Chăm sóc người bệnh viêm VA, viêm amidan, viêm họng thanh quản

Bệnh tai mũi họng

1.ĐẠI CƯƠNG:

Họng là một ống cơ màng ở trước cột sống, là ngã tư của đường ăn và đường thở, nối liền mũi ở phía trên, với miệng ở phía trước, với thực quản và thanh quản ở phía dưới.Niêm mạc họng thay đổi dần từ niêm mạc hô hấp chuyển sang niêm mạc đường tiêu hoá.

Bệnh liên quan nhiều tới yếu tố môi trường, thời tiết…

  1. GIẢI PHẪU HỌC:

    1. Phân đoạn của họng

Họng mũi hay vòm mũi họng: Là phần cao nhất ở phía sau hai lỗ mũi sau. Nóc vòm có tổ chức lympho VA. Hai thành bên có tổ chức Amidan vòi nằm ở hố Rosenmuler quanh lỗ vòi nhĩ.

Họng miệng: Trên thông với họng mũi, dưới thông với họng thanh quản, trước thông với khoang miệng thông qua màn hầu. Hai bên thành họng miệng có Amidan khẩu cái.

Họng thanh quản: từ họng miệng xuốg thu nhỏ dần đến miệng thực quản. Phía trước có tổ chức Amidan đáy lưỡi.

  • Vòng bạch huyết Valdeyer:

Tổ chức  lympho vùng họng có chức năng miễn dịch đặc hiệu : sản xuất ra các lympho  bào và kháng thể thông qua sản xuất tương bào để bảo vệ cho vùng mũi họng.  Tổ chức lympho  ở các vùng của họng phát triển tuỳ theo lứa tuổi điều này liên quan tới bệnh học  của từng lứa tuổi .

  • VA phát triển từ 2 – 5 tuổi
  • Amidan khẩu cái phát triển ở tuổi dậy thì
  • Amidan lưỡi phát triển muộn hơn ở tuổi trưởng thành

2.VIÊM VA

VA ( Végétations Adénoides) là tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng có ở mọi trẻ em bình thường. VA phát triển mạnh ở trẻ từ sau 1 tuổi đến 5 tuổi. Viêm VA là bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ nước ta, là cốt lõi bệnh học tai mũi họng trẻ em. VA ảnh hưởng lớn đến bệnh tật và phát triển của trẻ, nạo VA có tác dụng rất lớn.

  • Viêm VA mạn tính:

Toàn thân: Trẻ chậm phát triển, biếng ăn, hay sốt vặt. Toàn trạng gày hay béo bệu.  Triệu chứng cơ năng: Triệu chứng chính và thường xuyên là ngạt mũi. Cả hai mũi đều khó thở. Viêm mũi nhiều lần, chảy mũi kéo dài, thò lò mũi. Hay ho và sốt vặt. Ngủ ngáy, không yên giấc. Có thể có nghe kém.

Khám thực thể: Đặt thuốc co mạch trước khi khám mới có thể nhìn thấy VA nằm phía sau của mũi. Soi vòm qua gương để quan sát VA chỉ thực hiện được ở trẻ lớn có thể thấy khối sùi ở vòm hoặc chiếm một phần cửa mũi sau và thấy dịch nhầy chảy xuống họng. Sờ VA bằng một ngón tay qua đường miệng có thể nhận thấy được kích thước VA.

  • Viêm VA cấp:

Trẻ trong đợt viêm cấp thường có sốt, mệt mỏi, kém ăn, quấy khóc. Cũng có thể sốt cao, nôn trớ, ỉa chảy…

Triệu chứng cơ năng: ngạt tắc mũi là triệu chứng chính và sớm, ngạt làm cho trẻ phải thở mồm, thở khụt khịt, dễ sặc, trớ…Chảy nước mũi trắng đục, chảy nhiều cả mũi trước và mũi sau gây ho, sặc.

Triệu chứng thực thể:

  • Khám mũi: khe mũi, sàn mũi nhiều nhầy, niêm mạc mũi nề đỏ, cuốn dưới cương đỏ nhưng co hồi tốt.
  • Họng niêm mạc đỏ, thành sau có nhiều nhầy trắng đục chảy từ vòm xuống đặc dính.
  • Thường có hạch góc hàm, dưới hàm.
  • Ở trẻ lớn có thể soi vòm thấy tổ chức VA sùi to, bề mặt bám nhiều mủ.

Tiến triển: Sau chăm sóc vài ngày các triệu chứng trên giảm dần, có thể tự khỏi nhưng rất hay dễ tái phát. Khi điều trị không tốt, ở trẻ cơ địa yếu  có thể dẫn tới biến chứng như viêm mũi xoang, viêm mũi họng, viêm khí phế quản, viêm tai giữa cấp tính.

  • Biến chứng của VA:

Biến chứng viêm nhiễm ở đường hô hấp: viêm mũi mạn tính, viêm mũi xoang, viêm tai giữa cấp, viêm họng, viêm thanh quản co rít, viêm phế quản, viêm khí – phế quản, viêm phổi.

Biến chứng tiêu hoá: ỉa chảy, hay nôn trớ, lười ăn.

Biến chứng về thể chất do thiếu oxy mạn tính: cằm lẹm, hàm trên vẩu, môi dầy, ngực dô, chậm phát triển, ngủ ngáy, chậm nói, hay lơ đễnh…

Điều trị và chăm sóc người bệnh viêm VA

Viêm VA cấp:

Giữ ấm, nằm nghỉ ngơi

Nếu có sốt cao đe doạ biến chứng dùng kháng sinh, hạ nhiệt

Rỏ mũi: Phải làm sạch mũi trước khi rỏ thuốc bằn cách bảo trẻ xì mũi hoặc hút sạch bằng ống hút. Thuốc rỏ có thể dùng thuốc sát khuẩn, thuốc co mạch dành cho trẻ em ngày vài lần.

Có thể dùng thêm thuốc chống sung huyết mũi, giảm tiết dịch…

Viêm  VA mạn tính:

Nạo VA là một thủ thuật nhanh, tương đối đơn giản, được coi là một biện pháp vừa điều trị vừa phòng bệnh tránh các biến chứng do viêm VA mạn tính gây ra. Tuy nhiên để đảm bảo nạo có kết quả cần chú ý tới chỉ định và chống chỉ định nạo VA cho đúng, chính xác.

Sau nạo VA cho người bệnh nằm nghiêng đầu, có khay nhỏ và giấy để cho ngưòi bệnh đùn nước bọt kiểm soát chảy máu. Theo dõi mạch , nhiệt độ, huyết áp, sắc da trong một giờ sau đó có thể cho người bệnh uống sữa nguội. Cho kháng sinh, thuốc rỏ mũi, giảm đau sau mổ.

Cần giữ gìn vệ sinh mũi họng, tránh các tác nhân kích thích. Sử dụng các thuốc chống tạng tân như vitamin D, A…

3.VIÊM AMIDAN

Viêm amidan là bệnh rất hay gặp ở nước ta cả ở người lớn và trẻ em. Bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng có thể đưa tới các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân có khi nguy hiểm.

Amidan là tổ chức có chức năng miễn dịch, phòng chống bệnh cho vùng họng do đó vấn đề xử lý amidan cần được cân nhắc.

  • Viêm amidan mạn tính:

Triệu chứng cơ năng:

  • Cảm giác nuốt vướng, có thể có đau nhói và vướng như có dị vật ở họng.
  • Hơi thở hôi, ngủ ngáy, hay ho….

Triệu chứng thực thể:

  • Bề mặt amidan có nhiều khe hốc, có thể có chất bã đậu hay mủ trắng.
  • Amidan có thể to quá phát lấn vào làm hẹp khoang họng.
  • Amidan có thể teo nhỏ nhưng nhiều khe kẽ, xơ dính vào trụ amidan.
  • Trụ amidan thường nề dày, trụ amidan đỏ. Thành họng có nhiều hạt.
  • Có thể có hạch góc hàm hay dưới hàm.

Chẩn đoán  xác định: Khó khăn vì dấu hiệu thực thể không điển hình và thường đi kèm theo viêm họng mạn tính.

  • Viêm amidan cấp tính:

Triệu chứng cơ năng:

  • Sốt : có thể có cảm giác ớn lạnh hay sốt cao.
  • Đau họng: đau rát tại chỗ, đau lan lên tai, tăng lên khi nuốt.
  • Hơi thở hôi.
  • Ngoài ra có thể có: ho do tăng tiết nhầy ở họng hay do kích thích; khàn tiếng; thở ngáy…

Triệu chứng thực thể:

  • Hai amidan sưng to lên, đỏ, ướt, có thể có mạch máu nổi rõ hoặc có các chấm mủ trên bề mặt.
  • Trụ amidan đỏ, nề dày.
  • Thường kèm theo viêm họng: niêm mạc họng đỏ tăng xuất tiết nhầy. Tiến triển của viêm amidan cấp: Sau một vài ngày các triệu chứng có thể giảm dần và khỏi. Nhưng bệnh hay tái phát và có thể gây biến chứng như: ápxe quanh amidan hay ápxe thành bên họng; có thể viêm tai giữa cấp, viêm thanh khí quản cấp, xa hơn có thể gây viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim.

Chẩn đoán viêm  amidan cấp: tương đối dễ dàng với các triệu chứng lâm sàng cũng như trên xét nghiệm máu.

  • Điều trị:

Viêm A cấp:

Sử dụng kháng sinh, vitamin khi có dấu hiệu nhiễm trùng, sốt cao.

Súc họng bằng nước muối loãng 9%0 …. Chấm thuốc tại chỗ SMC ….

Giữ ấm, tránh các chất kích thích.

Viêm A mạn tính:

Cắt A cần được cân nhắc chu đáo sau quá trình thăm khám và theo dõi toàn diện. Hiện nay có nhiều biện pháp để giải quyết amidan như: cắt amidan theo phương pháp kinh điển bằng anse hay sluder gây tê, cắt bằng anse cầm máu bằng đông điện có gây mê nội khí quản, cắt amidan bằng dao mổ đơn cực, lưỡng cực, cắt amidan bằng máy quang đông ở nhiệt độ thấp. Sau cắt amidan cần được theo dõi chu đáo, tỷ mỉ tránh nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng sau mổ.

Chăm sóc một bệnh nhân cắt amidan

  • Người bệnh sau cắt amidan nằm gối đầu vừa phải cho thoả mái, nghiêng đầu sang một bên, có một khay nhỏ để theo dõi nước bọt trong họng người bệnh nhằm phát hiện chảy máu. Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, tình trạng người bệnh 1 giờ/ lần trong 3 giờ sau đó 3 giờ/ lần trong 24 giờ.
  • Theo dõi, phát hiện, xử trí khi người bệnh chảy máu hoặc phòng chảy máu – Hướng  dẫn người bệnh súc họng bằng nước muối 9 %0 nhẹ nhàng, nhiều lần trong ngày và sau khi ăn đề phòng nhiễm trùng. Cho người bệnh uống thuốc giảm đau, dùng kháng sinh dự phòng.
  • Chế độ ăn: Sau cắt amidan 3 giờ không chảy máu người bệnh có thể ưống sữa nguội. Nên uống từ 150 – 200 ml/ lần, uống từ từ môt hơi dài không uống ngắt quãng hay dùng ống mút. Không dùng các đồ chua, các chất kích thích, nóng. Sau 3 ngày ăn cháo, ăn đồ mềm. Sau một tuần ăn cơm. Tránh khạc nhổ, ho dễ làm bong giả mạc gây chảy máu.
  • Sau cắt amidan nên nói sớm, nói nhỏ để không ảnh hưởng tới phát âm. Khi có hiện tượng chảy máu phải báo kịp thời cho bác sỹ. Hướng dẫn người bệnh ngậm nước đá sau đó đùn nhẹ ra khay. Đặt túi chườm lạnh vào hai bên góc hàm 5 – 10 phút đồng thời báo bác sỹ để tiêm thuốc cầm máu .
  • Ghi theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp, lượng máu chảy, chế độ ăn trong 24 giờ.

4.VIÊM HỌNG THANH QUẢN.

Là viêm cấp tính niêm mạc của họng và thanh quản. Thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường phối hợp với viêm mũi họng, viêm khí phế quản cấp.

Triệu chứng cơ năng:

  • Khởi đầu thường là một bệnh cảnh viêm mũi họng. Biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, ngạt tắc mũi, chảy nước mũi, khô rát họng.
  • Cảm giác rát ngứa họng và thanh quản hay kích thích như nam châm vùng họng.
  • Ho: Ho từng cơn, lúc đầu ho khan sau ho có đờm nhầy hay mủ.
  • Khàn tiếng: Tiếng khàn ngày càng rõ, có khi mất tiếng.

Triệu chứng thực thể:

  • Niêm mạc họng sung huyết đỏ, xuất tiết nhầy.
  • Dây thanh nề, đỏ, không căng. Băng thanh thất sung huyết, có xuất tiết đọng nhiều ở tiền đình thanh quản và bám ở dây thanh gây ho và khàn tiếng.

Ở trẻ nhỏ có thể có phù nề thanh quản gây khó thở.

Tiến triển của bệnh: Thường bệnh giảm dần sau 7 ngày thì khỏi, triệu chứng khàn tiếng có thể kéo dài thêm mọt vài ngày. Trong những trường hợp do virus và ở trẻ nhỏ bệnh tích có thể lan xuống dưới gây viêm khí phế quản hay viêm phổi.

Điều trị viêm họng thanh quản cấp

  • Cần cho ngưòi bệnh nghỉ ngơi, hạn chế nói, giữ ấm.
  • Dùng kháng sinh khi có sốt cao do bội nhiễm. Sử dụng các thuốc giảm ho, giảm kích thích, giảm xuất tiết.
  • Xông hơi nước ấm với tinh dầu hoặc khí dung kháng sinh pha với

Hydrocortison. Rỏ mũi và súc họng tại chỗ là rất hiệu quả.

Một số thể lâm sàng của viêm họng thanh quản cấp:

  • Viêm thanh quản hạ thanh môn: Thường gặp ở trẻ nhỏ trước tuổi đi học, nam nhiều hơn nữ. Bệnh dễ bị bỏ qua do không có biểu hiện khàn tiếng. Triệu chứng thường là sau viêm mũi họng về đêm xuất hiện khó thở thanh quản, khó thở vào, rít, co kéo nhưng không khàn tiếng. Ho ông ổng, thay đổi âm sắc. Bệnh tiếng triển nhanh cần xử trí nhanh chóng

Viêm họng thanh quản do bạch hầu: Thường gặp ở trẻ nhỏ, hiện nay hiếm gặp.triệu chứng toàn thân thể hiện nhiễm trùng nhiễm độc, hạch cổ sưng to. Cơ năng có ho, khàn tiếng hay mất tiếng; khó thở thanh quản dễ dẫn tới suy hô hấp. Thực thể họng thanh quản có giả mạc trắng đục có khi xám, dai khó bóc, có khi giả mạc có cả ở mũi. Điều trị cần chống suy hô hấp và các biến chứng toàn thân do nhiễm độc tố bạch hầu.

Viêm thanh thiệt: Bệnh gặp mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ  em, diễn biến nhanh. Bệnh cảnh xảy ra đột ngột. Triệu chứng cơ năng: sốt cao,nuốt đau, khó thở cả hai thì, khàn tiếng không rõ. Khám thực thể phải hết sức thận trọng, nhẹ nhàng có thể thấy sụn thanh thiệt nề đỏ mọng to. Điều trị phải dùng kháng sinh mạnh liều cao, corticoid.

Bệnh tai mũi họng
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận