Xử trí cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Bệnh hô hấp

1. ĐẠI CƯƠNG

Đợt cấp  bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng thay đổi cấp tính của các biểu hiện lâm sàng: khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng và hoặc thay đổi màu sắc của đờm. Những biến đổi này đòi hỏi phải có thay đổi trong điều trị.

Căn nguyên đợt bùng phát:

Nhiễm trùng hô hấp: Haemophilus influenzae, phế cầu, Moraxella catarrhalis…

Ô nhiễm không khí (khói thuốc, tiếp xúc nghề nghiệp, ozone).

Nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân gây bùng phát thường gặp nhất. Khoảng 1/3 số trường hợp bùng phát không rõ căn nguyên.

2.  CHẨN ĐOÁN

Các triệu chứng của đợt cấp COPD

Bảng 8: Các triệu chứng của đợt cấp COPD

Bộ phận cơ thể Triệu chứng
Hô hấp Ho tăng

Khó thở tăng

Khạc đờm tăng và/ hoặc thay đổi màu sắc của đờm

Nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể thấy ran rít, ngáy

Các biểu hiện khác có thể có hoặc không tùy theo mức độ nặng của bệnh
Tim Nặng ngực Nhịp nhanh
Cơ, xương Giảm khả năng gắng sức
Tâm thần Rối loạn ý thức Trầm cảm

Mất ngủ Buồn ngủ

Toàn thân Mệt

Sốt, rét run

  • Các đánh giá ban đầu khi nghi có đợt cấp COPD

Tiến hành làm các xét nghiệm (nếu có thể): chụp X quang phổi, đo SpO2, đo PEF hoặc chức năng hô hấp…

Bảng 9: Giá trị chẩn đoán của các thăm dò trong đánh giá đợt cấp COPD

Thăm dò Có thể phát hiện
Tại nhà
Đo độ bão hòa oxy qua da Giảm oxy máu
Tại bệnh viện
Khí máu động mạch Tăng CO2 máu Giảm oxy máu

pH máu bình thường hoặc giảm

Chụp X quang phổi Phát hiện nguyên nhân gây đợt cấp
Công thức máu Thiếu máu, đa hồng cầu Tăng bạch cầu
Điện tim Nhịp nhanh

Thiếu máu cơ tim cục bộ

Sinh hóa máu Rối loạn điện giải

Tăng hoặc hạ đường huyết Các rối loạn chuyển hóa

Chẩn đoán xác định đợt cấp COPD

Tiêu chuẩn Anthonisen

  • Khó thở tăng.
  • Khạc đờm tăng.
  • Thay đổi màu sắc của đờm.

Đánh giá mức độ nặng của bệnh

Các yếu tố làm tăng mức độ nặng của đợt cấp COPD tại nhà

  • Rối loạn ý thức
  • Có ≥ 3 đợt cấp COPD trong năm trước
  • Chỉ số khối cơ thể ≤ 20.
  • Các triệu chứng nặng lên rõ hoặc có rối loạn dấu hiệu chức năng sống.
  • Bệnh mạn tính kèm theo (bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim xung huyết, viêm phổi, đái tháo đường, suy thận, suy gan).
  • Hoạt động thể lực kém.
  • Không có trợ giúp xã hội
  • Đã được chẩn đoán COPD mức độ nặng hoặc rất nặng
  • Đã có chỉ định thở oxy dài hạn tại nhà.

Bảng 10: Phân loại mức độ nặng của đợt cấp theo ATS/ERS sửa đổi

Mức độ nặng Mô tả
Nhẹ Có thể kiểm soát bằng việc tăng liều các thuốc điều trị hàng ngày
Trung bình Cần điều trị corticoid toàn thân hoặc kháng sinh
Nặng Cần nhập viện hoặc khám cấp cứu

3. ĐIỀU TRỊ ĐỢT CẤP COPD TẠI NHÀ

3.1. Hướng xử trí đợt cấp COPD

Xử trí cấp cứu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

3.2. Điều trị cụ thể

Tăng tối đa điều trị các thuốc giãn phế quản và corticoid dạng khí dung khi có đợt cấp COPD.

Thở oxy tại nhà

  • Áp dụng cho những trường hợp: áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân đã có sẵn hệ thống oxy tại nhà.
  • Thở oxy 1-3 lít/ phút, duy trì SpO2 ở mức 90-92%.

Thuốc giãn phế quản

  • Nguyên tắc sử dụng
    • Kết hợp nhiều nhóm thuốc giãn phế quản.
    • Tăng liều tối đa các thuốc giãn phế quản dạng khí dung và dạng uống.
  • Nhóm cường beta 2:
    • Salbutamol 5mg x 3 – 6 nang/ ngày (khí dung), hoặc terbutaline 5mg x 3-6 nang/ ngày (khí dung) hoặc salbutamol 100mcg x 2 nhát xịt/ mỗi 3 giờ.
    • Salbutamol 4mg x 4 viên/ ngày, uống chia 4 lần.
    • Terbutaline 2,5mg x 4 viên/ ngày, uống chia 4 lần.
    • Bambuterol 10mg x 1-2 viên (uống).
  • Nhóm kháng cholinergic:
    • Ipratropium nang 2,5ml x 3-6 nang/ ngày (khí dung), hoặc:
    • Tiotropium 18mcg x 1 viên/ ngày (hít).
  • Nhóm xanthin: Theophyllin 100mg: 10mg/kg/ ngày, uống chia 4 lần

Corticoid

  • Budesonide 0,5mg x 4 nang/ ngày, khí dung chia 4 lần dùng đơn thuần hoặc kết hợp một trong các thuốc sau:
    • Prednisolone 1-2mg/kg/ngày (uống buổi sáng).
    • Methylprednisolone 1mg/kg/ ngày (uống buổi sáng).

Dạng kết hợp:

  • Kết hợp kháng cholinergic và thuốc cường beta 2: Fenoterol/ Ipratropium x 6ml/ ngày, khí dung chia 3 lần hoặc Salbutamol/ Ipratropium nang 2,5ml x 3-6 nang/ ngày, khí dung chia 3 lần.
  • Kết hợp thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài và corticoid dạng hít:
    • Budesonide + Formoterol 160/4.5 x 4-8 liều hít/ ngày, chia 2 lần.
    • Fluticasone + Salmeterol 50/250 x 4-8 liều hít/ ngày, chia 2 lần.

Thuốc kháng sinh

  • Chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng rõ: ho khạc đờm nhiều, đờm đục (nhiễm khuẩn) hoặc có sốt và các triệu chứng nhiễm trùng khác kèm
  • Nên sử dụng một trong các thuốc sau, hoặc có thể kết hợp 2 thuốc thuộc 2 nhóm khác nhau:
    • Nhóm betalactam: Ampicillin/ amoxillin + kháng betalactamase: liều 3g/ ngày, chia 3 lần; hoặc dùng cefuroxim: liều 2g/ ngày, uống chia 4 lần; hoặc dùng: ampicillin/ amoxillin/ cephalexin: liều 3g/ ngày, chia 3 lần.
    • Levofloxacin 750mg/ ngày, moxifloxacin 400mg/ ngày, ciprofloxacin 1g/ ngày.

3.3.  Theo dõi và chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị

Các trường hợp đợt cấp COPD nhẹ thường được chỉ định điều trị tại nhà. Cần chỉ định nhập viện cho các bệnh nhân này khi có 1 hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Chỉ định nhập viện cho đợt cấp COPD

  1. Khó thở nặng
  2. Đã có chẩn đoán COPD nặng hoặc rất nặng
  3. Xuất hiện các dấu hiệu thực thể mới: tím môi, đầu chi, phù ngoại biên.
  4. Đợt cấp đã thất bại với các điều trị ban đầu
  5. Có bệnh mạn tính nặng kèm theo
  6. Cơn bùng phát thường xuyên xuất hiện
  7. Nhịp nhanh mới xuất hiện
  8. Tuổi cao
  9. Không có hỗ trợ từ gia đình.

Bệnh hô hấp
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận