình trạng viêm mạch máu (vasculitis). Bệnh nhân hen suyễn, sổ mũi mùa, viêm xoang mãn cũng rất dễ bị polyp.

Các yếu tố nguy cơ khác gây polyp mũi bao gồm:

Nhạy cảm với aspirin hoặc NSAID. Nếu nhạy cảm với aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), sẽ dễ bị polyp mũi hơn. Khi bị polyp mũi và hen phế quản kết hợp, cần tránh aspirin vì có thể gây khó thở đột ngột và nghiêm trọng. Nên tránh những biệt dược trong thành phần có chứa aspirin.

Tuổi tác. Đa polyp mũi có khuynh hướng gặp thường hơn ở người trên 40 tuổi.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BỆNH

Nghẹt mũi, chảy mũi nước, và giảm khứu giác là các triệu chứng chính của polyp mũi. Nhưng đó cũng là các triệu chứng của nhiều tình trạng khác, như cảm cúm chẳng hạn. Tuy nhiên các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết đi sau một tuần trong khi các triệu chứng của polyp không giảm đi. Cần thiết đi khám bệnh khi khó thở và sổ mũi kéo dài.

TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN

Để chẩn đoán polyp mũi, phải hỏi kỹ bệnh sử và khám mũi. Đôi khi cần làm CT scan để xác định kích thước và vị trí chính xác của polyp mũi, đồng thời phát hiện thêm polyp trong các xoang, nếu có.

Xét nghiệm khác: Ở trẻ có đa polyp mũi, cần xét nghiệm thêm về bệnh xơ nang phổi, một tình trạng di truyền ảnh hưởng đến các tuyến sản xuất ra niêm dịch, nước mắt, mồ hôi, nước bọt và các dịch tiêu hoá. Xét nghiệm chẩn đoán xơ nang phổi tiêu chuẩn là xét nghiệm về mồ hôi, có tính cách không xâm lấn . Xét nghiệm này đo lượng calci và chlor trong mồ hôi của trẻ.

Trẻ em có cả polyp mũi lẫn sổ mũi mùa nên được thử test dị ứng da, vì có thể cung cấp thêm những thông tin quan trọng về những chất gây phản ứng dị ứng (dị ứng nguyên). Các test dị ứng da thường không gây bất tiện gì cho trẻ và thời gian thực hiện không quá 30 phút.

BIẾN CHỨNG

Polyp mũi nhỏ và đơn độc ít khi gây biến chứng, nhưng một polyp lớn và nhiều polyp nhỏ hơn (bệnh đa polyp=polyposis) có thể gây những biến chứng sau:

Viêm xoang cấp hoặc mãn tính.

Khó thở tắc nghẽn lúc ngủ — một tình trạng nguy hiểm trong đó bệnh nhân sẽ ngưng thở và thở lại nhiều lần trong khi ngủ (sleep apnea).

Biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị (nhìn đôi) hoặc 2 mắt xa nhau bất thường. Biến chứng này hiếm gặp và thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân xơ nang phổi.

ĐIỀU TRỊ

1- Thuốc Men (chỉ có tính cách tham khảo, việc sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng)

Nếu có một hoặc nhiều polyp mũi nhỏ, có thể dùng thuốc xịt mũi chứa corticosteroid như fluticasone (Flonase), triamcinolone (Nasacort), budesonide (Rhinocort), flunisolide (Nasarel) hoặc mometasone (Nasonex). Các thuốc này giảm phản ứng viêm, tăng luồng không khí qua mũi và có thể làm teo nhỏ bớt polyp.

Tác dụng phụ của thuốc xịt mũi chứa steroid ít hơn nhiều so với thuốc uống, nhưng có thể bao gồm: chảy máu mũi, nhức đầu hoặc viêm họng.

Các thuốc khác dùng điều trị polyp mũi bao gồm:

Corticosteroids uống. Đôi khi cần dùng đến corticosteroid uống, đơn độc hoặc kết hợp với thuốc xịt mũi. Do steroid uống có thể gây những tác dụng phụ nghiêm trọng, thường chỉ nên dùng ngắn hạn— thường không lâu hơn vài tuần.

Các thuốc chống dị ứng và nhiễm trùng. Ngoài việc điều trị polyp, cần phải kiểm soát thêm tình trạng dị ứng và nhiễm trùng. Dùng thuốc kháng histamine, để kháng lại tình trạng dị ứng do cơ thể tiếp xúc với dị ứng nguyên. Các thuốc kháng histamine làm bớt nghẹt mũi, dù không loại trừ được polyp. Ngoài ra, cần dùng thêm kháng sinh đối với những trường hợp nhiễm trùng cấp ở xoang.

Thuốc kháng nấm. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng một số trường hợp viêm xoang mãn có thể là hậu quả của phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể đối với vi nấm ở môi trường xung quanh. Vì lý do đó, thuốc kháng nấm là cần thiết dù vẫn phải cùng lúc thực hiện phẫu thuật cắt bỏ những mảnh vi nấm.

2- Phẫu Thuật

Có thể cần phải phẫu thuật để điều trị polyp mũi. Khi thuốc men không hiệu quả, bác sĩ nên khuyên bịnh nhân cắt polyp. Đối với bệnh nhân xơ nang phổi có polyp mũi đề kháng với corticoides, đây chính là lựa chọn duy nhất. Cách phẫu thuật tùy thuộc vào số lượng và vị trí của polyp. Các lựa chọn cho phẫu thuật cắt polyp bao gồm:

Cắt Polyp. Polyp nhỏ và đơn độc được cắt bỏ dễ dàng bằng cách dùng một dụng cụ cơ học nhỏ để hút hoặc một máy vi cắt lọc (microdebrider). Thủ thuật này có tên gọi là cắt polyp mũi, thực hiện trên cơ sở ngoại trú. Sau khi cắt polyp, phải điều trị tình trạng viêm, thường sử dụng thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid và đôi khi cần dùng đến thuốc kháng sinh và thuốc corticosteroid đường uống. Polyp mũi, ngay cả khi được điều trị triệt để vẫn thường tái phát, đòi hỏi phải phẫu thuật lại.

Phẫu thuật Nội Soi Xoang (Endoscopic sinus surgery). Đây là một phẫu thuật rộng hơn, không những cắt polyp mà còn mở cả phần xoang nơi polyp thường hình thành. Nếu xoang nghẹt và viêm, cần mở rộng thêm hốc xoang (sinus cavity). Trong cả hai trường hợp, bác sĩ dùng một ống cứng, mỏng có gắn camera gọi là ống nội soi. Do phẫu thuật nội soi chỉ rạch những đường rất nhỏ nên vết mổ sẽ lành nhanh và ít đau đớn khó chịu hơn các kiểu phẫu thuật khác. Tuy vậy, việc phục hồi hoàn toàn cũng cần đến vài tuần và polyp cũng thường tái phát.

ĐỀ PHÒNG

  • Trong nhiều trường hợp, polyp mũi không thể đề phòng được. Nhưng khi có hen suyễn, sổ mũi mùa hoặc viêm xoang mãn, việc xử lý các triệu chứng có thể giúp bớt sung huyết mũi hoặc khó thở. Cần uống thuốc đều đặn, tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên và các chất gây ô nhiễm.
  • Súc rửa xoang bằng nước muối giúp giảm bớt sung huyết mũi ở những trường hợp nhẹ. Nên dùng nước muối không pha chất bảo quản benzalkonium, vì có thể gây kích ứng niêm mạc mũi. – Có thể tự pha dung dịch muối để dùng: 1/4 muỗng cà phê muối ăn pha với 240ml nước ấm để súc rửa mũi. Dùng bơm tiêm hoặc chai nhựa để chứa dung dịch rồi bơm vào mũi. Dung dịch đã pha không dùng quá 24 giờ.

Bệnh tai mũi họng
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận