Nhóm Máu – Xác định nhóm máu ABO, yếu tố Rhesus hoặc Rh

Bệnh máu

Hệ thống ABO

KHÁNG NGUYÊN VÀ KHÁNG THỂ: Màng tế bào hồng cầu có một số lớn những kháng nguyên được kiểm soát do di truyền, gọi là những ngưng kết nguyên (agglutinogen), mà quan trọng nhất trong thực hành là những kháng nguyên được đặt tên là A và B. Do đó, người ta phân biệt ra 4 nhóm máu khác nhau (A, B, AB, và O), tuỳ theo màng tế bào hồng cầu của máu có một trong hai ngưng kết tố A hoặc B hoặc có cả hai hoặc không có cả hai.

  • Trong huyết thanh lại có các kháng thể tự nhiên kháng lại những ngưng kết nguyên nói trên, và chúng được gọi là các ngưng kết tố (agglutinin).
  • Những đối tượng thuộc nhóm máu A (nghĩa là có ngưng kết nguyên A trên màng hồng cầu), thì trong huyết thanh lại có ngưng kết tố kháng B, và trong trường hợp truyền máu nhóm B cho họ thì những hồng cầu của máu truyền vào sẽ bị ngưng kết lại và phá vỡ.
  • Khi truyền máu của người cho thuộc nhóm A cho một người nhận thuộc nhóm máu B, thì những hồng cầu của máu truyền thuộc nhóm A sẽ bị ngưng kết tố kháng A trong huyết tương của người nhận làm cho ngưng kết lại và phá vỡ.
  • Trong huyết tương của những người thuộc nhóm máu O thì có cả hai loại ngưng kết tố kháng A và kháng B.
  • Người nhận máu phổ thông: là những người có nhóm máu AB, tức là trong huyết tương của họ không có ngưng kết tố nào cả.
  • Những người có nhóm máu o được gọi là người cho máu phổ thông vì hồng cầu của họ không có ngưng kết nguyên. Tuy nhiên trừ trường hợp cấp cứu cực kỳ nguy cấp, bao giờ cũng phải xác minh tính tương hợp (phù hợp) của máu người cho và người nhận trước khi thực hiện truyền máu. Những người có nhóm máu A có thể có một ngưng kết nguyên cộng thêm gọi là ngưng kết nguyên Al. Như vậy nhóm máu A lại được phân ra làm dưới nhóm AI (trong huyết tương có chứa ngưng kết nguyên A và ngưng kết nguyên Al) và A2 (trong huyết tương chỉ có ngưng kết nguyên A thôi). Vì vậy, trong hệ thống ABO cá tối 6 nhóm máu khác nhau là: O, A1, A2, B, A1B, và A2B.
Bảng 3.17. Xác định nhóm máu ABO

Nhóm máu của bệnh nhân Hồng cầu của bệnh nhân và huyết thanh test* chứa những ngưng kết tố (agglutinin) dưới đây Huyết thanh của đối tượng và hồng cầu test* thuộc những nhóm máu dưới đây
Kháng-A Kháng-B Kháng- AB A1 A2 B 0
A A1 + + +
A2 + + ± +
B + + + +
AB A1B + + +
A2B + + + ±
O + + +

* Huyết thanh test: huyết thanh thử; hồng cầu test: hồng cầu thử

DI TRUYỀN NHỮNG NHÓM MÁU: những ngưng kết nguyên A và B mang tính di truyền trội. Một người thuộc nhóm máu B (kiểu hình B) có thể có kiểu gen đồng hợp tử BB hoặc kiểu gen dị hợp tử BO. Một cặp vợ chồng có nhóm máu B (kiểu hình B) sẽ sinh con với kiểu gen BB nếu cả hai vợ chồng đều có gen đồng hợp tử B. Nếu hai vợ chồng đều có gen dị hợp tử , thì con cái của họ có thể có một trong những kiểu gen sau đây: BB, BO, hoặc OO.

PHẢN ỨNG TAN MÁU DO TRUYỀN MÁU: xảy ra khi truyền máu không tương hợp, tức là khi trong huyết tương của người nhận có ngưng kết tố chống lại hồng cầu của người cho. tan máu không xảy ra trong trường hợp huyết tương của người cho chứa ngưng kết tố chống lại hồng cầu của người nhận. Lý do là vì, trong truyền máu, thì huyết tương của người cho bị hoà quá loãng bởi máu của người nhận, nên ngưng kết tố trong huyết tương của người cho không thể phá võ hồng cầu của người nhận, tan máu sau truyền máu có thể nhẹ, và chỉ thể hiện bởi dấu hiệu tăng bilirubin huyết, nhưng cũng có thể rất nặng. Trong trường hợp này thì những sản phẩm do tan máu giải phóng ra có thể làm tổn thương ống thận và gây ra vô niệu nặng.

XÁC ĐỊNH NHỮNG NHÓM MÁU A, B, O: thông thường người ta sử dụng những huyết thanh test (huyết thanh thử) kháng A, kháng B và kháng AB, và những hồng cầu test (hồng cầu thử) thuộc các nhóm đã biết AI và B.

  • Định nhóm trực tiếp: trên một lam kính (phiến kính) đã được sấy khô và giữ ở 37°c, người ta đặt 3 giọt lớn các huyết thanh test kháng A, kháng B và kháng AB. Cho thêm vào mỗi giọt huyết thanh đó một giọt nhỏ máu cần phải thử (máu cần định nhóm), rồi trộn lẫn bằng các động tác nhẹ nhàng lay động phiến kính. Sau 1-2 phút, nhận xét xem có ngưng kết hay không (ngưng kết thể hiện bởi những hạt nhỏ). Thử máu như vậy phải làm 2 lần với máu lấy ở hai lần khác nhau.
  • Xác minh kết quả định nhóm bằng cách tìm ngưng kết tố ở huyết thanh của người nhận: mới đầu hơ nóng huyết thanh người nhận lên tới 56°c trong 10 phút để làm bất hoạt bổ thể và ngăn ngừa tan máu làm ảnh hưởng tới test. Sau đó để huyết thanh tiếp xúc với các hồng cầu thử thuộc nhóm máu Al và B. Nếu kết quả xác định nhóm máu làm với hồng cầu test này mà không phù hợp với kết quả làm với huyết thanh test nói trên thì phải làm thêm các xét nghiệm khác trước khi truyền máu.
  • Thẻ ghi nhóm máu: được làm sau khi đã thực hiện thử nhóm máu như đã mô tả ở trên với hai loạt chất thử khác nhau và chỉ được quyết định chính thức nếu kết quả thử như nhau với hai lần lấy máu khác nhau.
  • Những nguyên nhân gây ra sai lệch kết quả định nhóm máu:

+ Giả ngưng kết do các tế bào hồng cầu xếp thành chuỗi: quan sát dưới kính hiển vi cho phép nhận ra sai lệch này, vốn hay xảy ra ở những trường hợp tăng hồng cầu huyết.

+ Ngưng kết với mọi huyết thanh: là trường hợp hồng cầu già, thường bị ngưng kết với mọi loại huyết thanh test.

+ Máu bị nhiễm khuẩn: khi máu bị nhiễm vi khuẩn thì mọi xét nghiệm thử nhóm máu đều không thể thực hiện được.

+ Trước khi truyền máu, bệnh nhân đã được truyền máu nhiều lần rồi, hoặc bệnh nhân nữ đã nhiều lần mang thai. Trong hai trường hợp này thì phải tìm những ngưng kết tố bất thường (kháng thể bất thường kháng hồng cầu) và những kháng thể chống lại kháng nguyên của các nhóm máu khác nữa (như yếu tố Rh, Kell, V..V…). Ví dụ nếu một người có nhóm máu O đã được truyền máu thuộc nhóm A, thì có thể phát sinh kháng thể bất thường kháng A khác với kháng thể kháng A tự nhiên.

  • Kiểm tra nhóm máu ABO ngay tại giường bệnh :được thực hiện bởi bác sỹ hoặc y tá truyền máu cho bệnh nhân. Test này chỉ nhằm kiểm tra hồng cầu, để xác định nhóm máu ABO của bệnh nhân và của máu truyền (lấy từ lọ máu định truyền cho bệnh nhân), và được thử với các huyết thanh test kháng A và kháng B. Đọc kết quả của test ngay và bằng mắt thường. Test này không thay thế được test đầy đủ thực hiện trong phòng xét nghiệm máu, nhưng nó vẫn có ích vì làm tăng độ an toàn cho cuộc truyền máu.

Hệ thống yếu tố Rhesus hoặc Rh

Hệ thống này, độc lập đối với hệ thống ABO, dựa trên nhận xét thấy rằng nếu tiêm cho thỏ máu của khỉ thuộc loài Rhesus (Macacus rhesus), thì sẽ làm xuất hiện trong huyết thanh của thỏ một kháng thể kháng Rhesus, kháng thể này không chỉ làm ngưng kết hồng cầu của khỉ mà còn hay làm ngưng kết cả hồng cầu của người.

Những người mà hồng cầu bị ngưng kết bởi huyết thanh (có kháng thể) kháng Rhesus là những người có yếu tố Rhesus, và được gọi là Rh+ (chiếm 85% dân số châu Âu), còn những người mà hồng cầu không bị ngưng kết bởi huyết thanh kháng Rhesus, thì gọi là Rh- (chiếm 15% dân số châu Âu, và tỷ lệ này ở miền Viễn Đông thấp hơn nhiều), những người này không có yếu tố Rhesus.

Một người Rh- sau khi đã được truyền máu Rh+, ngay cả từ nhiều năm về trước, vẫn có thể có hiệu giá kháng thể ngưng kết tố kháng Rhesus cao (trong huyết tương), do đó sẽ rất nguy hiểm nếu lại truyền cho người này máu Rh+ vào lần sau (nguy cơ tan huyết). Cũng tương tự như thế, những phụ nữ Rh- nếu mang thai Rh+, thì sau đó trong huyết tương của mẹ sẽ xuất hiện ngưng kết tố kháng Rhesus. Phải chú ý rằng hệ thống yếu tố Rhesus bao gồm một số lớn những kháng nguyên trong đó kháng nguyên D là quan trọng nhất.

Có thể nói được rằng một người là Rh+ khi người này có ngưng kết nguyên D, và một người là Rh: nếu trong máu không có kháng nguyên D.

Tuy nhiên, nếu người ta truyền cho một người là Rh- những hồng cầu D dương tính, thì trong máu người đó sẽ hình thành ngưng kết tố kháng D (và cũng được gọi là kháng Rhesus).

Những kháng nguyên chính của nhóm hệ thống nhóm máu Rh là: D (hoặc Rh°), c (hoặc Rh’), E (hoặc Rh”), d (hoặc Rh°), c (hoặc Rh’), e (hoặc Rh”); ba kháng nguyên kể sau này là những dạng allel (lặn) tương ứng của ba kháng nguyên nói tới trước, ngoài ra cũng còn một số lớn kháng nguyên khác nữa. Do đó, ngày nay trong những phòng xét nghiệm chuyên khoa cao, người ta có thể xác định cho mỗi đối tượng một “kiểu hình Rh” riêng.

XÁC ĐỊNH NHÓM MÁU Rh: để hồng cầu của người cần xác định nhóm Rh tiếp xúc với huyết thanh test kháng D. Việc xác định nhóm Rh “chuẩn” , tức là xác định một người có (Rh+) hoặc không có (Rh-) kháng nguyên D là bắt buộc đối với người cho máu và người nhận máu trong một cuộc truyền máu, vì kháng nguyên này có khả năng miễn dịch gây ra kháng thể bất thường (ngưng kết tố bất thường kháng D) khi truyền sai nhóm hoặc trong trường hợp phụ nữ có thai thuộc nhóm Rh không tương thích. Những người Rh- chỉ được nhận máu Rh- (trừ trường hợp cấp cứu). Những người Rh+ thì có thể nhận máu Rh+ hoặc Rh-. Ở nước Pháp, khoảng 85% dân số là Rh+ và họ có kháng nguyên D kiểu gen đồng hợp tử (DD) hoặc dị hợp tử (Dd).

Ngoài những hệ thống ABO và Rh, người ta còn biết có một số lớn những hệ thống khác nữa như: MNSs, p, Lewis, Lutheran, Kell, Duffy, Kidd, Diego, Colton, Scianna, v..v…Mặc dù chưa biết rõ hết các kháng nguyên và những kiểu phối hợp có thể.có là nhiều vô kể, nhưng người ta đã có thể xác định được tới một độ chính xác nhất định kiểu hình cho mỗi cá nhân, ứng dụng thực tế của những nghiên cứu này nằm trong lĩnh vực pháp y. Ngoài ra, khi dự định một chương trình truyền máu dài hạn, thì cũng cần xác định kiểu hình của bệnh nhân nhằm truyền cho họ nhóm máu tương hợp hoàn toàn (gọi là máu đã “định kiểu hình”).

Bệnh máu
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận